Đánh thuế nhà thứ hai:Lo ngại “thuế chồng thuế”

Đề xuất đánh thuế từ căn nhà thứ 2 trở đi đang là tâm điểm của thị trường BĐS những ngày qua. Nhiều ý kiến trái chiều liên tục được đưa ra làm đề tài tranh luận,

danh thue nha thu hailo ngai thue chong thue Đánh thuế căn nhà thứ 2: Sự vội vã sẽ \'bóp chết\' thị trường
danh thue nha thu hailo ngai thue chong thue Bộ Tài chính: Chưa đánh thuế sở hữu nhà thứ 2

Nhìn lại quá khứ

Dự thảo đánh thuế nhà không phải mới xuất hiện được 1-2 năm nay mà thực tế đã hình thành từ năm 2009. Cụ thể, trong tờ trình dự án luật Thuế, nhà đất (ngày 17/9/2009), bộ Tài chính quy định, giá tính thuế nhà ở được xác định bằng diện tích nhà ở chịu thuế nhân với giá của 1m2 nhà ở. Dự thảo Luật còn quy định trường hợp sở hữu nhiều nhà ở thì giá tính thuế là tổng giá trị các nhà ở chịu thuế. Cụ thể, bộ Tài chính đưa ra 3 phương án.

Trong đó, phương án 1 là chỉ thu đối với nhà thứ hai trở lên theo thuế tuyệt đối. Nhà dưới hai tầng không thu thuế, nhà từ hai tầng trở lên có mức thu là 2.000 đồng/m2/năm. Nhà cấp 3 và chung cư thu 1.000 - 4.000 đồng/m2/năm. Phương án 2 là thu theo giá trị nhà, phần giá trị trên 1 tỷ đồng mới chịu thuế 0,03%. Phương án 3 là thu thuế phần diện tích nhà trên 200m2. Nhà cấp 4 không thu thuế, còn nhà hai tầng trở lên thu 2.000 - 4.000 đồng/m2/năm. Với nhà chung cư thu từ 1.000 - 3.000 đồng/m2/năm tùy loại nhà.

Ba năm sau, bộ Tài chính tiếp tục đưa ra dự thảo: “Khai thác nguồn lực tài chính đất đai và tài sản Nhà nước phục vụ phát triển kinh tế xã hội giai đoạn 2011 - 2020”. Theo đó, nội dung cơ bản được đề xuất thực hiện là đánh thuế đối với tài sản gắn liền với đất. Ngoài ra, bổ sung đánh thuế nặng hơn đối với đất bỏ hoang, đất đã giao, đã cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng để khuyến khích người sử dụng đất có biện pháp sử dụng hiệu quả. Trường hợp không có nhu cầu sử dụng thì chuyển dịch cho người có nhu cầu.

Thời điểm đó, cả hai dự thảo này của bộ Tài chính đều bị bác bỏ do vấp phải sự phản đối của dư luận vì bất động sản đóng băng, việc tính thuế nhà sẽ làm thị trường thêm khó khăn. Đến năm 2016, “ý tưởng” đánh thuế nhà đất một lần nữa trở lại và tiếp tục trở thành vấn đề được quan tâm của xã hội khi có thông tin cho rằng chính sách này sẽ được áp dụng vào năm 2017.

Khi ấy, Thứ trưởng bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trao đổi với báo chí cho biết, Bộ đã giao vụ Chính sách thuế nghiên cứu dự thảo đánh thuế nhà ở, nhất là những chủ thể có từ 2 - 3 nhà trở lên nhưng nhiều khả năng trong năm 2017 chưa thể áp dụng sắc thuế này vì phải có thời gian xây dựng, xem xét kỹ. Còn trong tương lai chắc chắn sẽ phải thu.

Còn đâu nhà đẹp?

