Diệu Linh nhìn mọi người và cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Mọi người đưa mắt nhìn Nhân như giục Nhân nói gì đó.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 57)
Chủ nhật ấy, nể lời chồng, Diệu Linh cầm túi quà trong đó có một phong bì dày cộp, bên trong có năm tập tiền, ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 56)
Ngoài việc đi lễ bái, đồng bóng, hàng tuần Diệu Linh vẫn đến nhà ông Quốc để dạy đàn cho bé Liên. Từ ngày có ... |
Linh bật cười:
- Con nỡm này!
Diệu Linh nói:
- Thôi, mọi người vào phòng họp đi. Chúng ta tranh thủ hội ý một chút.
Vào trong phòng họp, Linh nói:
- Hôm nay tôi tiếp tục phải ra đoàn làm phim. Quay cũng sắp xong rồi. Nếu có việc gì thì các bạn nói luôn đi.
Diệu Linh nhìn mọi người và cảm thấy có điều gì đó không bình thường. Mọi người đưa mắt nhìn Nhân như giục Nhân nói gì đó.
Diệu Linh hỏi:
- Hình như các bạn có điều gì khúc mắc?
Nhân nói:
- Vâng, mọi người muốn đề đạt với giám đốc một việc.
Diệu Linh ngạc nhiên:
- Sao hôm nay mọi người rụt rè thế? Từ trước đến nay có bao giờ thế này đâu.
Nhân rụt rè nói:
- Việc này cũng hơi tế nhị.
Diệu Linh tỏ ý bực mình:
- Có việc gì thì nói luôn đi xem nào.
Nhân nói:
- Chị cũng thấy đấy, giá cả lạm phát ghê quá, giá điện tăng, giá xăng tăng. Thế mà mấy năm nay lương của chị em mình ở mức độ tằn tiện. Vừa rồi kiểm lại thì thấy quỹ của trường cũng còn kha khá. Vì vậy, mọi người có nguyện vọng đề đạt với giám đốc hai việc. Thứ nhất là, tăng học phí của học sinh. Thứ hai là, tăng lương cho mọi người.
Diệu Linh hỏi:
- Lý do gì để tăng thêm học phí của các cháu?
Nhân ngần ngừ một lát, rồi nói:
- Hiện nay, tiền điện tăng và kéo theo giá cả mọi thứ đều tăng, mà trường ta thì dùng điều hòa liên tục phục vụ các cháu. Rồi còn trang bị máy tính, mua thêm nhạc cụ nữa cho các cháu nữa. Các trường khác, họ cũng vẽ ra như thế thì mới có thêm nguồn thu.
Diệu Linh hỏi:
- Thế còn lương? Ý định của mọi người là muốn tăng thêm bao nhiêu?
Một cô giáo nói:
- Nếu có thể được thì tăng thêm khoảng 20%.
Diệu Linh suy nghĩ một lát, rồi nói với vẻ không vui:
- Tôi thấy như thế này rất không ổn. Tiền học phí thì chúng ta đã thu của các cháu từ đầu năm rồi. Qua tính toán thì thấy học phí của chúng ta ở đây không đắt, nhưng cũng chẳng rẻ. Bây giờ lại vẽ thêm ra để tăng lương cho chúng ta thì không được. Tôi đề nghị các cô quên cái chuyện này đi. Chúng ta không làm thế được. Còn sang năm, nếu cân đối tài chính mà thiếu thì lúc ấy chúng ta sẽ tính sau. Không thể một chốc lại tăng học phí bằng cách vận động phụ huynh đóng góp hay thế nọ, thế kia
Các cô đều chưng hửng.
Nhân vớt vát nói thêm:
- Có một việc nữa là, sắp tới, chúng ta phải tham gia hội diễn văn nghệ các trường mẫu giáo. Việc tập luyện, thuê dàn nhạc cũng hết khoảng chừng sáu, bảy chục triệu. Chúng ta không có tiền trong quỹ để bù vào khoản này. Đề nghị chị Diệu Linh xem có thể vận động được nhà tài trợ nào không. Em thống kê trong trường mình cũng có mười mấy cháu là con nhà đại gia. Tại sao chúng ta không vận động họ giúp đỡ cho trường?
