Sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt ở Mỹ là đáp trả đanh thép cho những ai ủng hộ việc trục xuất hàng nghìn người nhập cư gốc Việt.
Ông Thế Nguyễn, 61 tuổi, làm việc tại cơ sở kinh doanh đánh bắt và chế biến cua xanh ở thị trấn Seadrift, bang Texas, Mỹ. Ảnh: Scott Dalton/ NPR.
Khi những người nhập cư gốc Việt đầu tiên đặt chân đến thị trấn ven biển Seadrift, bang Texas, dân địa phương đón chào họ bằng sự ghẻ lạnh và kỳ thị. Mọi việc lên đến đỉnh điểm vào ngày 25/11/1979 khi hội kín cổ xúy thuyết người da trắng thượng đẳng Ku Klux Klan (KKK) xuất hiện tại thị trấn chuyên nghề đánh bắt hải sản này, NPR đưa tin.
KKK rêu rao rằng những ngư dân Việt Nam cướp miếng ăn của dân da trắng địa phương và đe dọa nhóm người nhập cư "chân ướt chân ráo" này không được ra khơi, thậm chí phải cuốn gói khỏi Seadrift. Khoảng 130.000 người Việt tị nạn sau chiến tranh đã được chào đón như thế trên đất Mỹ.
Nhưng 40 năm sau, cộng đồng người Việt trở thành phần cốt lõi của khu vực vịnh phía nam nước Mỹ. Câu chuyện của những người nhập cư gốc Việt hé mở một phần lịch sử nước Mỹ đồng thời phản ánh thái độ của người Mỹ đương thời đối với vấn đề nhập cư.
Chính quyền Tổng thống Trump thắt chặt chính sách nhập cư vì cho rằng có quá nhiều người nhập cư không thể hòa nhập được với xã hội Mỹ và họ là nguyên nhân làm gia tăng số lượng dân số ở tầng lớp dưới đáy xã hội.
Trump chỉ muốn tiếp nhận những người nhập cư có học vấn tốt, tay nghề cao và chấm dứt việc bảo lãnh cha mẹ, anh em tới Mỹ. Làn sóng người Việt Nam di cư tới Mỹ sau chiến tranh phần lớn nhờ vào hình thức bảo lãnh này.
Cuối những năm 1970 và đầu những năm 1980, người Việt bắt đầu đổ về khu vực vịnh duyên hải Mexico, phía nam nước Mỹ vì điều kiện thời tiết ôn hòa thuận lợi cho nghề đánh bắt cá - kế sinh nhai của không ít người Việt khi còn ở quê nhà.
"Hội KKK thực sự không ưa chúng tôi. Giữ thái độ phân biệt đối xử, họ muốn đẩy chúng tôi đi. Nhưng không có chuyện chúng tôi từ bỏ dễ dàng như thế", ông Thế Nguyễn, 61 tuổi, nói bằng giọng Anh đặc sệt. Ông Thế, một trong số ít những người gốc Việt làm nghề đánh bắt cua ở thị trấn, vẫn nhớ như in những ngày tháng đó.
Theo làn sóng tị nạn, ông đến thị trấn Seadrift định cư vào năm 1978. Công cụ kiếm sống của chàng thanh niên 21 tuổi gày gò năm đó là một chiếc thuyền đánh bắt cua ở vịnh San Antonio.
Ngay từ ban đầu, ngư dân người Việt và ngư dân Texas đã đối đầu nhau, sự căng thẳng càng gia tăng do rào cản ngôn ngữ. Dân địa phương tức giận vì những kẻ nhập cư nhận được sự giúp đỡ và hậu thuẫn từ Washington và giáo hội Công giáo. Hơn thế nữa, dân bản địa ghét những ngư dân Việt làm việc chăm chỉ, bất kể ngày đêm, đánh bắt quá nhiều cua.
"Khi đánh bắt, anh có thể đặt một cái bẫy ở chỗ này. Rồi anh lặn sâu xuống tầm 40 feet để đặt thêm một cái nữa. Anh để cách hai cái bẫy ra", Diane Wilson, một ngư dân trong gia đình 4 thế hệ làm nghề đánh bắt ở Seadrift, nói. "Nhưng khi dân nhập cư Việt đến và bắt đầu đánh bắt, họ đặt 10 cái bẫy ở chỗ mà dân bản địa chỉ đặt một. Vì họ không biết và cũng chẳng ai nói cho họ biết rằng làm như thế sẽ hủy hoại môi trường biển".
Căng thẳng leo thang khi một ngư dân da trắng bị bắn chết trong một trận cãi vã tranh chấp khu vực đánh bắt với các ngư dân Việt. Hai người Việt bị cáo buộc tội giết người nhưng được trắng án sau khi tòa kết luận họ phòng vệ chính đáng. Chính lúc đó hội KKK xuất hiện "đổ thêm dầu vào lửa".
