Đề xuất xây hồ ngầm chống ngập phố cổ Hà Nội: “Tốn tiền” và... “không giải quyết được gì”

Cty Thoát nước Hà Nội vừa đề xuất UBND TP xem xét, cho ý kiến về đề xuất xây hồ ngầm có thể chứa 2.000 m3 nước mưa để chống ngập ở khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, giải pháp này có thực sự giải quyết được việc thoát ngập mỗi khi có mưa to còn là dấu hỏi băn khoăn với nhiều người.

de xuat xay ho ngam chong ngap pho co ha noi ton tien va khong giai quyet duoc gi

Chia sẻ

Tình trạng ngập lụt diễn ra khá thường xuyên tại Hà Nội vào mùa mưa. Ảnh: NGUYÊN VƯƠNG

Kỳ vọng thoát ngập?

Vừa qua, những cơn mưa lớn kéo dài trong khoảng thời gian 1 - 2 giờ khiến nhiều con đường, tuyến phố Hà Nội ngập sâu trong nước, giao thông ách tắc. Đáng nói, tình trạng cứ mưa là ngập đã diễn ra trong khá nhiều năm nay. Nhiều con phố của thủ đô dễ dàng bị “thất thủ” trong biển nước. Điều này khiến nhiều người dân rất bức xúc, lo lắng khi mùa mưa đến.

Nói đến các giải pháp về chống ngập úng, mới đây, Cty Thoát nước Hà Nội (Cty) đề xuất UBND TP xem xét, cho ý kiến về đề xuất xây hồ ngầm có thể chứa 2.000 m3 nước mưa để chống ngập ở khu vực Đường Thành, chợ Hàng Da (quận Hoàn Kiếm). Theo đại diện của Cty, hồ điều tiết ngầm sử dụng công nghệ Cross-wave của Nhật Bản, có thể trữ tới 90% lượng nước mưa trong hồ, thời gian thi công ngắn, sau đó trải thảm bê tông, nhựa, các phương tiện có thể qua lại bình thường. Phương án đề xuất hồ ngầm sẽ được xây dựng ngay dưới lòng đường thuộc ngã 5 khu vực Đường Thành và Hàng Da.

Theo ông Bùi Ngọc Uyên (Phó phòng đối ngoại, truyền thông Cty), nếu được chấp thuận, đây sẽ là giải pháp thí điểm điều tiết nước mưa, chống ngập cho khu vực phố cổ. Lượng nước mưa ở dưới hồ ngầm có thể được sử dụng làm nước cứu hỏa, tưới cây, rửa đường khi cần thiết.

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Báo Lao Động, 1 lãnh đạo Sở Xây dựng cho hay: Hiện, đây đang là đề xuất của Cty nhằm hạn chế được tình trạng giảm ngập úng, thoát được nước trong khu vực phố cổ khi có mưa to. Đơn vị chủ đầu tư là Cty, Sở Xây dựng là cơ quan kiểm tra, giám sát, đôn đốc. Vị này cũng nhận định, phương án này khả thi, việc tạo bể chứa tốt sau đó kết hợp cùng với các trạm bơm có thể giảm bớt được tình trạng ngập úng tại khu phố cổ. Bước đầu, sở sẽ nghiên cứu về đề xuất của đơn vị để đánh giá mức độ phù hợp.

Còn nhiều băn khoăn

Song GS-TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NNPTNT - bày tỏ nhiều băn khoăn trước đề xuất này. “Phương án đề xuất xây dựng hồ ngầm với dung tích 2.000 m3 là tương đối nhỏ, chỉ có thể giải quyết được ngập cục bộ tại khu vực hẹp và trong điều kiện mưa nhỏ. Hồ điều tiết ngầm cũng chỉ dùng để chứa nước lúc trời mưa, đến khi hết mưa thì phải cho thoát nước đi để có không gian trữ các đợt mưa tiếp theo. Vì hồ để chứa nước mưa nên phải tính xem hồ chịu được cơn mưa bao nhiêu mm theo giờ. Nếu mưa to hơn nữa, hồ đầy, không chứa được nữa thì nước thoát đi đâu?” - ông Hồng lo lắng.