Diệu Linh thở dài:
- Đi vận động thì cũng được, nhưng nói thật với mọi người là tôi rất ngại làm việc này. Nếu như vận động để thành lập quỹ từ thiện, an sinh xã hội thì tôi đồng ý, chứ còn vận động để lấy tiền biểu diễn văn nghệ thì không ổn. Tôi đề nghị chuyện thi văn nghệ, chúng ta sẽ chỉ sử dụng những cái chúng ta có. Ở đây có bốn cô giỏi nhạc. Tại sao chúng ta không tự tổ chức lấy? Mình tự tập cho các cháu, việc gì phải thuê thầy thuê thợ ở đâu. Còn chuyện tăng lương, Nhân tính toán đi. Tôi đồng ý có thể tăng lương, nhưng tăng bao nhiêu phần trăm thì phải tính. Chúng ta phải “liệu cơm gắp mắm”. Chúng ta mới có như thế này, mà định ăn tiêu theo kiểu “đếm cua trong lỗ” thì không ổn. Thôi bây giờ mọi người cứ tiếp tục đi. Tôi phải ra đoàn làm phim. Ở ngoài ấy có một số cảnh quay đang chờ tôi.
Nhân cười phá lên, nói vui vẻ:
- Xong bộ phim này thì chúng ta cũng mất giám đốc thôi. Có khi Diệu Linh lại chuyển sang nghề đạo diễn luôn ấy chứ.
Diệu Linh cũng cười và nói dứt khoát:
- Điều đấy thì xin các bạn cứ yên tâm. Tôi sẽ không rời trường này đâu, chừng nào các bạn còn thích ở đây làm việc với tôi. Còn nếu các bạn chán tôi quá, các bạn bảo ở đây làm với tôi đói kém hoặc không ra gì, các bạn rời bỏ tôi thì lúc ấy tôi sẽ tính.
Nhân nói:
- Khiếp quá, chưa gì đã tự ái rồi. Người ta bảo người già, tuổi sáu mươi mới “lục thập như nhi”. Đây mới ngoài ba mươi mà cũng đã hơi tý là tự ái, lại dỗi nữa.
Mọi người cùng cười vui vẻ.
***
Diệu Linh đi taxi ra đoàn làm phim. Quả nhiên, cả đoàn làm phim đang chờ.
Ông Cường hỏi Diệu Linh:
- Tại sao hôm nay cháu ra muộn thế?
Diệu Linh nói:
- Vâng, cháu xin lỗi chú. Hôm nay trường cháu có việc họp ban phụ trách, liên quan đến việc chị em muốn đi vận động để có tài trợ cho các cháu tham gia hội diễn văn nghệ các trường mẫu giáo của quận.
Ông Cường tươi nét mặt:
- Thế tham gia hội diễn văn nghệ có cần nhiều tiền không?
Diệu Linh nói:
- Cũng kha khá chú ạ. Chị em tính toán ra cũng phải hết thêm vài chục triệu. Nhưng chủ yếu là tiền may quần áo, trang phục cho các cháu, rồi định thuê thêm thầy cô giáo về dựng chương trình. Nhưng cháu không đồng ý, cháu bảo thôi, để các cô tự dựng lấy chương trình, dạy hát cho các cháu. Trường cháu có những 4 cô là sinh viên Nhạc viện với Cao đẳng Nghệ thuật ra.
Ông Cường nói:
- Thế à? Thảo nào, lúc nào đến cũng thấy các cô đang dạy các cháu học nhạc. À, thế ở trường cháu có dạy học sinh chơi đàn organ không?
Diệu Linh:
- Dạ không ạ, chúng cháu không dạy đàn organ.
Ông Cường nói:
- Tại sao?
Trong lúc Diệu Linh và ông Cường trò chuyện, Hữu Tùng, bà Thanh và Phương Minh cũng ngồi bên cạnh lắng nghe.
Diệu Linh nói:
- Thực ra đàn organ là thứ đàn đa năng. Nó tạo cho người chơi sự lười nhác và không có cá tính, không có bản sắc riêng. Chú thấy đấy, trong dàn nhạc giao hưởng có bao giờ họ chơi đàn organ đâu.
Ông Cường gật gù:
- Ừ, nói thế thì chịu rồi. Chú nhớ hồi chú sang Cuba, ở bên đấy người ta cũng không cho phép dạy nhạc trong trường bằng đàn organ. Thế cháu đã vận động được nguồn tài trợ nào chưa?
Diệu Linh nói:
- Dạ không ạ. Cháu không đồng ý cho đi vận động.
Ông Cường nói:
- Nếu vận động được thì cũng tốt chứ sao.
Diệu Linh nói:
- Dạ, thôi chú ạ. Kinh tế khó khăn thế này, các doanh nghiệp họ cũng khó khăn cả. Nói thật, cháu đi vận động xin mấy chục triệu thấy cũng không hay. Cái nữa là các chị em chỗ cháu lại muốn vận động đóng góp từ những gia đình học sinh khá giả. Cháu thì không muốn. Chúng cháu thì thu tiền học phí cả năm từ đầu năm rồi. Mà học phí chỗ chúng cháu đắt thì cũng chẳng đắt đâu, nhưng mà so với trường mẫu giáo công lập thì cũng không phải rẻ chút nào.
