Hồng nhan đa truân (Kỳ 65)

Hôm sau, Mộc Miên thuê một chiếc xe taxi đưa Diệu Linh vào chùa Sùng Khánh gặp sư thầy Đàm Tuệ Minh. Thầy Đàm Tuệ Minh đón Diệu Linh và Mộc Miên bằng ánh mắt, nụ cười rất vui. Sư thầy đã sắp xếp cho Diệu Linh một phòng ngay cạnh phòng mình.

hong nhan da truan ky 65 Hồng nhan đa truân (Kỳ 64)

Chiêu đi ra ngoài ngó quanh, với dáng điệu cảnh giác rồi quay vào nhà. Chiêu cẩn thận chốt cửa bên trong rồi mở ngăn ...

hong nhan da truan ky 65 Hồng nhan đa truân (Kỳ 63)

Hai ngày sau, tại Quận ủy, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã công bố lệnh khởi tố điều tra vụ án cố ý làm ...

Diệu Linh trả lời:

- Thầy Đàm Tuệ Minh ở chùa Sùng Khánh. Ngày xưa sư thầy là thanh niên xung phong, bị nhiễm chất độc da cam. Mấy bận sinh con không được, sư thầy lấy vợ cho chồng rồi đi tu. Thầy có khả năng ngoại cảm bậc nhất bây giờ đấy.

Quân vỗ tay:

- Thầy Tuệ Minh thì em biết rồi. Thầy đã vào trong trại dạy phạm nhân ngồi thiền. Thầy ngồi thiền giỏi lắm, có thể ngồi được 3-4 tiếng đồng hồ giữa trời nắng chang chang đấy. Nếu thầy đồng ý thì chị nên đến đấy ở. Cũng hay đấy chị ạ. Em chẳng biết thế nào, nhưng mà có thầy dạy cho có lẽ sẽ tĩnh tâm lại được.

Hai chị em nói chuyện với nhau rất vui.

Mộc Miên dọn cơm ra, rồi nói với Quân:

- Em ở đây ăn cơm nhé. Chị em mình nói chuyện.

Trong bữa cơm, Mộc Miên nói với Quân:

- Chị Linh vẫn đang là Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty Truyền thông Sao Việt, bây giờ Linh như thế này rồi, hay là em thay chị Linh làm Chủ tịch công ty ấy đi.

Diệu Linh nói:

- Đúng rồi. Em làm thay chị đi.

Quân nói:

- Không. Em không làm truyền thông đâu. Em biết gì về truyền thông mà làm. Em sẽ thành lập công ty phần mềm của em. Có một số người sẵn sàng góp vốn với em. Công ty thiết kế phần mềm thì cũng không cần nhiều vốn lắm. Em không phải lo nhiều về chuyện tiền bạc.

Mộc Miên nói:

- Cậu ra trại rồi thì lo công việc và lấy vợ đi. Nếu cậu đồng ý thì chị làm mối cho một cô.

Quân lắc đầu:

- Chị ơi, em vừa ở tù ra, chữ ký ra trại còn chưa ráo mực. Em phải lo công việc ổn định đã. Xong đâu đấy thì mới tính đến chuyện vợ con.

Diệu Linh nói:

- Đúng rồi. Nhưng em cũng nên tính lập gia đình sớm để cho bố em có cháu bế. Nói thế thôi chứ từ ngày mẹ mất, ông cũng mong có cháu đích tôn lắm.

Quân cười:

- Ông nào chẳng mong có cháu đích tôn. Trong trại của em cũng thế. Mấy ông lãnh đạo ở trong đấy, nói đến vợ thì mặt lạnh như đít bom, nhưng nói đến cháu thì mắt ông nào cũng sáng lên. Đề tài cháu nội, cháu ngoại của các ông ấy là đề tài bất tận. Với các ông, các bà thì cháu là nhất, con cái chẳng là gì cả. Ông nào kể về cháu cũng như là nó sắp thành thiên tài đến nơi rồi.

