Những hồ nuôi tôm không phép bỗng dưng xuất hiện trong khu đất quốc phòng rộng gần 2 ha do Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) quản lý và xả thải ra biển, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm.
Cho thuê đất quốc phòng để nuôi tôm
PV VTC News nhận được phản ánh liên quan đến việc khu hồ nuôi tôm nằm trong đất quốc phòng ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế) xả thải ra biển, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nhận được thông tin, PV về địa phương để tìm hiểu và ghi nhận hoạt động nuôi tôm đang diễn ra rầm rộ trong khu vực đất quốc phòng, bên ngoài cắm biển “khu vực cấm”.
Dãy nhà nhiều phòng vốn phục vụ cho lực lượng quân đội làm nhiệm vụ trở thành nơi nghỉ ngơi của người nuôi tôm.
Gần 2 ha đất quốc phòng biến thành hồ nuôi tôm không phép.
Có mặt tại khu vực cống xả thải của khu nuôi tôm kể trên, PV tận mắt thấy một dòng nước xanh đen nổi bọt trắng bốc mùi hôi đang ngày đêm được thải ra biển, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Theo tìm hiểu, chủ của khu khu nuôi tôm trên là các ông Nguyễn Văn Phước và Huỳnh Quang Việt (cùng trú huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên – Huế). Đất mà 2 người này đào hồ nuôi tôm là đất quốc phòng do Ban Chỉ huy Quân sự (BCHQS) huyện Phú Lộc quản lý.
Được biết, ông Phước và ông Việt ký hợp đồng với BCHQS huyện Phú Lộc về việc: “liên doanh, liên kết chăn nuôi trên đất trong Đội Quản lý Công trình chiến đấu thuộc BCHQS huyện Phú Lộc quản lý” có thời hạn trong vòng 8 năm từ 1/1/2017 đến 31/12/2024.
Người đại diện cho BCHQS huyện Phú Lộc ký vào hợp đồng này là ông Nguyễn Đình Khoa (khi ấy là Chỉ huy trưởng BCHQS huyện Phú Lộc và hiện đã chuyển lên công tác tại Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế).
Vị trí đào hồ nuôi tôm trong khu vực đất quốc phòng nằm gần khu vực vịnh biển Lăng Cô và khu du nghỉ dưỡng Laguna.
Theo hợp đồng nêu trên, BCHQS huyện Phú Lộc (bên A) thống nhất với 2 ông Nguyễn Văn Phước và Huỳnh Quang Việt (bên B) được liên doanh, liên kết nuôi trồng thuỷ sản trên phần đất Đội Quản lý Công trình chiến đấu thuộc BCHQS huyện Phú Lộc quản lý tại thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc).
Bên A có trách nhiệm bàn giao diện tích tại thực địa hiện có và có trách nhiệm pháp lý về diện tích đã giao cho bên B theo quy định của pháp luật hiện hành. Bàn giao dãy nhà 5 phòng (lợp tôn) cùng toàn bộ vật chất hiện có cho bên B sử dụng.
Bên B được quyền sử dụng toàn bộ diện tích đã được bàn giao và nhà ở mà bên A đã giao để nuôi trồng thuỷ sản (trên cát có hồ sơ kèm theo).
Mỗi năm, bên B phải trả cho bên A số tiền là 80 triệu đồng. Phần xây dựng lại chuồng dê, nhà ăn, sửa chữa 6 phòng và tu sửa doanh trại hàng năm bên B chịu trách nhiệm và không tính vào giá trị hợp đồng. Bên B thanh toán cho bên A một lần bằng tiền mặt trước ngày 10/01 hàng năm.
‘Câu chuyện đau đầu’
Được biết, việc khu vực đất quốc phòng ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc) tỉnh Thừa Thiên – Huế biến thành hồ nuôi tôm từng được nhiều cơ quan báo chí phản ánh.
