Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Góc tối của du học

Tiếng Anh không thực sự đủ để đi du học là một nguyên nhân chết người dẫn đến việc không hàm thụ được triệt để tri thức khi du học.

Câu chuyện nhiều du học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp các trường đại học ở nước ngoài về nước gặp không ít khó khăn trong vấn đề tìm việc, thích nghi với môi trường văn hóa mới đang thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.

Ông Nguyễn Anh Đức – Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom, cựu du học sinh Việt Nam tại Trường ĐH Harvard, tác giả cuốn sách bán chạy nhất năm 2016: “Luyện siêu trí nhớ từ vựng Tiếng Anh” đã thẳng thắn chia sẻ với Đất Việt xung quanh vấn đề này.

Bắt đầu từ việc không đủ năng lực ngôn ngữ thực sự để hàm thụ tri thức

Một hôm ở London, tôi may mắn được một nhóm sinh viên Việt Nam du học bậc đại học ở đó rủ đi ăn đêm. Sau một lúc để ý các bạn ấy giao tiếp bằng tiếng Anh với những người ở đó, với kinh nghiệm của người dạy tiếng Anh đã hơn 10 năm, tôi phát hiện ra nhiều điều không ổn.

Tôi hỏi các bạn ấy rằng: “Hỏi thật nhé, khi nghe giảng bằng tiếng Anh trên giảng đường, các em nghe hiểu được bao nhiêu?” Sau một chút ngập ngừng, các bạn ấy nói trung bình hiểu được khoảng 60% đến 70% lời thầy, còn lại phải về nhà đọc sách…

du hoc roi that nghiep luong beo goc toi cua du hoc
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Smartcom, cựu du học sinh Việt Nam tại Trường ĐH Harvard

Các bạn biết đấy, khi ta nghe một bài giảng ở bậc đại học bằng tiếng Việt, nếu chỉ hiểu được 70% đến 80% ngôn ngữ mà thầy đang nói thì làm sao ta có thể nắm bắt được những kiến thức phức tạp của các môn học khó nhằn? Ngay khi ta hiểu 100% về mặt ngôn ngữ, chúng ta vẫn còn phải suy ngẫm, rồi đọc thêm để mở rộng ra mới thực sự hiểu sâu môn học của ta. Vậy mà nhiều du học sinh chỉ có khả năng hiểu 70% ngôn ngữ, thì việc nắm bắt được kiến thức một cách thực sự và sâu sắc quả là một thách thức.

Đấy là những lo lắng bật ngay ra trong tôi khi tiếp xúc với nhiều du học sinh. Tiếng Anh không thực sự đủ để đi du học là một nguyên nhân chết người dẫn đến việc không hàm thụ được triệt để tri thức khi du học, chính vì thế khi trở về họ không thực sự có được năng lực như kỳ vọng để có thể đóng góp hữu ích trong công việc.

Tôi xin nhấn mạnh rằng không phải những chàng trai cô gái có thể liến thoắng nói tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày là giỏi đâu nhé, mà họ phải đủ năng lực sử dụng tiếng Anh học thuật và tiếng Anh trong chính chuyên ngành của họ thì mới có thể học tập thành công khi du học.

Đến việc không biết đầy đủ về các trường học

Có một sự thực mà chúng ta cần biết, đó là các nước Anh hay Mỹ có hẳn một nền “công nghiệp giáo dục”, tức là một lĩnh vực kinh tế mang lại nguồn thu rất lớn cho họ. Ở đó những trường thuộc top đầu thì thực sự rất khó cho sinh viên nước ngoài có thể trúng tuyển, và việc đỗ được vào trường đã là một điều vinh dự chứ chưa nói đến được cấp học bổng.

Nhưng ngược lại, rất nhiều trường tầm trung và thấp hơn thì chào đón sinh viên từ khắp mọi nơi trên thế giới, càng nhiều càng tốt, với yêu cầu đầu vào đối với sinh viên chỉ cần có đủ tiêu chuẩn tối thiểu là được, miễn là sinh viên đóng đủ tiền học phí và cố gắng học cho qua môn, thế là sẽ nhận được bằng tốt nghiệp.

Có thể các du học sinh nhìn thấy trường mình chọn đứng ở một vị trí không hề tồi trên bảng xếp hạng các trường đại học, nhưng sự thực các trường đó có rất nhiều thủ thuật để nâng cao xếp hạng của họ, ví dụ như mua các công trình nghiên cứu về, gắn mác trường họ, và thế là được đánh giá cao…

du hoc roi that nghiep luong beo goc toi cua du hoc
Ông Đức là tác giả cuốn sách bán chạy nhất năm 2016: “Luyện siêu trí nhớ từ vựng Tiếng Anh”

Tệ hơn nữa, họ cũng có cả những trường học được gọi là “diploma mill”, mình có thể hiểu như là nơi sản xuất bằng, sinh viên chỉ cần nộp đủ tiền, ghi danh học, và thế là có bằng mang về, còn việc dạy và học bị coi nhẹ hoàn toàn.