Mộc Miên nói với vẻ từng trải:

- Người già thường thế mà em. Như nhà chị, cuối tuần mà không mang cháu về cho ông bà thì ăn không ngon, ngủ không yên với ông bà. Mà con trẻ thì thấy ai chiều là thích. Nó chỉ thích về với ông bà nội thôi. Ở với bố mẹ là không thích. Về nhà thì đòi gì ông bà cũng chiều, mình có mắng thì ông bà cứ bênh chằm chặp. Đúng là con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Chẳng oan tý nào.

***

Hôm sau, Mộc Miên thuê một chiếc xe taxi đưa Diệu Linh vào chùa Sùng Khánh gặp sư thầy Đàm Tuệ Minh.

Thầy Đàm Tuệ Minh đón Diệu Linh và Mộc Miên bằng ánh mắt, nụ cười rất vui.

Sư thầy đã sắp xếp cho Diệu Linh một phòng ngay cạnh phòng mình.

Sư thầy nói:

- Em ở đây nhé. Tiện nghi ở đây chỉ có thế này. Nhà chùa mà. Em phải thông cảm. Thôi, em cứ ở đây với chị.

Diệu Linh hỏi:

- Thầy ạ, sao thầy lại tốt với con thế?

Thầy Đàm Tuệ Minh nói:

- Chị em mình cùng phận nữ cả. Em đừng gọi là thầy. Cứ gọi là chị cũng được. Chị muốn như thế.

Diệu Linh gật đầu.

Sư thầy Đàm Tuệ Minh nói tiếp:

- Làm gì cũng phải có cơ duyên em ạ. Vợ chồng lấy được nhau cũng phải có cơ duyên. Bạn bè chơi với nhau được lâu bền cũng phải có cơ duyên. Thầy trò dạy dỗ nhau được thì cũng có cơ duyên. Tất cả gắn với chữ “duyên”. Lần đầu tiên nhìn thấy em, chị đã thấy chị và em có duyên. Chị biết nghiệp của em nặng lắm. Nếu không tìm cách giải thoát được cho em thì sẽ rất khổ.

hong nhan da truan ky 65

Diệu Linh hỏi:

- Nghiệp là gì hả chị?

Sư thầy nghĩ một lúc, rồi trả lời:

- Trong thời gian em ở đây, nếu như em quyết tâm thì chị sẽ giúp em, truyền thụ cho em những gì tinh túy nhất, cơ bản nhất của đạo Phật. Điều đó sẽ giúp em ổn định về sau này. Còn nghiệp ư, nói thì rất dài, rất rộng, nhưng đại khái là mỗi người khi đang sống, đang hoạt động thế này thì phải dựa vào sức, dựa vào ý chí của mình để hoạt động không ngừng. Tất cả những hoạt động ấy và phản ứng lại tạo ra tính cách của mình. Tính cách này lại trở thành cơ sở của hoạt động trong tương lai, chi phối vận mệnh của mình. Nói theo một kiểu nào đó, sự chi phối vận mệnh gọi là nghiệp quả hay nghiệp báo. Nghiệp thì vĩnh viễn không mất đi. Hoạt động nếu chuyển phương hướng thì nghiệp cũng chuyển phương hướng. Nghiệp là tất cả những hành động, ý chí, tư duy của mình tồn tại lại. Ngày xưa em đi học, đến thế hệ của em thì năm lớp mấy chị không biết, thế hệ của chị thì năm lớp bảy học định luật bảo toàn năng lượng, trong đó có nói chất không tự nhiên mất đi, cũng không tự nhiên xuất hiện mà chỉ biến từ dạng này sang khác. Tinh thần và cái nghiệp này cũng là một dạng vật chất. Nó rất vô hình và không mất đi. Người ta chết đi thì cái nghiệp ấy vẫn còn và sinh vào một cái khác. Nghiệp quả và nghiệp báo không phải vì sự tử vong của sinh mệnh một thời kỳ mà chấm dứt. Thân xác của mình được vật chất cấu thành, sẽ tụ, tán, sẽ trở về cát bụi. Nhưng sinh mệnh thì không phải vật chất nên mỗi người tạo nghiệp thì hoàn toàn không do thân thể vật chất tử vong mà bị tiêu diệt. Sau khi con người ta chết rồi, lực của nghiệp sẽ thúc giục mình tiếp đổi một phương hướng khác, hình thức khác và hình thành một sinh mệnh mới. Trạng thái thay đổi loại này gọi là luân hồi. Nếu hiểu được đạo lý của luân hồi thì có thể chứng minh nguyên tắc của nghiệp lực không mất.

