Trước khi bước vào năm học mới, các cấp quản lý giáo dục đều ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan tới công tác thu chi, thậm chí còn tổ chức kiểm tra nhưng cứ đến hẹn lại lên, đầu năm vẫn nóng chuyện lạm thu.
Chuyện có những học sinh lớp 1 phải đóng tiền đầu năm hơn 10 triệu đồng, trong đó có nhiều khoản không nằm trong danh mục các khoản thu được các UBND tỉnh/thành quy định, ngày càng trở nên phổ biến, cho dù các cấp quản lý đã ban hành các văn bản chỉ đạo về công tác thu chi.
Thu đúng “quy trình” !
Mới đây, theo đơn phản ánh gửi tới các cơ quan chức năng của bà Bùi Thị Quý, nhân viên Trường tiểu học Đặng Cương, H.An Dương, TP.Hải Phòng, đầu năm học 2017 - 2018, bà Lê Thị Thu Thủy, Hiệu trưởng nhà trường, chỉ đạo giáo viên các lớp thu các khoản thu sau: tiền học tiếng Anh 2 triệu đồng/học sinh (HS)/năm; kỹ năng sống 1 triệu đồng/HS/năm; trải nghiệm + chuyên đề 1,2 triệu đồng/HS/năm; quỹ hội cha mẹ HS 500.000 đồng/HS/học kỳ; tạp phí 500.000 đồng/HS/năm học; tin nhắn điện tử 80.000 đồng/HS/năm học. Riêng khối lớp 1 phải nộp thêm các khoản như hồ sơ nhập học 100.000 đồng; ủng hộ cơ sở vật chất + câu lạc bộ hè 2.650.000 đồng; sách giáo khoa lớp 1.805.000 đồng; đồng phục 400.000 đồng... Tổng cộng là 10.131.000 đồng/HS chia làm 3 đợt thu.
Bà Quý viết trong đơn: “Các khoản thu này do hiệu trưởng nhà trường tự ý thu, tự ý giữ quỹ, không nộp vào tài khoản kho bạc, không báo cáo với cơ quan tài chính cũng như HĐND, UBND xã Đặng Cương trước khi vận động thu khoản này”.
Theo yêu cầu của UBND H.An Dương, Phòng GD-ĐT An Dương đã thẩm tra xác minh và xác nhận các khoản thu mà bà Quý phản ánh là có thật, hầu hết các khoản thu là sai quy định. Chẳng hạn, tiền học tiếng Anh và kỹ năng sống thu chưa đúng vì hiện nay các trung tâm tiếng Anh và kỹ năng sống chưa được Sở GD-ĐT Hải Phòng cấp phép, chưa báo cáo qua Phòng GD-ĐT, chưa trình UBND huyện, nhà trường tự ý triển khai. Hoặc cũng chưa có văn bản nào cho phép nhà trường thu hồ sơ nhập học với học sinh lớp 1...
Không ép buộc các khoản thu tự nguyện? Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin HS lớp 1 Trường tiểu học Chu Văn An (TP.Cao Lãnh, Đồng Tháp) phải đóng các khoản thu đầu năm học 2017 - 2018 hơn 16 triệu đồng. Ngày 14.9, trao đổi với PV Thanh Niên, ông Nguyễn Hoàng Thanh, Hiệu trưởng, khẳng định trường tổ chức các hoạt động dạy và học theo tinh thần tự nguyện của phụ huynh HS. Ông Thanh cho biết các ý kiến mà dư luận, báo chí phản ánh về các khoản thu HS lớp 1 trên 16 triệu đồng/HS đầu năm học sẽ được ông trả lời tại buổi họp báo do UBND TP.Cao Lãnh tổ chức vào ngày 15.9. Thanh Dũng |
Ở Hà Nội, Trường tiểu học Uy Nỗ, H.Đông Anh tự ý thu sai, bị phụ huynh làm đơn thư khiếu nại, cũng vừa bị UBND huyện “tuýt còi”.
Trước đó, lãnh đạo UBND H.Thủy Nguyên, TP.Hải Phòng đã có quyết định tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng Trường THCS Minh Tân do liên quan đến tình trạng lạm thu với tổng số tiền thu đầu năm hơn 9 triệu đồng, trong đó có các khoản học thêm, học thêm nhóm.
Vài ngày qua, xã hội càng xôn xao khi tại một trường tiểu học ở TP.Cao Lãnh (Đồng Tháp), HS phải đóng các khoản thu đầu năm học 2017 - 2018 hơn 16 triệu đồng!
Những trường hợp trên là rất ít trong rất nhiều vụ lạm thu ở khắp các địa phương trong cả nước bị người dân phản ánh. Theo nhiều phụ huynh, hiện nay việc thu góp của các trường rất “tinh vi”, được thực hiện khá bài bản, đúng “quy trình” với nhiều lý lẽ nghe chừng hợp lý để biện minh cho các khoản thu, nên họ chỉ việc bấm bụng mà chi.
Ông Lưu Luyến, Trưởng phòng GD-ĐT H.Phú Xuyên (Hà Nội), cho rằng việc kêu gọi “xã hội hóa” là không thể tránh khỏi. Ông Luyến phân tích: “Chẳng hạn ban đại diện cha mẹ HS định thu góp để hỗ trợ nhà trường thì nhà trường phải có ý kiến để ban đại diện phải làm đúng quy trình. Trước hết là phải thống nhất chủ trương. Ví dụ sân chơi, bãi tập cho các cháu còn khó khăn, năm nay sẽ nâng cấp sửa chữa. Thống nhất chủ trương xong thì đưa ra hội đồng trường, rồi hội đồng trường thống nhất kế hoạch, sau đó báo cáo các cấp, được phê duyệt rồi thì mới triển khai”.
