Giáo chửi

Lâu nay mới chỉ nghe có “bún chửi”, “cháo chửi” để chỉ một vài món đồ ăn ngon mà khi ăn, thực khách chấp nhận ăn độn cùng những lời miệt thị của chủ quán. Bây giờ lại có cả “giáo chửi”, vừa học vừa phải nghe chửi, sau khi hai cô giáo là cô "bọ cạp" Lê Na và cô Kim Tuyến xuất hiện...

Chắc hẳn nhiều người trong chúng ta còn chưa quên vụ việc cô giáo cung Bọ Cạp – cô Phạm Nguyễn Lê Na thuộc trung tâm Anh ngữ Lê Na (Hà Nội) từng xưng hô mày tao và chửi bới học sinh hồi giữa năm 2015.

Trong một tình huống cự cãi với hai học viên, cô giáo này đã xưng mày-tao, tự nhận mình ghê gớm vì thuộc cung Bọ Cạp và chửi học sinh là vô học. Câu chuyện chỉ có vậy nhưng đã làm chấn động ngành giáo dục cũng như dư luận suốt một thời gian dài.

Và mới đây, cô giáo cung Bọ Cạp version 2 xuất hiện, xem ra còn “tỏa sáng” hơn cô Lê Na nhiều. Đó là cô Nguyễn Kim Tuyến, giáo viên và là người sáng lập trung tâm Anh ngữ MST (thuộc công ty Cổ phần Hệ thống giáo dục MST) ở Hà Nội.

giao chui

Cô giáo Kim Tuyến gây bất bình trong dư luận vì chửi học viên là mặt người mà óc lợn. (Ảnh cắt từ clip)

Sự việc bắt đầu vào tối 5/5/2018, trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip dài hơn 2 phút, ghi lại cảnh cô Kim Tuyến và một nam học viên cãi nhau tay đôi ngay tại lớp học.

Mở đầu đoạn clip, cô Tuyến yêu cầu học viên đóng 100.000 đồng tiền phạt vì thiếu bài tập. Học viên xin khất "mong cô giáo thông cảm" nhưng cô giáo không đồng ý. Lời qua tiếng lại, cuộc đấu khẩu trở nên gay gắt khi học viên gọi giáo viên bằng bà và nói nữ giáo viên lừa đảo.

Phản ứng trước thái độ của học viên, cô Tuyến nổi khùng, xưng hô mày – tao, chỉ tay vào mặt học viên và dùng những lời lẽ xúc phạm nặng nề:

- “Tao nói cho mày biết nhé, ngoài kia có một hay mười cái trung tâm cũng không biến mày từ một con lợn thành một con người được đâu"

- "Đây là sân chơi của tao, luật của tao. Mày cứ đóng 100.000 vào đây rồi lớp học tiếp, không thì ra ngoài"

- “Tao là giáo viên giẻ rách nên mới dạy được loại học sinh giẻ rách như mày"

- “Chúng tao không để những thằng mặt lợn như mày học ở đây”

- “Đóng 100.000 và ra khỏi lớp, đ’ nói nhiều”...

Hẳn là bất cứ ai xem xong đoạn clip cũng đều có cảm giác sững sờ trước những ngôn từ gớm ghiếc được sử dụng trong một môi trường sư phạm như vậy.

Đương nhiên trong vụ việc này, cả cô giáo và học viên đều sai. Song câu chuyện không dừng lại ở mức độ là học viên mắc lỗi và cô giáo cư xử chưa đúng mực, đó chỉ là phần nổi của tảng băng.

Soi chiếu câu chuyện dưới nhiều góc độ, tôi thấy có một vài vấn đề cần nhìn nhận như sau:

Thứ nhất, cùng với hàng loạt các tình huống phản giáo dục xảy ra trong thời gian gần đây như cô giáo bắt học sinh quỳ, cô giáo bắt học sinh uống nước giặt giẻ lau, “cô giáo ngậm hạt thị” vì lên lớp không giảng bài... thì có thể thấy một bộ phận giáo viên ngày nay đã đánh mất tư cách đạo đức của người thầy khi đứng trên bục giảng.

