Cuộc sống vô thừa nhận của những đứa trẻ 'không tồn tại' ở Dubai

Sinh con ngoài giá thú là hành vi phạm tội ở Dubai và những đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh như vậy đều không được thừa nhận.

cuoc song vo thua nhan cua nhung dua tre khong ton tai o dubai

Neng và con trai Jerry dùng bữa tối trong một căn phòng thuê chung với 7 người khác ở Dubai. Ảnh: Guardian.

Một căn phòng ngột ngạt, không cửa sổ, rộng khoảng 15 m2 tại một quận cũ của Dubai là nơi ở cho 9 người Philippines. 8 người trong đó là lao động nhập cư, đến Dubai làm những công việc thu nhập thấp để gửi tiền về nhà. Người còn lại là một cậu bé 9 tuổi, theo Guardian.

Tên cậu bé là Jerry và em hiện sống ở Dubai cùng mẹ, Neng. Jerry thích nhảy múa, phim hoạt hình Peppa Pig và bánh rán. Căn phòng tối tăm, tồi tàn trên là ngôi nhà duy nhất mà Jerry được biết khi em dành phần lớn tuổi thơ sống như một đứa trẻ không quốc tịch.

Lớn lên không có giấy khai sinh cũng như bất kỳ giấy tờ tùy thân nào khác, Jerry không thể tới trường hay tới gặp bác sĩ. Về mặt lý thuyết, Jerry không tồn tại.

Trong 9,4 triệu dân Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), khoảng 70% là lao động nhập cư thu nhập thấp. Họ thường làm những nghề như công nhân xây dựng, nhân viên bán hàng, người giúp việc hay tài xế taxi.

Neng cũng là một lao động nhập cư như vậy. 10 năm trước, cô từ Philippines tới UAE để làm người giúp việc nhưng phải bỏ trốn vì bị chủ nhà ngược đãi. Không có việc làm, Neng mất visa và sống bất hợp pháp ở UAE. Cô quen một người đàn ông. Người này đưa cô về cùng chung sống nhưng đẩy Neng ra đường khi cô mang thai.

Mang thai mà không kết hôn, Neng biết mình đã vi phạm luật pháp UAE. Quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là tội lớn được quy định trong luật Hồi giáo của UAE và Neng có thể phải đối mặt với mức án một năm tù. "Khi bạn biết mình mang thai nhưng lại không thể tiết lộ cho ai và không biết nên làm gì, đó thực sự là cực hình", Neng nói.

Luật cấm quan hệ tình dục ngoài hôn nhân ở UAE được thực hiện rất nghiêm ngặt. Trong nhiều trường hợp, nhà chức trách thậm chí coi việc một người bị cưỡng hiếp cũng là quan hệ tình dục ngoài hôn nhân, dẫn tới việc chính nạn nhân bị phạt tù. Bác sĩ khi phát hiện một phụ nữ mang thai khi chưa kết hôn phải có nghĩa vụ báo cáo cho cảnh sát. Người phụ nữ này sau đó sẽ đối diện với hai khả năng: Ngồi tù hoặc bị trục xuất.

Vì những nguyên nhân trên, theo số liệu từ Lãnh sự quán Philippines ở Dubai, hàng năm có hàng trăm công nhân nhập cư như Neng quyết định bỏ trốn khi biết họ mang thai ngoài giá thú.

"Họ lo sợ bị mất việc bởi đây là cách duy nhất để hỗ trợ gia đình ở quê nhà. Đối với họ, bị trục xuất giống như kết thúc cuộc đời vậy", Barney Almazar, luật sư tại công ty luật Gulf Law, chuyên cung cấp hỗ trợ pháp lý cho các công nhân nhập cư ở UAE, chia sẻ.

Neng sinh Jerry trong căn hộ của người bạn với sự trợ giúp từ một bà đỡ nghiệp dư và không có thuốc giảm đau. Không thể tìm việc qua các kênh chính thống, Neng cuối cùng làm người giúp việc kiêm vú em cho một gia đình người Philippines tại UAE. Những người chủ biết Neng lao động bất hợp pháp nên trả lương cô rẻ mạt, chỉ 270 USD/ tháng, ngày làm 10 tiếng, 5 ngày một tuần. Neng rất hiếm khi nhận tiền đúng hẹn, nhưng cô không có quyền lên tiếng và cũng không thể báo cáo với nhà chức trách.

Cuộc sống của mẹ con Neng vô cùng chật vật. Hai mẹ con ngủ chung trên một chiếc giường ọp ẹp. Sống chung với họ là gián và vô số loại côn trùng khác. Tuổi thơ của Jerry là những chuỗi ngày khốn khó. Em thường xuyên lo âu và nếu ốm thì sẽ rất lâu khỏi vì không có thuốc uống.

Neng đang chuẩn bị ra đầu thú với nhà chức trách UAE. Sau thời gian ngồi tù, cô và con trai có thể về nước. Dù gặp không ít khó khăn ở Dubai, Neng vẫn lưỡng lự trước quyết định trở về Philippines. Tương lai ở quê nhà vẫn mù mịt đối với cô. Gia đình Neng không còn chỗ cho mẹ con cô và tình trạng nghèo đói khiến cuộc sống thêm phần cùng cực.

