Trong danh sách hàng chục khoản thu gây xôn xao đầu năm học mới, có không ít những khoản thu vô lý núp dưới danh nghĩa tự nguyện, xã hội hóa. Khi bị phanh phui về việc lạm thu, rất nhiều trường đã đem ban đại diện cha mẹ học sinh ra làm... lá chắn.
Trường vô can?
Mới đây, nhiều phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, TP.Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đã chia sẻ trên mạng xã hội danh sách các khoản thu dự kiến của một lớp 1 với mức 16.738.000 đồng/học sinh. Ngoài học phí, tiền ăn, bán trú, tiền học thêm, bảo hiểm, còn có thêm học tiếng Anh tăng cường... Số tiền khổng lồ đã gây “bão” trên mạng xã hội.
Lý giải về số tiền “khủng” này, ông Nguyễn Hoàng Thanh – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Chu Văn An khẳng định: “Trường không thu bất cứ khoản phí nào bắt buộc mà do phụ huynh tự nguyện đóng để con em học thêm Anh văn, ở bán trú”. Ông Nguyễn Văn Ngợi - Trưởng phòng GDĐT TP.Cao Lãnh sau khi xác minh thông tin cũng cho biết, các khoản thu tự nguyện làm cho mức thu lên đến 16 triệu đồng không phải do trường đề xuất, mà do trưởng đại diện cha mẹ học sinh đưa ra. Ông Ngợi cũng làm rõ, ngoài tiền bán trú (suất ăn 36.500 đồng/ngày), tiền học tiếng Anh, học tăng cường buổi chiều trường không chủ trương thu 1 lần 9 tháng mà thu theo từng tháng. Do đó, mức thu thực tế không đến 16 triệu đồng. “Phòng đã yêu cầu chấn chỉnh, lãnh đạo trường phải rút kinh nghiệm qua. Đối với các phụ huynh có nhu cầu trang bị thiết bị như tivi, nếu phụ huynh vận động được nhà tài trợ thì lắp đặt; không được bắt từng phụ huynh phải đóng góp” – ông Ngợi nói.
Các khoản thu tự nguyện do Ban đại diện cha mẹ học sinh đứng ra thu gây nhiều bức xúc cho không ít phụ huynh. (ảnh minh họa). ảnh:Tùng Anh
Không chỉ ở Trường Tiểu học Chu Văn An, rất nhiều vụ việc bức xúc liên quan đến lạm thu đều bị “đổ thừa” cho ban đại diện cha mẹ học sinh, hội phụ huynh làm... đầu trò. Trước đó, tại Trường THPT Ba Đình (huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa), mỗi học sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2017 phải đóng 200.000 đồng tiền phí. Khi vụ việc này bị phản ánh, lãnh đạo trường này đã lên tiếng khẳng định rằng, trường không chỉ đạo thu và không đứng ra thu. Tất cả là do Hội phụ huynh của trường tự thu.
Chị Trần Thu An – phụ huynh có hai con học tiểu học tại Mê Linh (Hà Nội) cho biết, lẽ ra ban đại diện cha mẹ học sinh phải là người được phụ huynh bầu lên, bảo vệ quyền lợi cho phụ huynh. Tuy nhiên, ở nhiều trường, ban này lại biến tướng thành “cánh tay nối dài” của trường trong việc thu các khoản tự nguyện: “Hội trưởng hội phụ huynh lớp con tôi do cô giáo chủ nhiệm ấn định, là người luôn ủng hộ các khoản thu xã hội hóa do trường đề ra. Chị ấy cũng là người có điều kiện, nên cũng thường rất “mạnh tay” đưa ra các khoản quỹ. Việc chi quỹ cũng thế, năm nào quỹ cũng tiền chục triệu nhưng cuối năm chẳng còn sót 1 đồng nào” – chị An bức xúc.
