Tạp chí nổi tiếng của Mỹ nhận định, sự chói sáng của U23 Việt Nam sẽ là bài học cho công tác đào tạo trẻ và phát triển bóng đá ở Trung Quốc.
Thành công của U23 Việt Nam đã gây chú ý lớn trên thế giới. |
Cho đến phút cuối cùng của trận chung kết giải vô địch bóng đá U-23 châu Á (AFC U23 Championship) hôm 27/1, các cầu thủ trẻ của Việt Nam đã vượt qua mọi định kiến và chứng minh rằng, họ không phải là đội bóng “lót đường” của giải đấu, cây bút August Rick của tạp chí Forbes mở đầu cho bài viết.
Đội tuyển trẻ của Việt Nam lần lượt đánh bại các đối thủ sừng sỏ trong khu vực như Australia và Iraq, trước khi chinh phục “đội bóng nhà giàu” Qatar.
Trong trận đấu thứ ba liên tiếp phải đá hiệp phụ, Việt Nam chỉ chịu thất bại trong phút cuối cùng trước đối thủ được đánh giá là trên cơ hoàn toàn - Uzbekistan.
Màn trình diễn đáng nể của các cầu thủ trẻ đã thu hút được sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới và cho thấy một tương lai đầy hứa hẹn của bóng đá Việt Nam.
“Thành công của Việt Nam ở giải đấu năm nay có lẽ đã làm cho nước chủ nhà Trung Quốc không khỏi cảm thấy chạnh lòng”, tờ Forbes bình luận.
Cổ động viên Việt Nam chào đón thành công của đội tuyển U23. |
Chính phủ Trung Quốc đã đổ cả núi tiền mặt và dùng ảnh hưởng chính trị để tập trung cho việc phát triển bóng đá nước nhà, nhưng phần lớn các khoản đầu tư bị cho là vô ích.
Đều là những quốc gia hâm mộ bóng đá, Việt Nam và Trung Quốc có sự tương đồng về nhiều mặt. Công chúng hai nước đều hâm mộ các giải vô địch châu Âu một cách cuồng nhiệt thay vì ưa thích các giải đấu nội địa.
Đội tuyển quốc gia của cả hai cũng có vị trí lên, xuống thất thường trên bảng xếp hạng của FIFA mà không cho thấy dấu ấn đặc biệt nào trong hai thập kỷ qua.
Nhưng sự khác biệt ở đây là cách làm bóng đá, tờ Forbes nhấn mạnh. Trong khi Trung Quốc nghĩ rằng “tiền có thể mua được kỹ năng của cầu thủ” thì ngược lại, thành công của Việt Nam đã cho thấy một điều: “Không cần những khoản đầu tư lớn, chỉ cần thời gian”.
Phát triển từ “ngọn”
Chính sách đào tạo bóng đá ở Trung Quốc bị đánh giá là không chú trọng đào tạo trẻ. |
Theo định hướng năm 2050, giấc mơ của Trung Quốc là đưa đội bóng nước này trở thành một cường quốc bóng đá. Trung Quốc muốn thúc đẩy vai trò của bóng đá phải trở thành mũi nhọn thay thế cho các môn thể thao chủ đạo khác của đất nước.
Nhưng các nhà phê bình lo lắng rằng, định hướng này sẽ khiến nhiều tài năng “cây nhà lá vườn” không có đất dụng võ và làm mất đi niềm đam mê từ người hâm mộ.
Hiện nay, lứa tài năng hứa hẹn của bóng đá Trung Quốc được đào tạo bởi các học viện bóng đá tiêu biểu như Quảng Châu Evergrande. Tuy nhiên, 2.800 học viên ở học viện được đầu tư 185 triệu USD này phần lớn là người Hán và thuộc thành phần con nhà giàu.
Đây là điều vô cùng bất cập khi ở các đô thị, bóng rổ mới là môn thể thao phổ biến nhất, trong khi những tài năng bóng đá Trung Quốc thường tập trung ở các dân tộc thiểu số ở phía Tây đất nước.
Không những vậy, các nhà tài trợ bóng đá cũng “xoay như chong chóng” qua từng mùa giải khiến cho các đội bóng trong nước rơi vào cuộc khủng hoảng bản sắc.
