Loay hoay với hậu kiểm?

Những vụ thuốc giả, thuốc kém chất lượng gây sốc dư luận như thực phẩm chức năng (TPCN) Vinaca ung thư (dạng thuốc viên nén) làm từ bột than tre vừa phát hiện ở Hải Phòng, gây rúng động dư luận.

Khi thông tin với báo chí về vụ TPCN trị ung thư làm từ bột than tre, Giám đốc Sở Y tế Hải Phòng Phạm Thu Xanh khẳng định sở này "sẽ đồng bộ vào cuộc rà soát toàn bộ các cơ sở đã được cấp giấy phép công bố sản phẩm mỹ phẩm giống như Công ty Hồng An Phong trên toàn TP. Riêng cơ sở sản xuất bột than tre cung cấp cho Vinaca đã bị rút giấy phép".

Phải rút giấy phép chứ chẳng lẽ không, thưa bà Phạm Thu Xanh! Nhưng hẳn bà cũng phải thừa nhận là không biết việc doanh nghiệp được cấp phép đã đưa ra thị trường thứ sản phẩm được gọi là hỗ trợ điều trị ung thư nhưng thực ra là "giết người" chứ không phải cứu người? Mà mặt hàng này hẳn là không được đem bán như mớ rau mớ tép ở lề đường hay vỉa hè, mà phải đưa vào hệ thống nhà thuốc, cơ sở y tế chứ. Vụ việc cũng chỉ do cơ quan công an và lực lượng quản lý thị trường lật tẩy chứ đâu phải từ cơ quan cấp phép. Nói cách khác là phép cứ cấp nhưng thực tế người ta làm gì thì chịu.

Nhưng đấy không phải là chuyện riêng có ở Hải Phòng vì xét trên bình diện quốc gia thì TPCN giả, thuốc giả, thuốc kém chất lượng lâu nay đã là thảm trạng. Ngay như chuyện thuốc giả điều trị ung thư H-Capita do Công ty CP VN Pharma nhập lậu từng gây bàng hoàng dư luận cũng được nhiều chuyên gia về dược học khẳng định chỉ là một chuyện nhỏ thôi trong thảm trạng về mặt trái của công tác quản lý dược ở nước ta.

Thị trường dược phẩm Việt Nam hiện có khoảng 30.000 loại thuốc lưu hành và mỗi loại như thế còn có nhiều tên gọi, hàm lượng, quy cách đóng gói, nhà sản xuất khác nhau, vì thế mà không dễ để quản lý, kiểm soát tất cả các sản phẩm. Hằng năm, hệ thống các trung tâm kiểm nghiệm thuốc trong cả nước lấy khoảng 40.000 mẫu thuốc trên thị trường để giám sát chất lượng. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy qua việc thực hiện các biện pháp giám sát, kiểm tra chất lượng thuốc thì tỉ lệ thuốc giả ở Việt Nam hiện là dưới 0,2% và thuốc kém chất lượng khoảng 2%.

Nếu tỉ lệ nêu trên là chính xác thì thuốc giả, thuốc kém chất lượng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trên thị trường. Nhưng thực tế thì người bệnh khó để an tâm với chất lượng thuốc khi việc kiểm soát dược phẩm ở nước ta thực chất vẫn chỉ thiên về hậu kiểm. Chưa kể với quy định hiện hành, khi đưa thuốc lưu hành trên thị trường, cơ sở sản xuất/nhập khẩu phải tự giám sát và chịu trách nhiệm đối với thuốc do cơ sở mình sản xuất. Như vậy, thật khó để trông chờ vào việc nhà sản xuất sẽ "tự… tố cáo" mình trong trường hợp thuốc "có vấn đề" hoặc có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người sử dụng.

Người bệnh trước khi cực chẳng đã phải "vái tứ phương" thì hầu hết chỉ trông chờ vào toa thuốc từ các bệnh viện và hệ thống nhà thuốc do ngành y tế cấp phép. Nếu ngành y tế vẫn mãi loay hoay với việc hậu kiểm thì người bệnh hẳn sẽ vẫn khó thoát thân phận là cái túi hứng TPCN giả, thuốc giả, thuốc kém chất lượng.

loay hoay voi hau kiem Cục ATTP trả lời doanh nghiệp tự đặt tiêu chuẩn thực phẩm

Khi ý thức chấp hành pháp luật thấp lại chưa có lực lượng hậu kiểm hùng hậu, doanh nghiệp tự đặt tiêu chuẩn hàng hóa ...

Lương Duy Cường

/ https://nld.com.vn