Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 51)

Kim Chung lại được dẫn ra phòng hỏi cung. Vẫn là chị nữ đại úy và hai điều tra viên lần hỏi cung trước, nhưng lần này lại có thêm một cán bộ Viện Kiểm sát nữa. Chị cán bộ điều tra nhìn Chung bằng ánh mắt đe nẹt, nhưng Chung nhìn thấy trong ánh mắt có vẻ dữ dội ấy vẫn có điều gì như muốn nhắn nhủ, bảo ban và che chở cho Chung.

dac biet nguy hiem ky 51 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 50)

Vũ ngồi một mình. Vũ nghĩ: Thôi, đến thế này thì mình cũng phải tự cứu lấy thân mình thôi. Chứ cũng chẳng trông mong ...

dac biet nguy hiem ky 51 Đặc biệt nguy hiểm (Kỳ 49)

Đại tá Hường cảm thấy khó chịu với giám đốc và nói: Báo cáo giám đốc, với tất cả kinh nghiệm nghề nghiệp và sự ...

Linh tái mặt không biết nói như thế nào, gượng gạo:

- Anh nói cái gì thế? Sao anh lại vu cáo cho người ta? Anh gắp lửa bỏ tay người chuyện gì vậy?

Trương nói:

- Thôi thôi, em đừng tỏ vẻ cao ngạo nữa. Tốt nhất là chúng ta hãy đánh bài ngửa với nhau. Anh lạ gì thằng Quynh. Có việc gì của bọn em mà anh chẳng biết. Ngày xưa, em với thằng Quynh như thế nào, bọn anh đâu phải không biết. Cho nên đừng có nói những chuyện hoang đường đấy. Nào là chung thủy, nào là thương xót. Tất cả những cái đấy về mà nói với bà mẹ chồng.

Linh ngồi im bặt. Trương bồi tiếp:

- Bây giờ như thế này, đây là một phi vụ làm ăn. Thằng Bình chắc chắn là lĩnh án tử hình rồi. Điều đó không phải bàn cãi gì cả. Nếu cô không tin thì anh với cô cá một ăn một trăm. Dám chơi không? Nếu dám, làm giấy tờ ở đây luôn. Còn nếu như cô nghe lời anh thì cô sẽ thay thằng Bình làm Tổng giám đốc Hưng Thịnh. Mà làm Tổng giám đốc cơ ngơi đấy như thế nào thì cô biết rồi. Khi lên làm Tổng giám đốc thì chỉ có mỗi một việc đơn giản. Đó là cô cùng Hội đồng quản trị đểu ký nhượng lại cho bọn anh 20ha đất. Thế là xong. Còn nếu như cô không nghe thì chẳng còn điều gì phải nói nữa.

***

Kim Chung lại được dẫn ra phòng hỏi cung. Vẫn là chị nữ đại úy và hai điều tra viên lần hỏi cung trước, nhưng lần này lại có thêm một cán bộ Viện Kiểm sát nữa. Chị cán bộ điều tra nhìn Chung bằng ánh mắt đe nẹt, nhưng Chung nhìn thấy trong ánh mắt có vẻ dữ dội ấy vẫn có điều gì như muốn nhắn nhủ, bảo ban và che chở cho Chung.

Chị đại úy nghiêm giọng:

- Tôi nói cho cô biết, cô ngoan cố lắm. Nhưng thôi, cô không khai là việc của cô, còn tìm ra chứng cứ là việc của tôi.

Chung ngắt lời và nói:

- Thưa các cán bộ, tôi là kế toán trưởng. Tôi làm điều gì cũng phải nhất nhất theo lời của các vị lãnh đạo. Tôi không được tự quyết. Tôi chịu ơn anh Bình. Khi tôi thất cơ lỡ vận, anh ấy nhận tôi vào làm việc. Dù bây giờ có biết anh ấy làm điều gì sai trái, tôi cũng không thể nói được. Điều đó mong các cán bộ thông cảm. Còn các cán bộ muốn xử tôi như thế nào, đó là việc của các cán bộ.

Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói nhẹ nhàng:

- Chị Chung ạ, thật ra thì chúng tôi rất hiểu tình cảm của chị với anh Phạm Bình. Nếu chị suy nghĩ như thế, thực lòng tôi rất kính trọng. Chúng tôi là những người làm công tác tố tụng, điều tra, bảo vệ pháp luật. Việc của chúng tôi là tìm cho ra những chứng cứ phạm pháp. Tuy nhiên, không phải chúng tôi có thể làm được tất cả mọi việc, nhưng hôm nay, trước những chứng cứ không rõ ràng chúng tôi đã ra lệnh trả tự do cho chị. Tuy nhiên, chị sẽ bị cấm đi khỏi nơi cư trú trong thời gian vụ án chưa được làm rõ.

dac biet nguy hiem ky 51

Kim Chung thảng thốt:

- Các ông trả tự do cho tôi?

Anh cán bộ Viện Kiểm sát gật đầu và nói:

- Theo đúng luật định, chị đã bị giam ở đây ba ngày, Viện sẽ không phê chuẩn.

Nói xong anh cán bộ Viện Kiểm sát đứng dậy đọc quyết định không phê chuẩn lệnh tạm giam của Viện Kiểm sát đối với Kim Chung.

Kim Chung ra khỏi nhà giam, thấy bàng hoàng như mình đang nằm mơ. Chị đại úy đi cạnh Chung và nói:

- Chung ạ, chị biết em là cánh tay phải của Phạm Bình từ lâu nay. Nhưng bây giờ em phải rất cẩn thận, bởi vì trong vụ án này có nhiều điều uẩn khúc lắm. Em đừng có gặp ai, đừng giãi bày tâm sự với bất cứ một ai. Đừng gặp luật sư chạy chọt việc này việc khác, có gì chị sẽ giúp em.

Chung băn khoăn:

- Thưa chị, nếu em muốn gặp chị thì em gặp ở đâu? Em nói thật với chị, em biết trong vụ này anh Bình bị oan lắm. Em tin chắc anh ấy không giết thằng Hoàng. Có một sự tình cờ nào đấy thôi.

Chị đại úy khẽ khàng:

- Việc đó còn phải chờ kết quả điều tra. Nhiều khi con người ta phạm tội mà chỉ trong một cơn bộc phát. Đây này, mới chỉ ngày hôm qua thôi, hai anh em ruột, chỉ vì có một con gà mà rồi thằng em cầm dao giết thằng anh. Đấy, thời buổi bây giờ nó vậy chẳng còn biết thế nào. Chị dặn em như vậy, cho nên em phải rất cẩn thận.

Chung nói:

- Vậy nếu em muốn gặp chị thì tìm ở đâu?

Chị cảnh sát điều tra nói:

- Được rồi, chị sẽ tìm gặp em. Nhưng nhớ, nhớ giữ mồm giữ miệng.

***

Tại nhà giam, Trần Vũ được đưa ra.

Một cán bộ điều tra nói:

- Lãnh đạo chúng tôi đánh ra rất cao bản khai của anh. Lời khai này chứng tỏ anh đã rất thành khẩn. Từ nay chúng tôi sẽ chuyển anh sang buồng giam khác với chế độ tốt hơn và cũng thông báo để anh biết, đây là quyết định của Viện Kiểm sát gia hạn tạm giam đối với anh lần thứ nhất là ba tháng.

Trần Vũ sững sờ nói:

- Sao các ông bảo tôi khai ra rồi thả cơ mà.

Anh cảnh sát điều tra:

- Chúng tôi cũng đề xuất thả. Tuy nhiên việc điều tra vẫn còn đang phức tạp, mà nếu để anh ra ngoài thì lại không đảm bảo an toàn. Anh biết đấy, đám tay chân đệ tử của thằng Bình ở bên ngoài đông như thế nào. Nếu như chỉ cần một chi tiết lộ ra rằng anh đã khai ra việc đi hối lộ, thì anh hiểu chuyện gì xảy ra rồi chứ.

Trần Vũ như bị bùa mê thuốc lú, vội vàng gật đầu rồi nói:

- Tôi xin các anh giữ kín cho.

Một cảnh sát điều tra nói:

- Anh cứ yên tâm. Việc này chúng tôi sẽ giữ rất kín.

Trần Vũ được đưa trở lại phòng giam.

Hai cảnh sát điều tra trở về. Một anh đứng ngoài cổng nói với anh cảnh sát kia:

- Thằng này đúng là thằng hèn. Nó khai thế này thì có đi điều tra đến mùa quýt cũng chẳng ra tội hối lộ. Nhưng mà vì nó khai nên mới phải giam. Chứ như con Chung, nó chẳng khai gì, hôm nay được trả tự do rồi.

