Du học rồi thất nghiệp, lương bèo: Lời thật nhà tuyển dụng

Các du học sinh thường đòi hỏi nhà tuyển dụng trả lương cao hơn mặt bằng chung dù mới ra trường và kinh nghiệm chưa nhiều.

Du học sinh than khó

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, số lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài năm 2011 là 98.536 học sinh, sinh viên, đến năm 2015, con số này đã tăng lên khoảng 120.000 người, trong đó 90% là du học tự túc. Theo tính toán, mỗi năm Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài hàng tỷ USD cho việc giáo dục.

Thế nhưng, nhiều du học sinh sau khi tốt nghiệp về nước gặp không ít khó khăn trong vấn đề tìm việc, thích nghi với môi trường văn hóa mới.

Nhiều du học sinh rơi vào tình trạng thất nghiệp. Ảnh minh họa

Trao đổi với Đất Việt, anh Nguyễn Quang Minh (cựu du học sinh Mỹ) thừa nhận để tìm được một công việc phù hợp sau khi học tập tại nước ngoài không hề dễ dàng.

Anh Minh cho biết, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh thương mại tại một trường Đại học có tiếng ở Hà Nội . Với tấm bằng giỏi anh được giữ lại làm giảng viên.

Trong thời gian trợ giảng anh xin được học bổng du học tại Mỹ trong thời gian 2 năm. Sau khi hoàn thành khóa học thạc sĩ anh trở về tiếp tục công tác tại trường theo cam kết trước khi đi du học.

Tuy nhiên cũng từ đây, nhiều vấn đề mới bắt đầu phát sinh khiến cho anh Minh bước sang ngã rẽ khác của cuộc đời.

“Tôi mất một thời gian dài trợ giảng, làm quen với việc đứng lớp. Tuy nhiên tiền lương giáo viên không thật sự đủ để bạn trang trải cuộc sống gia đình và tính toán những bước đường dài. Ngoài ra với tính cách khá thẳng thắn của mình, tôi không thật sự khiến trưởng khoa vừa lòng. Từ những xích mích đó, tôi đã quyết định nghỉ làm và ra ngoài mở trung tâm dạy tiếng Anh”, anh Minh chia sẻ.

Tương tự, chị Đỗ Thùy Ngọc (cựu du học sinh Nga) cũng chật vật để tìm được một công việc như mong muốn.

Theo chị Ngọc, vấn đề khó khăn nhất với sinh viên mới ra trường là kinh nghiệm. Tuy nhiên những nơi chị nộp hồ sơ đều đưa ra tiêu chí "ưu tiên những người có kinh nghiệm". Do đó, chị bị thua thiệt nhiều so với các ứng viên còn lại.

“Tôi phải mất 6 tháng mới xin được chỗ làm ưng ý và đúng với nguyện vọng, sở trường của bản thân. Tuy nhiên việc mình có trong tay bằng thạc sĩ dường như không phải là lợi thế mà nhiều khi gây phiền toái cho tôi khi bị đồng nghiệp để ý quá nhiều”, chị Ngọc chia sẻ.

Lời thật nhà tuyển dụng

Trao đổi với Đất Việt về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành Công ty tuyển dụng Nhân sự cấp trung và cấp cao Navigos Search cho rằng có nhiều nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.

Trước hết, theo bà Mai, các du học sinh thường đòi hỏi nhà tuyển dụng phải trả mức lương cao hơn mặt bằng chung.

Tuy nhiên, việc trả lương của nhà tuyển dụng không hoàn toàn phụ thuộc vào bằng cấp mà còn liên quan đến vị trí tuyển dụng, kinh nghiệm của ứng viên và giá trị đóng góp của ứng viên đối với tổ chức.

Bà Nguyễn Phương Mai

“Nếu các bạn chứng minh được khả năng của mình qua những đóng góp với công ty, mức lương và vị trí của các bạn sẽ được tăng lên tương xứng. Điều này cần thời gian chứ các bạn không thể kỳ vọng nhà tuyển dụng có thể trả cho các bạn cao ngay từ đầu”, bà Mai nói.

