Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, với số vốn 700 tỷ đồng mà FLC đưa ra thì hãng Bamboo Airlines có thể được khai thác bao nhiêu máy bay vận chuyển hàng không quốc tế?
Vốn 700 tỷ đồng không hề khiêm tốn?
Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines), có vốn điều lệ 700 tỷ đồng, là công ty thành viên của Tập đoàn FLC đã hoàn tất Hợp đồng thoả thuận chính thức về việc mua 24 máy bay A321NEO giữa Tập đoàn FLC và Tập đoàn Airbus (Châu Âu).
Theo đó, Bamboo Airways hướng tới khai thác các tuyến bay thẳng từ quốc tế tới các điểm du lịch Việt Nam, bao gồm các địa phương có dự án của FLC, như Quy Nhơn, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc, Nha Trang… Bên cạnh đó, FLC cũng hướng đến các đường bay trong nước, kết nối các điểm du lịch như đường bay Thanh Hóa - Quy Nhơn, Thanh Hóa - Phú Quốc, Thanh Hóa - Nha trang, Hải Phòng - Quy Nhơn.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh - nguyên là Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương - chia sẻ: “Tôi hoan nghênh các doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực hàng không dân dụng, vì so với thế giới và khu vực, tỷ lệ người đi máy bay trên 1.000 dân của Việt Nam còn thấp. Nếu chúng ta có thêm các hãng hàng không, nhất là hàng không giá rẻ thì rất tích cực”.
Dù vậy, vẫn có ý kiến băn khoăn về số vốn 700 tỷ đồng của Viet Bamboo Airlines. Với 700 tỷ đồng, vốn điều lệ Viet Bamboo Airlines khiêm tốn hơn Vietnam Airlines nhưng không hề kém cạnh các đối thủ khác ở thời điểm ban đầu.
Với 700 tỷ đồng, vốn điều lệ Viet Bamboo Airlines khiêm tốn hơn Vietnam Airlines nhưng không hề kém cạnh các đối thủ khác ở thời điểm ban đầu. |
Cụ thể, khi mới thành lập năm 2007, Vietjet Air chào sân với số vốn 600 tỷ đồng. Thời gian đầu, đường bay của Vietjet khá lận đận. Có kế hoạch cất cánh trong năm 2008 nhưng do giá xăng dầu tăng cao nên phải tới tháng 11/2009, Vietjet mới khởi động đường bay.
Trong năm 2017, thị trường hàng không Việt suýt có thêm một hãng hàng không nữa. Đó là SkyViet. SkyViet có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, chỉ phục vụ những đường bay trong nước. Tuy nhiên, SkyViet gặp nhiều trắc trở và phải giải thể khi chưa hình thành.
Có thể thấy, 700 tỷ đồng không phải số vốn khiêm tốn. Ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam, cho biết: Với số vốn này, theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Viet Bamboo Airlines có thể khai thác tới 10 máy bay cho vận chuyển hàng không quốc tế. Còn nếu muốn khai thác từ 11 tới 30 tàu bay, Viet Bamboo Airlines phải tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng. Còn muốn khai thác trên 30 tàu bay, mức vốn của hãng hàng không này phải là 1.300 tỷ đồng
Muốn thành công, doanh nghiệp phải có thực lực
Trao đổi với PV báo điện tử VTC News, ông Bùi Doãn Nề, Tổng Thư ký Hiệp hội các Doanh nghiệp Hàng không Việt Nam kiêm Tổng Biên tập tạp chí Open Sky cho biết, bất kỳ một hãng hàng không nào muốn thành công tại Việt Nam, điều kiện cần thiết là phải có thực lực.
Số vốn 700 tỷ đồng mà FLC đưa ra là vừa đủ để khai thác 10 tàu bay vận chuyển hàng không quốc tế. |
Thực lực ở đây chính là nguồn vốn, hướng quản trị, định hướng lâu dài, tầm nhìn dài hạn,... Ông Nề nói: “Anh kỳ vọng nhưng anh không có thực lực thì sẽ không bùng nổ được. Doanh nghiệp phải có định hướng chiến lược để tránh trình trạng thành lập ra rồi lại bán. Doanh nghiệp phải có thực lực mới tồn tại được lâu dài”.
Vấn đề “thực lực” đầu tiên chính là nguồn vốn: “Doanh nghiệp nhiều vốn hay ít vốn muốn kinh doanh hàng không đều phải theo quy định của Nhà nước. Tất nhiên, là có anh rất lớn, có anh nhỏ”, vị Tổng Thư ký chia sẻ.
