Hà Nội: Tất tả chạy lũ

Nước lũ dâng cao đến mái nhà, đường ngập sâu, người dân nhiều vùng của huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội hơn 10 ngày qua phải di tản vào nhà văn hóa, đình chùa

Bốn địa phương thuộc huyện Chương Mỹ bao gồm các xã: Nam Phương Tiến, Thủy Xuân Tiên, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ đang phải hứng chịu đợt lũ lịch sử chưa từng có. Tính toàn huyện, có đến hơn 2.300 hộ thuộc 10 xã, thị trấn đã bị nước tràn vào nhà.

Sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong cuộc khảo sát đê tả sông Bùi ngày 30-7 đã chỉ đạo: "Phòng ngừa trường hợp xấu nhất là có mưa to và lũ lớn thì phải chuẩn bị phương án sẵn sàng di dời 14.000 hộ dân nằm trong vùng phân lũ. Chúng ta phải tuyệt đối không để xảy ra trường hợp tai nạn đáng tiếc nào".

Theo ông Chung, TP Hà Nội sẽ cung cấp thêm 10.000 bao cát để lực lượng chức năng của huyện Chương Mỹ khẩn trương đắp bờ đê cao thêm 50 cm ngay trong đêm. Kế hoạch này nhằm giữ cho mực nước sông Bùi không tràn vào bên tả.

Trong những ngày qua, nhiều đoàn cứu trợ, cung cấp lương thực đã tiếp cận được những vùng bị cô lập trên địa bàn huyện Chương Mỹ. Ở những khu vực bị ngập quá cao, người dân không ra được thì lực lượng công an, quân sự sử dụng ca-nô để vận chuyển lương thực tiếp tế tận nơi.

ha noi tat ta chay lu

Người dân tại thôn Nhân Lý (xã Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ) đang phải sống chung với lũ hơn 10 ngày qua

Theo ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, qua kiểm tra hiện trường cho thấy công tác bảo đảm an ninh trật tự, đời sống người dân cũng như khâu chống tràn đê của huyện Chương Mỹ tại khu vực đê tả sông Bùi đúng kỹ thuật và khẩn trương. "Nước lên không phải do xả lũ hồ Hòa Bình, hiện nay hồ này đã đóng toàn bộ các cửa xả. Đây là tình huống do mưa ở rừng ngang và từ trên núi đổ về. Đây cũng là tình huống đặc biệt nhưng không phải tình huống bất thường, bởi năm ngoái đã xảy ra, năm nay lại tiếp tục" - ông Hoài nói.

Không kịp trở tay

Theo ông Đinh Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ, từ ngày 18 đến 22-7, trên địa bàn huyện có mưa to và rất to làm nước lũ tràn về rất nhanh. Mực nước sông Bùi tại Yên Duyệt đo được vào ngày 30-7 là 7,5 m, trên báo động 3 khoảng 0,5 m, cao hơn đỉnh lũ năm 2008. Nước dâng cao tràn qua nhiều đoạn của đê hữu Bùi, ngập đê Bùi 2, tràn qua hầu hết diện tích đất canh tác ở vùng hữu Bùi và các khu vực trũng thấp vùng tả Bùi - hữu Đáy.

Ông Phùng Văn Sinh (trú thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến), cho biết: "Từ khi sáp nhập về Hà Nội, địa phương đã hứng trọn 3 cơn lũ, so với đợt lũ lịch sử năm 2008 thì lũ năm nay còn cao hơn, nhiều gia đình bị ngập lút mái nhà".

Theo ông Sinh, năm nay nước lũ về sớm và nhiều hơn mọi năm nên người dân không kịp trở tay. Bình thường, những năm trước phải đến tháng 8 âm lịch lũ mới về nên mọi người vẫn chủ quan chưa thu hoạch gì, lúa mới cấy, gà lợn đang trong giai đoạn sinh đẻ… nên nhiều gia đình gần như mất trắng. Năm nay, tình trạng ngập như thế này sẽ còn kéo dài bởi sắp tới là vào mùa mưa. Mọi năm phải mất 2 đến 3 tháng sau lũ mới ổn định lại cuộc sống, năm nay không biết sẽ như thế nào.

Bà Nguyễn Thị Tứ (ngụ thôn Nhân Lý), chia sẻ gia đình bà nuôi 2.000 con gà đang kỳ đẻ trứng để sắp tới cho ấp, dự tính sẽ có lãi hơn 200 triệu đồng. Giờ lũ về quá nhanh, gà chết khoảng 2/3 đàn, năm nay lại thất thu. Tính một đường, đi một nẻo. Không biết có gầy đàn lại nổi không.

Ứng phó lũ lên nhanh ở miền Tây

Sáng 31-7, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tổ chức cuộc họp về ứng phó với thiên tai khu vực ĐBSCL.

Ban chỉ đạo nhấn mạnh thời gian qua, do diễn biến bất thường của thời tiết nhất là ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, phát triển cơ sở hạ tầng, khai thác cát ở thượng nguồn… cùng các tác động tiêu cực của phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, tác động do vỡ đập thủy điện tại Lào, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển vùng ĐBSCL đã và đang diễn ra rất nghiêm trọng. Lũ từ thượng nguồn đổ về đang lên nhanh, uy hiếp đến tính mạng, tài sản của người dân. Từ năm 2010 đến nay, khu vực ĐBSCL có tổng cộng 562 điểm sạt lở với chiều dài 786 km. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai yêu cầu các địa phương chuẩn bị phương án ứng phó đề phòng lũ lớn có thể xuất hiện.

ha noi tat ta chay lu Dân vùng lũ Chương Mỹ khốn khổ sống giữa biển nước mênh mông

Nhiều ngôi làng ở Chương Mỹ (Hà Nội) bị nước lũ nhấn chìm hàng chục ngày nay, người dân vô cùng khổ cực và trông ...

ha noi tat ta chay lu Đêm hộ đê Bùi ở Chương Mỹ, Hà Nội

Gần 100 cán bộ, chiến sĩ Trường Trung cấp Cảnh sát vũ trang thức trắng đêm để gia cố và dựng các bao tải cát ...

ha noi tat ta chay lu Lụt lịch sử ở Chương Mỹ: "Hộ tống" lợn chạy khỏi biển nước

Mưa lũ ở Hà Nội: Xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội vẫn ngập sâu, nhiều người đang lâm vào cảnh không điện, không ...

/ nld.com.vn