"Sau vụ nổ súng đó, mọi thứ nóng lên", bà Wilson nhớ lại, hai tay làm cử chỉ miêu tả một vụ nổ, "nhiều ngôi nhà bị thiêu rụi, nhiều chiếc thuyền bị phóng hỏa. Và tôi nghĩ nhiều người Việt đã phải ra đi vì sợ hãi".
Thế Nguyễn không biết gì về hội KKK cho đến khi vụ nổ súng xảy ra. "Khi có người thiệt mạng, hội đó xuất hiện. Chúng đốt liền hai, ba chiếc thuyền. Tôi chuyển đi ngay tắp lự".
Ông Thế và nhiều ngư dân Việt khác chạy đến Louisiana vì sự an toàn của bản thân và gia đình. Trong vòng hai năm sau đó, hội KKK mở rộng địa bàn hoạt động đến tận vịnh Galveston, miền nam bang Texas, phóng hỏa thiêu rụi nhiều lồng tôm của người Việt và lái thuyền đi khắp vịnh "diễu võ dương oai" với một hình nộm người treo lủng lẳng trên mũi thuyền. Không tiếp tục chịu áp lực, hiệp hội ngư dân Việt Nam và trung tâm hỗ trợ pháp lý cho người nghèo ở miền Nam quyết định đâm đơn kiện lên tòa án liên bang. Vụ kiện đã dập tắt các hoạt động bán quân sự đầy manh động của hội KKK.
Khi tình hình ở Seadrift lắng dịu, ông Thế và một số người đồng hương quay trở lại. Ông lập gia đình và mở một cửa hàng bán mồi câu gần cảng thị trấn. Ông sở hữu 4 chiếc thuyền, cập bến vào chiều tối mỗi ngày đầy ắp những mẻ cua xanh.
Một cửa hàng bán đồ hải sản phục vụ cộng đồng người Việt ở Houston, Texas. Ảnh: Scott Dalton/ NPR.
"Nhiều phát ngôn của hội KKK trước kia giống hệt những gì chúng ta nghe thấy ngày hôm nay từ nhóm cực hữu ví dụ như \'Đặt nước Mỹ lên trên hết\'", Tim Tsai, một nhà làm phim tài liệu đến từ thành phố Austin, thủ phủ của bang Texas, nhận xét. Những người theo tư tưởng cực hữu thường ủng hộ Tổng thống Donald Trump và các chính sách bảo thủ của đảng Cộng hòa bao gồm các chính sách chống nhập cư.
"Thái độ chống người nhập cư hiện chuyển hướng nhắm vào cộng đồng gốc Nam Mỹ. Nhưng thời đó, người gốc Việt mới là mục tiêu", Tim nói. "Phần lớn nguyên nhân xuất phát từ việc dân địa phương lo ngại bị người nhập cư cướp đi công ăn việc làm và kế sinh nhai".
Giờ đây, cộng đồng người Việt ở đây phát triển mạnh mẽ với những bản sắc văn hóa khác hẳn dân bản địa Texas. Họ vẫn nói tiếng Việt và ăn Tết âm lịch. "Chúng tôi và dân bản địa giờ đoàn kết", ông Thế nói người Việt đã thay đổi tập quán đánh bắt để bảo vệ môi trường biển và giữ kế sinh nhai lâu dài. "Nếu thu hoạch được gì đó, chúng tôi thu hoạch cùng nhau... Chúng tôi trở thành những người bạn tốt".
Từ thị trấn Seadrift men theo bờ biển khoảng 250 km là nhà của hơn 80.000 người gốc Việt, cộng đồng người Việt đông thứ hai ở Mỹ chỉ sau bang California. Người Việt trở thành một phần không thể thiếu làm nên một Houston như bây giờ.
Lái xe dọc đại lộ Bellaire, con phố chính ở quận được mệnh danh là Little Saigon của Houston, người ta dễ dàng bắt gặp những tấm biển chỉ đường viết bằng tiếng Việt, những biển hiệu nhà hàng bán các món ăn Việt Nam như Phở hay nghe thấy tiếng đài radio đang phát chương trình bằng tiếng Việt.
"Anh sẽ thấy Don\'s Cafe, chuỗi cửa hàng bán bánh mì nổi tiếng và khi đi dọc con phố, anh sẽ nhìn thấy nhiều hơn nữa các tiệm kinh doanh treo biển hiệu tiếng Việt", Thảo Hà vừa lái chiếc xe đa dụng cỡ lớn vừa nói. Thảo, theo cha mẹ, định cư tại Houston năm 1975, cô hiện là một nhà nghiên cứu xã hội học tại trường đại học MiraCosta ở California.
Đường phố ở Houston, Texas với biển chỉ đường viết bằng tiếng Việt "Đại lộ Sài Gòn" và "Ngụy Văn Thà" (người đã tử trận trong hải chiến Hoàng Sa ngày 19/1/1974). Ảnh: Scott Dalton/ NPR.
