Kính gửi bộ GD&ĐT đề văn từ bộ Y tế

Nếu có một câu hỏi đủ khó trong đề thi tốt nghiệp môn Văn kỳ thi THPT Quốc gia năm tới, thì câu hỏi ấy rất có thể sẽ là: “Em chồng có phải là người thân hay không?

kinh gui bo gddt de van tu bo y te Thay đổi tuyển sinh đại học 2018: Mỗi năm một kiểu
kinh gui bo gddt de van tu bo y te Thoi thóp vì cạn thí sinh

Câu hỏi này đáp ứng được hai yêu cầu của một đề thi Văn thông thường. Thứ nhất, đó là một vấn đề thời sự, rất phù hợp với kiểu bài nghị luận xã hội. Thứ hai, nó đủ khó và chứa đủ nhiều góc cạnh để phân tích.

Chịu khó đọc báo những ngày này, các em có thể thấy điều đó qua vụ lùm xùm ở bộ Y tế. Số là, khi được hỏi về việc có người nhà làm trong công ty CP VN Pharma - một công ty bị cáo buộc buôn thuốc chữa ung thư kém chất lượng - hay không, bà Bộ trưởng bộ Y tế đã rất dõng dạc trả lời: “Trong gia đình tôi không ai tham gia công ty này cả” và rằng: “Tôi khẳng định là công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi”.

Vài hôm sau, chính Tổng Giám đốc của công ty này thừa nhận: “Đúng là em chồng của bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng bộ Y tế có tham gia công ty CP VN Pharma của chúng tôi. Ông ấy là Phó Giám đốc, phụ trách đầu tư”.

Bằng một niềm tin son sắt vào sự chính trực của bà Bộ trưởng, các em có thể rút ra rằng: Em chồng không phải là người thân!

Đó có thể là một mệnh đề gây tranh cãi. Nhưng hãy có niềm tin. Em chồng - một người không có quan hệ về huyết thống, chỉ có quan hệ theo kiểu bắc cầu - không phải là người thân!

Vâng, vì mệnh đề này không được thuận tai lắm nên nó là một mệnh đề đủ khó để phân loại học sinh và vì thế, có thể được đưa vào đề thi tốt nghiệp môn Văn năm tới, để các em nghị luận. Tôi rất háo hức muốn biết quan điểm của các em. Cuộc đời vốn không phải chuyện gì cũng rõ ràng.

Nếu có một câu hỏi nữa để đánh giá các em trong việc hiểu sâu sắc hơn cách sử dụng tiếng Việt bây giờ, thì rất có thể, đề bài cũng sẽ cho các em thảo luận về lời phát biểu của Thứ trưởng bộ Y tế. Đề bài có thể đại loại thế này:

“Sau vụ việc, ông Thứ trưởng Y tế nói rằng: "Bộ trưởng không nói, chứ không phải nói không có". Theo em, câu: "Tôi khẳng định là công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi" – từ phía bà Bộ trưởng - có phải là một câu khẳng định không?". Tiếp đến, "Hãy phân tích biện pháp tu từ được ông Thứ trưởng sử dụng".

kinh gui bo gddt de van tu bo y te

Thứ trưởng bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến: “Bộ trưởng không nói, chứ không phải nói không có”.

Cách ra đề trúc trắc kiểu này thực ra không mới. Cách đây tròn 15 năm, năm 2002, sở GD& ĐT Cần Thơ, trong một đề thi dành cho lứa tiểu học đã ra đề có cái câu dễ thương thế này: "Một hôm, Sẻ được bà ngoại gửi cho một chiếc hộp đựng đầy hạt kê". Rồi Sở ra một yêu cầu hóc búa là: Tìm và ghi ra từ trái nghĩa với từ "bà ngoại" trong câu trên.

Đáp án của Sở là “Bà nội”.

Đề ra ngày hôm trước, ngày hôm sau, sở GD& ÐT Cần Thơ đã họp với các trường tiểu học. Tại đây, sau nhiều tranh luận, cuối cùng Sở đồng ý đưa thêm các đáp án là "ông nội", "ông ngoại".

Xét về mặt quan hệ xã hội, “bà nội” thường là bên đối nghịch với “bà ngoại”. Còn “ông ngoại”, cũng thế, sau bao nhiêu năm sống chung, ông cũng chẳng ưa gì “bà ngoại”. Riêng “ông nội”, mặc dù rất ít khi gặp “bà ngoại” nhưng “ông” đối với “bà”, “nội” đối với “ngoại”, nên “ông nội” cũng được coi là một “đối thủ” của “bà ngoại”.

Thế mới thấy, cuộc đời, thực không phải là phép tính một cộng một bằng hai, giống như môn Toán. Văn học, hay ngôn ngữ nói chung, có những sự lắt léo riêng của nó.

Cuối cùng, ngoài việc ôn tập những câu hỏi kiểu như thế này, các em cũng nên học cách phân tích tâm lý con người, như là làm thế nào để "không nói" chứ "không nói không" mà không biết ngượng.

http://www.nguoiduatin.vn/kinh-gui-bo-gddt-de-van-tu-bo-y-te-a337708.html

/ NGuyễn Vương/nguoiduatin.vn