Em Nguyễn Mai Khanh, một học sinh THCS Thực Nghiệm cho rằng: "Sẽ là tàn nhẫn khi vội chê bai mà không hỏi chúng con, chúng con là những người trong cuộc sao không hỏi mà lại hỏi những phụ huynh, giáo sư, tiến sĩ chưa từng trải nghiệm tiết học nào ở trường chúng con?".
Video: Cha đẻ của sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục: Cha mẹ đừng can thiệp vào việc học của con
Những tranh cãi về bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ Giáo dục vẫn chưa đến hồi kết. Hàng loạt những ý kiến trái chiều về tính khả thi, hiệu quả, chính xác, tính giáo dục, nhân văn của bộ sách được mang ra mổ xẻ.
Những lùm xùm tranh cãi về phương pháp dạy đọc chữ theo sách Tiếng Việt 1 Công nghệ Giáo dục khiến các thế hệ học trò của trường Thực nghiệm không khỏi phẫn nộ.
Học sinh trường Thực nghiệm trong buổi hoạt động ngoại khóa. (Ảnh: Mai Khanh)
Liên quan đến việc này, trả lời PV VTC News, Nguyễn Mai Khanh, học sinh lớp 7 trường Thực Nghiệm bức xúc cho biết, sau khi đọc xong những bài viết mắng nhiếc thậm tệ phương pháp dạy đánh vần bằng ô vuông, tam giác trên Facebook hay trên báo chí, những bình luận đầy ác ý, em và các bạn rất buồn.
Mai Khanh cho rằng, những người này không nghĩ tới các em, những học sinh đang theo học tại trường Thực Nghiệm, những đứa trẻ đang được giảng dạy bằng chương trình.
"Sẽ là tàn nhẫn khi vội vàng chê bai mà không hỏi ý kiến các em, những người trong cuộc, những người đang ngồi trên ghế nhà trường và được trải nghiệp phương pháp dạy học của GS Hồ Ngọc Đại.
Chúng con là người trong cuộc, sao không hỏi chúng con mà lại hỏi một số phụ huynh, giáo sư tiến sĩ chưa trải nghiệm tiết học nào ở trường chúng con? Chúng con cảm thấy chương trình CGD (Công nghệ Giáo dục) rất hay và hiệu quả, và chúng con chỉ cần biết vậy thôi.
Cộng đồng mạng nên tìm hiểu và hãy thật sự hiểu trước khi chê bai phương pháp học tập của trường chúng con. Họ nên hiểu rằng chúng con cũng có cảm xúc và buồn giận khi có ai đó chửi bới ngôi nhà thứ 2, những người cha, người mẹ thứ 2 của chúng con. Chúng con tin tưởng ngôi trường 40 tuổi của chúng con như thế nào. Và họ nên hiểu rằng chúng con mãi yêu và tự hào về Thực Nghiệm" - Mai Khanh nói.
GS. Hồ Ngọc Đại từng khẳng định, sách Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ Giáo dục là thành tựu lớn nhất và sẽ tồn tại vĩnh viễn.
Mai Khanh cho biết, ở trường Thực nghiệm không chỉ dạy chương trình Công nghệ Giáo dục mà có cả những lớp dạy theo chương trình đại trà.
Thực ra em vốn không được xếp vào lớp học CGD (Công nghệ Giáo dục). Trước đó em học lớp 1B là lớp dạy theo chương trình GVCN (đại trà). Học 1 tháng ở lớp 1B, em mới chuyển sang lớp 1G (lớp học phương pháp giáo dục công nghệ) nên có thể cảm nhận rõ rệt sực khác biệt giữa hai phương pháp dạy.
"Khi mới chuyển sang lớp CGD, con thấy lạ lắm. Trước khi đi học, mọi người thường nói chấm dứt thời gian chơi, tập trung học tập... nhưng khi đi học thì không phải thế. Chương trình học thiết kế vui, dễ học nên chúng con cũng dễ tiếp thu và nhớ lâu.
Tâm lý chúng con khi ấy vừa mới đi học không thích những con số, cũng không thích chữ nên các thầy, các cô cho chúng con học âm trước rồi mới học chữ. Mỗi chữ hoặc số được thay bằng hình khối để chúng con dễ hiểu, dễ đếm. Tròn, vuông, tam giác là các vật thay thế. Ví dụ: " Tôi yêu Việt Nam", 4 ô vuông cho chúng con biết rằng câu này có 4 tiếng.
Không chỉ có học, xen kẽ những bài học, các thầy, các cô còn kể chuyện cười cho chúng con nghe. Chúng con không hề thấy căng thẳng vì học nhưng vẫn như đang chơi" - Mai Khanh vui vẻ nói.
