Ngoài việc đi lễ bái, đồng bóng, hàng tuần Diệu Linh vẫn đến nhà ông Quốc để dạy đàn cho bé Liên. Từ ngày có Diệu Linh chỉ bảo thêm, Liên tiến bộ rất nhanh. Tiếng đàn của Liên nghe mượt mà hơn hẳn và đã có nhạc cảm khi chơi đàn. Ông Quốc và vợ rất vui.
Hồng nhan đa truân (Kỳ 55) Sáng hôm sau, Diệu Linh bảo ông lái xe già đưa đến chùa Mía. Đi đến gần cửa chùa thì cô ra hiệu dừng xe ... |
Hồng nhan đa truân (Kỳ 54) Diệu Linh về nhà và nghĩ đến bữa cơm lúc tối mà trong lòng cũng bâng khuâng. Cô cũng không lý giải được tình cảm ... |
Một lần, Diệu Linh nói với Chiêu:
- Hay là em mời bố về ở với vợ chồng mình? Anh thấy thế nào? Bố bây giờ có tuổi rồi mà vắng em, sống một mình như thế thì em thấy không được.
Chiêu ngần ngừ một lát:
- Em thuê cho bố một người phục vụ đi. Vợ chồng mình đang sống như thế này. Công việc của anh cũng phức tạp. Em thấy đấy, nhiều lúc anh không làm chủ được thời gian, có thêm người già về ở thì anh sợ bố không hợp. Bây giờ thế này, mỗi tháng anh đưa em thêm 2 triệu để em thuê cho bố một người phục vụ.
Nghe Chiêu nói như thế, Diệu Linh tắt ngay ý định đưa bố về ở cùng.
Và dường như cũng hiểu tấm lòng của con gái, ông Tường nói:
- Con ạ, con không phải lo cho bố. Con cứ yên tâm lo cho chồng đi. Sự nghiệp của chồng con có vững thì con mới có hạnh phúc.
Điều kỳ lạ là ông Tường cũng đồng quan điểm với Chiêu rằng Diệu Linh nên ở nhà, không phải đi làm, đã có chồng nuôi. Cô với vai trò là người phụ nữ trong gia đình thì phải lo cho chồng cơm ngon canh ngọt, nhà cửa êm ấm là được. Diệu Linh thấy mình như một con chim trong lồng và cái lồng ấy ngày càng chật lại. Muốn thoát ra lắm, nhưng cứ nghĩ đến bố, đến em, Diệu Linh lại nghiến răng nhẫn nhịn, chịu đựng. Rồi dần dần Chiêu cũng nhận ra được điều đó.
Chiêu nói:
- Em nên chịu khó đi lễ, đi hầu đồng đi. Em là người có “căn” hầu đấy.
Nghe Chiêu nói vậy, Diệu Linh cũng đồng ý vì cô cũng muốn thoát khỏi căn nhà này. Thế là Diệu Linh bắt đầu lang thang vào thế giới “hầu bóng”. Cô đi hết đền nọ, đình kia, rồi đi mở phủ hầu đồng. Hầu như tháng nào Diệu Linh cũng đi. Có một điều lạ là Chiêu keo kiệt với vợ bao nhiêu trong cuộc sống thì khi cô cần tiền đi hầu đồng, Chiêu lại không hề tiếc. Có những lần một giá chầu hết cả vài chục, thậm chí cả trăm triệu Chiêu cũng không tiếc. Đi nhiều rồi cũng mê. Tháng nào không được đi là Diệu Linh thấy bứt rứt trong người.
Ngoài việc đi lễ bái, đồng bóng, hàng tuần Diệu Linh vẫn đến nhà ông Quốc để dạy đàn cho bé Liên. Từ ngày có Diệu Linh chỉ bảo thêm, Liên tiến bộ rất nhanh. Tiếng đàn của Liên nghe mượt mà hơn hẳn và đã có nhạc cảm khi chơi đàn. Ông Quốc và vợ rất vui.