Phân tích như vậy để ta thấy rằng không phải mọi trường học ở những nước có nền giáo dục tiên tiến đều lung linh, và việc học được gì còn phụ thuộc rất nhiều vào chính du học sinh.

Vì thế mà chỉ một số nhỏ du học sinh là có năng lực thực thụ, và tiếp thu được tinh hoa của những nền giáo dục tiên tiến, còn phần nhiều là du học theo phong trào, du học cho bằng chị bằng em, nên đã bị cuốn vào một quy trình công nghiệp mà các nền giáo dục tiên tiến kia đã vạch sẵn cho mục đích làm kinh tế.

Một khi đã học ở những trường tầm trung hoặc thấp, thì những ai cố gắng học hỏi thực sự thì còn thu học được cái gì đó đáng kể, còn những người không nỗ lực thực sự thì chỉ có cái bằng mang về, cùng với cái mác du học mà thôi.

Và nhiều vấn đề nằm ở chính người du học

Vốn dĩ các trường đại học ở các nước có nền giáo dục đại học tiên tiến được xây dựng trên nền tảng của hệ thống giáo dục phổ thông có sự phân hóa chuyên ngành và thiên hướng nghề nghiệp rõ ràng và khoa học.

Những học sinh tốt nghiệp bậc phổ thông của họ đã có thể tham gia thị trường lao động theo những chuyên ngành mà học sinh lựa chọn theo năng lực và thiên hướng cá nhân của mình khi học những năm cuối bậc phổ thông trung học.

Ví dụ như học sinh học ở bậc A-level ở Anh (tương đương lớp 11, 12 và một năm tiền đại học) đã được chọn học chuyên ngành kinh tế, hay quản trị, hoặc thời trang, truyền thông… để học, mà bỏ qua rất nhiều môn học cơ bản vì đã học ở giai đoạn trước đó, và điểm các môn học theo chuyên ngành đó sẽ được đánh giá là quan trọng nhất khi họ xin dự tuyển vào các trường đại học chuyên ngành tương ứng.

Vì vậy khi vào đại học, căn bản là sinh viên bản xứ ở đó đã có một nền tảng kiến thức, kỹ năng, và thậm chí là kinh nghiệm nghề nghiệp ở một mức độ nhất định rồi.

Một khi nội dung giảng dạy ở bậc đại học đã được xây dựng mặc định rằng học sinh đầu vào đã có kiến thức nền tảng, thì những sinh viên Việt Nam đi du học đã phải đối mặt với sự chênh lệch đáng kể này ngay từ đầu rồi. Hãy nhìn vào học sinh phổ thông hiện tại của ta, những học sinh tốt nghiệp bậc phổ thông thì chỉ có kiến thức (toán, lý, hóa, văn sử địa...).

Sau đó vào đại học chúng ta cũng mất từ 1 đến 2 năm đầu tiên để học kiến thức theo kiểu học lớp 13. Chính vì vậy, khắc trong tâm thức của du học sinh Việt Nam, việc du học cũng chỉ là để lấy kiến thức là chính, và ta không đề cao kỹ năng và kinh nghiệm của công việc hay chuyên ngành mình theo đuổi.

Cho nên mục đích của du học trở nên không toàn diện, khi ta chỉ lo lấy cái bằng cho xong để về. Khi ấy, những cựu du học sinh dù có tấm bằng thạc sĩ trong tay thì cũng chỉ là người đi ngồi ở giảng đường nước ngoài, đọc sách nước ngoài, và quan sát ở nước ngoài mà thôi… họ chẳng có kinh nghiệm thực tiễn gì cả, và thậm chí họ chẳng hay biết rằng chưa bắt đầu học họ đã thua kém bạn bè bản xứ tới khoảng 2 đến 3 năm kinh nghiệm rồi.

Ôm hư danh về quê hương, khó xin việc

Những nhà tuyển dụng sẽ không dám sử dụng những người mà chỉ biết mỗi tiếng Anh giao tiếp, chuyên ngành thì lơ mơ, và viết một cái văn bản thực sự bằng tiếng Anh thì lại ấm ớ, làm việc thì vật vờ… vì cựu du học sinh ấy chẳng thực sự có kiến thức hay kỹ năng gì cả. Như tôi thấy thì số lượng du học sinh xuất phát điểm là kém tiếng Anh, kém luôn cả lực học và kém cả ý chí phấn đấu là một con số không hề nhỏ trong khoảng 200.000 sinh viên du học hiện nay.

Ngược lại, có nhiều du học sinh mang được kiến thức và năng lực thực thụ khi về quê hương. Nhưng trước đó du học sinh phải bỏ ra những khoản đầu tư tiền tỉ để có thể có được một tấm bằng cử nhân hay thạc sĩ ở Anh, Úc, Mỹ...