Mộ cảnh sát điều tra nói:

- Ông biết không, trong rất nhiều vụ án tôi tham gia điều tra, tôi mới thấy rằng chính phụ nữ lại lì lợm hơn bọn con trai.

***

Tại nhà Phạm Bình.

Câu chuyện của Phạm Bình với nhà báo Thúy đang dang dở. Bình có vẻ mỏi mệt. Anh nói:

- Này, hôm nay có lẽ nên dừng ở đây đi. Tự dưng anh thấy mệt lắm.

Nhà báo Thúy bảo:

- Chuyện đang hay. Mà dạo này sức khỏe của anh có vấn đề phải không? Mới nói chuyện được một lúc đã kêu mệt. Thế ngày xưa ở trong trại giam thì như thế nào?

Phạm Bình nói:

- Ở trong trại giam, những ngày ấy - đó là ý chí phải sống, phải đấu tranh, phải vượt nhà giam. Tất cả những điều đó tạo cho anh một sức mạnh mà sau này, nhiều lúc anh cũng không hiểu tại sao mình có thể làm được. Nhưng ở trong trại giam, quả thật cảnh biệt giam làm con người ta rất dễ suy sụp về tinh thần. Đã bao nhiêu lần anh muốn tự sát và cũng đã nghĩ ra đủ trò. Định lao đầu vào tường, rồi định dùng móng tay cấu đứt mạch máu, rồi định xé quần áo tự thắt cổ mình.

Thúy hỏi:

- Làm sao có thể tự thắt cổ mình mà chết được?

Phạm Bình cười và bảo:

- Em chẳng hiểu gì cả. Một khi người ta đã quyết tâm để chết thì không cách gì ngăn cản được. Nhất là đối với những người tù. Chưa có một người tù nào khi họ đã quyết chết mà lại cứu họ sống được. Mà đối với những người tù, nhiều khi cái chết là sự giải thoát nhẹ nhàng nhất, giải thoát cho họ khỏi những dằn vặt về tội lỗi đã gây ra, giải thoát cho họ khỏi sự tra tấn bằng tư tưởng và bằng nỗi ám ảnh.

Thúy nói:

- Anh nói sự tra tấn bằng tư tưởng là thế nào? Trong trại, cán bộ trại giam có dùng nhục hình với phạm nhân không?

Bình nói:

- Dùng nhục hình cũng có nghe nói, nhưng mà anh thì không bị. Thật ra nói là dùng nhục hình thì cũng có thể có. Nhưng thế nào là nhục hình thì còn phải xem xét tính chất. Còn chuyện cảnh sát nổi nóng, khi phạm nhân nhất là bọn đầu trộm đuôi cướp không chịu khai, hoặc thậm chí chửi lại thì nhiều khi họ cũng phải cho chúng nó ăn đòn. Chuyện bạt tai, đá đít phạm nhân là chuyện bình thường. Còn chuyện bảo dùng nhục hình như kiểu quân giặc ngày xưa dùng nhục hình với những người cộng sản thì chắc là không có.

Thúy cười và bảo:

- Anh chẳng biết gì cả. Thế mà đây này, sắp tới có ông cán bộ công an cấp to bị truy tố vì tội bắt oan, bắt sai, rồi về tội dùng nhục hình. Ông ấy cho cán bộ cấp dưới treo con người ta lên xà nhà mà đánh.

Phạm Bình nói:

- Ừ. Anh có nghe nói về một nhân vật như vậy. Nhưng thôi, đó là chuyện của người ta. Quan tâm làm gì.

Thúy hỏi:

- Vậy hằng ngày trong trại giam, nếu không bị hỏi cung thì anh làm gì?

Bình nói:

- Anh ngồi thiền, tập thể dục và ngẫm nghĩ.

Thúy hỏi:

- Vậy thì những ngày đấy anh ngẫm nghĩ được những gì?

Phạm Bình trả lời:

- Cũng ngộ ra được nhiều điều. Những ngày ngồi thiền trong trại giam, tự nhiên trong đầu mình lóe sáng ra nhiều chuyện. Và rồi anh bỗng hình dung ra sự thật về vụ án và nguyên nhân tại sao chúng nó lại giết thằng Hoàng. Những ngày ấy, vì không biết làm việc gì nữa nên chỉ ngồi thiền. Anh có thể ngồi được năm, sáu tiếng đồng hồ. Trong lòng anh luôn thầm cảm ơn nhà sư Thích Trí Thiện và anh tâm niệm một điều rằng, sau này khi ra tù có lẽ anh sẽ phải xây dựng cho nhà sư Thích Trí Thiện một ngôi chùa thật to nếu như lúc đấy anh còn làm ra tiền của.