Ông Cường hỏi bà Thanh:
- Này bà Thanh, hình như hôm nay là phát tiền cho đoàn phim đúng không?
Bà Thanh trả lời:
- Vâng, đúng ạ.
Ông Cường hỏi:
- Thế tiền nhuận bút kịch bản với tiền công đạo diễn của tôi được bao nhiêu?
Bà Thanh nói:
- Trước mắt thì cứ tạm tính theo barem chung của các hãng phim. Anh là tác giả kịch bản thì mỗi tập kịch bản được trả 10 triệu. Đấy là em tính du di ra rồi đấy. Chứ tính theo đúng biểu của đài truyền hình thì chỉ được 6 triệu mỗi tập thôi. Còn tiền đạo diễn của anh thì được 12 triệu một tập.
Ông Cường nhẩm tính, rồi nói:
- Ô, thế thì cũng được món tiền to đấy. Thôi thế này, tôi xin ủng hộ vào Trường mẫu giáo Lá Xanh cho các cháu năm chục triệu.
Bà Thanh vỗ tay:
- Hoan hô anh Cường. Lần đầu tiên thấy ông anh rộng rãi thế này đấy.
Hữu Tùng nói:
- Bà chị nói thế có khác gì bảo ông anh em từ xưa đến nay keo kiệt lắm à?
Bà Thanh phì cười:
- Tôi không bảo là keo kiệt lắm. Nhưng mà cũng là người không tiêu phí bao giờ.
Ông Cường nói:
- Cô chuyển ngay cho Diệu Linh năm chục triệu giúp tôi. Mà thôi, tốt nhất là như thế này, để tránh cho Diệu Linh bị mang tiếng này khác, cô mang năm chục triệu của tôi đến trường giao cho các cô. Cứ bảo là của đạo diễn Huy Cường ủng hộ cho các cháu tham gia thi văn nghệ.
Diệu Linh lúng búng:
- Ôi chú cho nhiều quá. Cháu không dám nhận đâu.
Ông Cường lừ mắt nhìn Diệu Linh:
- Ơ hay, chú có cho cháu đâu nhỉ. Đây là chú cho trường cơ mà.
Đến nước này, Diệu Linh chỉ còn biết nói:
- Vâng, thế thì cháu xin. Cháu cảm ơn chú ạ.
Hữu Tùng hồ hởi:
- Em cũng xin góp cho trường của Diệu Linh 10 triệu.
Phương Minh cũng nói luôn:
- Cô Thanh ơi, một nửa tiền của cháu, cháu cũng xin ủng hộ cho trường mẫu giáo ạ.
Bà Thanh ngạc nhiên:
- Ôi, sao lại có hiệu ứng domino lòng từ thiện thế này nhỉ? Mọi người đã ủng hộ như thế này, chẳng lẽ tôi lại không có đồng nào à? Thôi, thế thì tôi cũng xin ủng hộ cho trường 10 triệu.
Diệu Linh đứng dậy:
- Cháu xin thay mặt các cháu và các cô giáo trong trường cảm ơn cô chú, cảm ơn Phương Minh.
Bà Thanh nói:
- Chúng tôi có ý kiến như thế này, cô xem thế nào nhé.
Diệu Linh nói:
- Dạ thưa, ý kiến gì ạ?
Bà Thanh:
- Sáng hôm nay tôi thấy anh Hữu Tùng nói rằng, sau khi kết thúc phim này, nên vận động Diệu Linh đi học tại chức Khoa Đạo diễn ở Trường đại học Sân khấu Điện ảnh, rồi chuyển nghề sang làm đạo diễn luôn.
Diệu Linh lắc đầu:
- Dạ, không ạ. Cháu không làm được công việc ấy đâu. Chẳng qua là trong phim này, các nhân vật, các tình huống cũng gần với cháu nên cháu giúp được gì cho chú Cường thì cháu giúp thôi ạ, chứ bảo cháu chuyển nghề đi làm đạo diễn thì cháu chịu. Cháu bây giờ chỉ muốn làm nghề nuôi dạy trẻ thôi.
Phương Minh nói với Diệu Linh:
- Đúng rồi chị ạ. Đừng dính vào nghệ thuật nữa, đa đoan lắm.
Chợt bà Thanh nhìn thấy cái hộp to.
