Hàng tháng bác sĩ Chung đều nhận được phong bì 2-5 triệu đồng kèm thư cám ơn "đã dùng thuốc" của một hãng dược.
Khám bệnh nhân đến 11h30, bác sĩ Chung vừa treo bảng thông báo nghỉ trưa lên cửa phòng khám thì một nữ trình dược viên gõ cửa xin năm phút giới thiệu sản phẩm. Cô gái năn nỉ mãi khiến bác sĩ miễn cưỡng nhận lời rồi kiên nhẫn ngồi nghe. Cô gái tự giới thiệu là nhân viên một hãng dược chuyên nhập khẩu thuốc generic từ Ấn Độ. "Chỉ cần bác sĩ ưu tiên kê toa bằng thuốc của công ty thì sẽ được chiết khấu 25% trên từng hóa đơn", nữ trình dược viên thuyết phục.
Kê toa một loại thuốc, bác sĩ nhận \'hoa hồng\' 10-30% |
Sau buổi nói chuyện ấy, dù không có thỏa thuận chính thức song hàng tháng bác sĩ Chung đều nhận được một phong bì kèm theo thư cám ơn từ cô trình dược viên nọ. Trung bình trong mỗi phong bì có từ hai đến năm triệu đồng, có tháng lên đến 10 triệu. Phong bì cũng gồm cả danh sách thống kê lượng thuốc của hãng mà bác sĩ đã sử dụng. Bác sĩ Chung ước tính số tiền này tương đương khoảng 25% trên tổng đơn giá thuốc của hãng mà anh đã kê cho bệnh nhân.
Điều bác sĩ thắc mắc là làm thế nào cô trình dược viên có thể nắm được tường tận các loại thuốc và số lượng mà anh đã kê trong tháng để gửi "hoa hồng" (chiết khấu trên giá). Trình dược viên chia sẻ đã xin số liệu từ nhân viên nhà thuốc bệnh viện.
30 năm điều trị bệnh nam khoa ở TP HCM, bác sĩ Chung cũng như nhiều đồng nghiệp khác xem việc nhận "hoa hồng" từ các hãng dược là chuyện thường tình. Trước đây các trình dược viên tiếp cận bác sĩ để giới thiệu thuốc công khai, về sau nhiều bệnh viện cấm nhân viên tiếp thị thuốc thì hãng dược tìm cách lách luật. Phổ biến nhất là trình dược viên đóng giả bệnh nhân đến khám hoặc hẹn gặp bác sĩ ngoài giờ làm việc.
67% người được hỏi cho rằng khoản "hoa hồng" cho bác sĩ là không bình thường |
Cũng thường xuyên bị trình dược viên làm phiền, bác sĩ Toàn tại Hà Nội luôn thắc mắc tại sao các hãng dược nắm rất rõ thông tin cá nhân, điện thoại và lịch trực phòng khám để tiếp cận từng bác sĩ. Hầu hết là trình dược viên của các công ty thuốc generic từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Canada...
Vài năm gần đây kỹ thuật đặt stent động mạch phát triển mạnh ở Việt Nam, các công ty dược cũng đẩy mạnh công tác tiếp thị sản phẩm này đến nhiều bệnh viện và bác sĩ với mức chiết khấu khá hậu hĩnh. Bác sĩ Toàn cho biết trung bình với một chiếc stent sử dụng cho bệnh nhân, bác sĩ nhận được "hoa hồng" 10%.
Stent là một khung đỡ bằng kim loại dạng ống được đặt trong lòng động mạch, nhằm mở rộng lòng mạch bị hẹp và giữ nó ổn định. Giải pháp can thiệp này thường được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân bị hẹp động mạch hoặc phình động mạch chủ và có nguy cơ dẫn đến đột quỵ hoặc hoại tử chi. Trung bình chi phí một ca đặt stent bình thường ngoại biên tại Việt Nam khoảng 28-30 triệu đồng, còn stent phủ cho ca phình động mạch chủ chậu 300 đến 400 triệu đồng. Chi phí này nếu đặt ở một số nước châu Âu khoảng 5.000-6.000 euro tức 150-180 triệu đồng.
Trong lĩnh vực chẩn đoán hình ảnh, khi sử dụng mỗi lọ thuốc cản quang hoặc cản từ dùng để chụp cắt lớp vi tính và cộng hưởng từ (MRI), bác sĩ cũng được chia "hoa hồng", dùng càng nhiều tỷ lệ chiết khấu càng tăng. Khoản này dựa trên giá thành sản phẩm, thuốc càng đắt tiền "hoa hồng" càng cao. Dù vậy, bác sĩ chỉ nhận được chiết khấu khi cả khoa đạt được tổng doanh số nhất định, chẳng hạn như sử dụng vài trăm lọ hoặc vài nghìn viên thuốc trong thời gian thỏa thuận.
Một bác sĩ đang công tác tại Bình Dương cũng cho biết mức "hoa hồng" thuốc phổ biến hiện nay anh nhận được khoảng 20-30%, tùy chính sách tiếp thị của từng hãng dược. Khoản chiết khấu này thường gặp ở những công ty sản xuất thuốc generic còn các công ty bào chế biệt dược gốc thì rất ít. "Nếu bác sĩ kê toa cho bệnh nhân với thực phẩm chức năng thì chiết khấu còn cao hơn nữa", nam bác sĩ bày tỏ.
Thực tế không phải hãng dược nào cũng sẵn sàng chi "hoa hồng" cho bác sĩ. Một số công ty tham gia nhóm “Pharma Group”, đa phần đến từ châu Âu, rất tuân thủ chủ trương chống tham nhũng trong lĩnh vực y tế nên không bao giờ có khoản chiết khấu. Tại Mỹ và Liên minh châu Âu, "hoa hồng" cho bác sĩ và nhân viên y tế là phạm luật và bị cấm. Nhân viên y tế bị phát hiện nhận chiết khấu thuốc từ hãng dược sẽ bị đuổi việc. Thông thường hãng dược thuộc nhóm Pharma Group chỉ hỗ trợ bác sĩ các chi phí tham dự hội nghị khoa học, tập huấn nâng cao tay nghề hoặc chuyển giao kỹ thuật.
https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ke-toa-mot-loai-thuoc-bac-si-nhan-hoa-hong-10-30-3636287.html