Mai Khanh tiếp tục: "Học lớp 2 còn vui hơn nữa vì chúng con tập làm thơ, ghép vần. Trả bài xong cô lại đọc bài của 1 bạn nào đó trước lớp. Hồi đó chúng con viết buồn cười lắm nên cô cứ đọc là ở dưới cả lớp cười. Cô sẽ cho 1 câu thơ rồi chúng con gieo vần để tạo thành 1 bài thơ.
Thường thì là 1 câu 4 tiếng. Cô cũng dạy qua cách gieo vần gieo như thế nào? Ví dụ như gieo vần chân câu, vần lưng câu, chủ yếu là chúng con gieo vần chân câu 2, câu 1 vần.
Ví dụ, có một đoạn thơ chúng con gieo vần thế này: Em được đi chơi/ Em thích đi chơi/ Em vào chuồng lợn/ Cầu thang rất trơn/ Mẹ bảo ra ngoài/ Em ăn quả xoài. Dù không được hay lắm nhưng thường thì cô quan trọng cách gieo vần hơn nên không sao hết.
Hồi lớp 1, con may mắn biết đọc từ năm 5 tuổi, nên vào lớp thấy khoái lắm, vì mình biết đọc mà nhiều bạn khác không biết đọc nên đi tự thể hiện (tức là khoe) khắp nơi. Thế rồi, chỉ mấy tháng sau, trình độ đọc của các bạn đuổi kịp con, nhờ chương trình giảng dạy "hình tròn, ô vuông", ghép phụ âm + vần thành từ,... Còn năm lớp 2, trong lúc học sinh trường khác vẫn loay hoay với những bài tập đọc, chúng con đã biết ghép vần, làm thơ".
Mai Khanh chia sẻ, không chỉ môn tiếng Việt, các em cũng được học môn toán theo cách rất đặc biệt.
"Cô giáo không dạy "1+1=2; 2+2=4;..." một cách cứng nhắc như các trường tiểu học khác. Cô dạy chúng con về tập hợp - cái mà sau này chúng con mới biết là kiến thức của lớp 6; cô dạy chúng con về ông A, ông B, ông C, ông D, ông E - đại diện cho các loại tập hợp - có ông có nhiều bộ phận, có ông lại chẳng có bộ phận nào. Hồi đó lớp 1, đã biết gì đâu, thấy 5 ông A, B, C, D, E vui vui, thế là thích học toán", Mai Khanh vui vẻ nói.
Video: Sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục có gì hay?
Mai Khanh tỏ ra buồn bã khi nói về những lùm xùm xung quanh phương pháp dạy học theo Công nghệ Giáo dục mà em đang được học.
"Chúng con xưa nay cực kỳ ngưỡng mộ những học sinh xuất sắc của trường, GS Ngô Bảo Châu chẳng hạn. Chúng con tự hào về GS Hồ Ngọc Đại - người sáng lập nên trường chúng con. May mắn cho chúng con và phụ huynh chúng con là ông ấy đã làm vậy, đã dũng cảm đưa một chương trình học mới toanh vào giảng dạy.
Ở đó, thầy trò chúng con dạy và học theo một phương pháp hoàn toàn khác với những ngôi trường khác bên ngoài.
Các thầy, các cô không ép chúng con phải viết theo những bài văn mẫu. Chúng con được học, được chơi theo cách mình thích. Chúng con được tự do làm thơ, làm văn hay vẽ một bức tranh theo cách chúng con hiểu, chúng con thích và đều được chấp nhận.
Con tin chỉ cần chúng con và phụ huynh chúng con luôn tin tưởng và tín nhiệm Thực Nghiệm, thì sẽ không có chuyện gì xấu xảy ra với Thực Nghiệm hết. Chúng con yêu Thực Nghiệm ở những điều mà người khác có thể không yêu", Mai Khanh nói.
"Công nghệ Giáo dục dạy học sinh Thực nghiệm sống là chính mình"
Thế hệ học trò cũ của trường Thực nghiệm cho rằng Công nghệ Giáo dục đã giúp họ học từ phương pháp phân biệt âm ... |
6 tỉnh thành thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới
Việc thực nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới đến người dạy và người ... |
Người dân dựng rạp giữa quốc lộ phản đối thực nghiệm hiện trường tai nạn
Đề nghị cảnh sát đưa tài xế gây tai nạn chết người tới hiện trường, khi không được đáp ứng, người dân ở Hà Tĩnh ... |