Hành tung bí ẩn của thủ lĩnh tối cao IS

Dù liên minh chống IS đã triệt phá toàn bộ sào huyệt của tổ chức, họ vẫn chưa thể tóm được thủ lĩnh tối cao al-Baghdadi.

hanh tung bi an cua thu linh toi cao is
Abu Bakr al-Baghdadi tại giáo đường ở Iraq năm 2014. Ảnh: AFP.

Cuối tuần trước, Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do Mỹ hậu thuẫn đã triệt phá thành trì cuối cùng của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria, nhưng một câu hỏi vẫn chưa có lời giải: thủ lĩnh tối cao Abu Bakr al-Baghdadi ở đâu?

Al-Baghdadi sinh năm 1971 tại Samarra, Iraq. Y từng bị Mỹ giam tại nhà tù Bucca ở Iraq vào tháng 2/2004 do tấn công lính Mỹ. 10 tháng sau, al-Baghdadi được thả và gia nhập chi nhánh al-Qaeda ở Iraq rồi sau đó leo lên vị trí cầm đầu. Nhóm khi đó được gọi là Nhà nước Hồi giáo ở Iraq. Lợi dụng tình thế rối ren ở Syria do cuộc nội chiến nổ ra năm 2011, nhóm mở rộng địa bàn hoạt động sang quốc gia này.

Lần duy nhất al-Baghdadi xuất hiện công khai là tại giáo đường Hồi giáo Grand Nuri ở Mosul, Iraq năm 2014, vào thời điểm Mosul, Kirkuk và một loạt các thành phố Iraq và Syria còn nằm dưới sự kiểm soát của nhóm.

Tháng 8/2018, IS công bố đoạn ghi âm của al-Baghdadi, thừa nhận những tổn thất về địa bàn ở Syria và Iraq đồng thời thúc giục các chiến binh trên khắp thế giới tiếp tục các vụ tấn công. Đó là thông điệp công khai gần đây nhất của y.

Giờ đây, khi IS đã mất toàn bộ vùng kiểm soát, cuộc săn lùng al-Baghdadi chắc chắn sẽ tăng tốc.

"Tay y dính rất nhiều máu, y cần phải bị trừng phạt", Thomas Joscelyn, chuyên gia từ Tổ chức Quốc phòng Dân chủ, bình luận.

Tuy nhiên, không có dấu hiệu công khai nào cho thấy Mỹ và các đồng minh đang tiến gần đến mục tiêu. "Không, chúng tôi không biết y ở đâu nhưng việc truy tìm thủ lĩnh IS luôn là ưu tiên hàng đầu", đại diện đặc biệt của Mỹ tại Syria James Jeffrey nói với các phóng viên ngày 25/3. Ông khẳng định chính quyền Trump cam kết xóa sổ toàn bộ tổ chức và đưa những kẻ cầm đầu ra trước công lý.

Mỹ treo thưởng 25 triệu USD cho người cung cấp thông tin về nơi ẩn náu của al-Baghdadi. Tuy nhiên, cuộc tìm kiếm có thể gặp nhiều thách thức hơn khi Trump theo đuổi kế hoạch rút phần lớn 2.000 lính Mỹ được triển khai ở Syria, chỉ để lại lực lượng gìn giữ hòa bình khoảng 400 - 600 người.

Các quan chức an ninh Iraq cho rằng al-Baghdadi vẫn ở Syria dù từng nhiều lần cố gắng sang Iraq. Nhà phân tích IS Hisham al-Hashemi nói vào đầu tuần này rằng tên thủ lĩnh có thể ẩn náu ở sa mạc Badia tại Syria, với anh trai Jumaa, tài xế kiêm vệ sĩ Abdullatif al-Jubury và người truyền tin Saud al-Kurdi. Sa mạc Badia là nơi con trai của al-Baghdadi, Hudhayfa al-Badri, bị tiêu diệt trong cuộc không kích của Nga.

Ông ta di chuyển bằng các đường hầm, không sử dụng thiết bị liên lạc hay Internet để tránh bị nghe lén bởi máy bay của liên minh. Khi thành viên tổ chức muốn gặp al-Baghdadi, họ được chở bằng ôtô đến điểm cách nơi al-Baghdadi ẩn náu khoảng hai giờ đi xe. Sau đó họ tiếp tục hành trình bằng xe máy, tình báo Iraq mô tả.

Tuy nhiên, các quan chức thuộc liên minh do Mỹ dẫn đầu bác bỏ những thông tin này. "Chúng tôi không nghĩ rằng ông ta đang ở Syria", phát ngôn viên SDF nói vào tuần này.

Một quan chức khác cho biết Mỹ gần đây nhắm mục tiêu vào một số người thân cận nhất của al-Baghdadi, bao gồm vệ sĩ Khaled al-Saudi, thường được gọi là Khallad. Tên này tuần trước bị tiêu diệt gần khu vực al-Baaj ở biên giới Iraq - Syria.

Một số nhà phân tích đánh giá tên thủ lĩnh chỉ chủ yếu mang tính biểu tượng. Việc bắt được y không có tác dụng nhiều trong việc kiềm chế âm mưu tái thiết lập ở Trung Đông và bên ngoài khu vực của IS.

"Về cấp bậc trong nhóm thì tất nhiên y là kẻ đáng chú ý", Mona Yacoubian, cố vấn cấp cao về Trung Đông và Bắc Phi tại Viện Hòa bình Mỹ nói. Tuy nhiên, bà nhận định không nên cho rằng al-Baghdadi có vai trò quá quan trọng.

"Thế lực của IS không tập trung vào một cá nhân", Yacoubian nói. "Khả năng kích động khủng bố của nhóm sẽ duy trì, bất kể ai là kẻ cầm đầu".

"Nếu al-Baghdadi là quân vua thì chúng ta không cần phải truy đuổi", chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn đầu Seth Folsom tháng 3/2018 so sánh cuộc chiến với cờ vua. "Tất cả những gì chúng ta cần làm là loại bỏ một cách có hệ thống quân mã, quân xe và quân tượng của y, tức là những chỉ huy cấp trung và cấp cao, cho đến khi không còn ai bảo vệ y".

Joscelyn cũng cho rằng việc loại bỏ al-Baghdadi sẽ không làm sụp đổ hoàn toàn IS, nhưng việc đó có thể cản trở nỗ lực xây dựng lại thanh thế và thu hút tân binh.

"Tiêu diệt thủ lĩnh tối cao là chưa đủ, nhưng đó là điều cần thiết để phá vỡ hệ thống chỉ huy", ông nói.

Phương Vũ (Theo Washington Times, AP)

hanh tung bi an cua thu linh toi cao is Iraq tử hình chị em gái của thủ lĩnh tối cao IS

Một tòa án ở thủ đô Baghdad – Iraq vừa kết án tử hình đối với một người chị em gái của thủ lĩnh tối ...

/ VnExpress