Huyết mạch giao thông

Hệ thống giao thông được ví như mạch máu trong cơ thể. Đầu tư cho giao thông cũng có nghĩa là đầu tư cho hạ tầng, là một trong những điều kiện quan trọng để đất nước phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực đầu tư này cần nguồn vốn rất lớn và đi cùng đó là những điều kiện về nhiều mặt, nên việc phát triển không dễ dàng. Nhưng, dù khó thì vẫn phải làm.

huyet mach giao thong
Không ít trạm thu phí BOT như Trạm thu phí Cai Lậy được cho là đặt sai vị trí.

Số liệu thống kê gần đây cho biết, hệ thống giao thông của Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh trong những năm qua. Đó là hệ thống đường bộ, đường sắt, giao thông thủy và hàng không.

Với hệ thống giao thông đường bộ, thì quốc lộ là quan trong nhất. Trong đó nổi bật là Quốc lộ 1A. Tính từ Lạng Sơn cho tới Cà Mau, chiều dài toàn tuyến là 2.260 km. Tiếp đó là hàng loạt quốc lộ từ Bắc tới Nam, từ Đông sang Tây, với tổng chiều dài ước tính gần 15.000 km, nâng tổng chiều dài toàn hệ thống quốc lộ lên gần 17.300 km. Cùng với hệ thống quốc lộ thì đường tỉnh lộ, huyện lộ... cũng rất phát triển. Thống kê tại thời điểm này các tuyến tỉnh lộ có tổng chiều dài khoảng 27.700 km.

Trong hệ thống giao thông đường bộ, đáng chú ý là hệ thống cao tốc được xây dựng thời gian gần đây (chưa tính đường Hồ Chí Minh dài khoảng 3.167 km và cũng là con đường thứ 2 chạy từ Bắc vào Nam), trong đó có những tuyến đã hoàn thành đưa vào sử dụng, có những đoạn tuyến đang dừng lại ở khâu dự án. Hệ thống đường cao tốc dù còn tồn tại một số bất cập cần tháo gỡ nhưng trên thực tế đã làm nên diện mạo giao thông hiện đại của đất nước.

Cùng với giao thông đường bộ thì đường sắt, với tổng chiều dài khoảng 2.600 km, trong đó tuyến đường chính nối Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh dài 1.726 km- cũng có một số thay đổi, tuy có chậm hơn so với nhu cầu cũng như so với giao thông đường bộ, hàng không. Đáng chú ý, hiện nay phần lớn đường sắt Việt Nam (khoảng 2.249/2.600 km) dùng khổ rộng 1,0 mét, trong đó toàn tuyến đường sắt Bắc- Nam dùng khổ 1,0 mét, không phù hợp với tiêu chuẩn đường sắt quốc tế.

Hệ thống giao thông đường thủy cũng được coi là chậm phát triển. Nước ta có hệ thống sông ngòi dày đặc, đường bờ biển dài, vùng biển rộng, nhiều đảo và quần đảo nhưng giao thông thủy vẫn nhiều bất cập. Tổng chiều dài của tất cả các loại sông, kênh, rạch của cả nước khoảng 42.000 km; tổng diện tích lãnh hải hơn 1 triệu km2; tuy rằng có khá nhiều cảng nhưng giao thông đường thủy vẫn chưa sôi động, nhất là ở lĩnh vực vận chuyển khách.

Hệ thống đường hàng không trong những năm qua (cùng với hệ thống đường cao tốc) được đánh giá là có sự phát triển vượt bậc. Tới nay, hệ thống sân bay quốc tế gồm: Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Phú Bài (Thừa Thiên-Huế), Cam Ranh (Khánh Hòa), Cát Bi (Hải Phòng), Phú Quốc (Kiên Giang)... và sắp tới là Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Cùng đó, các hãng hàng không cũng tăng mạnh, tạo ra sự cạnh tranh cần thiết, đáp ứng nhu cầu của sự phát triển. Không chỉ có Vietnam Airlines, hiện hành khách có thể lựa chọn hành trình với Jetstar Pacific,VietJetAir. Những đường bay thẳng từ Việt Nam với các nước xa xôi ngày một nhiều hơn. Đội tàu bay của Việt Nam cũng như đội ngũ phi công, nhân viên không lưu, mặt đất ngày càng dày dạn kinh nghiệm.

Trở lại với vấn đề thời sự đang được các đại biểu Quốc hội cũng như xã hội rất quan tâm, đó là cao tốc Bắc-Nam và Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Có thể nói ngay rằng, để đất nước phát triển thì cơ sở hạ tầng phải đi trước, trong đó đặc biệt quan trọng là giao thông. Đất nước còn nghèo, đầu tư cho những đại công trình này cần nguồn vốn cực lớn. Chính vì vậy làm gì để những đồng vốn quý báu được chắt chiu đó thực sự hữu ích chính là cốt lõi của vấn đề.

