Từng là bậc khai quốc công thần cùng Lê Lợi “nếm mật nằm gai”, Trần Nguyên Hãn cuối cùng phải chịu cái chết đau đớn. Đến nay, nhiều ý kiến khác nhau về cái chết của ông.
Trần Nguyên Hãn (1390 - 1429), sống ở trang Sơn Đông, nay thuộc thôn Đa Cai, xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông là dòng dõi của Trần Quang Khải và tư đồ Trần Nguyên Đán.
Bậc khai quốc công thần
Đại Việt thông sử chép rằng: Khi nhà Hồ mất, quân Minh xâm lược, trăm họ lầm than, Trần Nguyên Hãn nuôi chí cứu đời giúp dân. Một hôm đến lễ thần ở đền Bạch Hạc, ông thấy thần ở đền núi Tản Viên bảo với thần ở đền Bạch Hạc rằng trời đã sai Lê Lợi, người ở Lam Sơn làm vua nước Nam. Vì thế, ông mới vào Thanh Hóa tìm Lê Lợi, một lòng theo. Lê Lợi biết tài lược của ông, đãi ngộ rất hậu, cho dự bàn mưu kín, cho theo đánh giặc luôn lập công.
Với tài năng quân sự của mình, Trần Nguyên Hãn nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của Lê Lợi. Trong suốt 10 năm khởi nghĩa, ông trực tiếp chỉ huy những chiến dịch quân sự quan trọng, lập được nhiều chiến công to lớn.
Tháng bảy năm Ất Tỵ (1425), ông đem quân vào giải phóng xứ Tân Bình - Thuận Hóa, vùng đất dài rộng suốt từ phía Bắc tỉnh Quảng Bình đến tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay.
Tượng Trần Nguyên Hãn. Ảnh: donghotrannguyenhan.
Tháng 10 năm Bính Ngọ (1426), ông chỉ huy hơn 100 chiến thuyền, bao vây phía Bắc thành Đông Quan, khiến quân bố phòng của Vương Thông phải rút vào thành cố thủ. Thành Đông Quan hoàn toàn bị cô lập. Sau trận này, ông được phong chức Thái úy - chức quan đứng đầu hàng quan võ.
Tháng 9 năm Đinh Mùi (1427), ông cùng các tướng Lê Sát, Lê Lý được cử đánh thành Xương Giang. Ông chỉ huy mặt trận công thành, khoét đất đào đường hầm, mở đường tiến công giặc, lại kết hợp các loại vũ khí chiến thuật như tên lửa, súng lửa, câu liêm, giáo dài, nỏ cứng… bốn mặt đánh vào thành. Chỉ trong chưa đầy một giờ, thành Xương Giang kiên cố bị hạ. Các tướng giặc giữ thành như Kim Dận, Lý Nhậm đều phải tự sát.
Trong chiến dịch Chi Lăng - Xương Giang vào tháng 9.1427, khi biết Liễu Thăng sắp mang viện binh qua, ông cùng Lê Sát phục binh ở Chi Lăng, góp công lớn vào việc chém Liễu Thăng ở núi Mã Yên. Sau đó, ông lại được Bình Định Vương Lê Lợi sai đi chặn đường tiếp tế lương thực cho đoàn quân của Liễu Thăng.
Với những công lao to lớn đó, trong cuộc hội thề ở thành Đông Quan ngày 22.11 năm Đinh Mùi (tức ngày 10.12.1427), Trần Nguyên Hãn được đứng tên thứ hai, chỉ sau Lê Lợi. Tháng 3.1428, Trần Nguyên Hãn đã được phong làm Tả Tướng Quốc.
Cái chết đau đớn và đầy tranh cãi
Sau cuộc kháng chiến chống quân Minh, nhận thấy triều đình bắt đầu xuất hiện những tranh chấp, mưu hại lẫn nhau giữa các thế lực phong kiến, đầu năm 1429, Trần Nguyên Hãn xin về ở ẩn. Lê Lợi đồng ý nhưng dặn rằng cứ một năm hai lần phải vào triều chầu vua.
Sau khi về quê, ông cho dựng phủ lớn, đóng thuyền to, chính điều này đã tạo điều kiện cho những kẻ ghen ghét thừa cơ buông lời xúi giục nhà vua. Ông bị quy kết lộng hành và có âm mưu phản nghịch, Lê Lợi ra lệnh cho 42 lực sĩ xá nhân đến bắt ông về triều xét hỏi.
Trên đường lên kinh thành, ông tự trầm mình xuống bến Đông Hồ trên dòng sông Lô. Trước khi chết, ông nói: "Tôi với hoàng thượng cùng mưu cứu nước, cứu dân, nay sự nghiệp lớn đã thành, hoàng thượng nghe lời gièm mà hại tôi. Hoàng thiên có biết xin soi xét cho".
Sau khi ông chết, Lê Lợi cho bắt vợ con ông về kinh quản thúc, gia sản của Trần Nguyên Hãn bị tịch thu. Mãi đến năm 1455, nhận thấy ông bị oan trái, vua Lê Nhân Tông mới ra lệnh phục chức cho Trần Nguyên Hãn, truy phong là "Phúc thần".
Đến nay, nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân dẫn tới cái chết của Trần Nguyên Hãn.
Trong đó, nguyên nhân thứ nhất được bắt nguồn từ những tranh giành quyền lực trong triều đình nhà Lê thời hậu chiến. Nguyên nhân thứ hai là trong lòng Lê Lợi vẫn có mối nghi ngại đối với triều đại cũ, mà Trần Nguyên Hãn lại xuất thân là con cháu của quý tộc nhà Trần.
Chính điều này, cộng với sự tâu bẩm của những kẻ nịnh thần đã khiến Lê Thái Tổ trong giây phút nóng vội đã bức tử một bậc khai quốc công thần.
Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn, vua Thái Tổ tuổi già, lắm bệnh, sợ ngày sau chúa nhỏ (thái tử Nguyên Long mới lên 8) cầm quyền, các đại thần như Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn "sẽ có chí khác". Vì vậy, bề ngoài Lê Lợi "tỏ ra trọng vọng nhưng bên trong vẫn nghi ngờ. Bọn gian thần Trình Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư đón biết ý vua tranh nhau dâng mật sớ khuyên vua sớm trừ đi". Khi Phạm Văn Xảo và Trần Nguyên Hãn đã bị trừ bỏ, vua Lê hối hận, thương hai người bị oan, hạ lệnh cho những kẻ tố cáo ông về sau không được tố cáo ai nữa và dù có tài cũng không được dùng nữa. |
Tướng Triều Tiên: Người bị trừng phạt thành nhà thương thuyết hàng đầu với Mỹ
Tướng Kim Yong-chol, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên hôm nay (30.5) đến New York để hội đàm với ... |
Thượng tướng Lê Quý Vương: TP HCM nên nghiên cứu thành lập lực lượng 141
Theo Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, TP HCM nên nghiên cứu thành lập mô hình lực lượng 141 và phải ... |
Nguyễn Trãi và nghệ thuật \'tay không bắt giặc\' độc đáo trong sử Việt
Đánh vào lòng người, mở lượng khoan hồng với kẻ thù là những tư tưởng quân sự đặc sắc, vượt thời đại của Nguyễn Trãi, ... |