Lo sợ bị cảnh sát bắt và không thể vừa làm việc vừa chăm sóc con cái, một số người mẹ sinh con ngoài giá thú buộc phải bỏ rơi con mình để những người khác trong xã hội chăm sóc. Joanna là một người mẹ nuôi trong hoàn cảnh tương tự. Cô đến từ Philippines, đã ở Dubai 10 năm và đang làm y tá. 15 tháng trước, Joanna nhận nuôi một bé gái tên Rosamie (không phải tên thật).

Joanna sống trong một căn phòng ở khu Al-Karama, Dubai, cùng 5 phụ nữ khác. Hơn một năm trước, Rosamie được sinh ra. Mẹ em là bạn cùng phòng với Joanna nhưng đã bỏ con lại rồi rời đi, không thể liên lạc. Thương cảm, Joanna nhận trách nhiệm chăm sóc đứa trẻ, hy vọng ngày nào đó mẹ em sẽ quay lại.

"Thật khó khi đứa trẻ sống với chúng tôi nhưng không có giấy tờ. Sau hai tuần, tôi hỏi Lãnh sự quán Philippines mình cần làm gì. Họ trả lời \'chỉ cần đợi thôi, người mẹ sẽ quay về\'", Joanna kể. "Khi ấy, tôi đã quyết định có thể đứa bé này là dành cho chúng tôi".

Nhờ công việc của Joanna, Rosamie được tiếp cận với dịch vụ y tế và được chăm sóc tốt. Rosamie có thể hát bài ABC và nói tiếng Anh theo từng câu ngắn. Cô bé thích mặc váy và đồ chơi yêu thích của em là một con búp bê em gọi là "công chúa bé nhỏ".

"Tôi tự hào vì đã trở thành mẹ của con bé. Tôi luôn nói với con rằng tôi yêu nó rất nhiều", Joanna cho hay. "Con bé vô cùng ngọt ngào và dễ thương. Tôi muốn nó có một tương lai bình thường, không phải như bây giờ".

Joanna biết cô có thể phải đi tù nếu giữ một đứa trẻ, về mặt luật pháp, không thuộc về cô. Joanna đang tìm mọi cách để nhận nuôi Rosamie nhưng theo luật nước sở tại, chỉ công dân UAE mới được phép nhận con nuôi.

Không ít phụ nữ chăm sóc những đứa trẻ bị bỏ rơi ở Dubai đã tìm đến Joanna để xin lời khuyên. "Rất nhiều đứa trẻ ở đây không có giấy tờ", cô nói.

Hiện tại, các sơ sở chăm sóc trẻ em tại những trung tâm giam giữ ở Dubai đã quá tải bởi một lượng lớn bà mẹ tự nộp mình cho chính quyền với hy vọng có thể trở về nước sau thời gian ngồi tù.

Dù vậy, đã bắt đầu xuất hiện những tia hy vọng cho những gia đình như của Neng và Joanna. Quỹ Phụ nữ và Trẻ em Dubai là một tổ chức từ thiện do chính phủ quản lý. Ngoài việc hỗ trợ nạn nhân buôn người và chăm sóc trẻ em mồ côi, họ còn giúp đỡ hàng chục trường hợp bà mẹ sinh con ngoài giá thú mỗi năm, Ghanima Hassan Al-Bahri, giám đốc y tế và dịch vụ xã hội của tổ chức, cho biết.

Trong tất cả các trường hợp mà quỹ đang đảm nhận, tòa án đều tỏ ra khá linh động và những bà mẹ đều không phải ngồi tù. "Tôi tin là vẫn còn cơ hội để cải thiện tình hình... Việc tống giam họ có ý nghĩa gì cơ chứ", Al-Bahri nhấn mạnh.

cuoc song vo thua nhan cua nhung dua tre khong ton tai o dubai Đừng biến những đứa trẻ thành \'sao đỏ\' đứng ở cổng trường bắt bớ, ngó nghiêng rồi ghi sổ

230 học sinh không dám đứng lên nhất quyết không đánh bạn mình nói lên suy nghĩ bản thân của học sinh Việt Nam còn ...

cuoc song vo thua nhan cua nhung dua tre khong ton tai o dubai Mourinho gọi học trò là \'những đứa trẻ hư hỏng\'

HLV Man Utd không ngần ngại chỉ trích bốn ngôi sao trẻ Luke Shaw, Anthony Martial, Jesse Lingard và Marcus Rashford.

cuoc song vo thua nhan cua nhung dua tre khong ton tai o dubai Ảnh: Nơi những đứa trẻ nhạy cảm, dễ tủi thân, dễ cáu giận học con chữ, học làm người

Không giống như các lớp học bình thường, lớp của trẻ khuyết tật thường rất nhiều cảm xúc, nước mắt, niềm vui và tình yêu ...

cuoc song vo thua nhan cua nhung dua tre khong ton tai o dubai Bật cười với những đứa trẻ trong thân hình người lớn

Khi chúng ta lớn lên lại có ước muốn được quay về với tuổi thơ, cái thuở còn vô tư nghịch ngợm mà không ai... ...

/ https://vnexpress.net