'Lỗi bu lông nghiêm trọng, quá trình lắp ráp Grand i10 có vấn đề'

Theo kỹ sư Lê Văn Tạch, chi tiết bên trong động cơ đòi hỏi độ chính xác rất cao nên để xảy ra sai sót khi lắp bu lông là điều khó chấp nhận.

Hôm 10/10, Hyundai Thành Công (HTC) công bố thông tin triệu hồi 11.540 xe Grand i10 để thay bu lông bắt trục khuỷu. Thời gian triệu hồi bắt đầu từ ngày 10/10 đến hết ngày 31/12/2021.

Trên các hội nhóm người dùng xe Grand i10 và diễn đàn, nhiều người phản ánh về việc gặp lỗi này. Một số người tỏ ra khá hoang mang vì không biết lỗi có nặng không, ảnh hưởng ra sao đến xe.

Trước đó một năm, đã có một số khách hàng phàn nàn về lỗi bu lông bị gãy trong quá trình di chuyển, khiến pulley (puly) văng ra khỏi động cơ. "Nhiều khả năng hãng nhận thấy có một số xe bị lỗi rồi nên chủ động thay cho khách", anh Đạt, một người dùng Grand i10 chia sẻ với Zing.vn.

\'Lỗi nghiêm trọng, có nguy cơ phá hỏng động cơ\'

Pulley (puly) nằm ở đầu trục khuỷu nhằm dẫn động máy phát điện, máy nén hệ thống lạnh và máy bơm nước. Khi bộ phận này bị văng khỏi động cơ, nó sẽ kéo hỏng cả phần dây curoa. Người dùng gặp trường hợp này nên dừng xe sớm nhất có thể, nếu để lâu có thể gây ra hiện tượng bó máy vì hệ thống làm mát động cơ đã ngừng hoạt động.

"Theo tôi lỗi này khá nghiêm trọng về mặt kỹ thuật, vì pulley đầu trục khuỷu của Hyundai Grand i10 dẫn động các bộ phận quan trọng khác", ông Thanh Tâm, một kỹ sư ôtô nhận định.

loi bu long nghiem trong qua trinh lap rap grand i10 co van de
Bu lông bắt pulley trong động cơ Hyundai Grand i10 bị gãy. Ảnh: Phan Hậu.

"Nếu nó gãy khi đang vận hành thì ngoài việc 3 bộ phận kia không còn tiếp tục hoạt động và ảnh hưởng về lâu dài, thì trước mắt nó có thể làm pulley và dây curoa dẫn động văng ra trong khoang động cơ, ảnh hưởng thiết bị khác và gây hư hỏng trong khoang động cơ", ông cho biết thêm.

Trong khi đó, ông Lê Văn Tạch, cựu kỹ sư ôtô của Toyota Việt Nam đồng quan điểm rằng bu-lông bắt pulley đầu trục khuỷu rất quan trọng, trong việc đảm bảo động cơ hoạt động tốt, còn khi nó bị gãy thì có nguy cơ phá hỏng động cơ rất cao.

"Những chi tiết, bộ phận liên quan đến động cơ thường phải có quy trình sản xuất rất chặt chẽ. Việc siết bu lông cần thiết bị hiện đại, để đảm bảo rằng khi siết tới giá trị lực đó thì máy sẽ tự động ngắt. Họ sẽ dùng đến thiết bị súng máy, chứ không thể tự siết bằng tay được, nếu do công nhân siết thì có thể họ đã siết quá mạnh", ông Lê Văn Tạch giải thích.

loi bu long nghiem trong qua trinh lap rap grand i10 co van de
Hyundai Thành Công đang triệu hồi 11.540 xe Grand i10 tại Việt Nam.

\'Hyundai Thành Công có lỗ hổng về quá trình kiểm soát\'

Ông Thanh Tâm cho rằng quy trình lắp ráp của các hãng thì tất cả các vị trí lắp bu lông quan trọng đều phải được kiểm soát lực siết.

