Đúng theo luật thì người không “đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học” sẽ không được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư?
LTS: Gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Giáo dục đại học vào năm 2018.
Chỉ ra một số bất cập đang tồn tại hiện nay liên quan đến vấn đề "Văn bằng, chứng chỉ" và "Học hàm, chức danh", Tiến sĩ Dương Xuân Thành (Ban Nghiên cứu và Phân tích chính sách, Hiệp hội Các trường Cao đẳng - Đại học Việt Nam) đưa ra một số kiến nghị nhằm giải quyết vấn đề này.
Toà soạn trân trọng mời quý bạn đọc theo dõi bài viết.
Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1981/QĐ-TTg, quy định về khung cơ cấu hệ thống Giáo dục quốc dân (Khung cơ cấu) và Quyết định số 1982/QĐ-TTg về Khung trình độ quốc gia (Khung trình độ).
Đây là các văn bản dưới luật, là cụ thể hóa các điều khoản luật chứ không thể cao hơn luật.
Chính vì thế, để hợp pháp hóa các quyết định của Thủ tướng, cần phải sửa luật mặc dù việc sửa luật sau khi ban hành quyết định dường như là việc làm hơi “ngược”.
Vì Khung cơ cấu và Khung trình độ liên quan đến giáo dục và đào tạo tất cả các cấp nên cần thiết sửa đổi đồng thời cả ba luật: Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học, Luật Giáo dục Nghề nghiệp, không làm đồng bộ sẽ không tránh khỏi những thiếu sót, thậm chí là mâu thuẫn, chồng chéo như hiện nay.
Luật Giáo dục năm 2005 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14/6/2005, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2006. |
Trong bài viết này xin đề cập đến hai vấn đề: “Văn bằng, chứng chỉ” và “Học hàm, chức danh”.
Phần tiếp theo của bài viết sẽ đề cập đến vấn đề “xã hội hóa giáo dục”.
Thứ nhất: Văn bằng, chứng chỉ
Có ba vấn đề người viết thấy nên được xem xét, điều chỉnh:
I. Khung trình độ quốc gia quy định đầu ra của hệ thống giáo dục đào tạo gồm 8 bậc trình độ:
Bậc 1 - Sơ cấp I; Bậc 2 - Sơ cấp II, Bậc 3 - Sơ cấp III, Bậc 4 - Trung cấp; Bậc 5 - Cao đẳng; Bậc 6 - Đại học; Bậc 7 - Thạc sĩ; Bậc 8 - Tiến sĩ.
Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân quy định các cấp học và trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân:
a) Giáo dục mầm non gồm giáo dục nhà trẻ và giáo dục mẫu giáo;
b) Giáo dục phổ thông gồm giáo dục tiểu học, giáo dục trung học cơ sở và giáo dục trung học phổ thông;
c) Giáo dục nghề nghiệp đào tạo các trình độ sơ cấp, trung cấp và cao đẳng;
d) Giáo dục đại học đào tạo các trình độ đại học, thạc sĩ và tiến sĩ.
Khoản 2 điều 5 Luật Giáo dục Đại học - Mục tiêu của giáo dục đại học, ghi:
Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ cao đẳng, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ
Có một sự không rõ ràng trong từ ngữ “các trình độ đại học” tại mục “d” Khung cơ cấu nêu trên. Nếu hiểu “các trình độ đại học” như trong khoản 2 điều 5 Luật Giáo dục Đại học thì trình độ cao đẳng thuộc vào “giáo dục đại học”.
Tuy nhiên trong Khung cơ cấu lại xếp trình độ cao đẳng thuộc “Giáo dục nghề nghiệp” (mục “c”).
Nếu không có sự phân biệt thì người tốt nghiệp “cao đẳng nghề” sẽ phải được hưởng mọi tiêu chuẩn, chế độ như các trường hợp khác, chẳng hạn quyền học lên đại học, thạc sĩ và tiến sĩ mà không cần bổ sung gì?
Mặt khác trình độ cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý.
Như vậy nếu chỉ sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học mà không sửa đổi Luật Giáo dục Nghề nghiệp sẽ dẫn tới nguy cơ không đồng bộ.
Một sự chồng chéo đang tồn tại là Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý một số trường Cao đẳng Sư phạm còn Bộ Lao động Thương binh và Xã hội lại quản lý một số đại học trong đó có Đại học Sư phạm kỹ thuật Vinh, Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long…
Luật Giáo dục nghề nghiệp quy định:
“Cơ sở giáo dục đại học có đăng ký đào tạo trình độ cao đẳng xét công nhận tốt nghiệp, cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng và công nhận danh hiệu cử nhân thực hành hoặc kỹ sư thực hành”.