Diệu Linh nghe nhưng không hiểu gì cả.

Cô cúi đầu:

- Chị nói, em vẫn chưa hiểu được.

Sư thầy cười đôn hậu:

- Em ơi, đúng là em không thể hiểu được ngay đâu. Bây giờ em chưa hiểu được gì về nghiệp đúng không?

Sư thầy mở tủ lấy ra một ca tráng men:

- Em nhìn cái ca này thì có thấy bên trong có gì không?

Diệu Linh nhìn cái ca sạch bong:

- Không thấy gì cả ạ.

Sư thầy nói:

- Em hãy nhắm mắt lại, tập trung và hít hơi trong ca này. Hít ba hơi, hoặc bảy hơi cũng được.

Diệu Linh tập trung tinh thần hít hơi, rồi nói:

- Không có mùi gì.

Sư thầy nói:

- Thế thì tốt.

Nói rồi, thầy mở một chai lavie còn mới tinh, đổ vào ca:

- Em nhấp một ngụm, từng ngụm thật nhỏ và tập trung vào ngụm nước ấy.

Trong lúc sư thầy đang giảng giải cho Diệu Linh thì Mộc Miên ra ngoài ngồi chơi với chú tiểu.

Diệu Linh nhấp từng ngụm nước nhỏ, ngậm ngụm nước và ngẫm nghĩ.

Sư thầy hỏi:

- Em có cảm thấy gì không?

Diệu Linh nói:

- Em cảm thấy như là phảng phất có mùi trà.

Ánh mắt sư thầy rạng rỡ hẳn lên.

Sư thầy vỗ tay nhè nhẹ và nói:

- Chị nhìn em không lầm. Em sẽ là một bậc tu hành đắc đạo đấy. Em sẽ giỏi hơn chị nhiều. Cái ca này chị dùng từ thời chị còn ở thanh niên xung phong. Ngày xưa, chị chỉ dùng cái ca này để pha trà. Mà chè của chị là chè rừng Trường Sơn. Kể cả những cây đã bị nhiễm chất độc da cam, cứ rửa sạch đi, băm, sao khô, rồi cho vào đây uống. Năm này qua năm khác, hơi trà ấy lưu cữu. Bình thường thì không ai nhìn được, không ai biết được là cái ca này đã từng dùng để uống trà, nhưng nếu tập trung thì sẽ thấy. Nghiệp là như thế đấy. Mọi hành động, suy nghĩ của con người ta tích tụ trong suốt cuộc đời mình chính là nghiệp.