Sau đó, Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc cũng vào cuộc kiểm tra và xác định phần đất Đội quản lý công trình chiến đấu (ở thôn Phú Hải, xã Lộc Vĩnh) mà BCHQS huyện Phú Lộc cho thuê nuôi tôm chân trắng là đất sử dụng vào mục đích quốc phòng chứ không phải đất nuôi trồng thủy sản, và hoạt động nuôi tôm chân trắng ở đây là trái phép.
Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng khu nuôi tôm không đảm bảo quy định của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Cụ thể, khu nuôi tôm này không có ao xử lý nước thải, nước thải từ các hồ tôm trực tiếp xả ra biển gây ô nhiễm môi trường.
Sau khi kiểm tra, Phòng NN&PTNT huyện Phú Lộc yêu cầu chính quyền xã Lộc Vĩnh xử phạt vi phạm hành chính đối với hoạt động nuôi tôm chân trắng trái phép. Cùng với việc xử phạt, chính quyền xã sẽ yêu cầu ngừng hoạt động nuôi tôm trái phép.
Đây được gọi là bể lắng chứa nước thải từ các hồ nuôi tôm nhưng không có bất kỳ hệ thống xử lý nào khác trước khi thải ra môi trường.
Dòng nước xanh đen sủi bọt trắng và bốc mùi hôi khó chịu theo đường cống này xả thẳng ra môi trường.
Thế nhưng, không hiểu vì sao, nhiều tháng qua đi, đến nay theo ghi nhận của PV VTC News, hoạt động nuôi tôm trong khu đất quốc phòng kể trên vẫn diễn ra và dòng nước thải xanh đen, bốc mùi vẫn ngày đêm được xả ra biển gây ô nhiễm môi trường.
Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng Phòng NN&PTNT cho rằng, đây là “câu chuyện đau đầu”.
Ông Thông cho biết, hiện nay huyện đang chuẩn bị tổ chức cưỡng chế những khu vực nuôi tôm trái phép ở xã Vinh Mỹ thị trấn Lăng Cô. Còn ở xã Lộc Vĩnh, có 2 khu vực, 1 khu vực 1,9 ha là đất quốc phòng và 1 khu vực 1,46 ha là đất rừng của 3 hộ dân.
Với 1,46 ha mà 3 hộ dân đào hồ nuôi tôm trái phép, Phòng NN&PTNT báo cáo lên UBND huyện và có phương án cưỡng chế đưa về đúng mục đích sử dụng đất là đất rừng.
Với 1,9 ha trong khu vực đất quốc phòng, theo ông Thông: “Đã làm việc với ban chỉ huy quân sự huyện. Họ nói đây là đất quốc phòng, ai hỏi thì anh cứ chỉ qua quân sự”.
Trưởng Phòng NN&PTNT cho rằng dù là đất quốc phòng nhưng cũng cần làm theo đúng quy hoạch đã được duyệt.
Khi được yêu cầu cung cấp văn bản của cấp có thẩm quyền giao, ban chỉ huy quân sự huyện không đưa ra được.
"Họ nói cái này họ sẽ cung cấp nhưng đến bây giờ họ không cung cấp thì tôi cũng chịu”, ông Thông nói.
Theo ông Thông, việc nuôi tôm trên diện tích 1,9 ha trong khu vực đất quốc phòng ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) không có hệ thống xử lý nước thải và xả hết ra biển.
“Hồ lắng thì phải xử lý còn nếu không xử lý mà xả thẳng thế thì cũng như không”, ông Thông chia sẻ.
Dòng nước thải xanh đen bốc mùi hôi đó men theo một khe đá rồi chảy trực tiếp ra biển.
Ông Thông cũng bày tỏ quan ngại trước việc nuôi tôm trong đất quốc phòng xả thải ra biển gây ô nhiễm còn tiểm ấn nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường biển ở Lăng Cô – một trong những vịnh biển đẹp trên thế giới và khu nghỉ dưỡng Laguna.