Thứ hai, nhiều du học sinh kỳ vọng quá nhiều vào môi trường làm việc của mình. Họ mong muốn luôn môi trường làm việc đa quốc gia tại Việt Nam để nhanh chóng hòa nhập. Tuy nhiên, theo bà Mai, ở môi trường làm việc nào cũng vậy, dù đa quốc gia hay là các công ty Việt Nam, văn hóa doanh nghiệp sẽ là yếu tố các du học sinh phải chú trọng.

Cuối cùng, một thực trạng khá phổ biến ở Việt Nam không chỉ với du học sinh mà còn với sinh viên tốt nghiệp trong nước là việc chọn ngành học đa phần còn chạy theo “tâm lý đám đông” chứ không dựa vào nhu cầu thực tế của thị trường hay vào năng lực thực sự của bản thân. Điều này dẫn đến một số ngành có đông lao động, các bạn phải cạnh tranh với rất nhiều ứng viên khác để có được việc, nhưng có những ngành thì vẫn thiếu lao động trầm trọng.

“Trong báo cáo về nhu cầu tuyển dụng và nguồn cung lao động trong 6 tháng đầu năm của VietnamWorks thì nhóm nghề Hành chính/Thư ký và Kế toán đứng đầu về tỉ lệ cạnh tranh tương ứng là 1/69 và 1/65”, bà Mai dẫn chứng.

So với nhân lực được đào tạo trong nước, bà Mai cho rằng nhân lực được đào tạo nước ngoài trước tiên có thế mạnh về ngoại ngữ. Đây là một điều kiện vô cùng thuận lợi cho các bạn khi làm việc. Ngoài ra, họ cũng được tiếp cận nền giáo dục tiên tiến trên thế giới, cũng như có những khoảng thời gian tự lập nhất định tại nước ngoài nên có thế mạnh về kỹ năng làm việc và kỹ năng giao tiếp trong môi trường quốc tế.

Tuy nhiên, về kiến thức chuyên môn bà Mai cho biết không nhận thấy có sự khác biệt quá nhiều giữa ứng viên tốt nghiệp trong nước và ứng viên tốt nghiệp nước ngoài.

Thậm chí, những ứng viên tốt nghiệp trong nước nhưng chịu khó thực tập và làm việc tại các công ty trong quá trình học tập thì khi ra trường họ lại được đánh giá cao hơn về mặt kinh nghiệm.

Với tư cách là nhà tuyển dụng, điều bà Mai quan tâm là ứng viên có thật sự muốn làm công việc đó không. Nếu họ quyết tâm muốn làm thì họ sẽ tìm được cách vượt qua những khó khăn, thách thức trong công việc.

“Về chuyên môn, chúng tôi có thể đào tạo được cho nhân viên nhưng thái độ làm việc thì khó có thể đào tạo được. Ngoài ra, chúng tôi còn quan tâm đến khả năng thích nghi của ứng viên với văn hóa tại công ty. Dù bạn có đi du học hay học trong nước, nếu bạn chứng minh được giá trị của bạn đối với công ty thì sẽ luôn có chỗ cho bạn tại công ty”, bà Mai khẳng định thêm.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/du-hoc-roi-that-nghiep-luong-beo-loi-that-nha-tuyen-dung-3342969/)

Du học sinh Trung Quốc \'vỡ mộng\' ngày trở về

Ngày càng có nhiều du học sinh Trung Quốc trở về nước và đối mặt với thực tế khắc nghiệt rằng tấm bằng đại học ...

Bỏ tiền tỷ đi du học, về nước làm "lương ba cọc ba đồng"

Mức lương của giảng viên đại học cũng như các chế độ, chính sách đãi ngộ chưa tương xứng nên chưa hấp dẫn được nhân ...

Những nhà khoa học mang tri thức hạt nhân, tên lửa về Triều Tiên

Những người Triều Tiên cử đi du học có thể đã tiếp thu được kiến thức giúp phát triển chương trình hạt nhân và tên ...

Vụ bằng trung cấp nghề giả giá 7 triệu đồng: Nguy cơ bị chìm xuống

Các đối tượng đã thừa nhận hành vi làm bằng trung cấp giả nhưng Công an thành phố Hà Tĩnh cho rằng, bằng đã bị ...

/ Theo Nguyễn Hoàn/Báo Đất việt