Một lần, lựa lúc nghỉ giải lao, ông Quốc mời Diệu Linh xuống uống nước:
- Tôi rất cảm ơn cô đã dạy cho cháu. Các thầy, cô giáo trước đây dạy thì chỉ dạy cho cháu biết chơi đàn, chứ còn chơi thế nào cho hay, cho nghệ thuật thì không dạy được. Nhờ có cô mà tiếng đàn của nó khá hẳn.
Diệu Linh mỉm cười nói với ông:
- Thực ra cháu nó có năng khiếu lắm. Nhưng các thầy, cô trước đây chắc dạy không đúng phương pháp nên không khơi dậy được cái đẹp, cái tinh tế trong tiếng đàn.
Diệu Linh lại đùa ông:
- Anh ạ, nhưng mà anh đừng cho cháu chơi đàn bầu. Sao anh không mua cho cháu chiếc piano để học có phải tốt hơn không?
Ông Quốc nói:
- Cô ơi, làm gì có tiền mua đàn piano. Bây giờ một cái đàn piano cũng phải cả trăm triệu.
Diệu Linh nói:
- Thật ra nếu mua đàn để chơi được thì cũng không đến mức như thế. Mua đàn cũ thôi. Nhưng mà đó là đàn để chơi nhạc bác học, nên học đàn ấy tốt hơn. Còn đàn bầu thì anh không nghe người ta nói “Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu” à. Em ngày xưa cũng vì học đàn bầu mà sau này cứ đa đoan thế nào ấy.
Ông Quốc bật cười trước suy nghĩ của Diệu Linh:
- Không phải đâu. Nếu cô mà không mang danh hiệu hoa hậu thì chắc bây giờ cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Mà có khi bây giờ cô hạnh phúc lắm.
Diệu Linh hỏi ông Quốc:
- Thế theo anh thì cuộc sống của em hiện nay có hạnh phúc không?
Ông Quốc sững người khi nghe Diệu Linh hỏi như vậy.
Ông nghĩ một hồi lâu, rồi nói:
- Nếu nhìn bên ngoài thì ai cũng nghĩ là hạnh phúc. Tôi cũng nghĩ là hạnh phúc, nhưng với sự hiểu biết của tôi thì hạnh phúc này hơi khó bền.
Nghe ông Quốc nói mà Diệu Linh thấy ớn lạnh cả người.
Cô hỏi ông:
- Anh có thể nói rõ hơn được không? Tại sao lại nói hạnh phúc này không lâu bền?
Ông Quốc nín lặng, rồi ông nói chữa:
- À, ấy là tôi cứ nghĩ thế. Nhưng thật là khó nói.
Ông Quốc cứ ngập ngừng, lúng túng.
Diệu Linh mạnh dạn hỏi:
- Anh ạ, thế tới đây tương lai của nhà em sẽ như thế nào hả anh?
Ông Quốc nói:
- Tuần tới, Thường vụ Quận ủy sẽ họp để xem xét công tác tổ chức cán bộ, trong đó có việc chọn vị trí Chủ tịch quận khóa tới. Cậu Chiêu nhà cô cũng là một trong những ứng cử viên.
Diệu Linh rụt rè nói:
- Thôi thì em cũng chưa hiểu nhiều về nhà em, nhưng trước đây em đọc được một số bài báo viết về anh ấy, em cũng nghĩ anh ấy là người có năng lực. Còn cách cư xử trong cuộc sống thì cũng không biết đường nào mà nói. Em cũng mong anh giúp đỡ, tạo điều kiện cho anh nhà em phát triển.
