Theo luật sư, khi có đủ căn cứ, cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Tính đến ngày 17/3, tổng số trẻ em Bắc Ninh bị nhiễm sán lợn lên tới con số 209 trẻ. Hàng nghìn gia đình tại Bắc Ninh đã đưa con đi xét nghiệm sau sự việc xảy ra tại Trường Mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh).
Theo đó, ngày 14/2 và ngày 20/2, khi chế biến thịt lợn tại bếp ăn bán trú tại trường mầm non này, các cô nuôi trẻ đã phát hiện trong thịt lợn có những hạch màu trắng giống như bị bệnh sán gạo.
Tiếp đó, ngày 5/3, phụ huynh vào bếp ăn của trường để kiểm tra và thấy rằng thực phẩm là gà đông lạnh bị nát, bở, không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Trả lời các cơ quan báo chí, ông Đoàn Duy Phương- Giám đốc Công ty TNHH Hương Thành- nơi cung cấp thực phẩm để nấu ăn cho trường Thanh Khương và nhiều bếp ăn tập thể khác lại cho rằng thịt lợn của mình không có vấn đề gì cả.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), lợn bị sán có thể phát hiện bằng mắt thường, nhất là khi cơ quan thú y cẩn thận sử dụng kính lúp để kiểm tra thì nhìn càng rõ.
Ông cũng cho biết, lợn gạo, lợn bị sán là tình trạng khá phổ biến trong tình hình chăn nuôi của Việt Nam hiện nay và dù phát hiện lợn có ký sinh trùng (giun, sán) nằm trong thớ thịt nhưng nếu đem nấu chín, nấu kỹ thì vẫn ăn được, không có vấn đề gì.
Thế nhưng tại sao hàng loạt trẻ vẫn nhiễm sán lợn? Về câu hỏi này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh giải thích: "Có thể là vì trong bếp ăn, cái thớt, con dao dùng cho cả thịt chín lẫn thịt sống, từ đó xảy ra hiện tượng nhiễm chéo giữa thịt sống sang thịt chín. Khi ấy, người ăn ăn thịt sống chứ không phải thịt chín nữa và mắc bệnh".
Các trẻ được đưa đến Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương xét nghiệm sán chiều 16/3. Ảnh: VnExpress
Về vấn đề trách nhiệm của các bên trong vụ hàng loạt trẻ bị nhiễm sán lợn, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho rằng, để làm rõ, cơ quan chức năng cần đến kiểm tra đàn lợn của đơn vị cung cấp thực phẩm cho trường, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm ở đó có đạt hay không...
"Có khi họ ký kết hợp đồng cung cấp thịt lợn thật nhưng thực tế họ có thể ra ngoài chợ mua thịt lợn gạo. Chuyện đó phải xác minh cho rõ ràng và chuyện này không chỉ nhà cung cấp thực phẩm có trách nhiệm mà còn liên quan đến trách nhiệm, vai trò của nhà trường vì nhà trường phải chịu trách nhiệm về sức khỏe của học sinh.
Lưu ý, việc phát hiện thực phẩm bẩn mới chỉ là một, hai bữa, mà công ty trên không chỉ cung cấp thực phẩm cho một trường mà cho hàng chục bếp ăn tập thể khác. Vì thế, phải xác định thịt lợn của công ty ấy đã bán ở đâu, có thể phát động người dân - những người đã mua thịt lợn của họ, đi kiểm tra", ông nói.
Theo vị chuyên gia, chuyện xảy ra ở trường Mầm non Thanh Khương chỉ là một hiện tượng không may bị phát hiện, trong khi tình trạng lợn của Việt Nam bị nhiễm ký sinh trùng là khá nhiều.
Vì vậy, nếu xác định điều đó là nguy hiểm và có chủ trương xét nghiệm cho trẻ ở Bắc Ninh thì Bộ Giáo dục và Bộ Y tế nên phối hợp tổ chức xét nghiệm cho học sinh ở tất cả các trường, những nơi có bếp ăn nội trú và rộng ra là toàn dân.
"Tôi nhấn mạnh, việc lợn nhiễm sán là bình thường, đừng nên xôn xao quá. Con lợn ở Việt Nam thời gian qua hết bị dịch lở mồm long móng, dịch tả châu Phi, giờ lại đến chuyện này, mà dư luận thì rất kinh khủng.
Những dư luận ấy cảnh báo cho học trò thì ít mà cảnh báo người dân đừng mua thịt lợn nữa thì nhiều. Lúc ấy chỉ chết người chăn nuôi lợn và nền chăn nuôi Việt Nam có thể rơi vào khủng hoảng", PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh lo ngại.
Nhìn nhận về vụ việc này, LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho rằng, đối với thực phẩm bẩn, không an toàn thì tất cả các bộ phận liên quan đến khâu cung cấp, vận chuyển đều phải chịu trách nhiệm.
Thịt lợn bệnh, mắt thường cũng nhận biết được mà bộ phận chế biến không nhận biết được, vẫn đem chế biến thì bộ phận này cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
"Điều 317 Bộ luật Hình sự đã quy định rõ về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm. Theo đó, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.
Cơ quan chức năng có thể khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm để làm rõ trách nhiệm sau khi có đủ căn cứ, như: cơ quan giám định sức khỏe của ngành y tế xác định mức độ thiệt hại về sức khỏe như thế nào, hay việc ấy gây hậu quả nghiêm trọng đến cộng đồng...
Ngoài trách nhiệm hình sự, các bên sai phạm còn phải thực hiện trách nhiệm dân sự, bồi thường cho tất cả các trẻ nhiễm bệnh", LS Trương Xuân Tám nói.
Thành Luân
Hàng trăm học sinh tiếp tục được xét nghiệm sán lợn tại Bắc Ninh
Cảnh tượng hỗn loạn, chen lấy khi lấy máu xét nghiệm cho các học sinh đang diễn ra ở trường Mầm non Thanh Khương, huyện ... |
Hơn 1.500 trẻ ở Bắc Ninh khám sán lợn, 151 ca nhiễm bệnh
Đến hết ngày 17/3, hơn 1.500 trẻ từ 1-10 tuổi ở huyện Thuận Thành, Bắc Ninh được khám, làm xét nghiệm sán lợn ở bệnh ... |
Hơn 1.000 trẻ phải xét nghiệm sán lợn: Phải đi đến cùng vụ việc
Sau khi các phụ huynh Trường mầm non Thanh Khương (huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) tố cáo nhà trường đã sử dụng thịt lợn nhiễm ... |