Từ một cầu thủ nổi tiếng, Carlos Tevez giờ chỉ còn là cái bóng của chính mình. |
Một số câu lạc bộ đã phải chuyển đi chuyển lại đại bản doanh của mình trong 10 năm qua, thậm chí tên đội bóng cũng thay đổi liên tục chỉ vì nhà tài trợ chỉ gắn bó một năm rồi bỏ.
Cũng theo Forbes, bóng đá Trung Quốc bị đánh giá là không mang tư duy đường dài. Các câu lạc bộ ở giải Chinese Super League sẵn sàng bỏ nhiều tiền thuê huấn luyện viên nước ngoài, nhưng nhanh chóng sa thải họ ngay sau thất bại đầu tiên.
Với nguồn tài chính dồi dào, các câu lạc bộ này không tiếc tiền chiêu mộ các cầu thủ ngôi sao hết thời ở các giải đấu châu Âu, Nam Mỹ và châu Phi với hy vọng nâng cao trình độ giải đấu.
Sự hào nhoáng từ những thương vụ tiền tỷ với các danh thủ nổi tiếng khiến cho công tác đào tạo trẻ ở địa phương và các tài năng nội địa bị lu mờ, tờ Forbes đánh giá.
Hướng đi lâu dài của Việt Nam
Năm 2007, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đạt được thỏa thuận với câu lạc bộ Anh Arsenal FC và mở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Chương trình đào tạo tài năng trẻ được hỗ trợ và tư vấn kỹ thuật bởi dàn huấn luyện viên của câu lạc bộ nổi tiếng nước Anh, trong đó tập trung vào phát triển kỹ năng chơi bóng, tư duy chiến thuật và khai thác tố chất của từng cầu thủ.
Lứa cầu thủ trẻ Việt Nam thành công hiện nay có không ít người xuất thân từ học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai. |
Mười năm trôi qua, số lượng và chất lượng học viên thành danh và đóng góp cho bóng đá Việt Nam ngày càng rõ nét. Năm ngoái, đội tuyển U23 quốc gia có 18 cầu thủ thì có 9 người đến từ học viện HAGL.
Cái tên Việt Nam cũng ngày càng được nhắc nhiều hơn trên đấu trường quốc tế, đặc biệt khi Việt Nam là đại diện duy nhất của Đông Nam Á tham dự giải vô địch FIFA U20 World Cup.
Từ mô hình của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai, các học viện khác bắt đầu mở ra như Trung tâm bóng đá Mỹ Đình ở Hà Nội, cũng như trên các địa phương trong cả nước.
Các câu lạc bộ Việt Nam cũng ưa dùng các huấn luyện viên nội địa, hạn chế gây áp lực và tin tưởng họ một cách lâu dài.
Giờ đây, khi nói về bóng đá Trung Quốc, người ta chỉ biết đến việc Carlos Tevez chuẩn bị rời đi và Javier Mascherano đang đến. Mô hình của Trung Quốc đang bị phê phán là khiến cho các cầu thủ quốc tế ngày càng thất thế khi chuyển tới quốc gia này thi đấu.
“Trong khi đó, điều mà hầu hết mọi người đều biết về bóng đá Việt Nam đó là quốc gia này có một đội tuyển trẻ trông vô cùng hứa hẹn”, Forbes bình luận.
Chủ tịch Hà Nội chúc mừng HLV Park Hang-seo và đội tuyển U23
Ông Nguyễn Đức Chung cho rằng sự cống hiến hết mình cho những trận đấu của đội tuyển đã đáp ứng được mong đợi của ... |
Hàng nghìn người dân Nghệ An đón cầu thủ U23 Việt Nam về quê
Bốn cầu thủ U23 Việt Nam quê Nghệ An đã nhận được bằng khen của Chủ tịch tỉnh cùng hơn 50 triệu đồng. |
Phạt Vietjet 40 triệu vụ người mẫu bikini trên chuyên cơ chở U23
Phạt Vietjet Air 40 triệu đồng về sự cố để người mẫu mặc phản cảm trên chuyến bay chở các cầu thủ U23 Việt Nam |