Ông Quốc bật cười:
- Điều ấy thì cô không phải nói. Nói thật là tôi rất có trách nhiệm với cậu ấy. Trước đây, khi cậu ấy còn ở xí nghiệp của quận, tôi đã để ý đến rồi. Vì tôi thấy cậu ấy là người làm kinh tế rất năng động và quyết đoán. Tôi đã đưa cậu ấy về làm cán bộ phường, rồi dần dà lên Chủ tịch phường và bây giờ lên Phó chủ tịch quận. Phải nói mấy năm vừa qua cậu ấy đã có những đóng góp khá tích cực cho sự phát triển của quận trong công tác xây dựng cơ bản. Cũng không ai như cậu ấy, đã dám đương đầu với cấp trên khi đòi phải thay đổi quy hoạch của quận. Và bây giờ, càng ngày mọi người càng thấy việc thực hiện quy hoạch của cậu ấy là hợp lý. Trước đây, nếu như theo quy hoạch cũ thì đường phố bây giờ có lẽ nhếch nhác, chật chội và chẳng ra đâu vào đâu cả. Tuy nhiên, năng lực chỉ là một phần. Như cô thấy đấy, có những cái đúng là người ta có năng lực nhưng chưa chắc đã được mọi người nhìn nhận. Đó là trong cuộc sống, trong khía cạnh tư cách đạo đức, tác phong. Thế nên trong Di chúc của Bác Hồ, Bác đã dặn là phải xây dựng một thế hệ thanh niên “vừa hồng, vừa chuyên”, có nghĩa là vừa phải có đạo đức, vừa phải có chuyên môn giỏi. Làm người cán bộ thì tài năng nhiều khi lại không quan trọng bằng đạo đức. Nếu anh là người có đạo đức tốt, biết quy tụ mọi người, anh có uy tín thì sẽ vận động được mọi người làm theo và thực hiện được nhiệm vụ của cấp trên đề ra. Còn nếu anh có tài mà không có đạo đức thì cái tài ấy cũng chỉ được một thời gian. Rồi đến khi anh không quy tụ được mọi người, không xứng đáng có sự tin tưởng thì cái tài ấy của anh chẳng có nghĩa lý gì cả. Nhất là ở đơn vị hành chính như các cơ quan đầu não của chính quyền.
Diệu Linh hỏi:
- Như anh nói thì vấn đề đạo đức của nhà em có chuyện gì chăng?
Ông Quốc suy nghĩ hồi lâu, rồi nói:
- Lẽ ra tôi không được phép nói điều này với cô. Nhưng thôi, cô hãy tự đi tìm hiểu. Hiện nay có một số lời đồn đại rằng, cậu ấy móc nối với các doanh nghiệp, tạo điều kiện cho họ làm các dự án trên địa bàn quận để ăn chia tiền bạc và còn nhiều chuyện phức tạp nữa. Tất nhiên là chứng cứ cũng chưa có, chứ nếu có thì công an cũng chẳng để yên. Về đạo đức, cậu ấy sống cũng khác người. Trong chuyện ly dị với cô vợ cũ Thùy Dung, mọi người thấy tính cách của cậu ấy có vấn đề. Cô Thùy Dung hiện nay là Bí thư Đảng ủy, Phó chủ tịch phường Tân Hòa. Đó là một cán bộ mà chúng tôi rất coi trọng và tới đây chúng tôi cũng sẽ cất nhắc chị ấy lên vị trí lãnh đạo cao hơn nữa để chị ấy có thể phát huy năng lực. Trong cuộc sống, chị ấy là người không để có bất cứ điều tiếng gì. Khi hai vợ chồng ly dị, tôi hỏi cậu Chiêu thì cậu ấy chỉ nói rằng: “Chúng em không hợp nhau”. Đến lúc tôi hỏi cô Dung thì cô ấy chỉ khóc thôi. Cô ấy bảo: “Thôi em xin anh, anh đừng hỏi đến việc này nữa”. Dần dần mọi người cũng biết rằng cậu Chiêu là một người có tính ghen tuông lạ lùng. Cậu ấy ghen một cách bệnh hoạn. Nên tôi hơi ngạc nhiên khi cậu ấy để cho cô đến đây dạy đàn cho con gái tôi.
Nghe ông Quốc nói vậy, Diệu Linh cúi đầu:
- Em cũng cảm thấy như thế.