Cổng trường nào, phòng hội đồng nào cũng treo biển “Tiên học lễ, hậu học văn”. Chúng ta yêu cầu học sinh phải học lễ nghi, phép tắc trước khi học kiến thức, nhưng giáo viên lại bỏ qua lễ nghi, thậm chí vô lễ, thất lễ như vậy thì dạy được ai?

Những bài học vỡ lòng trong sách giáo khoa dạy con người ta từ thuở bình minh nhân cách cũng lưu ý về lời ăn tiếng nói: “Mẹ, mẹ ơi cô dạy/ Cãi nhau là không vui/ Cái miệng nó xinh thế/ Chỉ nói điều hay thôi”. Vậy nhưng cô giáo lại dùng cái miệng lẽ ra chỉ để truyền cảm hứng, đạo đức, tri thức để tuôn xối xả những ngôn từ tục tĩu, chợ búa thì sách giáo khoa liệu có ích gì?

Chắc hẳn sẽ có người phản đối tôi khi cho rằng đây là trung tâm tiếng Anh, là quan hệ mua bán chứ không phải môi trường sư phạm nên cần nhìn nhận một cách sòng phẳng hơn.

Xin thưa rằng, không phải cứ ngồi trong một ngôi trường đang sử dụng ngân sách giáo dục thì mới gọi là môi trường sư phạm. Ngược lại dù quá trình xã hội hóa giáo dục có thành công đến đâu thì sản phẩm của nó vẫn phải là giáo dục, là sư phạm chứ không thể biến thành cái khác.

Mặt khác, nếu coi giáo dục đơn thuần là hàng hóa, thì cũng khó chấp nhận một quan hệ mua bán mà người bán chửi người mua như hát hay. Ngoài ra, những học viên còn lại trong lớp tại sao lại phải bỏ tiền, bỏ thời gian ngồi nghe chửi vì vấn đề tranh cãi của cô giáo và học viên khác?

Thứ hai, trong xã hội có sự bùng nổ thông tin nhiều chiều, có vẻ chúng ta ngày càng dễ tính hơn khi tiếp nhận những chiêu trò PR như một thứ sản phẩm quái gở của truyền thông.

Còn nhớ, khi sự việc cô giáo Bọ Cạp Lê Na lắng xuống, một thời gian sau trên chính trang Fanpage của trung tâm Anh ngữ được cho là của cô giáo Lê Na có tên “Lena Culture center” đã đăng tải công khai thông tin về chiến dịch tặng áo miễn phí có in hình bọ cạp cho các học viên.

Thậm chí, hình ảnh cư dân mạng ghép mặt cô giáo Lê Na với hình con bọ cạp cũng được cô và trung tâm này thản nhiên in vào áo. Chiến dịch tặng áo được bắt đầu triển khai sau đó vài tháng như một chiêu quảng bá cho chính trung tâm tiếng Anh nọ.

Đến vụ lùm xùm cô giáo Kim Tuyến chửi học viên “óc lợn”, dường như chiêu này sẽ được kế thừa bởi sau khi được tỏa sáng trên toàn cõi mạng, cô Kim Tuyến không những không thấy xấu hổ mà còn tự live stream để nói về phương pháp dạy học kiểu bạo hành kinh tế của mình đầy tự mãn.

Cô cũng đăng đàn trả lời phỏng vấn một tờ báo nọ rồi sau đó họ giật tít “Cô giáo Kim Tuyến trả lời phỏng vấn độc quyền...” cứ như thể là tiếp cận được nguyên thủ quốc gia.

giao chui

Trung tâm tiếng Anh MST tranh thủ quảng bá bằng cách đăng đầy hình ảnh cô giáo Kim Tuyến

giao chui

Thay vì giấu đi hình ảnh kém đạo đức, phản sư phạm của cô Kim Tuyến, trung tâm Anh ngữ MST đăng đầy hình ảnh của cô này (ảnh chụp màn hình tối 6/5/2018)

Rồi trang web của trung tâm Anh ngữ nơi cô công tác cũng đăng đầy hình ảnh cô Kim Tuyến, mà lẽ ra xét dưới góc độ đạo đức thì họ nên giấu đi. Tuy nhiên, điều này xét dưới góc độ kinh doanh thì lại dễ hiểu bởi trong hằng hà sa số những trung tâm tiếng Anh mọc lên như nấm bây giờ, miếng bánh thị phần dường như là một khe cửa hẹp đối với những trung tâm tiếng Anh mới ra đời 2 năm không mấy tên tuổi như trung tâm của cô.

