UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo UBND huyện Krông Pắk tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng với 200 giáo viên trong tổng số 600 giáo viên dôi dư đang gây "sốc" dư luận trong những ngày qua
Sáng 11-3, Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pắk đã tổ chức cuộc họp khẩn để nghe UBND huyện báo cáo về việc chấm dứt hợp đồng khoảng 200 giáo viên trong tổng số gần 600 giáo viên dôi dư. Tham dự cuộc họp còn có ông Nguyễn Hải Ninh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Lắk. Trước đó, ngày 9-3, UBND huyện Krông Pắk tổ chức họp thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với khoảng 200 giáo viên trên tổng số gần 600 giáo viên hợp đồng tại huyện này.
Tạm dừng chấm dứt hợp đồng
Chiều cùng ngày, ông Nguyễn Hải Ninh đã ký công văn hỏa tốc gửi cơ quan chức năng yêu cầu UBND huyện Krông Pắk tạm dừng chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên ngoài chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 (đã được UBND huyện triển khai tại công văn ngày 6-3-2018).
Theo UBND tỉnh Đắk Lắk, để bảo đảm quyền lợi cao nhất cho người lao động theo quy định của pháp luật và ổn định trật tự trên địa bàn, yêu cầu UBND huyện Krông Pắk khẩn trương báo cáo, đề xuất với UBND tỉnh xem xét tuyển bổ sung đối với các giáo viên đã có hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế nhưng không còn vị trí việc làm để tuyển dụng; phối hợp với Sở Nội vụ để chuẩn xác số liệu, tổng hợp, phân loại hợp đồng lao động theo từng nhóm để dự kiến giải pháp giải quyết phù hợp với quy định và thực tiễn. Nắm tâm tư, nguyện vọng của người lao động để có giải pháp phù hợp, giải quyết căn cơ các vấn đề nhằm ổn định tình hình địa phương.
Ông Phạm Đăng Khoa, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết đã đề nghị UBND tỉnh, UBND huyện Krông Pắk bảo vệ quyền lợi chính đáng cho các thầy cô giáo. Có phương án điều chuyển các giáo viên dôi dư từ huyện Krông Pắk sang các huyện khác. Trong trường hợp một số thầy cô không được tiếp tục hợp đồng, cũng đề nghị phía UBND huyện có hỗ trợ giáo viên để họ ổn định cuộc sống và tìm công việc mới.
Một số giáo viên bị thông báo cắt hợp đồng phản ánh vụ việc với báo chí
Xem xét kỷ luật chủ tịch huyện
Liên quan đến vụ việc, cùng ngày, ông Phan Xuân Lĩnh, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk, cho biết đang tiến hành kiểm tra, làm rõ các sai phạm đối với ông Y Suôn Byă, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Dự kiến sang tuần, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk sẽ triển khai quy trình tiếp theo sau khi có kết luận sai phạm của lãnh đạo huyện Krông Pắk.
Theo kết luận của cơ quan chức năng, trong số gần 600 giáo viên dôi dư có liên quan đến 3 đời chủ tịch UBND huyện Krông Pắk. Trong đó, chủ tịch UBND huyện Krông Pắk giai đoạn 2011 - 2015 là ông Nguyễn Sỹ Kỷ (hiện là Phó Ban Nội chính Tỉnh ủy Đắk Lắk) đã ký và cho chủ trương ký hợp đồng lao động với khoảng 400 giáo viên. Mặc dù số lượng giáo viên đã dôi dư nhưng khi ông Y Suôn Byă lên làm chủ tịch UBND huyện Krông Pắk lại tiếp tục ký thêm khoảng 100 hợp đồng lao động với giáo viên.
