Đường sắt Cát Linh - Hà Đông lỡ mốc vận hành thử nghiệm

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông lại chậm tiến độ do thiếu vốn, lỡ mốc vận hành thử nghiệm toàn tuyến vào tháng 10. 

Trên công trường dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, các khu bảo dưỡng sửa chữa (Depot), tòa nhà điều hành, nhà xưởng vẫn đang thi công các hạng mục điện nước, nền đường, chưa hoàn thành lắp đặt cửa, ốp lát. Một số nhà ga chưa xong phần xây dựng, một số điểm mới đang kéo dây cáp điện.

Các công trường ga La Khê, Láng, Cát Linh có rất ít nhân công làm việc. Lãnh đạo Ban quản lý dự án đường sắt cho biết, đến nay phần xây lắp, hoàn thiện nhà ga cơ bản xong, nhưng phần đường ray, nền đường, hàng rào, đường nội bộ… chậm tiến độ.

Theo báo cáo của Tổng thầu Trung Quốc, nguyên nhân chậm tiến độ là khó khăn việc giải ngân 250 triệu USD bổ sung. China Eximbank vẫn chưa được giải ngân vốn đầy đủ. Việc thanh toán giải ngân, bổ sung vốn chưa kịp thời khiến Tổng thầu Trung Quốc tăng dần khoản nợ đọng với thầu phụ, nhà cung ứng thiết bị và triển khai dự án.

Các công trường đường sắt rất ít công nhân làm việc. Ảnh: Báo giao thông.

Tại buổi kiểm tra hiện trường dự án cuối tuần qua, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đánh giá, vấn đề quyết định đến tiến độ dự án trong giai đoạn hiện nay là vốn. Dự án đang trong giai đoạn cuối cùng nên nhu cầu về vốn rất lớn, nhưng việc cung cấp bị chậm trễ.

Thứ trưởng Đông yêu cầu Ban Quản lý dự án đường sắt phải tổ chức họp về tình hình thực hiện dự án, trong đó yêu cầu Tổng thầu EPC báo cáo chi tiết tất cả hạng mục và thời hạn hoàn thành cụ thể; rà soát nhân lực đang tham gia dự án, trường hợp không đáp ứng được phải đề xuất thay thế.

"Phải đảm bảo tiến độ dự án như đã cam kết, không thể để tình trạng hạng mục nào cũng dở dang. Bộ Giao thông sẽ đề nghị Đại sứ quán Trung Quốc hỗ trợ thúc đẩy tiến độ và làm việc với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn cục 6 Đường sắt Trung Quốc yêu cầu thực hiện theo cam kết", Thứ trưởng Đông chỉ đạo.

Theo kế hoạch, cuối tháng 7/2017 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ hoàn thành công tác lắp đặt thiết bị. Từ tháng 10/2017, dự án bắt đầu chạy thử liên động toàn hệ thống trong 3-6 tháng. Dự kiến quý II/2018, dự án đưa vào khai thác thương mại. Với tiến độ này, việc khai thác thương mại dự án trong năm 2018 cũng khó đảm bảo.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng mức đầu tư 552,86 triệu USD vào năm 2008. Trong đó, vốn vay Trung Quốc là 419 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 133,86 triệu USD.

Đến năm 2016, dự án được điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868,04 triệu USD (tăng 315,18 triệu USD). Trong đó, phần vốn vay Trung Quốc là 669,62 triệu USD, vốn đối ứng Việt Nam là 198,42 triệu USD. Phần vốn vay Trung Quốc tăng thêm 250 triệu USD so với trước đây.

(https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/giao-thong/duong-sat-cat-linh-ha-dong-lo-moc-van-hanh-thu-nghiem-3642811.html)

Đường sắt xin vay ngàn tỷ: Chắp vá còn hơn làm ĐSCT?

Cho rằng đường sắt cao tốc Bắc-Nam (ĐSCT) đòi hỏi quá nhiều tiền, theo KS Trần Dân cho rằng, từ nay đến năm 2020 chỉ nên cải ...

HN: Tiếp tục chặt hạ, di chuyển 130 cây xanh trên đường Kim Mã

Hà Nội sẽ tiếp tục chặt hạ, di chuyển cây xanh trên đường Kim Mã để làm đường sắt đô thị.

Đường sắt Cát Linh đói vốn: Việt Nam chủ động bỏ vốn?

Nếu phía Trung Quốc chưa giải quyết số vốn bổ sung 250 triệu USD, phía Việt Nam cần chủ động có giải pháp tự bỏ ...

/ Theo Đoàn Loan/Báo VnExpress.net