Ông Quốc an ủi:
- Cậu ấy lấy hai người vợ, chị Dung ngày xưa cũng xinh lắm, đẹp nền nã, rồi bây giờ lại lấy cô là hoa hậu thì làm gì mà chẳng ghen. Mà ghen quá thì thành bệnh, không ghen thì làm sao gọi là yêu được nhỉ. Cũng giống như người ta ăn phở thì phải có một tý ớt chứ, không có ớt thì ăn phở chẳng ra cái gì cả.
Diệu Linh nói:
- Vâng, nhưng ớt mà cho quá tay thì bỏng miệng, không ăn được phở luôn ấy ạ.
Ông Quốc bật cười:
- Tất cả những điều tôi nói với cô, cô phải thật cẩn thận. Nếu có nói với cậu ấy thì phải hết sức giữ gìn. Nội bộ trong quận chúng tôi hiện nay đang có những điều rất phức tạp. Nói ra thì xấu hổ nhưng vẫn là chuyện đấu đá, bè phái, chuyện tranh quyền cướp chức. Bên Ủy ban cũng có, bên Quận ủy cũng có. Mà cái thực trạng này cứ mỗi lần bầu bán vào nhiệm kỳ mới là y rằng sinh chuyện. Ngay như tôi đây, bây giờ cũng có đơn thư gửi lên tận Ủy ban Kiểm tra Trung ương tố cáo tôi là nhu nhược, rồi điều hành công việc thì “dĩ hòa vi quý”. Thậm chí người ta còn bảo tôi là có cả vợ nọ, con kia nữa. Người mà hiểu tôi nhất chỉ có vợ tôi. May mà cô ấy rất hiểu, nên cô ấy cũng chỉ buồn cho “nhân tình thế thái”. Mà nói thật nhé, cô đến dạy đàn cho cháu thế này rồi không khéo mấy hôm nữa cũng lại có đơn tố lên trên cho mà xem.
Diệu Linh ngạc nhiên:
- Anh bảo tố cái gì ạ?
Ông Quốc cười đau khổ:
- Nó lại thêu dệt ra là để lấy lòng Bí thư Quận ủy thì cậu Chiêu lại bắt vợ là hoa hậu đến dạy đàn cho con của Bí thư, rồi có khi lại thêu dệt ra là quan hệ của tôi với cô có gì không? Ôi, cuộc đời. Làm cán bộ bây giờ mà không biết làm quen với đơn kiện thì khổ.
Diệu Linh nói:
- Nhưng mà đơn nặc danh thì có gì mà ngại hả anh?
Ông Quốc bật cười:
- Đúng là về nguyên tắc thì không phải xem xét đến đơn nặc danh. Nhưng đấy là khi cấp trên yêu quý mình, họ bảo là đơn nặc danh thì không phải xem xét. Nhưng nếu như cấp trên có điều gì không vừa lòng với mình, hoặc có ý đồ gì khác thì họ lại bảo là “Tuy là đơn nặc danh nhưng có cơ sở thì phải xem xét”. Khổ thế đấy cô ạ.
Những lời nói của ông Quốc làm Diệu Linh rất suy nghĩ. Và từ đấy, cô bắt đầu để ý tìm hiểu xem Nhật Chiêu làm ăn thế nào. Diệu Linh cũng lờ mờ hiểu rằng, một khi Bí thư Quận ủy đã nói như vậy thì rõ ràng là Nhật Chiêu cũng có những điều rất không bình thường.
Một buổi tối, trong khi hai vợ chồng ngồi ăn cơm.
Chiêu hỏi Diệu Linh:
- Từ hôm ấy em có nói chuyện, tâm sự được gì với anh Quốc không?
Diệu Linh lắc đầu:
- Chẳng nói được gì anh ạ. Em cứ muốn nói chuyện gì thì lại có chị đến ngồi kèm bên cạnh, hoặc là cháu Liên. Cách đây mấy hôm, trước lúc về em có hỏi anh ấy về chuyện bầu bán sắp tới, anh ấy nói rằng anh cũng là một trong những người có tên trong danh sách ứng cử vào vị trí Chủ tịch quận khóa tới. Anh ấy cũng khen năng lực của anh.
