Chưa nguôi vụ giáo viên phải quỳ gối, giáo dục lại “dậy sóng” trước tình cảnh hơn 500 giáo viên tại Krông Pắk (Đắk Lắk) sắp thất nghiệp.
Hàng trăm GV hoang mang vì sắp bị cho "ra đường". Ảnh: TT/Tuổi trẻ.
Đã có nhiều phương án “giải cứu” những giáo viên (GV) này, song tất cả đều không khả thi. Việc kéo dài hợp đồng là không thể, do vượt chỉ tiêu, không có nguồn chi trả. Tìm việc làm mới cũng hết sức khó khăn do nhu cầu công việc phù hợp với GV không nhiều.
Còn để GV phải xoay xở thì cũng chỉ quanh quẩn các công việc như buôn bán nhỏ, công nhân, làm dịch vụ, làm thuê… vất vả, thu nhập bấp bênh.
Thực tế, nhiều vụ ồn ào hô hào “giải cứu” GV ở Hà Tĩnh, Thanh Hóa… nhưng đều thất bại. Hàng trăm GV đã gắn bó nhiều năm với ngành giáo dục đành ngậm ngùi tự bươn chải mưu sinh, sau khi được hỗ trợ không đáng kể.
Những cán bộ, công chức liên quan đều vô can, “phủi” trách nhiệm, đẩy hàng nghìn GV vào cảnh cùng đường.
Vụ ở Krông Pắk cũng có nguy cơ rơi vào kết cục tương tự.
Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn chia sẻ với báo chí về tình trạng thừa GV, do trên huyện cứ "nhét" chỉ tiêu về buộc trường ký hợp đồng lao động. Nhiều GV ở những bộ môn mà nhà trường đã dư nhưng vẫn đưa về.
Như vậy, nguồn cơn của bi kịch hôm nay là do lãnh đạo huyện ký bừa, vi phạm pháp luật khi tự ý “thay mặt” đơn vị sự nghiệp ký hợp đồng lao động, không căn cứ vào nhu cầu thực tế.
Sau đó dùng quyền lực ép cấp dưới phải nhận, lại dùng ngân sách để chi trả sai mục đích, lãng phí.
Một thực tế là, để có những hợp đồng kiểu như trên, GV không thể “thưa chuyện bằng nước bọt”, mà phải có quan hệ, thậm chí là “chạy chọt”, tiêu cực. Nhiều người vẫn kể chuyện đã phải lo lót hàng trăm triệu đồng mới xin được suất “hợp đồng huyện” như trên.
Những thông tin nói trên là có cơ sở, bởi vì một lãnh đạo huyện không thể vô cớ ký bừa hợp đồng, “tạo điều kiện” cho người khác trong khi cấp dưới “kêu trời” vì đã thừa người nhưng vẫn tiếp tục bị “nhồi nhét”.
Hậu quả của vụ việc nói trên, ông Nguyễn Sỹ Kỷ - Phó ban Nội chính Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND huyện giao đoạn 2011-2016 đã bị kỷ luật cảnh cáo và ông Y Suôn Byă - Chủ tịch đương nhiệm đang bị Tỉnh ủy kiểm tra dấu hiệu vi phạm đảng viên liên quan đến việc này.
Tuy nhiên, hậu quả của việc làm sai trái từ lãnh đạo huyện, nay lại trút lên hơn 500 GV thất nghiệp là không công bằng. Thậm chí nếu những GV này thắng kiện, nguy cơ ngân sách huyện tiếp tục bị “rút ruột” để đền bù.
Do đó, thiết nghĩ cần quyết liệt truy trách nhiệm cá nhân, có chế tài buộc những người làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trong đó có việc bồi thường thiệt hại theo quy định. Nếu có cơ sở, cần khởi tố vụ án để điều tra.
Giáo viên quỳ, “bỗng dưng” mất việc: Xin lỗi, ai giỏi muốn vào sư phạm?
Với tình cảnh giáo viên quỳ xin lỗi phụ huynh ở Long An và hơn 500 giáo viên tại huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) do ... |
Hàng trăm giáo viên Đắk Lắk mất việc phải làm đủ nghề để sống
Hàng trăm giáo viên ngỡ ngàng khi bị chấm dứt hợp đồng. Để có tiền trang trải cuộc sống sau nhiều năm đứng bục giảng, ... |