"Ở đây lỗi xảy ra là do siết quá lực thì tôi nghĩ Hyundai Thành Công có lỗ hổng về quá trình kiểm soát lắp ráp, đặc biệt là ở vị trí này", ông Thanh Tâm nói. "Nghĩa là hãng đã không kiểm soát tốt lực siết khi công nhân thực hiện công việc lắp ráp pulley".

loi bu long nghiem trong qua trinh lap rap grand i10 co van de
Một chiếc Hyundai Grand i10 khác bị dính lỗi. Ảnh: Dung Nguyen.

"Nếu họ công bố lỗi do siết quá lực thì tôi nghĩ chất lượng bu lông không có vấn đề, bởi bu lông có lực siết giới hạn được sản xuất theo tiêu chuẩn. Nên khi siết quá lực, trong điều kiện hoạt động nào đó nó sẽ gãy vì quá tải", ông Tâm cho biết.

"Tại sao nhà máy lắp ráp lại để hiện tượng đó xảy ra thì tôi thấy ngạc nhiên, chi tiết bên trong động cơ đòi hỏi độ chính xác rất cao thì thiết bị và quy trình làm việc đó rất chặt chẽ, thì tại sao lại để tình trạng quá lực xảy ra?", ông Lê Văn Tạch đặt câu hỏi.

Bình thường những thứ quan trọng, các nhà máy lắp ráp sẽ dùng những thiết bị hiện đại như sử dụng súng đặt giá trị lực. Và khi đạt được giá trị lực nó sẽ ngừng, và cho dây chuyền tiếp tục chạy, khi đó nó sẽ hiển thị lên bằng hình ảnh, âm thanh, còn nếu không đạt được thì nó sẽ có những tín hiệu báo động bằng màu đỏ hoặc còi.

"Một dây chuyền lắp ráp động cơ rất hiện đại, tuân thủ quy trình nghiêm ngặt, và để xảy ra lỗi đấy, chứng tỏ quy trình đó chưa tốt, hoặc vấn đề nằm ở thiết bị máy móc lắp ráp chưa đáp ứng được yêu cầu. Đó là điều rất khó để chấp nhận", ông Lê Văn Tạch khẳng định.

Trước đó, trả lời Zing.vn, đại diện Hyundai Thành Công cho biết "do sai sót trong khi lập quy trình công nghệ sản xuất cho công việc lắp pulley đầu trục khuỷu tại nhà máy Hyundai Thành Công. Lực siết bu lông đầu trục khuỷu lớn hơn giá trị tiêu chuẩn, dẫn đến với những xe sản xuất trong giai đoạn đó, công nhân tại công đoạn lắp pulley đã siết quá lực bu lông bắt pulley đầu trục khuỷu. Như vậy, lỗi này chỉ xảy ra ở Việt Nam".

Tính đến hết ngày 12/10, Hyundai đã phát hiện có 56 xe gặp lỗi kể trên. Những chiếc Grand i10 trong diện ảnh hưởng sử dụng động cơ 1.2 gồm cả sedan và hatchback.

Nói với Zing.vn, ông Trần Kỳ Hình - Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết triệu hồi xe là hoạt động của doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp gửi yêu cầu, Cục xem xét và phê duyệt hoạt động triệu hồi.

loi bu long nghiem trong qua trinh lap rap grand i10 co van de

Đã phát hiện 56 chiếc Grand i10 mắc lỗi bu-lông tại Việt Nam

Hyundai Thành Công đã phát hiện 56 chiếc Grand i10 mắc lỗi bu lông bắt puly đầu trục khuỷu trước khi đưa ra quyết định ...

loi bu long nghiem trong qua trinh lap rap grand i10 co van de

Hơn 11.500 chiếc Hyundai Grand i10 bị triệu hồi tại Việt Nam

Sau khi được Cục Đăng kiểm Việt Nam chấp thuận, Hyundai Thành Công công bố đợt triệu hồi 11.540 chiếc Grand i10 nhằm kiểm tra ...

https://news.zing.vn/loi-bu-long-nghiem-trong-qua-trinh-lap-rap-grand-i10-co-van-de-post885057.html

/ Zing