Chiêu hỏi:
- Thế ông ấy có nói xấu gì anh không?
Nghe chồng nói vậy, Diệu Linh cảnh giác:
- Không, anh ấy không nói xấu gì. Anh ấy chỉ nói là anh là người có công lao đóng góp cho sự nghiệp phát triển của quận, là người dám nghĩ, dám làm. Thế thôi.
Chiêu bỏ bát cơm xuống, đứng dậy đi lại trong phòng ăn, rồi nói:
- Em không biết đâu. Trong thâm tâm, ông ấy muốn thằng Công - cũng đang làm Phó chủ tịch quận nhưng phụ trách về tổ chức lên làm Chủ tịch quận, chứ không phải anh. Anh đã tính rồi, tới đây anh sẽ phải dùng mấy anh ở trên để gây sức ép buộc ông ấy phải chấp nhận.
Diệu Linh hỏi:
- Thế việc bỏ phiếu như thế thì làm sao?
Nhật Chiêu:
- Ờ, tất nhiên là chuyện bỏ phiếu thì quan trọng. Nhưng em biết không, việc quan trọng nhất là được sếp bằng lòng, được họ xếp đặt. Nếu bỏ phiếu bình chọn mà được cao, nếu cấp trên không thích thì họ sẽ bảo là cái thằng ấy nhu nhược, không dám làm, tính xuề xòa, giỏi lấy lòng, nó không đụng chạm đến ai nên phiếu nó cao. Mà cán bộ thiếu tính quyết đoán thì không thể đưa vào các vị trí lãnh đạo được. Còn nếu phiếu của mình thấp mà cấp trên chú ý đến mình thì họ sẽ lại bảo thế này: “Thằng ấy phiếu nó thấp là bởi vì nó dám làm, nó dám phê phán, đấu tranh, nó dám đụng chạm. Mà đã phê phán đấu tranh thì phải đụng chạm đến quyền lợi của người này, người khác, nên phiếu của nó không được cao. Chúng ta cần những người có bản lĩnh. Cấp trên thì nói thế nào chẳng được. Đại khái là như thế. Thôi, nhưng mà em cứ bám chặt ông Quốc cho anh.
Diệu Linh nói:
- Anh ạ, em cũng nói với anh ấy rồi. Cháu nó chuẩn bị vào kỳ thi nên việc học đàn phải ngừng lại. Em nói thật, em cũng không muốn đến đấy dạy nữa.
Chiêu nhìn Diệu Linh:
- Tại sao lại thế ?
Diệu Linh nói:
- Anh thấy không, em đường đường là vợ của một Phó chủ tịch quận mà bây giờ lại đến dạy đàn cho con của Bí thư quận ủy. Thiên hạ người ta mà biết thì không biết họ sẽ nghĩ về anh như thế nào và nghĩ về anh Quốc như thế nào? Điều đó không có lợi cho anh. Nhưng em sẽ nói với cháu Liên là khi nào cháu gặp khó khăn gì, muốn chơi bản nhạc nào mà thấy không ổn thì mang đàn đến nhà mình, em sẽ dạy.
Nhật Chiêu nói:
- Em nghĩ thế cũng phải. Nhưng anh muốn em tạo tình cảm tốt với ông Quốc.
Diệu Linh:
- Tình cảm bây giờ cũng tốt chứ sao. Nói thật là vợ chồng anh ấy rất trân trọng em và cũng rất quý trọng cả anh. Mọi thứ đều rành mạch, rõ ràng. Vợ anh ấy còn nói tuần tới mời vợ chồng mình đến ăn cơm nữa.
Chiêu bật cười:
- Em đúng là chẳng hiểu gì về quan trường cả. Anh nói tình cảm tốt ở đây là phải ở mức độ thật là thân tình, phải không giấu gì nhau. Nó phải như bạn bè chí cốt, tri âm tri kỷ thì mới được.