Bà hỏi Diệu Linh:
- Cháu mang cái gì đến thế này?
Diệu Linh nói:
- Dạ, cháu thấy trời rét rồi, để chú Cường ăn cơm nguội thì không tốt. Cháu mang cái lò vi sóng nhỏ ở nhà đến để hâm lại cơm cho chú Cường.
Ông Cường cảm động nhìn Diệu Linh:
- Cảm ơn cháu.
Bà Thanh nói:
- Đúng rồi. Đấy, thấy chưa. “Con trông cha không bằng bà trông ông”.
Câu nói đùa đầy thâm ý của bà Thanh làm mọi người bật lên cười sảng khoái.
Ông Cường ngượng chín mặt.
Ông vỗ tay:
- Thôi thôi, bắt tay vào làm việc đi. Cái cô này, “trẻ không tha, già không thương”. Tôi cũng không hiểu tại sao chú ấy sống với cô được những ngần ấy năm.
Bà Thanh cười:
- Anh không biết đấy chứ, nhiều người đã bảo là phải phong cho ông nhà em danh hiệu “Người đàn ông dũng cảm nhất thế giới”. Ba mặt con rồi, sống với em từng ấy năm mà vẫn chịu được em thì phải nói rằng đó là người quá giỏi.
Ông Cường nói:
- Vâng, tôi biết cô rồi. Cô thì ghê lắm. Ngày xưa, lúc chú ấy đi làm phim ở ngoài cái dẻo đất ở hồ Đại Lải mà cô còn bơi ra giám sát chú ấy. Tôi phải nói là trần đời này không có người đàn bà nào giữ chồng mà ghen như cô.
Bà Thanh cười:
- Cái thời ấy nó khác. Yêu đương lãng mạn lắm. Em nói anh nghe nhé, hồi ấy mà không chặt tay thì em cũng không vồ được lão ấy đâu.
Hữu Tùng nói:
- Đây này, các bạn gái nhé. Học kinh nghiệm giữ người yêu, giữ chồng như thế nào thì phải hỏi bà Thanh này nhé.
Bà Thanh vui chuyện kể:
- Cách đây mấy năm, nhà em cũng có “đầu mày cuối mắt” với một con diễn viên mới lớn. À, cũng chẳng phải mới lớn, gần ba mươi rồi nhưng mà là lần đầu tiên đóng phim. Hai anh chị hẹn hò nhau được mấy lần rồi. Em phát hiện ra, thế là em gọi nó đến, đưa cho chùm chìa khóa. Em bảo: “Thôi bây giờ thế này, chị nhờ em. Chị lớn tuổi rồi, cũng chẳng chăm lo được cho anh ấy nữa. Mà chị thấy em còn trẻ, xem ra em với anh ấy lại hợp nhau. Bây giờ chị giao hết nhà cửa cho em, em về đây ở, chăm sóc anh ấy, còn chị đi trông cháu”. Con bé sợ quá chạy mất dép.
Hữu Tùng nói:
- Chị cũng ghê thật đấy. Người ta bảo đàn ông bây giờ nếu nhà cửa mà còn dùng được thì không được đập đi, xây lại, mà chỉ được sửa chữa, cơi nới thôi.
Bà Thanh:
- Người ta còn có bài thơ “Vợ là cửa chính vào ra/ Bồ là cửa sổ để ta ấm lòng/ Ước gì xây được căn phòng/ Có nhiều cửa sổ để lòng mát thêm”. Đấy, đàn ông thời nay thế đấy.
Nhưng rồi bà Thanh quay sang nói với Diệu Linh như giao nhiệm vụ:
- Này, Diệu Linh. Bây giờ chuyện trông nom ăn uống cho ông Cường thì cô khoán cho cháu nhé. Cháu lo cho ông ấy. Ông ấy cũng lớn tuổi rồi, đúng là ăn uống thế này thì không được. Rồi chăm sóc cả những cái khác nữa nhé.
Diệu Linh cũng đùa:
- Cháu chỉ chăm sóc được bữa ăn trưa thôi. Còn những cái khác thì phải tự chú ấy chứ.
Ông Cường ngượng quá, đứng dậy nói:
- Thôi thôi. Hôm nay mọi người làm sao ấy nhỉ? Mất toi 2 giờ đồng hồ là 8 cảnh quay của tôi rồi đấy. Nào thôi, bắt đầu vào cảnh tiếp đi.
Trở lại cảnh phim.