Tuân theo Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân thì trình độ cao đẳng thuộc lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý, vậy bằng Cử nhân Sư phạm (trình độ cao đẳng) do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp sẽ phải là “cử nhân thực hành” hay là cử nhân … không thực hành?
Đồng thời cử nhân tốt nghiệp các đại học Sư phạm (do hai Bộ quản lý) sẽ có cùng một loại văn bằng hay hai loại văn bằng khác nhau?
II. Cả Khung cơ cấu và Khung trình độ đều quy định trình độ đào tạo cao nhất trong hệ thống giáo dục quốc dân là “Tiến sĩ”.
Tuy nhiên hiện nay tồn tại một số trường hợp học vị ghi là “Tiến sĩ khoa học”. Đây là những trường hợp ngoại lệ do người sở hưu văn bằng được đào tạo ở nước ngoài.
Tuy nhiên nếu không luật hóa học vị này thì những người ghi trong hồ sơ “Tiến sĩ khoa học” sẽ vi phạm luật vì trong hệ thống băn bằng quốc gia của Việt Nam không tồn tại học vị “Tiến sĩ khoa học”.
Riêng đối với ngành Y, hiện có một loại chức danh là “Bác sĩ chuyên khoa cấp 1 hoặc cấp 2”.
Đã xuất hiện các ý kiến cho rằng chức danh này tương đương thạc sĩ hoặc tiến sĩ do đó họ được quyền tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ hoặc luận án tiến sĩ.
Vậy ngành Y có cần tuân thủ những gì Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành về Khung trình độ và khung cơ cấu quốc gia?
III. Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT quy định tại khoản 1 điều 1 như sau:
“Quy chế này quy định về quản lý bằng tốt nghiệp trung học cơ sở, bằng tốt nghiệp trung học phổ thông, văn bằng giáo dục đại học và chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân”.
Theo đó hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam có các loại văn bằng sau: Bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; Bằng tốt nghiệp trung học phổ thông; Bằng tốt nghiệp đại học; Bằng thạc sĩ, Bằng tiến sĩ.
Có thể hiểu sau khi chuyển toàn bộ khối đào tạo trung cấp, cao đẳng sang Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản lý (trừ sư phạm) thì mảng đào tạo chuyên nghiệp không bị chi phối bởi Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT.
Nói cách khác, bằng Thông tư 19/2015/TT-BGDĐT Bộ Giáo dục và Đào tạo gián tiếp công bố không quản lý các văn bằng trình độ trung cấp và cao đẳng.
Vậy liệu có tình trạng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phải “xin” Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp bằng cao đẳng cho các cử nhân cao đẳng Sư phạm do Bộ quản lý hay cứ tự mình cấp?
Trong trường hợp này có cần thiết ban hành quy định về quản lý bằng tốt nghiệpcác trường trung cấp, cao đẳng mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý?
Có nên để tình trạng hệ thống văn bằng, chứng chỉ quốc gia do nhiều cơ quan cùng quản lý trong khi Cục Khảo Thí và Kiểm định Chất lượng giáo dục - Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan duy nhất có thẩm quyền xác nhận tính hợp pháp của các loại văn bằng?
Vấn đề thứ hai: Học hàm, chức danh
I. Về học hàm và chức danh
Các học vị cử nhân, kỹ sư, thạc sĩ, tiến sĩ được hiểu là không bị giới hạn thời gian, nói cách khác bằng cấp này có giá trị suốt đời.
Tuy nhiên học hàm giáo sư, phó giáo sư lại có quy định cụ thể:
Điều 71 Luật Giáo dục 2005 quy định:
“Giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư”.
Điều luật này sử dụng thì hiện tại “đang giảng dạy” và cũng chỉ rõ địa điểm giảng dạy là “cơ sở giáo dục đại học”.
Như vậy, đúng theo luật thì người không “đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”sẽ không được công nhận chức danh giáo sư hoặc phó giáo sư?
Hiện đang có một sự không rõ ràng thế nào là đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học?
Những giảng viên thỏa mãn quy định tại Khoản 7 Điều 2 Nghị định 73/2015/NĐ-CP (nhà giáo cơ hữu) và những người thỏa mãn quy định trong Thông tư 44/2011/TT-BGDĐT (nhà giáo thỉnh giảng) được xem là “đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”.
Vấn đề là một người không việc tại cơ sở giáo dục, chỉ tiếp xúc với học viên (thạc sĩ, tiến sĩ) một tháng đôi lần có nên coi là “đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học”?
