Vụ việc lùm xùm của giảng viên Trường Cao đẳng nghệ thuật Hà Nội Nguyễn Hồng Nhung – vợ nghệ sĩ hài Xuân Bắc – đang được quan tâm, nhưng cũng khiến nhiều người thở ra ngao ngán.
Câu chuyện ngắn gọn lại như sau: chị Hồng Nhung thấy mình không có tên trong danh sách hội đồng chấm thi tốt nghiệp của trường. Sau vài lần gửi đơn kiến nghị lên Ban giám hiệu không được, chị livestream khóc và cho rằng mình bị chèn ép, và chỉ đích danh NSND Anh Tú, hiện là Phó GĐ Nhà hát kịch Việt Nam – cộng tác viên của trường – can thiệp khiến Ban giám hiệu gạt chị ra khỏi danh sách. Câu chuyện lẽ ra có thể giải quyết trong phạm vi nhà trường, theo luật viên chức và minh bạch thông tin, và quan hệ của mấy cá nhân với nhau; giờ đã trở thành câu chuyện trên mạng, và được diễn giải theo nhiều cách, kéo thêm những người khác tham gia.
Chị Hồng Nhung - vợ nghệ sĩ Xuân Bắc. Ảnh: Infonet |
Người cho rằng chị Hồng Nhung làm trò lố, thổi phồng chuyện nhỏ thành to; người cho rằng cả nghệ sĩ Xuân Bắc và nghệ sĩ Anh Tú đều đang giữ cương vị Phó giám đốc Nhà hát kịch VN, đều đang là ứng viên tiềm năng cho cương vị giám đốc; và màn livestream này là một “kịch bản” hạ bệ NS Anh Tú; người lại thông cảm chia sẻ với Hồng Nhung… Thực hư là như thế nào, chỉ người trong cuộc hiểu rõ nhất. Nhưng có một điều chắc chắn, sau vụ việc này, quan hệ/tình cảm giữa những người nghệ sĩ đã sứt mẻ đi phần nào. Từ khi Facebook cho thêm nút Livestream, cộng đồng có thêm nhiều cơ hội để được nhìn thấy và tương tác trực tiếp với nhau, và với những người mà họ ngưỡng mộ. Đồng thời chia sẻ cả những khuất trong đời sống của họ. Những chia sẻ này mang đến cả hiệu ứng tích cực lẫn tiêu cực. Nếu trước kia những nghệ sĩ thường chia sẻ thông tin cá nhân hoặc quan điểm qua các nhà báo hoặc nhà quản lý, thì giờ họ trực tiếp chia sẻ với công chúng. Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã khiến người hâm mộ của anh và xã hội ngỡ ngàng khi livestream tình cảnh khó khăn của gia đình; về người mẹ nợ nần chồng chất để anh phải gánh nợ nhiều năm, mong cộng đồng hiểu, chia sẻ và không cho mẹ anh vay tiền nữa. Tâm sự của Đàm Vĩnh Hưng khiến nhiều người bất ngờ và số người phê phán anh cũng tương đương lượng người thông cảm với anh. “Học hỏi” Đàm Vĩnh Hưng, nhiều nghệ sĩ khác cũng sử dụng công cụ mạng này để giải quyết vấn đề cá nhân, gần đây nhất là ca sĩ Đông Hùng, cũng gặp tình cảnh tương tự như Đàm Vĩnh Hưng. Nhiều bạn bè đồng nghiệp đã lên tiếng cùng giúp đỡ Đông Hùng trong khả năng có thể. Nghệ sĩ Chu Hùng cũng gây ấn tượng mạnh khi rơi nước mắt livestream về hoàn cảnh sống thiếu thốn, nhà bị cắt nước trong nhiều năm. Livestream của anh được cả triệu người theo dõi, và hiệu quả gần như tức thì: ngày hôm sau gia đình anh được cấp nước trở lại. Có thể nói, mạng xã hội hiện nay đang tạo ra một quyền lực đặc biệt. Ở mặt tốt, nó thúc đẩy phá dỡ sự ì ạch của các thủ tục hành chính, đồng thời cho phép mọi người tiếp cận nhau và tiếp cận sự việc trực tiếp/đa chiều hơn; nhưng mặt khác, quyền lực này cũng đang có dấu hiệu bị lạm dụng, gây nhiễu loạn và thổi phồng những việc không đáng có. Công chúng sẽ thở dài ngao ngán: giờ đã đến lúc chúng ta dùng cách làm rùm beng mọi việc, tung hê mọi thứ ra nơi công cộng; sử dụng phương tiện xã hội để đấu tố hạ bệ nhau, thay vì vun đắp xây dựng quan hệ đồng nghiệp, quan hệ con người và con người; sử dụng “ngón đòn” thay cho các kỹ năng giao tiếp đàm phán ư? Vậy thì không chỉ quan hệ giữa nhóm nghệ sĩ, mà giữa cả cộng đồng, sẽ thế nào? Phải chăng sắp tới chúng ta không cần luật lệ nguyên tắc gì trong đấu tranh hay đàm phán công việc, cứ lên mạng bóc mẽ đấu tố nhau là giải quyết được hết?
Từ những vụ việc đang ầm ĩ gần đây có thể rút ra rằng, sử dụng mạng xã hội rất cần văn hóa và trách nhiệm. Bất cứ điều gì chưa đâu vào đâu đã được tung rùm beng lên mạng sẽ nhanh chóng bị bóc mẽ hoặc làm phức tạp thêm vấn đề.
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/livestream-va-nuoc-mat-398799.html