Không cần có ban đại diện cha mẹ học sinh
Không nên có ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, ban này hiện tại nhiều nơi đang bị biến tướng, không làm đúng chức năng của mình, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của trường trong việc vận động phụ huynh để thu các khoản xã hội hóa”. TS Vũ Thu Hương |
Nói về vấn đề này, TS Vũ Thu Hương – giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, Hội phụ huynh hay Ban đại diện cha mẹ học sinh là không cần thiết, nên xóa bỏ ban này.
Theo bà Hương, có 3 vấn đề làm cho vấn đề thu chi đầu năm năm nào cũng thành nhức nhối đó là: Mức thu, các loại quỹ và chức năng của ban đại điện cha mẹ học sinh. Về mức thu, theo bà Hương, việc các trường đang thực hiện thu “một cục” vào đầu năm học khiến tổng các khoản thu rất lớn làm cho phụ huynh “không kịp trở tay”, nếu gia đình có 2 – 3 con đi học thì rất nặng gánh. Nếu thu đúng thì các khoản thu tốt nhất nên chia nhỏ, thu lẻ tẻ trong năm học để giảm áp lực cho phụ huynh.
Về các loại quỹ, bà Hương cho rằng, cần xem xét lại các loại quỹ trường, quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp. Nếu là quỹ hội phụ huynh, giáo viên cần đề xuất với phụ huynh tự bàn bạc và thu ngoài trường học không được bàn và thu ngay trong cuộc họp phụ huynh khiến bố mẹ hiểu nhầm là đây là khoản thu của trường.
“Vấn đề cuối cùng là không nên có ban đại diện Hội cha mẹ học sinh, ban này hiện tại nhiều nơi đang bị biến tướng, không làm đúng chức năng của mình, thậm chí trở thành “cánh tay nối dài” của trường trong việc vận động phụ huynh để thu các khoản xã hội hóa. Nếu không có ban đại diện này, phụ huynh sẽ có trách nhiệm hơn trong việc kết nối với trường, quan tâm đến các hoạt động của lớp con – thứ mà mỗi bậc cha mẹ cần làm chứ không phải thông qua một ban đại diện” – bà Hương nói.
Trong khi đó, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, vấn đề các khoản thu thỏa thuận nếu phụ huynh không biết lên tiếng tự bảo vệ “hầu bao” của mình thì mãi mãi chịu vòng luẩn quẩn: Câm nín đóng tiền rồi về nhà bức xúc kêu than. Nhất là đối với ban đại điện cha mẹ học sinh, cần làm rõ ban này có trách nhiệm, nghĩa vụ gì, nếu chỉ để thu tiền thì không cần thiết.
Ngoài ra, ông Nhĩ cũng cho rằng, để triệt để tránh lạm thu, cần minh bạch vấn đề thu – chi của các trường: “Hiện nay, khoản đóng góp phụ huynh chưa hài lòng vì không minh bạch, người ta không biết tại sao thu khoản này không thu khoản kia, tại sao khoản này ở nơi này thấp, nơi kia cao? Khi có minh bạch, đối chiếu những trường thu sai là vi phạm quy định quản lý nhà nước, theo đó sẽ có những hình thức phạt nhất định tùy theo hình thức vi phạm. Ai vi phạm thì cần có mức độ kỷ luật để răn đe. Việc chỉ đạo xử phạt vi phạm phải nghiêm minh, không đánh trống bỏ dùi” – ông Nhĩ nói. /.
http://danviet.vn/tin-tuc/lam-thu-do-chinh-phu-huynh-805335.html
Lạm thu ngày càng tinh vi
Trước khi bước vào năm học mới, các cấp quản lý giáo dục đều ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan tới công ... |
Lạm thu: "Cần mạnh dạn xử lý nghiêm người đứng đầu"
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho rằng địa phương cần mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người ... |
Thu tiền xây dựng trường, trông xe, tưới cây có đúng quy định?
Quy định của Bộ GD&ĐT nêu rõ những khoản nhà trường được thu sau khi thỏa thuận với đại diện cha mẹ học sinh nhằm ... |