***

Tại một cuộc họp do Đại tá Hường chỉ đạo có các cán bộ điều tra, cán bộ của Viện Kiểm sát cùng Tòa án.

Đại tá Hường thông báo với mọi người:

- Báo cáo các anh, bây giờ thì mọi việc đã rõ. Trần Vũ đã khai ra những lần hắn mang tiền đi hối lộ, biếu xén các quan chức trong đó có danh sách từ Bí thư tỉnh ủy trở xuống.

Anh cán bộ Viện Kiểm sát nói:

- Chúng tôi cũng đã đọc báo cáo về bản khai cung của Trần Vũ. Theo tôi bây giờ, phải tiếp tục như thế này. Một là chúng ta cần làm báo cáo gửi Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy để làm rõ việc Phạm Bình đưa tiền biếu các quan chức. Việc thứ hai là phải tiếp tục đấu tranh với Phạm Bình, bởi vì việc biếu ngày lễ, ngày tết là việc khác. Còn việc biếu xén để chạy dự án, để được tạo điều kiện thuận lợi, mang tính chất hối lộ lại là một việc khác. Cho nên, hai việc này cần hết sức tách bạch và phải điều tra kỹ lưỡng. Chứ nếu không chỉ vì mấy đồng bạc đi biếu mà lại sinh chuyện thì không được. Đặc biệt là phải bảo vệ uy tín cho cán bộ.

Đại tá Hường nói:

- Việc này chúng tôi hiểu, nhưng chúng tôi nghĩ rằng nếu như không bắt tay vào làm ngay thì khó đấy. Tôi đề nghị bây giờ chúng ta hãy triệu tập một vài quan chức cấp thấp lên để hỏi xem thế nào.

Một cán bộ Tòa án ngăn lại:

- Tôi đề nghị đồng chí Hường phải hết sức bình tĩnh trong việc này. Với lời khai của đối tượng Trần Vũ theo tôi chưa có đủ cơ sở. Vậy mà bây giờ chúng ta gọi các đồng chí giám đốc, hoặc thậm chí liệu đồng chí có dám triệu tập Bí thư Tỉnh ủy hay các quan chức địa phương lên đây để hỏi rằng có việc này không hay các đồng chí định thế nào đây? Nếu như đồng chí triệu tập Giám đốc sở rồi một số quan chức ở các địa phương lên hỏi, vậy đối với các quan chức cao cấp như Giám đốc Công an tỉnh, rồi Bí thư tỉnh ủy thì như thế nào? Đã bảo mọi người bình đẳng trước pháp luật thì tại sao lại không gọi hỏi? Vậy đồng chí có dám gọi hỏi những người ấy không?

Đại tá Hường lúng túng:

- Thôi, việc này thì… để hôm này chúng ta họp ba ngành để thống nhất với nhau cách điều tra. Tôi cũng nghĩ đây là một việc khó. Từ xưa đến nay chúng ta quen thói tắm từ vai trở xuống, thậm chí tắm từ bụng, chứ chẳng được lên đến vai. Tuy nhiên, chúng tôi nghĩ rằng nếu như chúng ta kiên quyết đấu tranh, mở rộng điều tra thì sẽ ra được nhiều điều thú vị trong vụ án này.

Anh cán bộ Tòa án nói:

- Sẽ chẳng có gì thú vị trong vụ án này cả, mà chỉ là những sự thật đau lòng thôi. Cho nên, tôi đề nghị anh Hường về việc mở rộng điều tra theo lời khai của Trần Vũ, anh làm một kế hoạch riêng báo cáo và xin sự chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh. Rồi sau đó mới được báo cáo lên Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.

Đại tá Hường nói:

- Được rồi, các anh yên tâm. Tôi cũng chả dại gì “bôi mỡ” vào người cho kiến cắn đâu.

***

Tại phòng làm việc của giám đốc Trần Thiều.

Đại tá Hường đến. Ông Thiều nói:

- Mấy hôm nay, anh vẫn hỏi cung Phạm Bình và Trần Vũ đấy chứ.

Ông Hường bảo:

- Báo cáo anh, thằng Bình thì nó chẳng nói gì. Nó cứ lì ra. Tôi đang định xin anh có lẽ phải dùng biện pháp khác với thằng Bình.

