Không khí căng thẳng đang bao trùm cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ ngày 16/7. Nhưng Tổng thống Trump lại cho thấy ông không mảy may quan tâm gì đến lợi ích ở Syria.
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ sẽ bao trùm vấn đề Syria.
Vai trò của Iran trong thượng đỉnh Trump-Putin
Các quốc gia phương Tây đang ngày càng lo ngại rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thu được nhiều lợi ích đến từ sự nhượng bộ của Tổng thống Donald Trump tại hội nghị thượng đỉnh ngày 16/7. Và vấn đề quan trọng nhất mà liên minh phương Tây quan tâm chính là Syria.
Nếu hội nghị thượng đỉnh đạt được những kết quả thuận lợi giữa hai nhà lãnh đạo, vượt qua những cáo buộc can thiệp bầu cử từ phía Nga, không khó để ngạc nhiên khi cuộc nội chiến ở Syria cũng sẽ đạt được những cam kết mang đến lợi ích dành cho Moscow.
Bất chấp những lo ngại của giới quan chức “diều hâu” từ phía Mỹ, một trong những đồng minh khác lại hết sức mong chờ một sự hợp tác Mỹ-Nga sẽ hàn gắn trở lại. Đó chính là Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Ông tin rằng Tổng thống Trump có thể thuyết phục người đồng cấp Putin loại bỏ sự hiện diện quân sự đang phát triển của Iran ở Syria, điều mà Israel cùng các quốc gia đối tác khác của Mỹ như Jordan và Saudi Arabia coi là mối đe dọa.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng nhà lãnh đạo Mỹ có thể không quá chú trọng đến yêu cầu này. Thay vào đó, Tổng thống Trump và nhóm của ông dường như có thể chấp nhận bất kỳ tuyên bố gì từ phía Tổng thống Putin, bởi ở thời điểm hiện tại Washington không còn muốn dây dưa gì ở Syria.
Cách đây vài tháng, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ đưa quân rời khỏi quốc gia Trung Đông càng sớm càng tốt. Một động thái mà các nhà quan sát đánh giá ông Trump đã hoàn toàn trao lại quyền tự quyết cho Nga trong khu vực.
"Sẽ là điều hoang tưởng khi nghĩ rằng Nga bằng cách nào đó sẽ loại Iran ra khỏi Syria", một nhà ngoại giao phương Tây yêu cầu giấu tên nói với Huffington Post, bình luận về dự đoán cho rằng Nga sẽ chiều lòng Mỹ bằng cách bỏ rơi Iran.
Thực tế hơn, chính giới lãnh đạo ở Tehran cũng sẽ không dễ dàng chấp nhận việc rời bỏ sau khi đã chi hàng tỷ USD mỗi năm để xây dựng được vị thế như ngày nay.
Một quan chức châu Âu giấu tên khác cũng cho rằng, người Mỹ cảm thấy dễ dàng để tin tưởng Moscow hơn cả so với các đồng minh phương Tây truyền thống. “Iran đang tự quyết định số phận của mình. Đó là những gì chúng tôi đánh giá”, quan chức này nói thêm.
Ngay cả khi Nga và Iran ủng hộ hết mình cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar Assad để chống lại phiến quân nổi loạn do phương Tây hậu thuẫn, hai quốc gia này đã âm thầm nuôi dưỡng sức mạnh của mình và hướng tới những mục tiêu khác nhau.
Các cuộc tấn công gần đây của Israel vào mục tiêu của Iran cho thấy tiếng nói và quyền lực hàng đầu của Nga ở Syria không thể đảm bảo giải quyết đầy đủ những lo ngại về vấn đề Iran của Tel Aviv.
Ngay cả sau khi các cuộc đàm phán Nga-Israel-Mỹ-Jordan bí mật cắt giảm sự hiện diện của Iran gần biên giới Israel, Israel vẫn cảm thấy an ninh của mình đang bị đe dọa bởi nỗi ám ảnh của Iran ở các tiền đồn ở phía Đông và phía Bắc.
