‘Johnny English 3’: Bước thụt lùi của thương hiệu điệp viên hài hước

“Johnny English Strikes Again” đánh dấu màn tái xuất của nhân vật “điệp viên không-không-thấy” do Rowan Atkinson thể hiện. Song, tác phẩm tỏ ra thua kém hai phần trước rất nhiều.

Thể loại: Hành động, hài hước Đạo diễn: David Kerr Diễn viên chính: Rowan Atkinson, Olga Kurylenko, Ben Miller, Emma Thompson, Jake Lacy Zing.vn đánh giá: 5/10

johnny english 3 buoc thut lui cua thuong hieu diep vien hai huoc
Johnny English Strikes Again là phần thứ ba của loạt phim điệp viên hài hước có Rowan Atkinson trong vai chính.

Nội dung Johnny English Strikes Again diễn ra khoảng vài năm sau những sự kiện trong phần hai. Lúc này, một cuộc tấn công trên mạng nhắm vào cơ sở dữ liệu mật của nước Anh khiến danh tính toàn bộ các điệp viên bị bại lộ.

Không còn sự lựa chọn nào khác, Cục Tình báo đành phải gọi lại cho Johnny English (Rowan Atkinson) - người vốn lúc này đã giải nghệ và trở thành một giáo viên trung học - quay trở lại để thực hiện nhiệm vụ mới.

Phối hợp với ông còn có viên trợ lý đa năng Angus Bough (Ben Miller). Những tưởng nhiệm vụ sẽ “dễ như ăn kẹo”, nhưng Johnny English hóa ra gặp phải muôn vàn khó khăn trước sự xuất hiện của nữ mật vụ bí ẩn Ophelia (Olga Kurylenko), cùng tên phản diện sở hữu công nghệ tân tiến.

Những tiếng cười gượng gạo

So với hai phần trước, Johnny English Strikes Again thua sút cả về cách xây dựng kịch bản lẫn yếu tố hài hước. Những ai đã quen thuộc với loạt phim hay phong cách hài hước của Rowan Atkinson có lẽ sẽ cảm thấy nhàm chán bởi sự cũ kỹ và đơn điệu trong lối diễn xuất của ông.

Bộ phim chỉ có duy nhất một phong cách hài hước xuyên suốt thời lượng: mỗi khi Johnny English khẳng định điều gì đó thì các sự kiện ngay lập tức diễn ra theo hướng ngược lại. Và nhiều tình huống được các nhân vật mớm lời trước khiến yếu tố bất ngờ biến mất hoàn toàn.

Johnny English Strikes Again vẫn tạo ra một vài tiếng cười lẻ tẻ, như khi nhân vật Johnny English lần đầu tiếp xúc với những món đồ hiện đại như kính thực tế ảo hay “thuốc lắc”.

Song, việc dẫn dắt quá nhiều chỉ để gây cười lại khiến các tình tiết bị kéo dài một cách quá đáng. Nhịp phim vì thế mà trở nên chậm chạp đến so với thời lượng chưa tới 90 phút của tác phẩm.

johnny english 3 buoc thut lui cua thuong hieu diep vien hai huoc
Johnny English Strikes Again không còn gây cười hiệu quả như hai phần trước.

Nếu như cả Johnny English (2003) và Johnny English Reborn (2011) đều sở hữu cốt truyện tương đối chỉn chu với yếu tố trinh thám được lồng ghép khéo léo thì phần thứ ba của thương hiệu chỉ còn là màn tấu hài của dàn diễn viên từ chính đến phụ.

Trailer cùng cốt truyện đơn giản khiến khán giả gần như có thể đoán ra danh tính tên khủng bố cùng mọi sự kiện sắp sửa diễn ra. Từ đây, bộ phim mang đến hàng loạt tình tiết vô lý đến khó tin. Và kịch bản chứa đựng nhiều lỗ hổng bởi sự ngờ nghệch của cả tuyến nhân vật chính diện lẫn phản diện.

Hàng loạt mâu thuẫn được xử lý một cách hời hợt, dẫn đến cái kết vô cùng mông lung. Yếu tố hành động trong phim cũng gần như không tồn tại và phải nhường chỗ cho những màn nhây tới mức “lầy lội” của các nhân vật.