Theo Thảo, ngược dòng lịch sử, thị trấn ven biển Seadrift không phải là nơi duy nhất có thái độ kỳ thị dân nhập cư gốc Việt. "Phân biệt chủng tộc và bắt nạt hội đồng. Bọn trẻ láng giềng bảo chúng tôi hãy cút về đất nước của mình, gọi chúng tôi là bọn da vàng hay những biệt danh tương tự như vậy", cô kể.
Dù đối mặt với sự phân biệt chủng tộc ở địa phương, người nhập cư gốc Việt lại được chính quyền liên bang hậu thuẫn hết mình. Làn sóng người Việt Nam di cư tới Mỹ bắt đầu sau khi Đạo luật trợ giúp người tỵ nạn và di dân Đông Dương do cố tổng thống Gerald Ford ký vào năm 1975. Bất chấp nhiều ý kiến phản đối, vị tổng thống thuộc đảng Cộng hòa đã cho phép hàng trăm nghìn người Việt Nam đến Mỹ theo một quy chế đặc biệt, đạo luật cũng quy định việc phân bổ ngân sách nhằm hỗ trợ tài chính và tái định cư người tị nạn.
"Tình thế giờ đây hoàn toàn đảo ngược. Chính quyền hiện tại đang làm mọi thứ có thể để đuổi dân nhập cư", Thảo nói. "Họ trục xuất những người đã sống ở Mỹ từ lâu".
Chính nhờ mối liên hệ lịch sử, người Việt Nam tại Mỹ có xu hướng ủng hộ các chính trị gia đảng Cộng hòa hơn Dân chủ. Bác sĩ Steven Lê là người đại diện cho cộng đồng gốc Việt ở hội đồng thành phố Houston. Dù ủng hộ hầu hết các chính sách của Tổng thống Trump, ông Steven cho rằng có nhiều dân nhập cư "lương thiện, tuân thủ luật pháp, đóng góp nhiều cho quốc gia". Cách "hiệu quả và đơn giản" để giúp những người nhập cư hòa nhập với xã hội Mỹ, theo ông Steven, là "thực sự giúp họ trở thành công dân Mỹ".
Theo một báo cáo gần đây của Viện Chính sách Nhập cư, cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ đang ngày càng lớn mạnh. Nếu so với các cộng đồng nhập cư khác, người gốc Việt có thu nhập cao hơn, ít có khả năng rơi vào cảnh sống đói nghèo hoặc không có bảo hiểm y tế. Và dù tiếng Anh chưa tốt, họ vẫn dễ dàng trở thành công dân Mỹ hơn các cộng đồng nhập cư khác.
Mike Trịnh, cựu vô địch đấm bốc, giờ là chủ một nhà hàng kinh doanh đồ ăn hải sản. Ảnh: Scott Dalton/ NPR
Mike Trịnh tự hào sở hữu một doanh nghiệp của người Mỹ gốc Việt làm ăn phát đạt ở khu Little Saigon của Houston. Sau khi giải nghệ đấm bốc, Mike mở nhà hàng hải sản mang tên mình. "Tất cả những gì tôi có thể nói là với ý chí của dân nhập cư, dù làm gì, chúng tôi cũng làm đến nơi đến chốn. Chúng tôi tạo ra lợi thế cho chính mình từ con số không", anh bày tỏ.
Ở bên kia thành phố, bên trong khu nhà mang đậm nét Việt Nam, Mỹ Linh Trần vừa đi làm về. Cô gái 22 tuổi này là giáo viên tiểu học dạy toán và khoa học. Đứng trước cửa căn hộ của cha mẹ hướng thẳng về một điện thờ Phật ở dưới sân chung, cô nhỏ nhẹ: "Tôi biết nhiều bạn bè Mỹ cảm thấy sốc khi biết tôi vẫn sống cùng cha mẹ. Nhưng họ chẳng hiểu gì cả", Linh mỉm cười. "Đó là do tôi lựa chọn. Nếu có thể và nếu bạn trai tôi đồng ý, sau khi chúng tôi lấy nhau, tôi vẫn muốn tiếp tục sống với cha mẹ".
Cha mẹ của Linh muốn con gái giữ gìn càng nhiều bản sắc Việt Nam càng tốt. "Họ thực sự không thích tôi nói tiếng Việt bằng giọng lơ lớ", cô nói. "Nhưng mà họ không biết rằng thực tế tiếng Anh của tôi cũng pha ngữ điệu Việt".
An Hồng
Người Việt ở Little Saigon biểu tình phản đối lệnh trục xuất của Trump
Hơn trăm người gốc Việt đã ra đường biểu tình để bảo vệ những người đồng hương có nguy cơ bị Tổng thống Trump trục ... |
Mỹ có thể sắp trục xuất hàng nghìn người nhập cư gốc Việt
Chính quyền Tổng thống Trump được cho là sẽ chấm dứt thỏa thuận bảo hộ những người nhập cư gốc Việt sau hàng chục năm ... |