“Sự leo thang trong những tuần gần đây giữa Israel và Iran đã cho thấy những nhượng bộ của Nga đối với vấn đề Iran là không còn đủ cho Israel”, nhà ngoại giao phương Tây nói với HuffPost.
Áp lực mà Nga dành cho Iran cũng khó có thể mạnh thêm do liên kết lịch sử mà hai nước đã phát triển qua nhiều năm bất đồng với phương Tây, cùng với đó là lợi ích chung trong các vấn đề như kinh doanh năng lượng và phá vỡ trật tự toàn cầu do Mỹ dẫn đầu.
Iran đã đầu tư nhiều nguồn lực để gây dựng sức mạnh ở Syria.
Ali Akbar Velayati, một trợ lý hàng đầu của nhà lãnh đạo tối cao Iran từng nhấn mạnh trong chuyến thăm Moscow hồi tuần này rằng: "Người Iran và Nga sẽ tiếp tục ở lại Syria để bảo đảm những kẻ khủng bố không còn có thể tồn tại ở đó nữa".
Thỏa thuận nào trên bàn?
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuần trước từng gọi viễn cảnh Iran rút lui hoàn toàn khỏi Syria là điều “hoàn toàn không thực tế”. Tuy nhiên, điều này lại báo hiệu rằng Nga hoàn toàn có thể chấp nhận một phần lực lượng của Iran rút lui.
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Putin và Tổng thống Trump có thể đạt được thỏa thuận về việc triển khai lực lượng quân chính phủ Syria dọc theo biên giới với Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, đổi lại lực lượng Iran và Hezbollah sẽ rút lui khỏi khu vực.
Ayham Kamel, một nhà phân tích thuộc Eurasia Group, cho biết Moscow có thể yêu cầu phía Mỹ đưa ra một tuyên bố chấp nhận hoàn toàn sự hợp pháp của chính quyền Assad và rút lực lượng khỏi Syria.
"Một thỏa thuận công khai chấp nhận Assad để bù lại cho việc hạn chế ảnh hưởng của Iran là điều hoàn toàn hợp lý”, Kamel nói.
Nga đã từng nhiều lần công khai kêu gọi Iran rút khỏi Syria nhưng không thể đảm bảo phía Tehran có thể đồng ý với quyết định này.
Tuy nhiên, Moscow có đủ đòn bẩy để thuyết phục Tehran tránh xa vùng biên giới với Israel và giảm số lượng căn cứ, các cơ sở tên lửa và lực lượng cố vấn mà nước này đang duy trì tại đây.
Sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, Iran đang phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt khó lường. Do đó, nước này không thể mạo hiểm đánh mất sự ủng hộ từ phía Nga, cũng như không muốn quá tập trung nguồn lực hỗ trợ cho chính quyền Assad như trước. Bởi vậy, viễn cảnh Iran cần rời khỏi quốc gia Trung Đông là điều không còn xa.
"Mặc dù chính quyền Assad từng cần sự giúp đỡ cả từ người Iran và người Nga, nhưng một Iran bị hạn chế bởi các biện pháp trừng phạt sẽ trở nên ít hữu ích hơn. Và khi cuộc nội chiến đi vào giai đoạn kết thúc, hỗ trợ kinh tế và chính trị của Nga sẽ trở nên quan trọng hơn tất cả", Kamel nói.
Kỳ vọng riêng của Tổng thống Putin-Trump tại thượng đỉnh Nga-Mỹ
Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump mỗi người đều có mong đợi riêng trong cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki hôm nay 16.7. |
[LIVE] Thượng đỉnh Putin-Trump: Vì sao Tổng thống Mỹ muốn gặp riêng Tổng thống Nga?
Lần đầu tiên, Tổng thống Vladimir Putin và Donald Trump có cuộc gặp thượng đỉnh chính thức tại Helsinki, Phần Lan vào ngày 16.7. Cuộc ... |
Trump nói hợp tác với Nga là điều tốt, không phải điều xấu
Tổng thống Mỹ nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Nga khi lần đầu tiên gặp thượng đỉnh Putin tại Phần Lan. |