GS.TS Phạm Tất Dong: Đừng vì lợi nhuận mà thu học phí vô lối

GS-TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam – cho biết, ông rất phản đối việc một số trường đại học tăng học phí quá cao, gây sốc

GS.TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam - cho biết, ông rất phản đối việc một số trường đại học tăng học phí quá cao, gây sốc cho sinh viên. Các trường đại học cần có trách nhiệm xã hội, huy động tài chính từ nhiều nguồn, chứ không nên “đẩy gánh nặng” sang sinh viên, bằng cách tăng học phí.

Trong tương lai, các trường đại học đủ điều kiện được tự chủ toàn diện, trong đó có tự chủ tài chính. Điều này đồng nghĩa với việc học phí tại các trường tự chủ sẽ tăng mạnh. Giáo sư đánh giá sao về xu hướng này?

- Từ rất lâu, tôi đã tham gia xây dựng ý tưởng ĐH tự chủ. Tôi ủng hộ quan điểm này. Nếu được tự chủ, các trường ĐH sẽ có điều kiện phát huy hết năng lực và sáng tạo trong nhiệm vụ đào tạo lao động có trình độ cao.

Tuy nhiên, không nên hiểu tự chủ chỉ là tăng học phí. Có nhiều khía cạnh ĐH cần phải tự chủ, như về học thuật, các chương trình, kế hoạch đào tạo, chủ động liên kết với nước ngoài, đầu tư trang thiết bị và công nghệ. Trong đó có vấn đề tự chủ về tài chính, như tự đảm bảo thu-chi, trả lương cho giảng viên.

GS. TS. Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Đàm Quang

Để đảm bảo kinh phí hoạt động, trường sẽ phải đi huy động từ nhiều nguồn khác nhau. Như kêu gọi doanh nghiệp đầu tư bằng việc đào tạo theo đơn đặt hàng của họ. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo đơn đặt hàng của Nhà nước… Vì thế, để thu hút kinh phí từ nhiều nguồn, bắt buộc các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo.

Nhưng có một thực tế là các trường khi được cho tự chủ đều nghĩ ngay đến vấn đề tăng học phí. Có trường đã tăng gấp 3-4 lần so với lúc chưa tự chủ, thưa giáo sư!

- Đó là quan niệm sai, tôi không ủng hộ việc này. Quan điểm của tôi là phải tiến dần tới đại học đại chúng, tức là đại học cho số đông. Các trường đừng biến việc học ĐH trở thành ước mơ xa xỉ, chỉ phục vụ số ít người có tiền.

Về nguyên tắc, nếu học phí càng ít thì người học càng đông. Trước đây, Bác Hồ cũng mong muốn hướng đến một nền giáo dục không mất tiền, chứ không phải là ngày càng mất nhiều tiền.

Tôi cho rằng trong điều kiện đất nước chưa thể đầu tư nhiều cho các trường ĐH, thì việc thu học phí là cần thiết, nhưng không có nghĩa là chạy theo lợi nhuận, thu một cách vô lối.

Tôi được biết, có trường còn tăng học phí từ hơn 1 triệu đồng/tháng lên hơn 4 triệu đồng/tháng. Thử hỏi con nông dân, công nhân lấy tiền đâu ra cho con theo đại học. Trong khi xu hướng chung trên thế giới là trường ĐH phải tạo điều kiện tốt nhất để tất cả người dân đều có thể tham gia.

Đặt địa vị ở các trường ĐH, họ sẽ nói ai có nhu cầu thì vào học. Muốn học trường tốt, chất lượng tốt thì phải chấp nhận trả học phí cao. Giáo sư có ủng hộ quan điểm này?

- Tôi không ủng hộ. Không thể nghĩ là nếu anh có tiền thì học, không có thì thôi. Mà ngược lại, trường ĐH phải tạo điều kiện hết sức, chứ không phải là tước mất cơ hội học tập của những người thực sự có năng lực, nhưng nhà nghèo. Nếu nghĩ như vậy là vô trách nhiệm với xã hội.

Các trường của Mỹ họ cũng thu học phí cao, nhưng họ tính toán dựa trên bình quân thu nhập của người dân, làm thế nào để mọi người đều đủ sức để theo. Trong khi nước ta, để có được 3-4 triệu/tháng cho con đi học, không phải nhà nào cũng lo được.

Theo Giáo sư, trong lộ trình tự chủ của các trường, làm sao để vấn đề tăng học phí không cản trở những người nghèo học giỏi có mong muốn vào trường ĐH?

- Tôi nghĩ, trước mắt, nên giao cho các trường tự chủ về mặt học thuật, quản lý, chất lượng trước. Khi họ đã làm tốt rồi, chất lượng cao rồi, sinh viên ra trường đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp, thì bắt đầu cho tự chủ về tài chính. Chúng ta nên làm từng bước một.

Ngoài ra, ở các nước trên thế giới, trước khi cho trường ĐH tự chủ, nhà quản lý thường yêu cầu lập hội đồng trường. Thành phần hội đồng gồm có cả đại diện cha mẹ sinh viên, tổ chức xã hội. Trước khi tăng học phí, họ sẽ đưa ra hội đồng để thảo luận, xin ý kiến. Nếu không có hội đồng trường gồm nhiều thành phần mà chỉ gồm ban giám hiệu của trường thì dễ nảy sinh vấn đề lợi ích nhóm.

Bên cạnh đó, việc tăng học phí quá cao, không tính toán dựa trên sức chịu đựng của người học, sẽ khiến chính cách trường lâm vào cảnh khó khăn. Vì lúc đó sinh viên sẽ tính toán, không dại gì bỏ ra số tiền lớn để đầu tư, trong khi cơ hội việc làm không cao. Và khi không có sinh viên theo học, tăng học phí cao cũng đồng nghĩa với việc trường ĐH tự giết mình.

Cảm ơn Giáo sư đã chia sẻ!

(https://laodong.vn/giao-duc/gsts-pham-tat-dong-dung-vi-loi-nhuan-ma-thu-hoc-phi-vo-loi-550019.ldo)

Thầy cô giáo đâu phải kẻ... đòi nợ thuê

Một tiết học 35-40 phút bạn sẽ nghĩ gì khi giáo viên vào lớp không thể dạy ngay mà làm công tác tiền bạc là ...

Trường đại học khẳng định không \'úp sọt\' học phí với tân sinh viên

Trước thời điểm nhập học, một số sinh viên bày tỏ băn khoăn khi học phí tăng cao. Đại diện nhà trường khẳng định việc ...

Nhiều thí sinh đã “chán” đại học, chuyển sang học nghề

Nhiều trường đại học đang “sốc”, hoang mang vì không biết 110.000 thí sinh được xác định là trúng tuyển trong đợt 1 đã đi ...

Theo Lao động