Du lịch Bạc Liêu nhiều điểm đến, ít đặc sắc

Bạc Liêu có đến 8/13 điểm đến của khu vực ĐBSCL. Có những điểm đặc thù mà chỉ nghe cái tên thôi cũng đủ sức lôi cuốn du khách như: Công tử Bạc Liêu; Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quán âm Phật Đài… Những điểm du lịch như cô gái đẹp đang vẫy gọi du khách đến khám phá vùng đất nhiều tiềm năng.

Xu hướng du lịch nào độc đáo nhất hiện nay?
Du lịch biển Cửa Lò, khởi sắc và trăn trở
Du lịch Hà Giang: “Chuyển mình để thu hút du khách...”

Khi đến tỉnh Bạc Liêu, một hành trình mà có lẽ khách không nên bỏ qua đó là “buổi sáng nhâm nhi cà phê tại khu nhà “Công tử Bạc Liêu”, buổi chiều ra tắm biển tại bãi tắm nhân tạo lớn nhất miền Tây và buổi tối lai rai hải sản tại khu chợ hải sản ven biển”.

Nhà Công tử Bạc Liêu điểm đến không thể thiếu khi đến Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Với khu nhà “Công tử Bạc Liêu”, trưng bày hiện vật liên quan đến gia đình của “Công tử Bạc Liêu” Trần Trinh Huy, một gia đình giàu có bậc nhất Nam kỳ thủa trước. Tại đây, hàng đêm có tổ chức hát với nhau.

Khu căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, một điểm đến du lịch của tỉnh (ảnh Nhật Hồ)

Tuy nhiên, so với “danh tiếng” của Công Tử Bạc Liêu thì địa điểm du lịch này vẫn chưa “nức tiếng” về doanh thu và loại hình thu hút khách du lịch.

Quán âm Phật Đài, địa điểm du lịch tâm linh thu hút khá đông du khách (Nhật Hồ)

Ngoài ra, những “địa chỉ đỏ" không chỉ là nơi giáo dục truyền thống yêu nước mà còn là điểm du lịch nổi bật như Đền thờ Bác Hồ, Di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng, Điểm thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên,...

Chùa Đầu, một trong những ngôi chùa Khmer ở Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Nói đến Bạc Liêu, không thể không nói đến du lịch tâm linh, bởi nơi đây có 2 điểm khá nổi tiếng cả trong và ngoài tỉnh, đó là Khu Quán Âm Phật Đài (còn được biết là Mẹ Nam Hải, tại TP.Bạc Liêu) và Thánh đường Tắc Sậy (còn được biết đến là Nhà thờ cha Diệp, tại thị xã Giá Rai).

Chùa Hưng Thiện, một điểm đến du lịch Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Đây là những điểm mà mỗi ngày có hàng trăm lượt khách đến thăm viếng và cầu an. Chính vì thế, một chuyến du lịch vừa thăm quan vừa cầu mong những điều tốt đẹp cho năm mới thì 2 điểm tâm linh này sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua khi du khách về Bạc Liêu.

Du lịch Điện gió, một sản phẩm mới của du lịch Bạc Liêu (ảnh Nhật Hồ)

Bạc Liêu có những địa điểm mà nhiều tỉnh, thành khác không có như: Khu Nhà Công tử Bạc Liêu, Nhà hát Cao Văn Lầu (hình 3 nón lá), Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu,… hay những điểm được cho là “nhất” khu vực ĐBSCL như: Bãi tắm biển nhân tạo, Tượng Phật cao trên 43 m, Quảng trường Hùng Vương, chùa Đầu (chùa Khmer)…

Khu tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, địa điểm du lịch đặc sắc của tỉnh (ảnh Nhật Hồ)

Dù nhiều điểm đến so với ĐBSCL, nhưng doanh thu DL của tỉnh này không cao. Hầu hết khách đến tham quan xong rồi đi, số lượng lưu trú, sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch chưa được khai thác đúng mức.

Cây đàn kiềm, một trong những biểu tượng trong quần thể Quảng trường Hùng Vương (ảnh Nhật Hồ)

Trước thực tế này, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành Nghị quyết, chương trình hành động và kế hoạch phát triển du lịch Bạc Liêu đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, khai thác tốt những điểm du lịch hiện có, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ du lịch…Ngay cả Khu Nhà Công tử Bạc Liêu cũng sẽ được nâng cấp, mở rộng để khai thác đúng với tiềm năng hiện có.

Ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - cho biết: “Tỉnh xác định du lịch là ngành quan trọng, chính vì vậy sắp tới sẽ quy hoạch phát triển lại theo hướng nâng cao chất lượng du lịch, đáp ứng nhu cầu du lịch của khách tham quan. Đồng thời tỉnh kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực du lịch để cùng khai thác tiềm năng này”.

Nếu được quy hoạch bày bản, chú trọng đến chất lượng các điểm đến, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm du lịch tin rằng du lịch Bạc Liêu sẽ không còn cảnh “cô giái ngủ trong rừng” như nhiều năm nay đã ngủ.

https://laodong.vn/du-lich/du-lich-bac-lieu-nhieu-diem-den-it-dac-sac-551850.ldo

Theo Lao động