Cơ hội đàm phán về hoà bình trên bán đảo Triều Tiên có nguy cơ trở về vạch xuất phát nếu Mỹ đưa ra những thông tin bất nhất.
Tổng thống Mỹ Trump. Ảnh: Reuters. |
"Nếu chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump muốn cuộc gặp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên diễn ra đúng như kế hoạch, họ nên ngừng đưa ra những thông tin mâu thuẫn và tập trung vào chuẩn bị", Alexandra Bell, chuyên gia tại Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí (CACN), Mỹ, trao đổi với VnExpress về cuộc họp quan trọng sắp tới giữa lãnh đạo Mỹ - Triều.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 21/5 đề cập đến khả năng Tổng thống Trump sẵn sàng từ bỏ họp thượng đỉnh với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, thể hiện sự cứng rắn của Washington với Bình Nhưỡng. Trong khi đó Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steve Mnuchin cho biết Trump vẫn lên kế hoạch gặp Kim. Hai nhà lãnh đạo dự kiến gặp nhau tại Singapore ngày 12/6 sau nhiều nỗ lực ngoại giao, đặc biệt là của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Trong khi đó, Trump ngày 22/5 thừa nhận cuộc gặp với Kim có thể không diễn ra theo dự kiến, dù đánh giá "Kim Jong-un rất nghiêm túc trong vấn đề phi hạt nhân hóa".
Các tuyên bố của Mỹ được đưa ra sau khi Triều Tiên hai lần đe doạ huỷ cuộc họp, nếu bị Washington thúc ép từ bỏ vũ khí hạt nhân và phản đối cuộc tập trận chung Max Thunder do Mỹ - Hàn tổ chức từ ngày 11/5 đến 25/5.
Lý giải về sự thay đổi của Triều Tiên trong khi các bên liên quan đang hào hứng về triển vọng hoà bình trên bán đảo Triều Tiên, Bell cho rằng Bình Nhưỡng có thể muốn chính quyền Trump bảo đảm rằng sẽ không sử dụng nỗ lực ngoại giao "làm vỏ bọc" cho các hành động quân sự trong tương lai. Triều Tiên không ưa thông điệp từ Mỹ, ám chỉ khả năng thay đổi chế độ của Bình Nhưỡng.
Chuyên gia Bell lưu ý việc Triều Tiên đổi giọng không phải là điều bất ngờ vì những ai theo dõi tình hình ở khu vực này đều hiểu Bình Nhưỡng luôn là một đối tác đàm phán cứng rắn.
Đồng tình với ý kiến này, Allison Peters, nhà nghiên cứu tại Tổ chức Third Way, Mỹ, khẳng định Triều Tiên không bao giờ từ bỏ chương trình vũ khí mà không thu được gì. Nếu Tổng thống Mỹ bất ngờ trước sự thay đổi của Triều Tiên, chứng tỏ ông và các cố vấn rất thiếu kinh nghiệm và không chuẩn bị tốt trong đàm phán với Triều Tiên.
Theo Peters, sự khác biệt quan điểm giữa Washington và Bình Nhưỡng không có gì mới mẻ. Trong khi Mỹ muốn Triều Tiên đơn phương từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, đổi lại sự hỗ trợ phát triển kinh tế thì Bình Nhưỡng lại yêu cầu việc phi hạt nhân hoá áp dụng cho toàn bán đảo, bao gồm cả việc Mỹ rút quân khỏi khu vực và Bình Nhưỡng muốn có hỗ trợ kinh tế trước khi nhượng bộ.
Peters không ủng hộ việc Tổng thống Mỹ Trump nhượng bộ trước Triều Tiên, gây ồn ào bằng cách đăng trên Twitter, mà cho rằng cần chuẩn bị kỹ cho cuộc thảo luận với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
"Chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump cần lặng lẽ tập trung vào một chiến lược thực tế cho đàm phán với Triều Tiên. Mục tiêu hướng đến là một thoả thuận dựa trên các biện pháp có thể xác minh được, để đảm bảo Triều Tiên duy trì cam kết của họ", Peters nói.
Bà khuyến cáo Washingtong không nên vội vã trong việc thúc ép Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân, cho phép các nhà đàm phán của hai bên, là chuyên gia về lĩnh vực này, nỗ lực thu hẹp khoảng cách khác biệt, trước khi lãnh đạo hai nước họp thượng đỉnh. Quá trình cần có sự hợp tác chặt chẽ của các đồng minh của Mỹ ở châu Á.
Cảnh báo nguy cơ nếu cuộc họp của Tổng thống Mỹ và lãnh đạo Triều Tiên không diễn ra, chuyên gia Peters dự đoán Washington có thể kêu gọi các đối tác trên thế giới gia tăng trừng phạt với Bình Nhưỡng để buộc Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán.
"Nếu cuộc họp giữa Trump và Kim thất bại, căng thẳng giữa Triều Tiên và Mỹ và các đồng minh sẽ tồi tệ hơn, gây rủi ro về cuộc chiến khác trên bán đảo", Peters nói.
Tỏ ra lạc quan hơn, chuyên gia Bell của Trung tâm Kiểm soát và không phổ biến vũ khí, cho hay trước khi Hàn Quốc tổ chức Thế vận hội Mùa đông PyeongChang hồi đầu năm nay, Mỹ và Triều Tiên còn đang đứng trên bờ vực xung đột quân sự. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng đã liên tiếp bày tỏ thiện chí khi cử các vận động viên tham dự Thế vận hội ở Hàn Quốc, mở ra cơ hội đối thoại của các quan chức cấp cao giữa hai miền. Và đỉnh điểm là cuộc gặp thượng đỉnh giữa lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Hàn Quốc Moon ở biên giới liên Triều cuối tháng 4.
Tại cuộc gặp này, lãnh đạo Hàn - Triều đã đạt được những kết quả đáng kể, nhất trí hướng tới một bán đảo Triều Tiên không hạt nhân thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn. Hai bên cũng thống nhất kết thúc chính thức trạng thái chiến tranh đã tồn tại kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên 1950 - 1953 được dừng bằng hiệp định đình chiến chứ không phải là hiệp ước hòa bình.
Sự hào hứng trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Hàn Quốc hôm 27/4 đã tạo tiền đề tốt cho cuộc họp dự kiến giữa lãnh đạo Triều Tiên và Tổng thống Mỹ. Bell đánh giá nếu Kim và Trump không gặp như kế hoạch đã đưa ra, các bên ở khu vực sẽ lại phải thúc đẩy nỗ lực đàm phán về hoà bình ở bán đảo.
"Sẽ thật đáng tiếc nếu như Mỹ và Triều Tiên lãng phí cơ hội này để có đối thoại thực chất", Bell nói.
7 thập kỷ "chơi gác" Mỹ của Triều Tiên
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence nhấn mạnh Triều Tiên không nên tìm kiếm nhượng bộ bằng những lời hứa mà họ không có ý ... |
Trump: Hội nghị với Kim Jong Un có thể bị hoãn
Tổng thống Trump tuyên bố cuộc gặp dự kiến vào ngày 12/6 với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể bị hoãn. |