Thực tế cho thấy một số người tham gia hướng dẫn luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ lấy đó làm cớ để biện minh cho việc họ phải được công nhận là giáo sư, phó giáo sư mặc dù họ không hề giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học theo nghĩa là phải có bài giảng, có một số giờ nhất định lên lớp trên giảng đường, phòng thí nghiệm hoặc hướng dẫn thực tập.
Theo công bố mới đây, trong số gần 11.000 giáo sư, phó giáo sư, chỉ có khoảng 4.440 giáo sư, phó giáo sư đang làm công tác giảng dạy, chiếm 40,36%. [1]
Con số gần 60% giáo sư, phó giáo sư tập trung tại khu vực quản lý nhà nước đồng nghĩa với việc những người này tham gia giảng dạy chỉ là “nghề tay trái”, không loại trừ có người không tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học kể từ khi được phong hàm, nhất là những vị trở thành lãnh đạo các bộ, ban, ngành và chính quyền các cấp!
Việc vẫn công nhận họ là giáo sư, phó giáo sư rõ ràng là không phù hợp với quy định trong Luật Giáo dục.
Hình minh họa: PaperPk.com. |
Trường hợp những người không “đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học” vẫn ghi học hàm giáo sư, phó giáo sư trong các bài báo, trong danh thiếp… có phải là “mạo nhận”?
Thêm nữa, một số nhà giáo đã từ trần nhưng sách do họ viết được tái bản vẫn ghi chức danh giáo sư, phó giáo sư liệu có tuân thủ đúng quy định của pháp luật?
Người viết cho rằng, nên sửa Luật Giáo dục theo hướng những giáo sư, phó giáo sư biên chế cơ hữu trong các cơ sở giáo dục sau khi nghỉ hưu vẫn nên giữ cho họ chức danh đó vì họ thực sự đã gắn bó cả cuộc đời với nghề dạy học.
Những người đã từ trần thì nên xem xét cách ghi chức danh lúc còn sống sao cho hợp lý.
Đồng thời cũng nên có điều khoản quy định rõ những người đã được phong giáo sư, phó giáo sư nhưng không “giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học” phải từ bỏ danh xưng giáo sư, phó giáo sư của mình.
Khi chưa có quy định mới thay thế Điều 71 Luật Giáo dục 2005, liệu có thể khẳng định những người không tham gia giảng dạy trong bất kỳ “cơ sở giáo dục đại học”nào khi viết báo hay xuất bản công trình khoa học với chức danh giáo sư, phó giáo sư là vi phạm pháp luật?
II. Về chức danh “Giảng viên cao cấp”
Theo quy định tại điều Điều 54 Luật Giáo dục đại học thì: “Chức danh của giảng viên bao gồm trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư”.
Trong Thông tư liên tịch số 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV ban hành năm 2014, giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Nội vụ, quy định thêm chức danh nghề nghiệp “Giảng viên cao cấp” với mã số nghề nghiệp V.07.01.01, tiêu chuẩn chuyên môn của chức danh này cao hơn giảng viên chính (mã số V.07.01.02).
Việc hai Bộ ban hành Thông tư liên tịch bổ sung thêm chức danh “Giảng viên cao cấp” trong khi Luật Giáo dục Đại học không có liệu có phải là việc làm trái Luật?
Duy trì Thông tư 36/2014/TTLT-BGDĐT-BNV phải chăng đây là cách “gỡ bí” cho một số người có thâm niên, có công trình nhưng không đủ điều kiện để được phong giáo sư, phó giáo sư?
Vậy cần sửa Thông tư hay cần sửa Luật?
Tài liệu tham khảo:
50% tiến sĩ là công chức: Chạy theo cái nhất?
Phải có đến 70% cán bộ, công chức là tiến sĩ, 50% còn khiêm tốn... |
Đào tạo tiến sĩ ở nước ngoài: Đầu vào chặt, đầu ra khắt khe
Ở các nền giáo dục tiên tiến như Anh, Mỹ, chương trình đào tạo tiến sĩ yêu cầu người học phải có thành tích đầu ... |
Bộ GD-ĐT lên tiếng vụ hàng loạt sai phạm về đào tạo tiến sĩ
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết Học viện Khoa học Xã hội phải khắc phục hậu quả, chấn chỉnh công tác đào tạo theo ... |
(http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Khi-khong-con-giang-day-dai-hoc-co-phai-tra-lai-hoc-ham-giao-su-pho-giao-su-post179484.gd)