Thứ ba, lâu nay chúng ta đang tự thỏa hiệp với cái “văn hóa” bán hàng kèm miệt thị kiểu bún chửi, cháo chửi... Nhiều người thản nhiên ngồi ăn một bát bún trên nền những thanh âm chói tai khi bà bán hàng chửi con bé bưng bê, chửi khách hàng khác, thậm chí chửi chính mình. Liệu bát bún ấy có ngon đến mức chúng ta phải chấp nhận ăn kèm thứ “gia vị” không hợp vị đó hay không? Khách hàng là người trả lương, là thượng đế cơ mà, tại sao ông chủ/ thượng đế lại chấp nhận để bị người làm công xúc phạm như vậy?

Tất cả chỉ vì những cái tặc lưỡi thỏa hiệp: tuy bà ấy chửi nghe hơi tức nhưng bù lại bún ngon. Trường hợp “giáo chửi” này cũng vậy. Nếu cái clip cô Kim Tuyến không được phát tán rộng rãi, hẳn là hàng ngày vẫn sẽ có nhiều người tặc lưỡi vì tuy cô ấy chửi nhưng bù lại dạy hay.

Chúng ta đang nhầm lẫn giữa khái niệm “yêu cho roi cho vọt” và sự suy đồi đạo đức, sự lộng hành của một số người hoạt động trong lĩnh vực giáo dục. Tôi nhớ thời chúng tôi đi học, có một thầy giáo luôn gọi học trò mày tao nhưng đầy ấm áp và thân mật. Hễ hôm nào có đứa không ngoan, để thầy xưng hô tôi – anh, tôi – chị là cảm thấy nghiêm trọng lắm rồi. Cách xưng hô mày – tao của thầy giáo tôi khác hoàn toàn với cái cách cô giáo Kim Tuyến chỉ thẳng mặt học viên gọi mày – tao kèm những từ miệt thị như “óc lợn”, “giẻ rách”, “cút đi”...

Nhìn từ sâu xa gốc rễ vấn đề, trong văn học dân gian tồn tại một tác phẩm kinh điển là bài chửi của bà hàng xóm mất gà với những lời nguyền rủa độc địa “Mày đi sông thì đắm sông, đi đò thì đắm đò... Con gà ở nhà tao nó là con công con phượng, về nhà mày nó thành con cú con cáo, con thần nanh đỏ mỏ mổ mắt cả nhà mày ra”.

Thế nhưng bài chửi này vẫn được nhiều giờ học Văn lấy làm ví dụ để minh họa cho văn hóa dân gian, cho sự phong phú của thanh điệu trong tiếng Việt. Thì trách chi nhiều thế hệ sau mặc nhiên công nhận “bún chửi”, “cháo chửi”, “giáo chửi” là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

giao chui MST English tháo dỡ biển hiệu sau vụ cô giáo chửi học viên \'óc lợn\'

Biển hiệu của MST English tại cơ sở Phạm Văn Đồng, Hà Nội, đã được tháo dỡ sáng 7/5. Thời gian này, không có học ...

giao chui Giáo viên trung tâm tiếng Anh chửi học viên “lấp lửng” về bằng cấp chuyên môn

Giáo viên Nguyễn Thị Kim Tuyến (sáng lập viên Trung tâm Anh ngữ MST) từ chối trả lời mọi câu hỏi liên quan đến chuyện ...

giao chui Vụ cô giáo chửi học viên: Nỗi buồn từ nhiều phía

Giáo viên dạy Anh ngữ Nguyễn Thị Kim Tuyến (sáng lập viên Trung tâm Anh ngữ MST) đã chửi mắng học sinh bằng những lời ...

giao chui Vụ chửi người học tiếng Anh \'óc lợn\': Làm giáo viên đừng kiêm đòi nợ

Trước sự việc giáo viên tiếng Anh buông lời lăng mạ, kiên quyết bắt học sinh nộp phạt, nhiều chuyên gia cho rằng cô giáo ...

/ http://www.nguoiduatin.vn