Dàn nhân vật thiếu điểm nhấn

Trong hai phần đầu tiên, Johnny English từ một phụ tá bàn giấy được thăng cấp thành mật vụ rồi dần dần sở hữu kỹ năng khá cao.

Tiếng cười của loạt phim được khai thác từ tính cách dễ tin người cùng sự “xui xẻo” của ông. Song, Johnny English Strikes Again lại là một bước lùi khó hiểu khi biến nhân vật thành một kẻ khờ khạo, chỉ biết “làm màu”.

Xuyên suốt bộ phim, ông tỏ ra ngờ nghệch với lối biểu cảm và hành động chẳng khác Mr. Bean là bao. Việc hoàn thành nhiệm vụ của Johnny English gần như chỉ dựa vào sự “may mắn” do đạo diễn sắp đặt và sự ngu ngơ của tuyến phản diện.

johnny english 3 buoc thut lui cua thuong hieu diep vien hai huoc
Nhân vật Johnny English đánh mất sự hấp dẫn trong phần ba.

Không những thế, Johnny English, qua bàn tay của đạo diễn David Kerr, còn biến thành hình tượng tiêu biểu cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của người Anh. Trong phim, ông là một kẻ hoài cổ, chuộng phong cách lịch lãm truyền thống như loạt phim 007 hay Kingsman.

Giống như cách Hollywood thường chọn diễn viên Anh cho các vai phản diện, Johnny English Strikes Again coi người Mỹ là những tên ác nhân giàu sụ, cuồng công nghệ cao.

Và bộ phim cũng không quên dành vài lời thoại để “đá đểu” người hàng xóm Pháp vốn có mối quan hệ chẳng mấy tốt đẹp xuyên suốt chiều dài lịch sử.

Trong dàn diễn viên phụ thì Ben Miller là người hoàn thành vai diễn tốt nhất. Là nhân vật duy nhất trở lại sau hai phần đầu tiên bên cạnh Johnny English, anh dễ dàng thể hiện hình ảnh chàng phụ tá nhiệt huyết và “có tâm” khi luôn triệt để nghe theo lệnh cấp trên “gà mờ”.

Biểu cảm hài hước trước mọi tình huống “dở khóc dở cười” của nam diễn viên hài chính là một điểm nhấn sáng giá cho tác phẩm.

johnny english 3 buoc thut lui cua thuong hieu diep vien hai huoc
Olga Kurylenko tỏ ra mờ nhạt trong phim do có ít đất diễn.

Trong khi đó, “Bond girl” Olga Kurylenko lại chỉ như một “bình hoa di động” khi không có nhiều đất diễn. Cô gần như chỉ thể hiện được nét đẹp Đông Âu quyến rũ và làm nền cho Johnny English.

Nhìn chung, Johnny English Strikes Again đánh dấu sự thụt lùi của loạt phim điệp viên hài hước sau 15 năm tồn tại. Có lẽ thương hiệu nên dừng lại ở phần ba là vừa đẹp.

Phim đang được trình chiếu trên toàn quốc dưới tựa Johnny English: Tái xuất giang hồ.

johnny english 3 buoc thut lui cua thuong hieu diep vien hai huoc

"Mr. Bean": Bỏ vợ con theo bồ trẻ nhưng vẫn là biểu tượng văn hóa Anh

Dường như chẳng điều gì có thể đe dọa sự nghiệp lừng lẫy của Rowan Atkinson, ngôi sao 63 tuổi của "Johnny English" và "Mr. ...

johnny english 3 buoc thut lui cua thuong hieu diep vien hai huoc

Mr. Bean vui đùa cùng người đẹp \'Điệp viên 007\' trên phim trường

Ngày 26/9, Rowan Atkinson và Olga Kurylenko đã thực hiện các cảnh quay nằm trong bộ phim "Johnny English 3" tại bãi biển Saint Aygulf, ...

https://news.zing.vn/johnny-english-3-buoc-thut-lui-cua-thuong-hieu-diep-vien-hai-huoc-post879362.html

/ Zing