Em biết không, ở vùng quê nhà chị, phụ nữ cũng hút thuốc lào. Người đã hút thuốc lào thì chỉ thích điếu cũ chứ không ai thích điếu mới. Bởi vì điếu cũ cũng như cái ca này đã ngấm tinh chất trà, tinh chất thuốc, nói theo ngôn ngữ nhà Phật thì trong cái ca này đã có nghiệp trà, trong điếu cày thì có nghiệp thuốc. Nghiệp lực thì không vì thân xác mình tử vong mà bị tiêu diệt. Sau khi thân xác của mình tử vong thành cát bụi thì nghiệp lực của mình gửi vào một thức gọi là A lại da thức. Thức này lại chịu sự chi phối của nghiệp lực, kết hợp với vật chất hình thành một sinh mệnh mới khác. Nhưng sinh mệnh mới này được hình thành, trở thành người hay súc vật thì bản thân thức này không tự chủ được mà hoàn toàn do nghiêp lực dẫn dắt. Vì nghiệp lực dẫn dắt thức A lại da này giống như người đi đòi nợ. Người mạnh thì sẽ đòi được nợ trước. Nghiệp lực nặng nhất về phía nào thì rơi về phía đó. Thôi, em cứ ở đây với chị rồi học dần.

Vui chuyện, sư thầy lại nói:

- Bắt đầu từ chiều nay em sẽ ngồi thiền cùng chị, chị sẽ hướng dẫn.

Diệu Linh hỏi:

- Thiền là thế nào hả chị? Em nghe nói chị đã vào trại giam dạy thiền cho phạm nhân, đúng không ạ?

Sư thầy Đàm Tuệ Minh cười:

- Đúng rồi. Chị đi dạy nhiều nơi lắm. Nhưng không phải ai cũng ngồi thiền được đâu. Thiền là sự tĩnh lự. Tĩnh là yên lặng, lự là suy nghĩ. Thiền có nghĩa là sự định tâm, tập trung vào tâm chức của một đối tượng, không cho nó tán loạn. Bây giờ, trong đầu em như một mặt hồ đang nổi sóng. Nếu làm thế nào đó để mặt hồ đó lặng sóng được, bình lặng được thì lúc ấy em mới thoát ra được. Giải thích thì dài dòng, nhưng hành thiền là một phương pháp ngăn trừ được rất trừ loạn tường, đồng thời quán chiếu để phát huy được những tư tưởng lành thiện. Cuộc sống bây giờ bộn bề lắm em ạ. Mọi người thường hướng ngoại để cầu hạnh phúc, thỏa mãn tất cả những mong muốn của mình. Cuộc sống thiền là cuộc sống gạn lọc tất cả những dục vọng ham muốn, để trở thành thanh tịnh. Có như thế cuộc sống mới yên được. Đặc biệt là với những người như em.

Mộc Miên ở ngoài cũng lắng nghe sư thầy giảng giải, rồi chạy vào và nói:

- Em nó vừa đến đây mà thầy đã đọc cho nó nghe những giáo lý như vậy thì làm sao nó hiểu được.

Thầy Đàm Tuệ Minh nhìn Diệu Linh và nói:

- Với người khác thì nói như thế, thậm chí nói ngày này qua ngày khác cũng không hiểu, nhưng với Diệu Linh thì chị đã nhìn thấy, chị chỉ nói một lần, Diệu Linh đã hiểu. Nếu như Diệu Linh tu thiền thì chị cam đoan rằng em sẽ xuất sắc hơn tất cả những người chị đã biết.

***

Chiều hôm đó, trong căn phòng nhỏ, sư thầy bắt đầu dạy Diệu Linh ngồi thiền.

Thầy lấy một tấm đệm dày khoảng 5cm, rồi nói với Diệu Linh:

- Bây giờ, em ngồi đây. Em bụng to thế này thì phải ngồi ngay lưng. Nếu như ngồi bán già - đặt được bàn chân lên đùi thì tốt, nếu không thì em cứ ngồi bình thường cho thoải mái.

Diệu Linh ngồi vắt một bàn chân lên.

Thấy thế, sư thầy ngạc nhiên hỏi:

- Em đã tập bao giờ chưa?

Diệu Linh trả lời:

- Dạ, chưa. Chị nói vắt một bàn chân lên đùi thì em làm thế thôi.

