Trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ thay mặt Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 12.3 không có đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí cấp THCS mà trước đó đã đề xuất.
Nhiều địa phương còn dôi dư hàng nghìn GV. Ảnh: Tuấn Long
Nguyên nhân đề xuất tăng lương giáo viên không được ủng hộ, do Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính còn có những quan điểm chưa thống nhất. Theo giải thích của hai bộ này, cần đảm bảo sự tương quan chế độ lương giữa các ngành nghề; nhà giáo đã được hưởng phụ cấp ưu đãi theo nghề mức cao nhất đến 70% và phụ cấp thâm niên nghề, là một sự “ưu đãi đặc biệt”.
GS Đào Trọng Thi (nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội) cho rằng đó là điều “đáng tiếc”.
Nhiều người trong và ngoài ngành giáo dục đều có nhận định giống GS Đào Trọng Thi. Bởi vì, tăng lương, phụ cấp, sẽ nâng cao đời sống giáo viên (GV), để GV yên tâm, chuyên tâm cống hiến, tạo động lực thu hút người giỏi vào sư phạm, giảm tiêu cực trong giáo dục..., góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ.
Tuy nhiên, thực tế là mức lương GV hiện nay, nếu so với những ngành nghề khác, thì không phải là thấp. Cùng là viên chức, các ngành nghề khác sẽ không có thâm niên và phụ cấp đứng lớp (25 - 70%) như GV.
Mặt khác, đội ngũ GV hiện nay có số lượng rất lớn (hàng triệu người), nếu tăng lương, phụ cấp đồng loạt thì ngân sách không thể kham nổi. Nhiều địa phương, GV chiếm khoảng 80% số công chức, viên chức, ngân sách thu không đủ trả lương cho đội ngũ này.
Việc tăng lương, phụ cấp đồng loạt cho GV để thực hiện mục tiêu lương GV được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp sẽ không thực hiện được trong điều kiện “chiếc bánh ngân sách” đang quá eo hẹp.
Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển, việc tăng lương cho GV là tất yếu. Việc tăng lương chỉ có thể thực hiện được và có ý nghĩa khi các địa phương giải quyết cơ bản số GV dôi dư, thanh lọc, nâng cao chất lượng đội ngũ, tạo cơ chế cạnh tranh để tuyển người giỏi, loại người kém.
Việc tăng lương cũng không thể cào bằng mà dựa trên chất lượng, kết quả giáo dục, tính đến các yếu tố đặc thù như điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, các trường chuyên biệt…
Việc tăng lương cho GV, cũng như công chức, viên chức hiện nay đang gặp khó khăn do bất cập, mâu thuẫn giữa ý chí, mong muốn của nhà quản lý cũng như người dân và khả năng của ngân sách. Nhà giáo cũng biết rõ điều này nên không đến mức thất vọng trước diễn biến tình hình.
Điều nhà giáo mong chờ và có thể thực hiện được, đó là xây dựng cơ chế tuyển dụng minh bạch, môi trường giáo dục thân thiện, nhà giáo được tôn trọng và tạo điều kiện trong hoạt động nghề nghiệp.
Tuyển sinh ngành sư phạm: Vẫn loay hoay, trăm bề khó
Đề xuất tăng lương giáo viên không được chấp nhận, bài toán tìm đầu ra cho sinh viên sư phạm vẫn đang loay hoay, lùm ... |
Bỏ tăng lương cho giáo viên: Ngành giáo dục có mất nhân tài?
Việc bác bỏ tăng lương cho giáo viên có thể khiến người giỏi không hứng thú đến những vùng khó khăn và không đăng ký ... |
Bác đề xuất tăng lương giáo viên: Vẫn còn cơ hội tăng lương
Giáo viên vẫn còn cơ hội được tăng lương vì đề xuất rút điều khoản tăng lương cho giáo viên ra khỏi dự án Luật ... |