Một thực tế đang diễn ra là không ít trường hợp có biểu hiện bị loạn thần kinh, trầm cảm, tâm thần phân liệt… do sử dụng mạng xã hội, facebook quá nhiều thời gian trong ngày. Nghiện mạng xã hội, facebook có thể lây nhiễm trên diện rộng và chưa có thuốc đặc trị.
Trong khi đó, mạng xã hội, facebook đang trở thành “món ăn” tinh thần không thể thiếu của mỗi người. Số người sử dụng mạng xã hội, facebook tăng lên từng ngày.
Ăn, ngủ cùng facebook rồi vào viện
Ngay ngày đầu năm 2018, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 tiếp nhận trường hợp nữ N.T.T.H (18 tuổi, Hà Nội) trong tình trạng có phản ứng dữ dội, đập phá đồ đạc, chống trả người xung quanh khi bị cách ly với mạng xã hội. Đặc biệt, bố mẹ nữ sinh này phải cưỡng chế, dùng thuốc mê để đưa con nhập viện.
Tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1, bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: sau khi khám các bác sĩ kết luận bệnh nhân có biểu hiện của trầm cảm.
Câu chuyện của H khiến nhiều người giật mình. H vốn là học sinh giỏi, đạt nhiều giải quốc gia, ngoan ngoãn, nghe lời bố mẹ. H là niềm tự hào của cả gia đình. Thế nhưng, thời gian gần đây H có biểu hiện bất thường chán ăn, mệt mỏi, không muốn trò chuyện với ai, sống khép mình, đặc biệt sức học giảm sút rõ rệt.
“Gia đình thấy H có biểu hiện bất thường nhưng không dám can thiệp trực tiếp mà âm thầm theo dõi. Một hành động rõ nhất được bố mẹ phát hiện là H suốt ngày chỉ ôm điện thoại, bạn rủ đi thăm thầy cô 20.11 cũng không đi, thậm chí đến bữa ăn cũng không xuống, nhiều hôm thức đến 2-3h sáng hoặc vào nhà vệ sinh tắt đèn chỉ để lướt mạng”, bố H chia sẻ.
Bố H kể tiếp: “Có lần tôi bất chợt đi làm về giữa buổi, thấy con gái còn trốn học ở nhà để ôm điện thoại. Khuyên bảo con không được, tôi và vợ quyết định cắt mạng internet. Ngay sau đó, cháu có những biểu hiện bất bình thường khiến chúng tôi không thể ngờ tới”.
Bố H cho biết, H phản ứng rất dữ dội, ban đầu đập phá đồ đạc trong nhà, sau chửi bới, thậm chí có hành động chống trả bố mẹ. Gia đình đã tìm mọi cách khuyên nhủ, thậm chí mời cả bác sĩ tâm lý về nhà nhưng H bất hợp tác. Từ khuyên nhủ đến căng thẳng không được, bố mẹ phải đánh thuốc mê để đưa con gái đến bệnh viện.
Ngay khi vào bệnh viện, H cũng không hợp tác với bác sĩ. H luôn cho rằng mình không có bệnh gì. Các bác sĩ quyết định áp dụng phác đồ điều trị trầm cảm. Tuy nhiên, hiện tại H vẫn chưa hợp tác nên ngoài dùng thuốc cần sự hỗ trợ, động viên tâm lý rất lớn từ gia đình.
Theo bác sĩ Tô Thanh Phương, ngày càng có nhiều trường hợp trầm cảm do nghiện mạng xã hội, facebook, game phải nhập viện. Từ tần suất thấp, dần dần người bệnh chỉ thích chơi duy nhất chiếc điện thoại, xa lánh thế giới bên ngoài.
Tại Viện Sức khoẻ tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội), TS Nguyễn Doãn Phương - Viện trưởng Viện Sức khoẻ tâm thần - chia sẻ, tại viện cũng tiếp nhận nhiều trường hợp nghiện mạng xã hội, facebook. Mới đây, Viện vừa điều trị cho một trường hợp 14 tuổi nghiện facebook nặng.
TS Nguyễn Doãn Phương nhớ lại: Cậu bé 14 tuổi được gia đình đưa vào viện trong tình trạng co giật. Bố mẹ bệnh nhân cho biết, con trai cứ đi học về là lao vào điện thoại, nằm trong phòng lướt facebook. Ngay cả lúc ăn hay đi vệ sinh cũng ôm điện thoại theo để nhắn tin, mỗi ngày hơn 10 tiếng. Thấy vậy, phụ huynh đã tịch thu điện thoại. Ngay sau đó, cháu bé thu hẹp lại và bắt đầu co giật.
“Khi khám, tôi phát hiện cháu bé còn bị hoang tưởng ảo giác. Cháu kể cứ vào chạng vạng tối, luôn có tiếng nói bên tai, lúc giọng đàn ông, lúc giọng phụ nữ thúc giục "mày phải chơi đi’”, TS Phương chia sẻ.
BS sau đó phải chỉ định dùng thuốc loạn thận, tình trạng ảo giác của bệnh nhi sau đó hết, thời gian sử dụng facebook giảm dần.
