Cách trả lời ngắn gọn bằng một chữ “OK” của giáo viên sau khi phụ huynh nhắn tin xin cho con nghỉ học vì bị bệnh đang là chủ đề với những tranh luận trái chiều.
Đó là một tình huống được một thành viên mạng xã hội chia sẻ mới đây. Theo thông tin từ tin nhắn, vị phụ huynh giới thiệu mình là phụ huynh của một học sinh lớp 7, xin cho con nghỉ vì bị sốt phải đi khám. Phụ huynh cũng nói thêm, khi con đi học lại sẽ gửi giấy xin phép đến nhà trường sau. Cô giáo nhắn tin trả lời “OK”.
Phần trả lời tin nhắn của giáo viên với phụ huynh gây tranh cãi
Theo thông tin chia sẻ thì phụ huynh có phần hơi “choáng” và than rằng “giáo dục ơi giáo dục...” khi nhận tin nhắn phản hồi từ giáo viên. Ngoài ra, thành viên này cho biết phụ huynh ngoài 30 tuổi, còn giáo viên 55 tuổi.
Tình huống này đã nhận được nhiều ý kiến bình luận trái chiều. Không ít người cho rằng trước thông tin mà mình tiếp nhận liên quan đến học trò như vậy, cách trả lời của cô giáo thật khó chấp nhận khi quá ngắn gọn.
Chị Trần Thị Ánh (một phụ huynh ở quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Dù thế nào đi nữa thì khi nhận câu trả lời thế này phụ huynh sẽ có cảm giác giáo viên của con thiếu cảm thông. Cô hoàn toàn có thể trả lời ngắn gọn lại là “Cô đã nhận được tin mẹ/ bố A nhé”, hoặc là một câu hỏi thăm hay chúc học sinh nhanh khỏi bệnh”.
Có phụ huynh đưa ý kiến trong tình huống hay tin học trò của mình bị ốm, giáo viên còn cần điện hỏi thăm ngay.
Chị Thu Trang bình luận: “Tôi cũng gặp trường hợp tương tự như vậy, nhưng cô giáo của con gọi điện ngay lại cho mẹ hỏi thăm tình hình và hướng dẫn thêm. Có thể viết trả lời “Cô giáo đã nhận thông tin" hoặc "OK anh/chị/em" nếu thực sự đang bận, sau đó gọi điện hỏi thăm sau. Như vậy, gia đình cũng cảm thấy có sự tôn trọng và cảm thông nhất định”.
Có thể chấp nhận được?
Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng việc này cũng rất bình thường, không có gì quá to tát và chưa đến mức độ phải quy kết giáo viên.
Bởi về cơ bản, cách trả lời của cô giáo cũng truyền đạt thông tin rằng mình đã nhận được tin nhắn và đồng ý với phụ huynh cho phép con nghỉ học.
Một số người thì cho rằng trước khi phán xét giáo viên thì cần phải xem hoàn cảnh cô nhắn tin, và liệu trước đó giáo viên và phụ huynh đã có những giao ước trước hay chưa.
Nhìn vào thời gian nhận tin nhắn, nhiều người cho rằng phụ huynh cần có cái nhìn thông cảm đối với giáo viên, bởi khi đó có thể là thời điểm chuẩn bị vào lớp, rất bận để ổn định lớp học và không có thời gian để nhắn tin cụ thể.
Chị Phạm Thùy Linh (Hà Nội) đưa ý kiến: “Cô chủ nhiệm con tôi trước đây cũng chỉ nhắn lại thế này thôi. Họp phụ huynh cô cũng thông báo luôn là các tin nhắn xin nghỉ đột xuất, đến muộn... cô sẽ chỉ trả lời ngắn gọn như thế, và phụ huynh thông cảm vì đó là giờ cô phải làm việc với học sinh rồi. Do đó, tôi thấy cách trả lời vậy cũng bình thường mà. Hơn nữa, trường hợp này cô sắp về hưu nên tuổi của các bố mẹ chắc chắn đến 90% là ít tuổi hơn cô, vì vậy đừng nặng nề quá”.
Còn chị Lương Quỳnh nhìn nhận: “Tại sao mọi người chỉ phán xét việc cách trả lời quá ngắn gọn của cô giáo mà không ai nhắc đến việc tại sao xin nghỉ ốm cho con mà phụ huynh chỉ nhắn tin chứ không gọi điện trực tiếp cho cô giáo? Nếu là tôi thì tôi cũng chẳng hài lòng việc phụ huynh nhắn tin như vậy”.
Trong khi đó, anh Phạm Quỳnh (Thanh Hóa) chia sẻ: “Nếu chúng ta nhìn nhận khách quan thì đây lại là điều rất bình thường. Bởi không chỉ các giáo viên mà những người ở độ tuổi sắp về hưu có thể thao tác về công nghệ của họ không được nhanh, thậm chí không sành sỏi nên họ chọn cách phản hồi kịp thời nhất đến phụ huynh như vậy. Về cơ bản truyền đủ thông tin”.
Số khác cho rằng có thể sau tin nhắn trả lời đó cô giáo sẽ hỏi han học sinh lúc rảnh. Hay có những giáo viên không khéo ăn nói, giao tiếp nhưng vẫn rất yêu thương và quan tâm học sinh theo những cách khác, thay vì những lời tin nhắn bùi tai...
Về phí giáo viên, nhiều người cho rằng cần có cái nhìn khách quan trong tình huống này, khi xin cho con nghỉ học nếu không gặp trực tiếp được giáo viên thì phụ huynh hoàn toàn có thể điện báo.
Một giáo viên khác cho rằng: “Nếu thời điểm đó đang phải ổn định lớp học đầu ngày thì phải làm sao? Tôi có người bạn đang dạy thì nhắn tin vì phụ huynh hỏi mấy giờ tan học, bị ban giám hiệu nhìn thấy và phải chịu phê bình”.
Cô giáo Trần Hà (Nghệ An) mong có cái nhìn cảm thông: “Nghề giáo luôn bị đánh giá theo những chuẩn mực nhất của xã hội và không thể lúc nào cũng chiều lòng được tất cả, bởi giáo viên cũng là con người với đầy áp lực công việc. Vậy nên cũng mong phụ huynh có cách nhìn cảm thông hơn với các thầy cô giáo”.
(http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/khi-giao-vien-nhan-tin-ok-tra-loi-phu-huynh-395164.html)
Lương thấp hơn cả chạy xe ôm, giáo viên nghỉ dạy đi bán hàng siêu thị
Lương thấp, áp lực công việc cao, nhiều giáo viên bỏ nghề đi bán hàng siêu thị hoặc các công việc khác không liên quan ... |
Thầy cô giáo đâu phải kẻ... đòi nợ thuê
Một tiết học 35-40 phút bạn sẽ nghĩ gì khi giáo viên vào lớp không thể dạy ngay mà làm công tác tiền bạc là ... |
Học trước, khai giảng sau: Phụ huynh buồn vì mất ý nghĩa, lãnh đạo trường nói không nên ‘chơi chữ’
Trong khi nhiều phụ huynh tỏ ra buồn việc học trước khai giảng sau khiến ngày trọng đại của lứa tuổi học trò đã mất ... |
Học thêm... chữ
Phụ huynh học sinh luôn phải chạy đua tìm cách “ứng phó”, không học được ở trường thì học thêm, học chui. |