Việc thực nghiệm nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình giáo dục phổ thông mới đến người dạy và người học.
Ban soạn thảo chương trình giáo dục phổ thông vừa kết thúc một tháng (23/3-23/4) đi địa phương để thực nghiệm các môn học, nhằm đánh giá tính khả thi và tác động của chương trình mới đến người dạy và học.
Cuộc thực nghiệm được thực hiện trên quy mô 48 trường học (18 tiểu học, 18 THCS và 12 THPT) tại 6 tỉnh thành, đại diện cho 6 vùng phát triển của Việt Nam, gồm: Hà Nội, Lào Cai, Bình Định, Lâm Đồng, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu.
GS Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ về một tháng thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Các trường học được lựa chọn tham gia thực nghiệm chương trình mới có điều kiện cơ sở vật chất, thuộc địa bàn kinh tế xã hội khác nhau. Cách chọn mẫu này nhằm đánh giá được chính xác nhất chương trình môn học đã phù hợp, gây hứng thú cho học sinh và vừa sức giảng dạy của giáo viên ở các vùng miền khác nhau hay chưa. Nó đồng thời giảm khoảng cách về kết quả giữa thực nghiệm với áp dụng đại trà", Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới Nguyễn Minh Thuyết nói.
Nội dung, phương pháp và cách thức đánh giá mới là điều được đưa ra thực nghiệm lần này. Theo đó, Ban soạn thảo chỉ định bài, cung cấp tài liệu hướng dẫn và tập huấn cho giáo viên để họ soạn giáo án rồi thực hiện giờ dạy. Sau mỗi tiết học, thành viên Ban soạn thảo sẽ nghe học sinh phản hồi về sự hiểu bài, hứng thú của các em. Giáo viên dạy thực nghiệm được phát phiếu trưng cầu ý kiến về chương trình từng môn, trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Ý kiến trả lời theo hình thức online, không ghi danh tính, để thầy cô nhận xét khách quan. Một nhóm chuyên gia độc lập đang tập hợp và xử lý các phiếu trả lời này, kết quả sẽ có trong vài ngày tới", ông Thuyết nói.
Giáo viên \'xoay như chong chóng\' khi dạy chương trình mới cho lớp hơn 50 học sinh
Các lớp học tham gia thực nghiệm chương trình mới được giữ nguyên sĩ số như hiện có, để cho kết quả chính xác khi áp dụng vào thực tế.
GS Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn Toán kể, lớp thực nghiệm ở Trường Tiểu học Dịch Vọng B (Hà Nội) có 65 học sinh, giáo viên đã phải "xoay như chong chóng" để dạy. Kết quả, tiết học đó được đánh giá ở mức "đạt yêu cầu". TS Bùi Phương Nga, Chủ biên Chương trình môn Khoa học (cấp tiểu học) cũng nhắc chuyện giáo viên phải dùng micro thì 58 học sinh trong lớp đang tổ chức hoạt động học tập mới nghe rõ.
Chương trình giáo dục phổ thông mới muốn thành công phải áp dụng đúng sĩ số lớp học theo quy định. Ảnh: Quỳnh Trang.
Các chủ biên đánh giá, nếu cố gắng hết sức giáo viên có thể tổ chức hoạt động cho lớp đông học sinh. Tuy nhiên, nếu tính cả năm học và lâu dài hơn, họ sẽ không đủ sức để đáp ứng được yêu cầu tối thiểu cần đạt trong chương trình mới. Nhiều học sinh, nhất là nhóm học yếu, rụt rè... sẽ bị thiệt thòi vì thầy cô không đủ thời gian, sức lực để quan tâm, hướng dẫn cụ thể bài vở.
"Chương trình chỉ có thể thành công nếu lớp học bảo đảm quy định về sĩ số của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tối đa 35 học sinh ở một lớp tiểu học, 45 học sinh/lớp cấp THCS và THPT", Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.
Phải tập huấn chu đáo giáo viên mới dạy thành công chương trình mới
Chương trình giáo dục phổ thông mới thay đổi cách tiếp cận từ chú trọng truyền thụ kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực, phẩm chất cho người học. PGS Đỗ Ngọc Thống - Chủ biên chương trình môn Ngữ văn cho biết, vô cùng khó để giáo viên Ngữ văn chuyển từ cách dạy "chỉ ra cái hay trong tác phẩm" sang tổ chức các hoạt động để học sinh tự tìm ra cái hay đó.
Sau đợt thực nghiệm môn Khoa học tự nhiên tại một trường THCS ở Cần Thơ, chủ biên chương trình môn học này - PGS Mai Sỹ Tuấn nhận ra, còn nhiều thầy cô chưa biết tổ chức các hoạt động cho lớp. "Có thầy giáo liên tục hỏi học sinh và quan niệm rằng thầy hỏi nhiều, học sinh trả lời nhiều là các em đã hoạt động. Nhưng sự thật việc tổ chức hoạt động là hướng dẫn các em làm những điều gì đó để tự tìm tòi, khám phá ra kiến thức và vận dụng chúng vào giải quyết vấn đề của thực tế", ông Tuấn nói.
Quá trình thực nghiệm, phần lớn giáo viên gặp khó khăn trong lần dạy đầu chương trình mới. Ở lần dạy thứ hai, sau khi được Ban soạn thảo hướng dẫn cụ thể, tiết học của họ đã gây hứng thú cho học sinh. Các chủ biên do đó kết luận việc tập huấn phương pháp dạy học cho thầy cô là khâu quan trọng, quyết định thành bại của chương trình giáo dục phổ thông mới.
"Nhiều học sinh từ chỗ ghét môn Lịch sử đã cảm thấy hứng thú khi học môn này theo phương pháp của chương trình mới, không đòi hỏi nhớ máy móc, được dẫn dắt bằng những câu chuyện hay. Tuy nhiên, các em băn khoăn, học vậy nhưng thi như thế nào. Tâm lý thi gì học nấy vẫn tạo áp lực cho học sinh", GS Phạm Hồng Tung - Chủ biên chương trình môn Lịch sử nhấn mạnh tầm quan trọng của đổi mới cách đánh giá, thi cử trong chương trình giáo dục phổ thông mới.
Kết thúc đợt thực nghiệm, nhiều chương trình môn học sẽ thay đổi, ví dụ môn Toán cắt giảm một số nội dung, môn Khoa học tự nhiên điều chỉnh lại độ khó - dễ của một số chương mục.
Dữ liệu thu được từ hoạt động thực nghiệm sẽ được báo cáo các hội đồng quốc gia thẩm định chương trình môn học.
Góp ý chương trình, SGK mới: Ban soạn thảo đã tiếp thu những gì?
GS Nguyễn Minh Thuyết cho biết Ban soạn thảo chương trình đã nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các tổ chức, cá ... |
Vì sao Bộ GD&ĐT đồng ý cho phép liên kết với \'trường ma\' GWIS?
Bộ GD&ĐT đồng ý nguyên tắc trường Tiểu học - THCS - THPT Newton chọn môn Toán, Khoa học và Tiếng Anh trong chương trình ... |
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo việc xem nhẹ “dạy người” trong trường học
Trước báo cáo nghiên cứu về hiện tượng còn một số nơi xem nhẹ “dạy người” trong trường học, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân ... |
Dự thảo chương trình Ngữ văn mới: ‘Bắt buộc học 6 tác phẩm là quá ít’
Đó là lời khẳng định của GS Hà Minh Đức tại buổi ‘Tọa đàm góp ý về chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ... |