Với Android, Google đang dẫn đầu mảng phần mềm dành cho thiết bị di động và cần một phần cứng đủ mạnh để thống lĩnh thị trường smartphone.
Một phần mảng di động HTC về tay Google giá 1,1 tỷ USD |
Google gỡ hơn 300 ứng dụng Android dùng tấn công DDoS |
Áp lực từ Apple, Samsung khiến HTC có thể bán toàn bộ công ty |
Android của Google đang là hệ điều hành di động phổ biến nhất thế giới khi được có mặt trên gần 70% điện thoại và máy tính bảng toàn cầu, nhiều gấp hai lần iOS theo thống kê của NetMarketShare.
Nhiệm vụ chinh phục thị trường phần mềm của họ đã thành công từ nhiều năm qua. Nhiệm vụ tiếp theo thách thức và đòi hỏi nhiều thời gian, công sức hơn. Đó là hãng dịch vụ tìm kiếm Mỹ phải tìm ra cách hạ bệ chính đối tác Samsung - nhà sản xuất điện thoại Android số một thế giới - để đối đầu trực tiếp với Apple.
Ngày 20/9, Google chi tới 1,1 tỷ USD để mua một phần mảng kinh doanh điện thoại thông minh của HTC nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên. Đây không phải lần đầu Google mua một nhà sản xuất điện thoại với tham vọng bành trướng hơn nữa trên đấu trường di động. Năm 2012, họ đã thâu tóm Motorola Mobility với số tiền khủng 12,5 tỷ USD, nhưng sớm thất bại và phải bán lỗ cho Lenovo hai năm sau đó với giá vỏn vẹn 2,9 tỷ USD.
Google mua HTC được coi là sự khởi đầu mới cho cả hai công ty. |
Nhưng mua HTC hợp lý và tiềm năng hơn nhiều. HTC là một trong những hãng đầu tiên về phe Android và Google cũng đã hợp tác với công ty Đài Loan nhiều năm để xây dựng dòng Nexus. HTC từng dẫn đầu thị trường thiết bị Android với nhiều sản phẩm đẹp, tính năng tốt nhưng sớm bị Samsung vượt qua nhờ chiến lược phủ khắp trên mọi phân khúc sản phẩm cũng như sự đầu tư mạnh mẽ cho các nhà mạng, đại lý phân phối, truyền thông, marketing.
Samsung, dù chiếm lĩnh thị trường, vẫn phải phụ thuộc vào nền tảng Android của Google. Họ đã nỗ lực phát triển hệ điều hành riêng là Tizen nhưng không tạo được dấu ấn nào đáng kể. Với việc mua lại bộ phận di động của HTC (không bao gồm mảng thực tế ảo VR), Google trở thành công ty duy nhất có thể đấu ngang hàng với Apple bởi họ nắm trong tay Android giống như Apple sở hữu iOS.
Huyền thoại công nghệ Steve Jobs từng nói rằng phần cứng và phần mềm chỉ có thể tạo ra tầm ảnh hưởng mang tính cách mạng nếu được phát triển cùng nhau.
"Chúng tôi là công ty duy nhất sở hữu toàn bộ hệ sinh thái - phần cứng, phần mềm và hệ điều hành", Jobs chia sẻ trên tạp chí Time từ năm 2002. "Chúng tôi chịu toàn bộ trách nhiệm cho trải nghiệm của người dùng. Chúng tôi có thể làm ra những thứ mà các bên khác không thể".
Thị trường di động hiện nay khá giống với thị trường máy tính thời đó. Apple sản xuất máy tính chạy nền tảng Mac OS của riêng họ, trong khi Microsoft dẫn đầu về hệ điều hành nhưng lại không tham gia làm phần cứng mà bán phần mềm cho các nhà sản xuất thiết bị gốc.
Dù giờ Jobs không còn, quan điểm của ông vẫn đúng khi Apple là hãng công nghệ lớn nhất thế giới mà không cần iOS hay Mac OS phải đạt thị phần lớn nhất.
Google đã chậm chân trong cuộc đua, nhưng ít nhất, họ đang có cơ hội sửa sai và tiến xa. Nhưng để đạt được điều đó là cả một hành trình dài bởi dù sao, Samsung vẫn đang là vua và việc soán ngôi không hề dễ dàng, nhất là khi hãng Hàn Quốc lại là đối tác lớn nhất của Google.
Google và HTC từng bỏ lỡ cơ hội khi không sản xuất đủ điện thoại Pixel. |
Bên cạnh đó, HTC và Google cũng cần nhanh nhạy hơn. Năm ngoái, Galaxy Note 7 bị khai tử đáng lẽ là cơ hội để Google lấp chỗ trống, nhưng HTC không kịp sản xuất đủ số điện thoại Pixel để đáp ứng đơn đặt hàng của người mua.
Giới phân tích có thể chỉ trích Google đã không tính trước được nhu cầu lớn của người dùng, hay chỉ trích HTC không cân đối được giữa việc sản xuất điện thoại cho Google song song với sản xuất các smartphone của riêng họ.
Dù lý do gì thì bây giờ, cả hai cũng cần sớm xử lý vấn đề trên nếu thực sự muốn trở thành nhà sản xuất hàng đầu.
https://sohoa.vnexpress.net/tin-tuc/doi-song-so/giac-mo-ha-be-samsung-apple-cua-google-3644861.html