Đại tá Thiều khó chịu:

- Anh định dùng biện pháp gì? Nhục hình à? Hay cho người ta vào bao tải ném xuống ao? Hay là trói hai ngón tay rồi treo lên xà nhà như một số các vụ án khác mà bây giờ các cán bộ công an đang phải ra đứng ở vành móng ngựa kia.

Đại tá Hường nói:

- Không, tôi không làm như thế. Nhưng phải đấu tranh với thằng Bình bằng cách khác. Dùng lời khai của bọn ngoài để đấu tranh với nó.

Ông Trần Thiều nói:

- Tôi hiểu cách làm này. Nhưng làm án kiểu này, tôi nói thật với anh, thất đức lắm. Thế còn danh sách mà Trần Vũ khai ra, trong đó có cả tên tôi? Tôi thấy anh làm một báo cáo rất lạ là “Về việc một số cán bộ cao cấp có dấu hiệu nhận hối lộ của Phạm Bình qua lời khai của Trần Vũ”.

Ông Thiều cầm bản báo cáo đưa cho Hường và nói:

- Anh đọc lại đi, anh dùng ngôn từ như thế này có được không? Các anh mới dựa vào một lời khai của thằng Vũ mà nó cũng không hề khai rằng nó mang tiền đi hối lộ. Nó chỉ khai là nó được Phạm Bình giao cho đi biếu quà tết, thế mà các anh viết báo cáo như thế này?

Đại tá Hường nghiêm mặt nói:

- Báo cáo anh, ngôn từ thì có thể là sơ suất, nhưng bản chất là như vậy anh ạ. Anh xem xem, làm gì có chuyện biếu quà tết mà biếu nhau đến hai mươi nghìn đôla

Đại tá Thiều nói:

- Đúng. Biếu đến số tiền như vậy thì đó là không bình thường. Nhưng anh phải đặt vào bối cảnh, người ta biếu nhau, rồi có xin xỏ, nhờ vả, lợi dụng gì không? Thế còn với một người giàu có như nó, tổng tài sản trong tay nó vào thời điểm đấy có đến gần một trăm triệu đôla, thì nếu như nó có cho người này mươi nghìn, cho người kia vài nghìn thì có là cái gì với nó đâu. Anh biết rằng riêng Phạm Bình đã giúp tỉnh mình làm bao nhiêu thứ không? Ba cái trường học, hai dãy nhà cho các cháu phổ thông dân tộc nội trú, rồi gì nữa? Rồi hai bộ máy siêu âm màu hiện đại cho bệnh viện tỉnh. Còn công an tỉnh mình bao nhiêu? Toàn bộ hệ thống máy tính của phòng cảnh sát hình sự là Phạm Bình hỗ trợ tiền bạc để mình mua máy; rồi cán bộ chiến sĩ công an tỉnh mình bị thương trong đấu tranh chống tội phạm, lần nào không có mặt nó? Gia đình nhà cậu Quang. Cậu ấy hy sinh, con còn nhỏ. Thằng Bình nó giúp bao nhiêu, anh có biết không? Cả công an tỉnh mình, anh em quyên góp mỗi người một ngày lương mới được hơn một trăm triệu để giúp gia đình cậu ấy. Nhưng riêng Phạm Bình Bình xây cho một ngôi nhà, rồi làm sổ tiết kiệm nuôi cháu cho đến năm mười tám tuổi và cam kết sẽ nuôi cháu học đại học và học xong đại học, nếu có nguyện vọng sẽ được nhận về công ty làm. Đấy, anh thấy đấy. Thế còn việc trong báo cáo anh có nói đến tên tôi - Trần Vũ khai ra. Tôi không phủ nhận. Đúng, tết nhất thằng Bình có cho người đến biếu quà tôi. Năm ngoái có cả tiền. Nếu tôi nhớ không nhầm thì có một nghìn đôla nó mang đến biếu tôi, kèm theo một chai rượu, một hộp bánh. Còn những người khác như thế nào thì tôi không biết, Tôi về nhà thì đã thấy túi quà của nó để ở đấy. Tôi hỏi vợ tôi: “Ai mang biếu thế này mà tại sao mình dám nhận?”, nhà tôi nói: “Đây là chú Bình cho người mang đến biếu anh quà tết”.

(Xem tiếp kỳ sau)

Nguyễn Như Phong / Tiểu thuyết Đặc biệt nguy hiểm - NXB Công an nhân dân