Trở lại với câu chuyện của thời điểm hiện tại, chủ đề dự thảo đánh thuế nhà thứ hai đã nhận được nhiều sự ủng hộ hơn từ phía các chuyên gia và doanh nghiệp bất động sản. Bởi một trong những mục tiêu chính của việc áp sắc thuế này được xác định là nhằm chống đầu cơ, ngăn ngừa lãng phí nhà đất khi tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản có xu hướng gia tăng với những chiêu thức tinh vi hơn trước.

danh thue nha thu hailo ngai thue chong thue

Trái ngược với ý kiến trên, nhiều người dân khi được hỏi về việc đánh thuế nhà thứ hai trong tương lai lại tỏ ra vô cùng hoang mang, lo lắng. Anh Huy Phi (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, nếu dự thảo thuế này được đưa ra trưng cầu thì anh sẽ bỏ một phiếu không thuận. “Việc đánh thuế nhà thứ hai là không công bằng. Lấy ví dụ trường hợp những đại gia sở hữu một căn biệt thự rộng hàng trăm hàng nghìn m2 đủ không gian sống cho cả 1 gia đình tứ đại đồng đường thì không phải nộp thuế. Trong khi đó, có những gia đình 3 thế hệ đang cùng chung sống trong 1 căn nhà diện tích chỉ vỏn vẹn có 40-50m2. Khi có chút điều kiện, muốn mua thêm 1 căn nhà cấp 4 để cho con cháu thì lại bị đánh thuế. Như vậy là không công bằng”.

Tỏ ra bức xúc hơn, anh Lê Kiên (hiện đang làm việc tại Hà Nội) nói: “Hết đề xuất tăng thuế xăng lên 8%, tăng thuế VAT lên 12% giờ lại đến đánh thuế căn nhà thứ hai. Tôi thực sự cảm thấy người dân đang bị tận thu. Việc đánh thuế căn nhà thứ hai không chỉ gây áp lực cho chủ nhà mà những người ở nhà thuê - vốn là những người có thu nhập thấp sẽ phải chịu phần tăng giá”.

Dưới góc nhìn chuyên gia, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng bộ TN&MT lại cho rằng, việc đánh thuế nhà ở thứ hai không hợp lý bởi trong thị trường bất động sản, phần kinh doanh chiếm tỷ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm.

Theo ông Võ, đánh thuế vào nhà ở thứ hai là đánh vào phân khúc nhà cho thuê. Điều này ngược với chủ trương của Nhà nước: Bán nhà chung cư với hình thức thuê, mua. Nếu đánh thuế vào nhà cho thuê thì số lượng người thuê nhà sẽ giảm. "Thêm nữa, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa bởi chả ai dại gì đầu tư xịn để chịu thuế cao hơn", ông Võ nhấn mạnh.

Nhìn nhận vấn đề theo một hướng khác, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch hiệp hội BĐS TP.HCM, Phó Giám đốc công ty Địa ốc Đất Lành nêu quan điểm: “Nếu như tăng thuế xăng, thuế VAT gây ảnh hưởng trực tiếp đến người dân nghèo thì đối với đề xuất tăng thuế nhà thứ hai, tôi khẳng định chỉ tác động đến người giàu, còn người nghèo sẽ không bị ảnh hưởng”.

Mặc dù chưa có phương án cụ thể nào cho đề xuất đánh thuế căn nhà thứ hai, nhưng theo ông Đực, việc đối tượng nào sẽ bị đánh thuế và đánh thuế như thế nào sẽ được cơ quan thuế đánh giá theo diện tích và giá trị căn nhà. “Sẽ không có việc căn nhà thứ hai chỉ rộng 20-30m2, giá trị vài trăm triệu đồng cũng bị đưa vào diện đối tượng bị áp thuế” – ông Đực nói.

Nói về những ảnh hưởng của việc đánh thuế nhà thứ hai đối với thị trường bất động sản, ông Đực cho rằng chắc chắn sẽ có ảnh hưởng nhưng là ảnh hưởng tích cực. Thị trường bất động sản chân chính đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho những người dân nghèo chứ không phải như hiện nay thị trường đang chạy theo những người giàu. Minh chứng cho việc này là việc “bội thực” những khu đô thị cao cấp, những chung cư hạng sang trong khi những dự án an sinh, nhà ở xã hội lại đang bị bỏ quên.

“Tại sao chúng ta lại phải nuôi một phân khúc nhà cao cấp bằng cách miễn thuế mà không hạn chế tình trạng này bằng nhiều biện pháp, trong đó biện pháp đánh thuế nhà thứ hai sẽ có hiệu quả to lớn trong việc chuyển hướng đầu tư từ những dự án cao cấp sang những dự án nhà xã hội, nhà giá rẻ để phục vụ an sinh xã hội, tạo điều kiện chỗ ở cho người nghèo” – ông Đực nói.

http://www.nguoiduatin.vn/danh-thue-nha-thu-hai-lo-ngai-thue-chong-thue--a338566.html

/ Diệu Ly/nguoiduatin.vn