Ngày 5/3 tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp với Tạp chí Nhà đầu tư, Tạp chí điện tử Diễn đàn đầu tư tổ chức Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành Dầu khí”.
Tham dự buổi toạ đàm có đại diện lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cùng các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tài chính - truyền thông.
Về phía PVN có Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn; Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Truyền thông và Văn hoá doanh nghiệp Trần Quang Dũng; đại diện lãnh đạo các Ban chuyên môn/ Văn phòng Tập đoàn cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thành viên của PVN như PV Power, BSR...
Toạ đàm được tổ chức nhằm làm rõ tầm quan trọng của quan hệ cổ đông (IR) nói chung và quan hệ công chúng (PR) nói riêng đối với các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp niêm yết. Đồng thời đánh giá lại thực trạng hoạt động của IR và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động IR của các doanh nghiệp nói chung và các doanh nghiệp ngành Dầu khí nói riêng.
Toàn cảnh buổi toạ đàm
Theo đánh giá của TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Đầu tư, hoạt động IR đóng vai trò hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng hiện nay chưa được quan tâm đúng mức. Toạ đàm lần này nhằm tập trung đánh giá thực trạng hoạt động IR của các doanh nghiệp ngành Dầu khí, một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng của đất nước hiện đang đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phần hoá và thoái vốn nhà nước tại nhiều doanh nghiệp thành viên.
Thành viên HĐTV PVN Đinh Văn Sơn phát biểu tại toạ đàm
Tại toạ đàm, các đại biểu đã nghe các báo cáo, tham luận của các chuyên gia đầu ngành về vai trò quan trọng của hoạt động IR, đánh giá lại thực trạng hoạt động IR của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp dầu khí. Bên cạnh đó, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến, đề xuất các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động IR và PR trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp và hoạt động giao dịch phù hợp với bối cảnh, đòi hỏi của cách mạng công nghiệp 4.0.
Phó Tổng giám đốc PV Power Nguyễn Thị Ngọc Bích phát biểu tham luận tại toạ đàm
Thay mặt lãnh đạo Tập đoàn, Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn đánh giá cao chất lượng của buổi toạ đàm sẽ mang lại hiệu quả thiết thực đối với các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn trong quá trình tái cấu trúc cũng như nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp trong thời gian tới.
Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn nhấn mạnh hoạt động IR bao gồm và gắn liền với các hoạt động PR. Nhiều doanh nghiệp lớn trên thế giới thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đều quan tâm và triển khai các hoạt động IR, PR rất thành công, mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp.
Chính vì vậy, Thành viên HĐTV Đinh Văn Sơn khẳng định buổi Toạ đàm “Hoạt động quan hệ cổ đông doanh nghiệp ngành Dầu khí” là dịp dể PVN và các doanh nghiệp thành viên nhìn nhận lại, đánh giá lại công tác IR và PR của chính mình, lắng nghe các ý kiến chuyên gia để qua đó tìm ra các giải pháp, tháo gỡ các vướng mắc cho hoạt động IR hiện tại và định hướng lập kế hoạch, triển khai kế hoạch này trong thời gian tới.
Tại buổi toạ đàm, đại diện PVN cũng đã thông tin về kết quả hoạt động tái cấu trúc, cổ phần hoá các doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn. Từ năm 2012, theo đề án Tái cơ cấu Doanh nghiệp Nhà nước, định hướng trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, PVN đã xây dựng kế hoạch tái cấu trúc tập trung vào 5 lĩnh vực chính là: Thăm dò khai thác dầu khí; Lọc - hoá dầu; Công nghiệp khí; Công nghiệp điện và Dịch vụ dầu khí chất lượng cao.
Đến nay, PVN đã đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình tái cấu trúc phù hợp với xu thế phát triển trong điều kiện thực tế là việc thăm dò khai thác dầu khí ngày càng khó khăn mà nhu cầu năng lượng của đất nước ngày càng tăng cao. Trong tái cấu trúc thì công tác cổ phần hoá, thoái vốn đã đạt được kết quả rất tích cực góp phần cải tiến về quản trị doanh nghiệp hiện đại, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đầu năm 2018, PVN đã cổ phần hoá thành công 3 doanh nghiệp lớn là Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) và Công ty TNHH MTV Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR), gây tiếng vang lớn trên thị trường cũng như nhận được rất nhiều sự quan tâm của giới đầu tư trong nước cũng như ngoài nước. Điều này thể hiện nỗ lực rất lớn của PVN nói chung và các doanh nghiệp nói riêng trong việc nghiêm túc thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành chủ quản. Cũng từ đây, PVN đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm trong việc thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp. Hiện nay, PVN đã trình cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu toàn diện Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, chính bởi lẽ đó, việc cổ phần hoá, thoái vốn các doanh nghiệp “họ Dầu khí” sẽ diễn ra sôi động.
P.V
PVN đạt doanh thu hơn 111 nghìn tỷ đồng trong 2 tháng đầu năm 2019
Mặc dù giá dầu trung bình của thế giới 2 tháng đầu năm 2019 giảm so với mức giá Tập đoàn được giao nhưng với ... |
Tổng Giám đốc PVN kiểm tra công tác đảm bảo an toàn và chúc Tết trên các công trình biển của PVEP Lô 01&02
Nhân kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sảnViệt Nam (3/2/1930 – 3/2/2019) và mừng Xuân Kỷ Hợi 2019, sáng ngày 03/2/2019 (tức ... |
PVN báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh đầu năm 2019
Năm 2019 là năm thứ tư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm ... |
Tháng 1/2019, nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN ước đạt 8,2 ngàn tỷ đồng
Trong tháng 1/2019, cơ bản các chỉ tiêu sản xuất của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đều hoàn thành và hoàn thành vượt ... |