Sư thầy ngạc nhiên:

- Em lại làm chị thấy ngạc nhiên rồi đây. Bây giờ em lắng nghe chị nhé. Em nhắm mắt lại đi. Em hãy tưởng tượng ra một cảnh gì đó mà em thích nhất. Một mặt hồ phẳng lặng chẳng hạn. Một dòng sông chảy cũng được. Một ngọn núi cũng được. Hay là căn nhà của em, hay là gương mặt của một người em yêu quý, em thấy thân quen nhất.

Diệu Linh nhắm mắt lại. Giữa bộn bề những hình ảnh của rất nhiều đã trải qua cuộc đời cô: gương mặt của Hồng Phương, của thầy Vương, của Quang, rồi Quý, Nhật Chiêu, rồi gương mặt của bố, mẹ… Nhưng rồi tất cả đều nhòe đi, chỉ đọng lại một gương mặt của người em trai - Vũ Mạnh Quân. Anh mắt của Quân nhìn Diệu Linh vừa khuyến khích, động viên, vừa như nói rằng: “Chị ơi, em thương chị lắm. Chị hãy cố lên”.

Tiếng sư thầy đều đều:

- Nào, bây giờ em hãy hít vào. Khi em hít vào, em tự đọc trong đầu “Nam mô a”. Đến lúc thở ra thì em niệm trong đầu “A di đà Phật”. Hãy niệm như thế đi. Cố gắng niệm 10 lần.

Diệu Linh nghĩ trong đầu:

- Niệm 10 lần thì đơn giản.

Nhưng sau đó, cô thấy trong đầu bấn loạn và không niệm đủ mười lần.

Sư thầy nói:

- Không dễ đâu em. Mười lần không dễ đâu. Nếu ngày đầu tiên em niệm được năm lần thì cũng đã là tốt rồi. Chị thấy từ lúc ấy đến giờ, chắc là em chỉ niệm được ba, bốn lần.

Diệu Linh giật mình không hiểu sao sư thầy đọc được hết ý nghĩ của mình như thế. Cô cố tập trung hít từng hơi đều đặn theo lời của sư thầy. Gương mặt của Quân nhòe dần, nhòe dần. Thay vào đó là một lặng hồ lặng sóng. Diệu Linh nhìn thấy dưới đáy hồ đó như có những hạt sỏi trắng lung linh. Cô như mê đi và cứ ngồi như thế. Sư thầy lẳng lặng đứng dậy, lùi ra xa và nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt vô cùng ngạc nhiên.

Bỗng có tiếng chuông chùa. Lúc này, Diệu Linh như bừng tỉnh. Cô quay sang thì không thấy sư thầy đâu.

Diệu Linh đang ngơ ngác thì thấy sư thầy Đàm Tuệ Minh bước vào.

Sư thầy nói:

- Em giỏi quá. Lần đầu tiên có người ngồi thiền và cũng là lần đầu tiên mà đã đạt được đến mức độ như em.

Diệu Linh hỏi:

- Thầy nói đạt được mức độ như em là đến mức độ thế nào?

Sư thầy nói:

- Chị đã nhìn thấy em làm cho mọi sự suy nghĩ đang bấn loạn, đang bộn bề ấy chìm xuống đáy hồ như những viên sỏi.

Diệu Linh há hốc miệng, định kêu lên điều gì đó mà không được. Đến bây giờ, cô mới cảm thấy rằng tâm linh là chuyện có thật.

***

Sư thầy Đàm Tuệ Minh đưa Diệu Linh ra bờ ao. Lúc này trời nổi gió, mặt ao lớn nổi sóng lăn tăn.

Sư thầy kéo Diệu Linh ngồi xuống bậc cầu ao bằng đá.

Diệu Linh rụt rè :

- Chị bảo em phải tập tu thiền. Nhưng tại sao phải thế hả chị.