GS-TS Vũ Trọng Hồng nhận định, điều mọi người lo nhất khi đặt 1 hồ chứa ngầm dưới đất là nền đất ở nơi đó có ổn định không? Nếu nền phía dưới không ổn định sẽ bị lún, ảnh hưởng đến khối công trình trên mặt đất. Do vậy, phải có khảo sát thật kỹ để có hướng xử lý nền đất phù hợp tại khu vực này. Mặt khác, nếu xây dựng hồ điều tiết ngầm mà không có công trình để ngăn, kiểm soát không cho lượng nước chảy vào hồ khi hồ đầy hay việc không kịp tiêu thoát, giữ lại nước quá nhiều giờ có thể làm cho nền đất khu vực xung quanh chứa thêm nước, yếu thêm.

“Cách tốt nhất, theo tôi, TP nên nghiên cứu liên kết các hồ trên địa bàn để tận dụng khả năng chứa của chúng. Theo đó, có thể làm những đường dẫn nối thông nhau giữa các hồ, gọi là liên hồ. Ví dụ, hồ Thiền Quang, hồ Hoàn Kiếm nối với nhau, truyền ra Hồ Tây, từ Hồ Tây đổ ra sông Hồng. Ngoài ra, việc chống ngập phải làm trước khi mùa mưa đến chứ không phải đến mùa cao điểm mới đi lo” - GS-TS Vũ Trọng Hồng đề xuất.

Còn Kiến trúc sư Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội - chia sẻ: Về việc này, ở Nhật Bản cũng đang quảng cáo và họ đã làm ở Việt Nam. Đây là một cách chống ngập cục bộ tức thời. Tuy nhiên, KTS Trần Huy Ánh cho rằng, việc đưa hố ngầm này vào trong phố cổ sẽ gây xáo trộn cuộc sống của dân. Nếu ở Hà Nội có nhiều chỗ để thử nghiệm, việc thử nghiệm ở phố cổ là không nên. Có thể đưa ra ở phía ngoại thành để thực hiện thì sẽ tốt hơn.

Theo kiến trúc sư Ánh, nếu Hà Nội quyết tâm làm thì làm được nhưng không giải quyết được gì. Bởi vì, việc ngập ở Hà Nội là bế tắc trong phát triển đô thị và cần phải giải quyết căn cơ hơn. Vì vậy, không nên bày vẽ ra vì nó sẽ tốn tiền. Ông Ánh đặt vấn đề là đào hố ngầm xong nước chảy đi đâu. Thoát nước đi đâu là 1 câu chuyện khác. “Dung lượng thì thấp, phương án cũng chưa có gì mới mẻ, sáng tạo nên cần phải cân nhắc kỹ” - ông Ánh nói.

Mới đây, tại giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội, trả lời các câu hỏi của PV về việc chống ngập úng trên địa bàn TP, ông Chu Phú Mỹ - Giám đốc Sở NNPTNT - cho biết, dù đã có nhiều nỗ lực, xây dựng các trạm bơm để “giải cứu” cho khu vực nội đô mỗi mùa mưa về, tuy nhiên, hiện nay, TP vẫn chưa thể thoát khỏi tình trạng ngập lụt nếu gặp những trận mưa to. Ông Mỹ cho biết thêm, nếu mưa từ khoảng 50 - 100mm trong 2 giờ liên tiếp, trên địa bàn TP sẽ có khoảng 15 điểm bị ngập.
de xuat xay ho ngam chong ngap pho co ha noi ton tien va khong giai quyet duoc gi Hà Nội làm hồ ngầm chống ngập 25 tỷ đồng tại chợ Hàng Da

Hồ ngầm 2.000 m3 được kỳ vọng sẽ giúp xóa các điểm ngập quanh chợ Hàng Da, ngã tư Phan Bội Châu - Lý Thường ...

de xuat xay ho ngam chong ngap pho co ha noi ton tien va khong giai quyet duoc gi Hồ ngầm chống ngập cho Hà Nội: Nghịch lý là...

Nghịch lý ở Hà Nội khi mưa lớn là sông cạn, đường ngập. Vì thế, quan trọng là phải có đường thoát nước từ phố ...

de xuat xay ho ngam chong ngap pho co ha noi ton tien va khong giai quyet duoc gi Hồ ngầm chống ngập cho Hà Nội: Chống được bao nhiêu?

Theo chuyên gia, hồ điều tiết ngầm chỉ giải quyết được ngập cục bộ ở khu vực hẹp, lượng mưa nhỏ.

/ https://laodong.vn