Việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, cùng đề xuất nâng tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên 20 - 22% đang khiến các doanh nghiệp kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ giảm trong thời gian tới.
Lãi suất cho vay đang được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ giảm khi nguồn cung tiền từ ngân hàng đang dồi dào |
Từ giữa tháng 7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố giảm 0,25%/năm đối với các lãi suất (LS) điều hành chủ chốt. Đây là động thái nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng (NH) giảm LS cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp (DN). Mới đây, đề nghị của Thủ tướng Chính phủ đưa tỷ lệ tăng trưởng tín dụng lên mức 20 - 22% sẽ giúp nền kinh tế từ nay đến cuối năm có thêm từ 100.000 tỉ đồng - 200.000 tỉ đồng từ hệ thống NH. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, khi nguồn cung tiền gia tăng thì khả năng giảm LS cho vay sẽ cao và dòng vốn cũng chảy mạnh hơn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các ngành công nghiệp chế biến.
"Tôi hy vọng lãi suất trong thời gian tới sẽ được giảm khoảng 1% cho các kỳ hạn để doanh nghiệp như chúng tôi mạnh dạn vay đầu tư nhiều hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi các doanh nghiệp đa số đều sử dụng vốn vay khá nhiều nên việc trả lãi luôn là gánh nặng lớn và nếu chi phí này được giảm thì doanh nghiệp sẽ hoạt động dễ “thở” hơn". Ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn |
Ở góc độ DN, ông Cao Tiến Vị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần giấy Sài Gòn, cho biết hiện LS mà DN bình thường không thuộc các lĩnh vực ưu tiên đang vay là 7%/năm cho kỳ hạn ngắn. Đối với khoản vay trung hạn LS đang áp dụng là 10,5 - 11%/năm. Với tình hình lạm phát vẫn được duy trì ở mức thấp, cùng động thái của NHNN và Chính phủ, ông Vị đang kỳ vọng LS cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm để các DN mạnh dạn vay đầu tư, mở rộng sản xuất; đặc biệt là các DN sản xuất trong các ngành công nghiệp luôn cần vay vốn trung dài hạn để đầu tư đổi mới trang thiết bị. “Tôi hy vọng LS trong thời gian tới sẽ được giảm khoảng 1% cho các kỳ hạn để DN như chúng tôi mạnh dạn vay đầu tư nhiều hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh. Bởi các DN đa số đều sử dụng vốn vay khá nhiều nên việc trả lãi luôn là gánh nặng lớn và nếu chi phí này được giảm thì DN sẽ hoạt động dễ “thở” hơn”, ông Cao Tiến Vị chia sẻ.
Phụ thuộc vào LS huy động
Sức ép của lãi vay NH đối với DN rất lớn nên việc kỳ vọng giảm LS cho vay là điều dễ hiểu. Theo phân tích của một chuyên gia tài chính tại TP.HCM, với lạm phát ở mức thấp, nguồn cung tiền khá dồi dào, việc NHNN giảm LS điều hành 0,25%/năm sẽ giúp các NH giảm chi phí đầu vào, nhất là việc giảm LS tái chiết khấu sẽ giúp các NH đem trái phiếu đặc biệt đi vay tái cấp vốn có LS mềm hơn... Tuy nhiên, theo TS Bùi Quang Tín, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, LS cho vay trong thời gian tới có giảm được hay không lại phụ thuộc nhiều vào điều kiện của từng tổ chức tín dụng. Trong đó, quan trọng nhất là cân đối LS huy động đầu vào của các NH. “Hiện nay, trần LS cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên đang ở mức 6,5%/năm thì có thể không thay đổi nhiều. Tương tự, mức LS ưu đãi cũng có thể đã được các NH áp dụng cho DN có lịch sử tín dụng tốt, tình hình hoạt động ổn định… Như vậy, chỉ còn lại LS bình thường cho các DN vừa và nhỏ, các DN không thuộc những dạng ưu tiên trên vẫn còn ở mức cao. Nhưng hiện nay, LS huy động của nhiều NH hầu như khó giảm vì sự cạnh tranh giữ khách hàng, giữ thị phần trong hệ thống này đang khá căng thẳng”, ông Tín phân tích.
Cũng theo TS Bùi Quang Tín, thực tế có nhiều NH dù đang ứ tiền nhưng vẫn không dám hạ LS huy động vì lo sợ khách hàng sẽ chạy sang NH khác. “Họ chỉ xin mở room tăng tỷ lệ cho vay để giải phóng nguồn tiền dư nhiều. Khi đó NH cũng sẽ xem xét chọn lọc đối tượng cho vay và chỉ giảm LS cho một số khách hàng đáp ứng được các điều kiện của NH đưa ra. Vì vậy, khả năng giảm mạnh LS huy động phổ biến như kỳ vọng chung vẫn còn bỏ ngỏ”, TS Tín nói.