Liệu có khả năng, người dân vẫn phải nộp phí để đi qua khu vực đó vì không còn con đường hay phương tiện nào khác...
Để giảm ùn tắc giao thông nội đô, một lần nữa, vấn đề thu phí phương tiện vào khu vực ùn tắc lại được đặt ra. Trao đổi với báo chí ngày 7/6, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, đây là một trong những nội dung đề án trong nghị quyết số 04 của HĐND TP Hà Nội về xây dựng đề án hạn chế phương tiện vào nội đô... Hà Nội sẽ báo cáo Chính phủ về đề xuất này.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Việt, một người dân sống tại huyện Gia Lâm, Hà Nội cho rằng: "Chẳng có phí nào giảm được ùn tắc. Người dân vẫn phải nộp phí để đi qua khu vực đó vì không còn con đường hay phương tiện nào khác. Nếu có các doanh nghiệp, người dân đã chủ động đi vì không ai muốn đi vào khu vực tắc cả".
Tuy nhiên, chị Lê Vân Anh sống tại khu vực Kim Mã, quận Đống Đa, Hà Nội lại đưa ra ý kiến khác.
Chị này cho rằng: "Cứ đường nào thu phí thì dân, doanh nghiệp lại bỏ không đi, chuyển hết sang đi đường khác. Tắc vẫn hoàn tắc, chỉ là tắc ở đâu thôi".
Cũng theo chị Vân Anh, việc thu phí cũng phần nào sẽ tác động được tới việc hạn chế các phương tiện vào khu vực ùn tắc. Tuy nhiên, muốn hạn chế phương tiện cá nhân việc đầu tiên đó là số lượng phương tiện giao thông công cộng cần phải được tăng cường và đảm bảo tính thuận lợi cho người dân.
Sở GTVT Hà Nội tính toán việc thu phí ở khu vực ùn tắc. Ảnh: HNM
Đứng ở góc độ chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định: "Tôi cho rằng đề án này là đúng nhưng phải nghiên cứu và thực hiện một cách chu đáo, không để nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp".
Theo ông Liên, việc này các nước khác đã làm hàng chục năm nay rồi nhưng Hà Nội muốn làm được việc đó thì sẽ có các vấn đề như sau:
Thứ nhất, vấn đề về hạ tầng. Hà Nội phải đầu tư, nâng cấp về hạ tầng để cho đảm bảo trật tự, cho người dân được thừa hưởng dịch vụ tốt hơn. Khi đó, dù phải bỏ thêm tiền, người dân cũng chấp nhận.
Thứ hai, không thể lập các trạm thu được mà phải áp dụng công nghệ thông tin. Có nghĩa là xe đi qua phải thu phí nhưng không thể dừng xe lại thu được sẽ gây ùn tắc. Tất cả phải tự động.
Như vậy, phải áp dụng thu phí không dừng. Ở đây phải áp dụng bài toán về thông tin, phải đầu tư, tăng thiết bị, liên quan đến kiểm định, xe bao nhiêu tấn, bao nhiêu chỗ tương đương với số tiền đi qua đoạn đường đó, liên quan đến cả đăng kiểm, ngân hàng, thẻ cào,...tự động thu tiền chứ không thể thu theo cách thủ công. Do đó chủ xe cũng phải có thẻ ngân hàng, trong đó phải có tiền.
Đây là một bài toán rất phức tạp, nhiều ngành, nhiều nghề phải tham gia vào thì chắc chắn mới giải quyết được.
"Muốn thực hiện đề án phải có Ban dự án để làm việc với các ngành, các cấp về tiêu chuẩn, chế độ,... Thời gian chuẩn bị phải dài, nghiên cứu công phu", vị chuyên gia nhấn mạnh.
Ông Liên cho hay, tại Singapore, việc này đã thực hiện từ lâu và mang lại hiệu quả. Chủ mỗi phương tiện sẽ có một tài khoản. Nếu xe đi vào giờ cao điểm hoặc đi vào chỗ ùn tắc giao thông sẽ bị thu phí cao hơn. Khi đó hệ thống sẽ tự động trừ tiền trong tài khoản của chủ phương tiện. Khi vào các khu vực ùn tắc họ đi càng lâu thì mất phí càng nhiều.
Trước ý kiến về việc có khó khi xác định các điểm ùn tắc, ông Liên cho rằng về vấn đề này các cơ quan chức năng phải ngồi lại trao đổi chi tiết, cụ thể.
Ông Liên ví dụ, như khu Bờ Hồ hay các khu phố cổ, các phương tiện di chuyển vào các lâu thì càng phải nộp tiền nhiều. Chính sách với những người dân sinh sống tại đây thế nào cũng phải nghiên cứu kỹ và có cơ chế cụ thể.
Chưa lập Ban chỉ đạo chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP HCM Hà Nội và TP HCM được giao chủ động tổ chức các giải pháp nhằm kiềm chế, tiến tới giảm ùn tắc giao thông trên ... |
Hà Nội xén thảm cỏ đường đẹp nhất Việt Nam để chống ùn tắc Đường Nguyễn Chí Thanh sẽ được mở rộng thành bốn làn xe để giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông thường xuyên tại đây. |