Nhiều cán bộ nhà nước cho rằng việc quá nhiều, áp lực công việc lớn nên không có thời gian để tiếp dân cho chu đáo. Thế nhưng, có khó không một nụ cười trước người dân đến làm việc?
Bộ phận một cửa P.Văn Miếu, Q.Đống Đa, Hà Nội - nơi xảy ra vụ cán bộ phường "hành" dân năm 2017 - M.C
Năm 2016, tôi phải đến UBND một quận ở Hà Nội có việc, cơ quan đã cấp sẵn giấy giới thiệu nhưng ông bảo vệ, sau khi gọi điện thoại gọi điện cho Chánh văn phòng quận đã không đồng ý cho tôi vào làm việc chỉ vì cái giấy giới thiệu ghi thiếu ngày tháng ở dưới cùng.
Tôi vội vàng xin lỗi rằng chắc trong lúc làm giấy, nhân viên hành chính đã sơ suất bỏ quên. Nhưng nhân viên bảo vệ hùng hổ gọi cả mấy anh công an quận đang đứng gần đó lại lu loa, cô này không chấp hành quy định cơ quan. Thế là đành ra về với một cục ức nghẹn đắng lên tận cổ.
Thời gian còn là freelancer (lao động tự do) tại nhiều công ty tại Hà Nội, tôi đều tự phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân. Có lẽ đây là một trong những hành trình gian nan nhất mà tôi từng trải qua với những cơ quan hành chính.
Cả một phòng chờ quyết toán thuế chật ních người chờ được giải quyết, có những người chưa từng biết thủ tục như thế nào, in hồ sơ như thế nào là chuẩn, họ tìm người trợ giúp, tư vấn nhưng các nhân viên rất thờ ơ, họ nhăn trán, nhíu mày, trả lời cộc lốc với những người có khi bằng tuổi cha mẹ mình. Nộp được hồ sơ này thì lại thiếu tờ giấy kia, chạy đi bạc mặt cả 3 ngày tôi vẫn không thể tự quyết toán thuế thu nhập cá nhân cho chính mình.
Tôi đi làm giấy khai sinh cho con, trong hộ khẩu gia đình nhà chồng cũng như giấy chứng minh nhân dân của chồng chỉ ghi quê quán là Long An. Nhân viên ở phường nhất định không chịu và nói tôi phải ra về, không làm được giấy tờ. Bà bắt tôi phải hỏi cho ra xã nào, huyện nào ở Long An, tại sao Long An cụt lủn như vậy. May mắn thay cho tôi, sau một hồi tranh cãi, một đồng nghiệp cũng ở phường tra hồ sơ và nói, “trường hợp này vẫn làm được bình thường”. Tôi thở phào nhẹ nhõm, còn người làm giấy tờ cho tôi mặt vẫn hằm hằm khó chịu.
Người ta hay nói cán bộ nhà nước là công bộc của dân, nhưng hình như ở nhiều địa phương, nhiều cơ quan, người dân thấp cổ bé họng vẫn đang bị "hành" là chính. Nếu không phải người thân, quen của nhiều cán bộ cấp xã, phường, huyện, việc lo thủ tục giấy tờ cứ phải đợi dài dài.
Tôi còn nhớ, vụ hành dân khiến người dân cả nước bức xúc năm 2017, một người dân ở P.Văn Miếu, Q.Đống Đa, Hà Nội không thể khai tử cho bố đẻ của mình do cán bộ phường sách nhiễu. Cho đến khi báo chí vào cuộc, vụ việc mới được giải quyết thỏa đáng.
Nhiều cán bộ nhà nước cho rằng việc quá nhiều, áp lực công việc lớn nên không có thời gian để tiếp dân cho chu đáo. Thế nhưng, có khó không một nụ cười trước người dân đến làm việc? Có khó không một câu nói lễ phép, ân cần với những người dân đáng tuổi như cha, chú mình?
Thực tế, ở nhiều xã phường tôi đi qua, vào giờ làm việc, trong khi người dân còn đang thấp thỏm chờ đợi đứng ngồi không yên khi giấy tờ của mình chưa lo xong, cán bộ vẫn thong thả pha trà, rót nước, nói chuyện phiếm và lướt facebook trên máy tính.
Các cơ quan cấp nhà nước đều có hòm thư đóng góp ý kiến, thế nhưng liệu những lá thư đóng góp thẳng thắn có được giải quyết hay sẽ lại bị chìm vào quên lãng? Nếu nhiều vụ sách nhiễu người dân vì thủ tục rườm rà, cứng nhắc, quan liêu không được báo chí vào cuộc, bêu tên, thì có khi nó cũng rơi vào im lặng. Câu nói “hành chính nghĩa là hành là chính” hay chế độ “một cửa nhưng nhiều ngách”, thật sự buồn khi nó đã in sâu trong tiềm thức người dân và hoàn toàn có cơ sở.
* Bài viết thể hiện văn phong và góc nhìn của một người dân quê ở Hà Nội, đang sinh sống, làm việc tại TP.HCM.
Phải minh bạch và tính đến hiệu quả
Để cho 3 cán bộ tỉnh Thanh Hóa tham gia Chương trình quảng bá địa phương Việt Nam tại Hoa Kỳ trong 11 ngày, Trung ... |
Bị tố vòi vĩnh, lớn tiếng với dân: Cán bộ kiểm tra quy tắc - anh là ai?
Mới đây, sau khi nhận được thư “tố” cán bộ quy tắc đô thị có hành vi “vòi vĩnh tiền, lớn tiếng với người dân”, ... |