Đầu năm 2018, Thanh tra Chính phủ cũng ra Thông báo kết luận thanh tra số 65/TB-TTCP thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục tại tỉnh Đắk Lắk. Kết luận của thanh tra nêu rõ kiểm điểm trách nhiệm đối với giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Đắk Lắk do không phát hiện sai phạm về hợp đồng lao động tại huyện Krông Pắk; kiểm điểm trách nhiệm đối với chủ tịch UBND huyện Krông Pắk do ký hợp đồng với giáo viên; yêu cầu chủ tịch UBND huyện Krông Pắk khẩn trương khắc phục tình trạng thừa giáo viên.
Chôn vùi tuổi thanh xuân để bám lớp!
Sáng 11-3, hàng chục giáo viên đã lên TP Buôn Ma Thuột cầu cứu luật sư và trao đổi với báo chí. Cô Hồ Thị Ngọc Dung, giáo viên ngữ văn tại Trường THCS Ngô Mây (xã Vụ Bổn), đã bật khóc: "Mấy năm liền, sáng tôi phải dậy sớm nấu cháo đi bán, chiều lên lớp mới có tiền nuôi con và nuôi cả nghề. Mấy năm trước, đường ở xã Vụ Bổn rất xấu, trời nắng thì bụi mù mịt, trời mưa thì đường trơn, nhiều khi đến lớp quần áo lấm lem bùn đất vì té. Đường đến trường lúc đó chưa có cầu, mỗi lần đến lớp là mỗi lần đánh đổi mạng sống. Giờ đứng trước nguy cơ mất việc, nghĩ lại thấy xót xa quá, mình chôn vùi cả tuổi trẻ nơi đây mà nhận được kết cục mặn đắng".
Phải xử người gây ra hậu quả
Việc tuyển dụng hay chấm dứt hợp đồng đối với giáo viên thuộc quyền của UBND cấp huyện. Nhưng lý do vì sao qua các đời lãnh đạo huyện lại ký hợp đồng làm việc với giáo viên một cách vô tội vạ như vậy?
Cắt hợp đồng cùng một lúc hàng trăm giáo viên thì quá "sốc". Những giáo viên này phải làm nghề gì để kiếm sống, có thể bố trí công việc khác được hay không? Để bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk cần có giải pháp cụ thể, theo hướng tạm thời chưa chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên, để họ tiếp tục an tâm công tác. Về lâu dài, cần phải bố trí, sắp xếp lại đội ngũ giáo viên tại địa phương cho phù hợp, có thể luân chuyển giáo viên sang các địa phương khác công tác.
Trong trường hợp không thể bố trí công việc dạy học cho giáo viên thì cần có chính sách hỗ trợ như ưu tiên bố trí công việc khác ở các cơ quan nhà nước hoặc hỗ trợ một khoản kinh phí nhất định để tạo điều kiện cho giáo viên tìm công việc mới. Có như vậy mới bảo đảm quyền lợi cho giáo viên, không gây ra sự xáo trộn cũng như phản ứng của các giáo viên khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Qua vụ việc này cần phải xem xét lại quy định giao thẩm quyền trong việc tuyển dụng giáo viên của UBND cấp huyện hiện nay, tránh tình trạng lạm quyền, cố ý làm trái và gây ra hậu quả nghiêm trọng như sự việc nêu trên.
Giáo viên mất việc, do ai?
Đã có hàng ngàn giáo viên (GV) trên khắp cả nước trong 2 năm qua bị cắt hợp đồng, phải rời mái trường trong nỗi ... |
Vụ 500 giáo viên sắp “ra đường”: Chủ tịch huyện ký bừa không thể vô can
Chưa nguôi vụ giáo viên phải quỳ gối, giáo dục lại “dậy sóng” trước tình cảnh hơn 500 giáo viên tại Krông Pắk (Đắk Lắk) ... |
Gần 1.200 giáo viên Hải Dương ba tháng không có lương
Tỉnh Hải Dương có hơn 4.050 giáo viên hợp đồng, trong đó 1.190 người ba tháng nay không nhận được lương, 61 người đã xin ... |