Sao cứ “đến hẹn lại lên”?
Hằng năm, trước khi bước vào năm học mới, các cấp quản lý giáo dục đều ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan tới công tác thu chi, thậm chí còn tổ chức đi kiểm tra nhưng cứ đến hẹn lại lên, đầu năm vẫn nóng chuyện lạm thu. Ông Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Sở GD-ĐT Hải Phòng, nói: “Sở đã có hướng dẫn từ ngày 11.8, vào năm học cũng làm việc với các quận huyện, có văn bản chỉ đạo tiếp tục kiểm tra rà soát làm rõ trách nhiệm, mức độ. Đồng thời Sở tổ chức 2 đoàn đi kiểm tra, từ nay đến 30.9”.
Thế nhưng vẫn có các trường không do Sở trực tiếp quản lý như mầm non, tiểu học, THCS vi phạm. Ông Trường chia sẻ: “Chúng tôi cũng không can thiệp được nhiều, vì UBND thành phố trực tiếp giao cho các quận huyện xem xét, xử lý các trường hợp cụ thể. Theo phân cấp thì các quận huyện sẽ trực tiếp chỉ đạo, kiểm tra, giám sát. Nên chống lạm thu thế nào cho triệt để là khó”.
Theo ông Lưu Luyến, muốn chống triệt để lạm thu thì chỉ còn cách ngân sách nhà nước phải đầu tư cho sự nghiệp GD-ĐT nhiều hơn nữa. “Người ta không đủ điều kiện thì phải xã hội hóa. Việc lạm thu là do xã hội mong muốn đòi hỏi ở giáo dục rất nhiều, nhưng đầu tư cho giáo dục chưa được nhiều lắm, chưa đáp ứng được hết. Ví dụ như huyện tôi năm nay riêng sửa chữa trường lớp có hơn 10 tỉ, trong khi nhu cầu thực tế cần gấp 3 - 4 lần”.
Ông Hoàng Cơ Chính, Chánh thanh tra Sở GD-ĐT Hà Nội, thì cho rằng một trong những nguyên nhân khiến các công cụ chống lạm thu của nhà nước chưa hiệu quả là hệ thống văn bản thì nhiều nhưng nội dung lại chưa rõ ràng, khiến người đọc hiểu không thống nhất hoặc quy định không sát với thực tế.
Ý kiến Hiệu trưởng phải biết “liệu cơm gắp mắm” Nhu cầu tiền đầu tư cho các cơ sở rất khó nói thế nào là đủ. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo nhà trường có khả năng quản lý tài chính, minh bạch trong chi tiêu, thì sẽ không chỉ thu chi đúng quy định mà còn có thể tiết kiệm "liệu cơm gắp mắm" trong chi tiêu; đồng thời huy động các nguồn tài trợ khác từ doanh nghiệp, cựu học sinh thành đạt thì sẽ tạo ra nguồn tài chính để đầu tư cho trường mà không phải lấy nhiều từ túi phụ huynh học sinh. Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên chuyên viên cao cấp, Bộ GD-ĐT) Lương quá thấp buộc giáo viên phải xoay xở Thực tiễn cho thấy, lạm thu chủ yếu xảy ra ở khối các trường công lập. Ở các trường tư thục hiện nay, mọi khoản thu chi đều được minh bạch, lương của giáo viên hợp lý thì họ không thể và không dám làm những chuyện tiêu cực nữa nên không có lạm thu. Lương giáo viên trường công như hiện nay thì không sống được, đương nhiên họ sẽ tìm cách xoay xở các nguồn khác. Vì vậy, để giải quyết tình trạng lạm thu trong giáo dục phổ thông, về lâu dài, cần phải đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, làm thế nào để khối các trường ngoài công lập ngày càng chiếm tỷ lệ cao. PGS-TS Nguyễn Văn Áng (nguyên Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT) Nhà trường có thể vay tiền của phụ huynh để đầu tư Để đảm bảo vẫn có các dịch vụ, tiện nghi cho HS trong trường mà không làm ảnh hưởng tới túi tiền của phụ huynh thì các trường có thể nghiên cứu phương án vay tiền của phụ huynh để đầu tư cho các hạng mục này, đến khi HS học xong, ra trường thì khoản tiền này có thể trả lại cho phụ huynh. GS Nguyễn Minh Thuyết (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) Cái gốc nằm ở sự minh bạch Nguồn gốc của những bức xúc lạm thu chủ yếu liên quan tới những khoản thu xã hội hóa tại các trường không theo đúng các quy định, quy trình đặc biệt là không minh bạch. Để giải quyết vấn đề này thì các trường khi thực hiện thu các khoản xã hội hóa phải làm cho phụ huynh hiểu được họ đóng tiền cho cái gì, đóng thế nào và đóng với mục đích gì. Cái gốc chính là chỗ đó. Nguyễn Văn Phê (Giám đốc Sở GD-ĐT Hưng Yên) |
http://thanhnien.vn/giao-duc/lam-thu-ngay-cang-tinh-vi-875753.html
Lạm thu: "Cần mạnh dạn xử lý nghiêm người đứng đầu"
Ông Trần Tú Khánh, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho rằng địa phương cần mạnh dạn kỷ luật nghiêm những người ... |
Thu tiền xây dựng trường, trông xe, tưới cây có đúng quy định?
Quy định của Bộ GD&ĐT nêu rõ những khoản nhà trường được thu sau khi thỏa thuận với đại diện cha mẹ học sinh nhằm ... |
Quái thai của xã hội hóa giáo dục là lạm thu
Rõ ràng sự biến tướng của quá trình “xã hội hóa” giáo dục kéo theo hệ lụy là dồn gánh nặng tài chính lên vai ... |