TAND TP.HCM sẽ đưa đại gia ngân hàng Phạm Công Danh cùng 45 đồng phạm giúp sức cho Danh gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của VNCB ra xét xử sơ thẩm.
Theo dự kiến, ngày mai (8/1), TAND TP.HCM sẽ mở phiên xét xử bị cáo Phạm Công Danh (SN 1964, cựu Chủ tịch HĐQT ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam - VNCB) về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Liên quan đến Phạm Công Danh, phiên tòa cũng xét xử bị cáo Trầm Bê (cựu Chủ tịch Hội đồng tín dụng ngân hàng TMCP Thương Tín - Sacombank) và 44 người khác về cùng hành vi với Danh.
Phạm Công Danh và đồng phạm bị cáo buộc thực hiện nhiều hành vi sai phạm trong quá trình điều hành VNCB, gây thất thoát hơn 6.000 tỷ đồng của ngân hàng này.
Đại gia ngân hàng Phạm Công Danh sẽ hầu tòa vào ngày 8/1.
Theo cáo trạng của VKSND Tối cao, thời điểm giữa năm 2012, ngân hàng TMCP Đại Tín – TrustBank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Trong đó, nhóm Thiên Thanh (do Phạm Công Danh đại diện) sở hữu 84,92% cổ phần.
Tháng 9/2012, Ngân hàng Nhà nước chấp thuận chủ trương phương án tái cơ cấu Trustbank. Lúc này, Danh nắm toàn bộ quyền chi phối ngân hàng. Danh đưa người của mình vào tiếp quản và điều hành mọi hoạt động của Trustbank.
Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận về nhân sự, Phạm Công Danh đã triệu tập, tổ chức đại hội cổ đông bất thường vào ngày 7/2/2013 và chính thức đảm nhiệm chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Trustbank. Đến ngày 23/5/2013, Trustbank được đổi tên thành ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam.
Kể từ lúc này, Danh đã chỉ đạo HĐQT, ban điều hành và ban kiểm soát của VNCB, cấp dưới thuộc tập đoàn Thiên Thanh và VNCB thực hiện lập các hồ sơ vay vốn khống rút tiền của VNCB gửi sang 3 ngân hàng gồm Sacombank, TPBank, BIDV để cầm cố, bảo lãnh và trả nợ các khoản vay do các công ty Danh thành lập, hoặc mượn pháp nhân đứng tên trên hồ sơ vay của 3 ngân hàng này với tổng số tiền 6.126 tỷ đồng.
Do các công ty chỉ làm hồ sơ vay khống, không hoạt động kinh doanh như trong hợp đồng tín dụng nên không có tiền trả nợ. Ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV sau đó đã thu hồi toàn bộ số tiền nợ từ VNCB. Hành vi trên của Danh và đồng phạm gây thiệt hại cho VNCB số tiền 6.126 tỷ đồng.
Cụ thể, để có nguồn tiền thanh toán khoản vay 1.700 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Sở giao dịch 2 và 900 tỷ đồng tại BIDV - Chi nhánh Hải Vân từ năm 2012, ông Danh và cấp dưới thống nhất chủ trương dùng số dư tiền gửi trên thị trường liên ngân hàng của VNCB tại các tổ chức tín dụng làm tài sản đảm bảo cho các khách hàng vay vốn tại các tổ chức tín dụng mà VNCB có tiền gửi thị trường 2 làm tài sản bảo đảm.
Để vay được khoản tiền 1.800 tỷ đồng từ Sacombank, tháng 4/2013, Phạm Công Danh cùng các thuộc cấp của mình gồm Phan Thành Mai, Hoàng Đình Quyết đến trụ sở Sacombank ở quận 3 liên hệ vay tiền.
Tại đây, Danh gặp Trầm Bê đề nghị Bê cho Danh vay tiền. Danh và Trầm Bê có mối quan hệ quen thân từ trước nên Bê không ngần ngại đồng ý cho Danh vay 1.800 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại Sacombank.
Trầm Bê bước đầu khai nhận, khi thuộc cấp trình hồ sơ các khoản vay của 6 công ty (do Danh thành lập, thuê người đứng tên), mặc dù hồ sơ chưa đầy đủ nhưng Bê vẫn phê duyệt cho vay do Danh có tài sản bảo đảm. Ngày 26/4/2013, 1.800 tỷ đồng được chuyển vào số tài khoản của Danh.
Tương tự, Danh mượn pháp nhân các công ty của Nguyễn Việt Hà (Tổng Giám đốc công ty Cổ phần quản lý quỹ Lộc Việt), vay của TPBank 1.666 tỷ đồng, tài sản đảm bảo là khoản tiền gửi 1.700 tỷ đồng của VNCB tại TPBank. Toàn bộ số tiền này sau đó đều không có khả năng thu hồi.
Ngoài ra, Danh còn đặt vấn đề với lãnh đạo BIDV là Đoàn Ánh Sáng và Trần Lục Lang (2 Phó Tổng Giám đốc phụ trách ban Khách hàng doanh nghiệp và phụ trách ban Quản lý rủi ro) vay 4.700 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ theo phương án tái cơ cấu VNCB đã được phê duyệt.
Danh lấy pháp nhân của 12 doanh nghiệp do Danh lập ra, thuê nhân viên của mình đứng tên làm Giám đốc để làm hồ sơ vay vốn. Vì được Danh cam kết đảm bảo các khoản vay bằng tiền của VNCB gửi tại BIDV nên lãnh đạo BIDV duyệt cho vay.
Cơ quan điều tra xác định nhiều lãnh đạo, nhân viên của BIDV sai phạm trong việc cho các công ty của Danh vay. Sai phạm của lãnh đạo, nhân viên BIDV không gây thiệt hại cho BIDV, nhưng gián tiếp giúp Danh rút tiền của VNCB và gây thiệt hại hơn 2.550 tỷ đồng.
Tại phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra vào ngày mai, TAND TP.HCM đã cấp giấy chứng nhận tham gia phiên xử cho 70 luật sư bào chữa, bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo, người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
Trong đó, Danh có 3 luật sư gồm: Luật sư Phan Trung Hoài, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP.HCM) và luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội). Trong đó, luật sư Phan Trung Hoài đồng thời là người bào chữa cho ông Đinh La Thăng dự kiến cũng bị đưa ra xét xử cùng ngày 8/1.
Trầm Bê có 2 luật sư gồm: Luật sư Nguyễn Thị Mai Hồng và luật sư Phạm Ngọc Trung. Ngoài ra, HĐXX cũng triệu tập gần 200 người và đơn vị tham gia phiên tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng.
Một số đại gia và lãnh đạo các ngân hàng như: Ông Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Trần Ngọc Bích (con gái ông Thanh), ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch HĐQT ngân hàng BIDV), bà Vũ Bạch Yến (Chủ tịch HĐQT ngân hàng CBBank), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Cố vấn cấp cao ngân hàng Đại Tín)… cũng được triệu tập đến tòa.
Phiên xử do thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự TAND TP.HCM) làm chủ tọa, dự kiến khai mạc vào sáng 8/1 và kéo dài hơn 1 tháng.
Ông Trầm Bê bị truy tố đến 20 năm tù
Cựu chủ tịch Sacombank, ông Phạm Công Danh và 44 người bị cáo buộc gây thiệt hại hơn 6.100 tỷ đồng. |
Phạm Công Danh \'dẫn lối\' đưa Trầm Bê đến trại giam
Trong lúc cần 1.700 tỷ đồng để trả khoản vay của ngân hàng BIDV, Phạm Công Danh đã đến gõ cửa Trầm Bê (nguyên Phó ... |