Ông Thông bày bỏ: "Bây giờ cấp tham mưu như tôi thì cho nuôi hay không cho nuôi tôi không có quyền. Cho nuôi hay không cho nuôi là quyền của tỉnh. Còn nếu hỏi Phòng Nông nghiệp xử lý thế nào thì báo cáo với các anh là tôi không cho nuôi vì đơn giản là nó không nằm trong quy hoạch. Còn giả sử tôi nói như vậy mà tỉnh bảo cứ để cho họ nuôi thì tôi cũng chấp hành".
Lãnh đạo BCHQS huyện Phú Lộc nói gì?
Liên quan đến vấn đề trên, PV VTC News có buổi làm việc với Thiếu tá Trần Minh Hải – Chỉ huy trưởng BCHQS huyện Phú Lộc.
Tại buổi làm việc, Thiếu tá Hải cho biết, việc hợp đồng giữa BCHQS huyện Phú Lộc với 2 hộ dân để nuôi trồng thuỷ sản trên đất quốc phòng ở thôn Phú Hải (xã Lộc Vĩnh) xảy ra từ thời chỉ huy trước.
“Bản thân tôi khi về làm chỉ huy cũng không biết hợp động đó và khi bàn giao chỉ biết là đơn vị có liên doanh liên kết với họ và có người mình quản lý trong đó vì trong đó có trại sản xuất của mình”, Thiếu tá Trần Minh Hải nói.
Liên quan đến thông tin hồ nuôi trôm trong đất quốc phòng thuộc BCHQS huyện Phú Lộc quản lý không có phép và gây ô nhiễm, Thiếu tá Trần Minh Hải nói: “Việc có phép hay không phép thì anh phải hỏi chính quyền chứ tôi cũng không rõ vì tôi về đây, tôi nhận lại của chỉ huy cũ.
Còn ô nhiễm hay không ô nhiễm thì cái đó thuộc về thẩm quyền của cơ quan chuyên môn. Tôi không thể khẳng định được và tôi cũng không phủ định được".
Bên trong cánh cổng Doanh trại Quân đội nhân dân Việt Nam, những người dân vẫn đang hối hả với việc nuôi tôm trái phép của mình.
Chỉ huy trưởng BCHQS huyện Phú Lộc thông tin thêm, sau khi sự việc được báo đài phản ánh thì BCHQS huyện Phú Lộc cũng xây dựng đề án liên doanh, liên kết.
Theo đó, BCHQS huyện Phú Lộc sẽ lấy lại đất và sử dụng hồ hiện có để nuôi tôm, tăng gia sản xuất và có thể sẽ thuê 2 hộ dân kể trên tư vấn kỹ thuật.
“Hiện nay, chúng tôi đang làm đề án liên doanh liên kết và chúng tôi sẽ sử dụng hồ đó để nuôi tôm với mục đích là tăng gia sản xuất vì đất này là đất quốc phòng nhưng không có giá trị về chiến lược. Trong đất quốc phòng thì có nhiều loại đất, trong đó có đất sản xuất để tăng gia sản xuất", Thiếu tá Trần Minh Hải nói.
Tuy nhiên, khi PV đặt câu hỏi khi nào đề án trên được triển khai thì Thiếu tá Trần Minh Hải không đưa ra được mốc thời gian cụ thể với lý do: “Đang chờ thẩm định và còn liên quan đến địa phương…”.
Thực hư thông tin lợi dụng mưa lớn xả thải trộm ra biển
Ông Mai Mã cho biết, tình trạng mưa lớn, nước thải chảy ra biển đã kéo dài suốt thời gian qua. Ngoài phát ngôn về ... |
Rùng mình nước thải đen ngòm, hôi thối ồ ạt đổ ra biển Đà Nẵng
Dòng nước thải đen ngòm, mùi hôi thối từ các cửa xả thải đang trực tiếp đổ ra các vùng biển của Đà Nẵng khiến ... |
Điều tra làm rõ thông tin nước đen ngòm xả ra biển Mũi Né
Nhiều du khách bày tỏ thất vọng với việc vùng biển Mũi Né xinh đẹp bị xâm hại, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. |