Sư thầy nói :

- Chúng ta ai cũng có Phật tính trong người. Phật tính, chính là chân tính, tự tính, bản tính của mỗi người. Bản tính này vốn linh minh, thông suốt, vắng lặng thường hằng. Ở Thánh không tăng lên, ở người phàm tục cũng chẳng giảm đi. Nhưng do mỗi người bị tham, sân , si che lấp bản thể, khiến vạn đức, vạn năng có trong bản tính không hiển hiện. Bản tính chúng ta vốn như mặt gương sáng, bị bụi bẩn che đi, nên ánh sáng của gương bị mất. Nếu lau đi được, tì gương lại sáng. Tu thiền chính là để chúng ta lau bụi đấy.

Diệu Linh nghe sư thầy nói thủ thỉ như nuốt từng lời. Và điều kỳ lạ là cô thấy rất rõ ràng, dễ hiểu.

Sư thầy Đàm Tuệ Minh lại chỉ xuống mặt ao đang gợn sóng:

- Bản tính chúng ta vốn như nước. Tâm ta như sóng. Nước thì tĩnh, sóng thì động. Nước tĩnh thì trong sáng. Ta soi gương được, thấy trong suốt tận tận đáy. Sóng động thì nước chuyển, thậm chí đục ngàu… Sóng động nhiều thì tính hỗn loạn, khiến người ta không làm chủ được hành động của mình. Vậy thì phải làm thế nào cho mặt nước phẳng lặng… Đó là ý nghĩa của tu thiền. Em nên học thiền, học giao lý nhà Phật để hiểu thế nào Trí Tín chứ không phải Mê Tín. Chị không bảo em phải xuống tóc quy y… Chỉ chỉ muốn giúp em tĩnh tâm lại.

Diệu Linh:

- Dạ, vâng ạ. Em sẽ cố gắng. À, em nghe nói chị là người biết trước mọi việc. Phải không chị?

Sư thậy mỉm cười đôn hậu:

- Nhà tiên tri không phải là thầy bói, mà là người nhìn thấy bản chất và sự vận động của sự việc.

Lúc này, trời im gió. Mặt ao phẳng lặng như gương. Sư thầy chỉ xuống ao:

- Em thấy chưa? Em nhìn thấy mây trong đáy nước chứ? Thấy cá bơi không? Khi tâm ta không bị nhiễu động, thì bản tính ta sẽ trong sáng… Tu thiền là đẻ ta nhìn thấy những gì mà ta có, nhưng không thấy bởi vì những vọng tưởng, chấp trước và cả sự vô minh. Thiền là sự hướng dẫn con người đạt tới một trạng thái tập trung, lắng đọng, như hồ nước này, mà ta nhìn thấu đến đáy.

Diệu Linh rụt rè:

- Nghĩa là phải biết quên đi tất cả?

Thầy Đàm Tuệ Minh lắc đầu:

- Không phải. Thiền không phải là ngủ gục, là để chìm vào cõi hôn mê, trốn tránh, xa lìa thế gian; là vị kỷ và chỉ biết nghĩ cho bản thân mình; là chìm vào vọng tưởng, không biết mình ở đâu. Thiền là giữ cho tâm mình tỉnh táo, chú tâm nhìn thế giới, vạn vật đang hiện hữu. Thiền là trau dồi tấm lòng nhân đạo và quan trọng nhất là thiền sẽ giúp ta biết ta là ai? Đang ở đâu?

Rồi thầy động viên:

- Em sẽ học được. Làm được. Chị đã nhìn thấy điều đó ở em.

Dưới sự hướng dẫn của sư thầy Đàm Tuệ Minh, Diệu Linh bắt đầu học thiền và những giáo lý cơ bản nhất của nhà Phật. Cách dạy của sư thầy rất dễ hiểu và luôn gắn những giáo lý của nhà Phật với cuộc sống hiện tại để giúp Diệu Linh dễ hiểu hơn. Đúng như sư thầy nói, Diệu Linh là người có nhân duyên với Phật giáo và vì thế cô đã học rất nhanh.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Năng Lượng Mới