Bệnh khó chữa
Theo một thống kê chưa đầy đủ, Việt Nam đứng thứ 7 trong nhóm 10 quốc gia có số người dùng facebook lớn nhất thế giới. Số người dùng facebook ở Việt Nam là 64 triệu người, chiếm 3% trong tổng số tài khoản facebook đang hoạt động toàn cầu. Những người dùng facebook nhiều nhất rơi vào nhóm công dân trẻ, hơn một nửa số thuê bao facebook ở độ tuổi dưới 25. Hiện tại trên thế giới cũng chưa có mã bệnh về nghiện facebook nên không có thuốc điều trị đặc hiệu.
TS Nguyễn Doãn Phương cho biết, không chỉ ở nhóm học sinh, sinh viên mà bất kỳ ở độ tuổi, giới tính nào cũng có thể nghiện facebook. Nghiện facebook là dành thời gian quá nhiều cho việc sử dụng facebook, gây ảnh hưởng đến các hoạt động trong cuộc sống.
TS Nguyễn Doãn Phương chỉ ra: Nghiện facebook có nghĩa là dành quá nhiều thời gian cho việc sử dụng facebook. Điển hình, nó làm ảnh hưởng đến các hoạt động quan trọng trong cuộc sống như làm việc, học tập hoặc duy trì mối quan hệ thật với bạn bè, gia đình và những người xung quanh.
Tuy nhiên, hiện chưa có thuốc đặc trị hiệu quả nghiện facebook, các bệnh nhân chỉ có thể dùng thuốc khi có các bệnh đồng diễn hoặc hậu quả của nghiện facebook gây nên như mất ngủ, trầm cảm… Khi nghiện facebook, bệnh nhân có thể mất ngủ, thiếu các kỹ năng xã hội, giảm sút các mối quan hệ thật do sống “ảo”, hiệu suất công việc, học tập giảm; có thể dẫn đến sử dụng ma túy, chất kích thích…
Hiện cũng chưa có số đo lường cụ thể về mốc thời gian, tần suất sử dụng facebook của cộng đồng. Tuy nhiên khi có các dấu hiệu như sử dụng facebook hàng ngày, khi không có mạng để vào facebook hoặc bị ngăn cản, cấm vào facebook sẽ cảm thấy bồn chồn, khó chịu; vào facebook mọi lúc, mọi nơi kể cả khi đang làm việc, học tập; việc sử dụng facebook làm ảnh hưởng đến chất lượng công việc, học tập… thì đó là dấu hiệu của nghiện facebook. Đó là lúc chúng tôi cảnh báo bạn nên ngừng sử dụng facebook nếu không muốn gặp phải những hệ lụy lớn hơn…
Ngoài ra, người sử dụng facebook, cần đưa ra nguyên tắc để cắt việc sử dụng facebook nhất là vào đêm khuya và nếu làm được điều này, sẽ có 80% tỷ lệ khỏi bệnh nghiện; không sở hữu điện thoại hiện đại, máy tính, laptop (90% khỏi bệnh); đăng ký lớp tập thể dục (50% khỏi bệnh)…
Theo các chuyên gia y tế, sự nguy hiểm của việc nghiện facebook còn ảnh hưởng đặc biệt đến sức khỏe, hại dạ dày, hại mắt, bụng to, trĩ…; Đối với gia đình, gây ảnh hưởng không tốt trong quan hệ vợ chồng, bố mẹ với con cái, anh chị em…; Đối với xã hội, gây mất trật tự, xôn xao dư luận bằng việc thường xuyên lan truyền các thông tin trên facebook và gây xao lãng, giảm năng suất làm việc...
Khi bạn thường xuyên, rất thường xuyên có từ 4/6 những dấu hiệu sau trở lên thì có thể coi là nghiện facebook: - Bạn dành nhiều thời gian suy nghĩ về facebook hoặc lên kế hoạch sử dụng nó. - Bạn cảm thấy một sự thúc giục sử dụng facebook càng ngày càng nhiều - Bạn sử dụng facebook để quên đi các vấn đề cá nhân - Bạn đã cố gắng cắt giảm việc sử dụng facebook mà không thành công - Bạn trở nên bồn chồn hoặc gặp rắc rối nếu bạn bị cấm sử dụng facebook - Bạn sử dụng facebook rất nhiều đến nỗi mà nó đã có một tác động tiêu cực để công việc, học tập của bản thân. |
Mệt mỏi vì "sống ảo", hot girl 17 tuổi lộ mặt thật khiến dân tình sốc nặng
Chủ động để lộ mặt mộc, hot girl 17 tuổi người Mỹ chấp nhận nhiều phản ứng trái chiều từ người hâm mộ. |
Nhóm thanh niên cầm kiếm chặn ôtô xin tiền: Hậu quả từ việc \'sống ảo\'
Nhiều độc giả cho rằng hành động livestream cầm kiếm chặn ôtô, xin tiền, phát ngôn thách thức cộng đồng của nhóm thanh niên Phú ... |