Họ về mang theo cả sự kỳ vọng lớn lao của gia đình và từ khoản đầu tư đáng cả một gia tài ấy, cho nên hành trình xin việc và trụ lại với công việc trở nên khá gian nan. Họ học từ những nơi đắt đỏ, chi phí lớn, giờ đây về làm ở Việt Nam có nền tảng thu nhập thấp hơn, và mức thu nhập tính theo năm có cao cho người mới đi làm cũng chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng, và cứ như thế thì phải 10 năm làm việc mới trả xong chi phí du học mà gia đình đã “tạm ứng”.

Sự chênh lệch này thực sự là khó để có thể chấp nhận đối với các du học sinh. Nhìn vào bài toán chênh lệch quá lớn giữa khoản đầu tư đi và thu nhập mang lại, thực sự các phụ huynh cần phải tỉnh táo suy xét lại chiến lược cho con mình đi du học.

Chiến lược du học khôn ngoan: tích lũy cả kinh nghiệm và tiền bạc

Theo tôi, việc đầu tư để được học tập ở những nước tiên tiến là một việc rất tốt. Tôi nêu ra mặt tối của bức tranh du học ở trên là nhằm đưa ra cái nhìn đa chiều, để chúng ta không ảo tưởng vào việc du học, và bình tĩnh xây dựng lại chiến lược cho mình.

Học xong bậc đại học và thậm chí là thạc sĩ hay tiến sĩ, thì chúng ta nên xin việc ở chính các quốc gia tiên tiến để đi làm đúng chuyên ngành mình học, tích lũy kinh nghiệm và tích lũy luôn cả tài chính. 90% học sinh du học từ Việt Nam hiện nay là tự túc, đồng nghĩa với việc chúng ta chi ra hàng tỉ đô la cho các nước tiên tiến hơn ta… và đã đến lúc chúng ta phải làm việc để tích lũy cho chính chúng ta và gửi trả những đồng đô la mà ta đã mang đi khỏi đất nước.

Các bạn có thể bác bỏ quan điểm này của tôi ngay bằng việc nói rằng việc xin việc ở nước sở tại là rất khó khăn, họ không chào đón sinh viên mới tốt nghiệp người ngoại quốc. Tôi biết chứ. Và tôi cũng biết rõ rằng điều đó xảy ra chủ yếu ở một số ít nước, ví dụ như nước Anh mà thôi. Tại sao bạn chọn du học ở những nước mà không chào đón bạn ở lại làm việc? Lỗi là ở chính bạn!

Hãy nhìn rộng ra nhé, Ireland có một nền giáo dục thuộc top đầu châu Âu, chi phí học tập chỉ bằng 60% học ở Anh, mà họ cho những người tốt nghiệp đại học tới 2 năm ở lại để tìm kiếm việc làm. Nơi ấy có rất nhiều tập đoàn công nghệ lớn của thế giới đặt trụ sở và có nhu cầu nhân lực rất cao.

Khi tìm được việc làm toàn thời gian rồi thì chính phủ Ireland nhanh chóng cấp thị thực và giấy phép lao động dài hạn cho bạn. Nước Đức, hay Nhật đều chào đón các kỹ sư tốt nghiệp từ các trường đại học của chính nước họ, vì họ đang thiếu những kỹ thuật viên lành nghề.

Thậm chí họ cấp học bổng rất nhiều cho những chuyên ngành mà họ cần người. Còn gì tốt hơn là đi học không mất phí, hoặc mất phí ít, sau đó lại có ngay công việc đúng chuyên ngành tại nước sở tại với một nền tảng thu nhập cao… và sau vài năm bạn điền vào hồ sơ của mình kinh nghiệm thực thụ từ những công ty hàng đầu ở châu Âu, châu Mỹ…

Khi ấy, nếu bạn trở về Việt Nam, các doanh nghiệp sẽ trải thảm đỏ mời chào bạn với mức lương hấp dẫn và cơ hội thăng tiến rất cao nữa. Còn nếu bạn ở lại làm việc dài hạn, thì bạn sẽ có thu nhập cao và gửi tiền về quê hương, khi ấy bạn cũng xứng đáng được tôn vinh vì trực tiếp làm giàu quê hương mình bằng “tiền tây” mà ít người làm được.

Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch, Tổng giám đốc Smartcom

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/du-hoc-roi-that-nghiep-luong-beo-goc-toi-cua-du-hoc-3343188/)

du hoc roi that nghiep luong beo goc toi cua du hoc Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Lời thật nhà tuyển dụng

Các du học sinh thường đòi hỏi nhà tuyển dụng trả lương cao hơn mặt bằng chung dù mới ra trường và kinh nghiệm chưa ...

du hoc roi that nghiep luong beo goc toi cua du hoc Bỏ tiền tỷ đi du học, về nước làm "lương ba cọc ba đồng"

Mức lương của giảng viên đại học cũng như các chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nên chưa hấp dẫn được nhân ...

du hoc roi that nghiep luong beo goc toi cua du hoc Buôn hàng xách tay Australia, du học sinh Trung Quốc kiếm bộn tiền

Tận dụng tâm lý sính hàng ngoại của nhiều người Trung Quốc, du học sinh tại Australia đang làm giàu nhờ việc buôn hàng xách ...

/ Theo Đất việt