***
Từ sau hôm biết mình bị gạt ra khỏi danh sách ứng cử viên Chủ tịch quận khóa tới, tính tình Nhật Chiêu thay đổi hẳn. Hơi một tý là cáu bẳn, nhiều lúc anh ta nói năng rất thô tục. Đây là điều làm Diệu Linh hết sức ngạc nhiên. Cô không hiểu nổi tại sao một người được ăn học tử tế, sinh ra trong một gia đình nề nếp, gia phong và có truyền thống như thế mà lại nói năng thiếu tế nhị và thô tục như vậy.
Diệu Linh nhớ có một buổi chiều, hai vợ chồng đi tập thể dục ở ven hồ, bỗng có một cháu bé đang tập đi xe đạp chẳng hiểu tại sao lại đâm vào từ phía sau Nhật Chiêu.
Anh ta túm lấy con bé, véo tai nó và nói:
- Cái con ranh này, mày có mắt không mà đi như mù thế?
Con bé sợ quá nói:
- Cháu… Cháu xin lỗi bác.
Nhật Chiêu nói:
- Bác bác cháu cháu cái gì? Cút ngay đi. Đường này không phải đường để cho chúng mày tập xe nhé.
Nghe cách nói của Nhật Chiêu, Diệu Linh bực mình:
- Sao anh nỡ nói với cháu bé như thế? Cháu nó còn bé, nó lỡ như thế và đã xin lỗi rồi thì nhắc nhở cháu đi cẩn thận. Việc gì phải gay gắt với nó như vậy.
Chiêu quay ngoắt sang Diệu Linh:
- Thôi thôi, cô không phải bênh vực. Các cô sống tự do quen rồi. Chẳng có kỷ cương, nề nếp gì cả.
Diệu Linh bực mình:
- Anh bảo không có kỷ cương, nề nếp là thế nào? Sao tự nhiên lại chuyện nọ xọ chuyện kia thế?
Nhật Chiêu nói:
- Vâng. Cô nề nếp thế nào thì tôi biết cả rồi.
Nói xong Nhật Chiêu đi luôn.
Diệu Linh bực mình quay về.
Tối hôm ấy, Nhật Chiêu hậm hực:
- Càng nghĩ càng cay lão Quốc. Đúng là mình đi chậm hơn mấy thằng kia.
Nói rồi Nhật Chiêu quay sang đay nghiến Diệu Linh:
- Mà việc này là tại em đấy. Anh đã bảo rồi, lẽ ra là người ta đã tạo điều kiện, cơ hội cho em đến nhà để dạy học cho con lão thì em phải bám thật chặt, gây dựng tình cảm cho tốt. Đấy, cái đám kia kìa, chẳng hiểu chúng nó đi đường nào mà bây giờ ông ấy quay sang ủng hộ chúng nó, còn mình thì không ủng hộ.
Diệu Linh nói:
- Chuyện “chính trường” của các anh, em biết đâu được đấy. Tại sao bây giờ anh lại quay sang trách em chuyện này nhỉ? Nếu như anh có uy tín thực sự, anh được người ta nể trọng thực sự thì phiếu bầu phải thể hiện ngay.
Nhật Chiêu đấm bàn rầm một tiếng:
- Cô im đi. Cô nói cứ như sách ấy, hệt như lão bí thư ấy. Mà tôi thấy giọng cô với giọng lão dạo này cũng giống nhau đấy. Hay là hai người đã bàn bạc, nói gì với nhau rồi?
Diệu Linh đặt mạnh bát cơm xuống bàn:
- Anh Chiêu ạ, anh nên ăn nói cho nó cẩn thận. Anh xúc phạm em đã là quá đáng rồi. Nhưng đề nghị anh đừng xúc phạm anh Quốc. Anh ấy là người tử tế, đứng đắn đấy.
Nhật Chiêu nói:
- À, bây giờ các người bênh nhau phải không? Thảo nào… Tôi biết ngay mà. Tôi đã linh cảm thấy hai người có chuyện rồi.
Diệu Linh sững sờ nhìn Chiêu:
- Tại sao anh không bao giờ nghĩ tốt được về người khác một chút thế nhỉ? Chẳng lẽ anh lại nghĩ rằng tôi đến đấy để làm “mỹ nhân kế” à?
Nhật Chiêu nhìn Diệu Linh bằng ánh mắt nảy lửa:
- Thôi, cô không phải già mồm. Tôi còn lạ gì cuộc sống tình ái của những cô người mẫu, hoa hậu nữa.
Đến nước này Diệu Linh cũng không chịu nổi nữa:
- Nếu như anh thấy rằng sống với tôi khó chịu quá thì… Chúng ta cũng chưa đăng ký kết hôn đâu.
(Xem tiếp kỳ sau)