Diệu Linh lờ mờ hiểu ra ý định của chồng. Cô chợt nhớ đến ngày xưa, lúc Quang âm mưu mang cô dâng cho tay đại gia Trương và thấy sợ hãi.
Diệu Linh cảnh giác ngay:
- Em thấy giữ quan hệ chừng mực, trên dưới rõ ràng. Em là vợ anh, anh ấy là cấp trên của anh. Nên tránh xa thì tốt hơn. Gần lửa thì rát mặt, hay gì đâu. Đối với cấp trên, nhiều lúc cứ phải biết tránh. Còn sự thân thiết với nhau thì phải có quá trình lâu dài, hiểu biết nhau, đồng cam cộng khổ với nhau rồi thì mới là bạn bè tâm giao. Còn như thế này, cứ giữ quan hệ bình thường là được rồi.
Chiêu thở dài:
- Em đúng là phải học hỏi nhiều. Sắp bỏ phiếu tín nhiệm đến nơi rồi. Không biết ông ấy sẽ giở ra cái trò gì đây. Chủ nhật này, anh biết là bà vợ ông ấy sẽ đi miền Nam thăm một người bạn. Ông ấy sẽ ở nhà một mình. Anh sẽ đưa cho em một túi quà, em mang đến biếu ông ấy.
Diệu Linh nói:
- Anh bảo mang quà đến biếu? Mang quà đến biếu vì dịp gì? Tự nhiên mang đến biếu à?
Chiêu nói:
- Em cứ đến và đặt vấn đề thẳng với anh ấy là anh nâng đỡ, giúp cho chồng em thì vợ chồng em không quên ơn. Anh đã chuẩn bị rồi.
Diệu Linh hỏi:
- Anh chuẩn bị những gì?
Chiêu nói:
- Anh chuẩn bị một chai rượu và năm chục ngàn đôla nữa.
Diệu Linh tròn mắt:
- Cái gì? Anh bảo mang biếu anh ấy năm mươi ngàn đôla?
Chiêu ngạc nhiên nhìn Diệu Linh:
- Thế em tưởng để anh lên được chức Chủ tịch quận mà biếu ông Bí thư quận ủy năm mươi ngàn đôla đã là to à? Số tiền ấy chẳng là gì cả. Em biết không, ngày xưa để lên được vị trí Phó chủ tịch quận này, anh phải mất hơn một trăm ngàn đôla đấy. Biếu xén, lễ lạt khắp nơi.
Diệu Linh sững sờ:
- Trời ạ. Thảo nào người ta bảo ở thành phố này, cái nạn chạy quan chạy chức ngày càng trầm trọng. Em lại cứ tưởng rằng với người tài năng như anh thì chẳng cần phải biếu xén ai đồng nào, mà người ta tự nhìn thấy, người ta tự cất nhắc chứ.
Nhật Chiêu nhìn Diệu Linh như nhìn kẻ trên trời rơi xuống:
- Em đúng là ngây thơ quá. Thế anh hỏi em. Cái vương miện hoa hậu ngày xưa em đội có mất tiền không ? Em có dám khẳng định rằng ngày xưa em không mất đồng xu cắc bạc nào không? Mặc dù sắc đẹp là của em, trí thông minh là của em, em đi thi công khai đấy nhé. Nhưng liệu có tiền không?
Diệu Linh im bặt, không biết nói thế nào nữa.
Chiêu tiếp tục:
- Anh nói thật với em. Các cuộc thi hoa hậu, người đẹp anh đều biết hết. Mà cái cuộc thi năm của em, sau này đọc báo, anh cũng chẳng biết. Nếu như không có thằng Quang với thằng đại gia Vượng bỏ tiền ra mua ban giám khảo thì liệu em có được không? Xã hội này là xã hội “kim tiền”. Em nên nhớ rằng đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, không có tiền không giải quyết được gì đâu. Thế nên anh nhờ em, em cứ mang tiền đến cho ông ấy đi. Còn ông ấy nhận hay không nhận lại là chuyện khác.
(Xem tiếp kỳ sau)