Thời gian qua, dư luận rất băn khoăn trước việc đội vốn của nhiều công trình giao thông đường bộ, kể cả việc dự án bị kéo dài, chất lượng công trình thấp và nhất là những trạm thu phí đặt sai vị trí. Ai cũng muốn được đi trên những con đường rộng rãi, phẳng phiu; chính vì thế cũng rất phẫn nộ trước những ai lợi dụng chủ trương phát triển đường cao tốc để trục lợi. Không chỉ đội giá, chất lượng kém phải làm đi làm lại, mà còn cả việc đền bù giải phóng mặt bằng cũng có vấn đề.

Chẳng lẽ những bất cập, sai phạm đã được chỉ ra rất rõ ràng lại không thể có cách xử lý? Vậy, vướng mắc ở đâu? Nếu không giải quyết tận gốc vấn đề thì việc phát triển hệ thống đường cao tốc của đất nước vẫn sẽ không trơn tru. Thực tế ấy cần có câu trả lời sớm, rõ ràng, minh bạch.

Dư luận thời gian qua cũng rất quan tâm tới đại dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Vấn đề nổi lên là việc đền bù giải phóng mặt bằng, việc thu gom đất với mục đích đầu cơ, trục lợi. Từ khi có quyết định thực hiện Dự án, giá đất tại khu vực này lên rất nhanh. Đó cũng là chuyện bình thường. Nhưng dự luận về việc một số cá nhân thu gom những diện tích đất rất lớn cũng cần phải sớm được làm rõ, để tránh việc Dự án khó triển khai cũng như tạo cơ hội cho sự trục lợi.

Một vấn đề nữa cũng cần được quan tâm đầy đủ, đó là việc cải tạo hệ thống đường sắt. Suốt cả trăm năm, đường sắt đảm nhiệm việc chuyên chở khối lượng hàng hóa lớn, số hành khách lớn. Nhưng tới nay, đường sắt đã “ế ẩm”, số người lẫn hàng hóa sử dụng phương tiện này ngày một giảm, cho dù ngành đường sắt đã có nhiều “chiêu” khuyến mại nhằm thu hút. Vấn đề không chỉ ở chỗ các loại hình giao thông khác phát triển, mà cái chính là sự chậm đổi mới của ngành này. Theo giới chuyên gia, tới nay mà phần lớn đường sắt Việt Nam vẫn dừng ở khổ 1 mét là điều không thể chấp nhận.

Cuối cùng, cũng cần nhắc lại những dư luận về việc phát triển quá đà các cảng biển, trong khi cảng đường sông nội địa lại giẫm chân tại chỗ. Nhiều địa phương có biển, nhưng không nhất thiết nơi nào cũng xây dựng cảng. Sự tản lực ấy dẫn đến việc đất nước thiếu những cảng biển lớn xứng tầm, mặt khác cũng chính là sự lãng phí vì rằng nhiều cảng xây dựng xong nhưng không bao giờ có thể khai thác đủ công suất.

Giao thông của một đất nước như mạch máu của cơ thể con người. Đó là vấn đề lớn, hệ trọng, không thể nói đơn giản được. Nhưng từ những gì đã và đang diễn ra, cả cái được và chưa được thiết nghĩ cũng đã đủ để rút ra nhiều bài học kinh nghiệm, trong đó có cả những bài học đắt giá. Đối diện với thực tế, không né tránh, đó sẽ là điểm quan trọng để phát triển hệ thống giao thông hiện đại phục vụ cho sự tăng tốc phát triển đất nước.

huyet mach giao thong Nhường đường nhau một tí có sao đâu?

Đi đường nhường nhau một tí, đúng làn một tí, bớt còi… bớt khói một tí, Hà Nội mùa thu chắc chắn đẹp và đáng ...

huyet mach giao thong Cao tốc Bắc - Nam: Cần tính tới phương án 10 làn xe

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết có ý kiến đề xuất triển khai dự án cao tốc Bắc - Nam cần giải ...

huyet mach giao thong Cao tốc Bắc-Nam: Lo rủi ro khi vay vốn nước ngoài

Theo tờ trình của Chính phủ việc huy động vốn từ các tổ chức tín dụng nước ngoài trong điều kiện hiện nay sẽ gặp ...

http://daidoanket.vn/tin-tuc/goc-nhin-dai-doan-ket/huyet-mach-giao-thong-384706

/ Nam Việt/daidoanket.vn