Theo Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2014), vốn tối thiểu để thành lập hãng hàng không và duy trì kinh doanh vận chuyển hàng không (Điều 8 Nghị định số 30/2013/NĐ-CP về kinh doanh vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung) như sau:
Khai thác đến 10 tàu bay: 700 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;
Khai thác từ 11 đến 30 tàu bay: 1.000 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 600 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa;
Khai thác trên 30 tàu bay: 1.300 tỷ đồng Việt Nam đối với hãng hàng không có khai thác vận chuyển hàng không quốc tế; 700 tỷ Đồng Việt Nam đối với hãng hàng không chỉ khai thác vận chuyển hàng không nội địa.
Như vậy, với số vốn 700 tỷ đồng mà FLC đưa ra là vừa đủ để khai thác 10 tàu bay vận chuyển hàng không quốc tế.
Bên cạnh đó, kinh doanh ngành hàng không cũng vẫn phải đối diện với rất nhiều khó khăn. Trong đó, muốn đạt được lợi nhuận, các hãng hàng không phải có tầm nhìn chiến lược và biết khoanh vùng khách hàng hướng tới.
“Bất kỳ một doanh nghiệp nào muốn thành lập, đều phải tính toán để đạt được thành công. Bản thân doanh nghiệp đó sẽ biến rõ những triển vọng, thách thức và cả những bất lợi trước mắt”, ông Nề nói.
Không chỉ riêng FLC với thương hiệu Bamboo Airlines, các hãng hàng không khác như Vietnam Airlines, Vietjet Air hay Jetstar Pacific Airlines đều phải có hướng đi riêng để thu hút khách hàng: “Ví dụ như nhóm đối tượng khách hàng, Vietnam Airlines hướng tới hãng hàng không 4, 5 sao. Trong khi đó, các doanh nghiệp khác tiếp cận khách hàng giá rẻ”.
Từ đó, ông Nề cho rằng, việc định hướng nhóm khách hàng sẽ chiếm phần trăm rất lớn trong thành công của một hãng hàng không tại Việt Nam.
Kinh doanh hàng không: Đầy thuận lợi
Bên cạnh một số khó khăn và thách thức, các DN có dự định đầu tư vào hãng hàng không đang có rất nhiều thuận lợi như, các chính sách Nhà nước ngày càng được thông thoáng, Chính phủ và các cơ quan ban ngành ngày càng tạo điều kiện để các hãng hàng không phát triển.
Các DN có dự định đầu tư vào hãng hàng không đang có rất nhiều thuận lợi như, các chính sách Nhà nước ngày càng được thông thoáng. |
“Hiện nay, Chính phủ đang mở cửa tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trẻ phát triển ngành hàng không. Trong đó, các chính sách ngày càng cởi mở để phát triển”, ông Bùi Doãn Nề nói.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không dù đã và sắp kinh doanh tại Việt Nam cũng sẽ có thuận lợi khác, đó chính là thị trường ngày càng được mở rộng, người dân bắt đầu quen dần với việc di chuyển bằng máy bay: “Thị phần của các hàng hàng không vẫn còn và ngày càng được mở rộng”.
Với cương vị là Thư ký Hiệp hội các DN Hàng không, ông Bùi Doãn Nề cho rằng, các doanh nghiệp mới, có tham vọng dấn thân vào mảng kinh doanh hàng không như Bamboo Airlines sẽ có đà bật rất mạnh nhờ sức trẻ và những kinh nghiệm được rút ra từ các hãng hàng không đi trước.
Đặc biệt, ông Nề nhấn mạnh, bất kỳ doanh nghiệp nào có tham vọng đầu từ vào ngành hàng không cũng sẽ thúc đẩy sự cạnh tranh về giá vé, từ đó, hạ giá thành vé máy bay để phục vụ đông đảo người dân.
Việt Vũ
FLC mua 24 máy bay của Airbus
Bamboo Airways dự kiến hoạt động vào năm 2019 với các máy bay được thuê lại trước khi nhận các máy bay đặt mua từ ... |
FLC mua 24 máy bay A321NEO trị giá 3 tỷ USD cho Bamboo Airways
Tập đoàn FLC vừa ký thỏa thuận hợp tác mua máy bay Airbus (Pháp) nhằm phục vụ hoạt động của hãng hàng không Bamboo Airways. |