230 học sinh không dám đứng lên nhất quyết không đánh bạn mình nói lên suy nghĩ bản thân của học sinh Việt Nam còn hạn chế.
Hồi con gái lớn học Tiểu học, cháu được cô "biên chế" vào đội sao đỏ của nhà trường.
Trẻ con được giao nhiệm vụ thì thích lắm, thi thoảng được thầy cô xoa đầu khen lại càng phấn khích, hăng hái.
Về nhà cháu kể sao đỏ như thế này, sao đỏ như thế kia. Tôi chả biết khuyên cháu thế nào, đành nói: Thôi kệ các bạn. Đừng bắt các bạn làm gì.
Nó còn bé không thể hiểu được. Trong một xã hội còn đang vỡ vỏ thì đôi khi không làm một việc nào đó (tưởng đúng) có khi lại tốt.
Tôi chỉ nghĩ đơn giản như thế này. Các con đến trường để học, để vui chơi, các hoạt động liên quan suy cho cùng chỉ phục vụ cho giáo dục, còn những việc khác thì thôi.
Sao đỏ đứng ở cổng trường bắt bớ, rồi đi ngó nghiêng các lớp ghi sổ à? Thôi! Đừng biến các cháu thành những thanh tra Giave (Những người khốn khổ - Victo Huygo), đừng huấn luyện các cháu có cái nhìn nghi kỵ, săm soi, dò xét; và tệ hơn là trong đầu thường trực những suy nghĩ tăm tối về người khác, có xu hướng chỉ nhìn vào những hạn chế khuyết điểm mà không để ý tới những mảng sáng cho dù le lói.
Học sinh Hoàng Long N. bị cô giáo chủ nhiệm và cả lớp tát 231 cái phải nhập viện điều trị (Ảnh: Infonet)
Ở Việt Nam, "sao đỏ" còn lên tới tận đại học. Lúc này trí khôn của các em đã biết đấy là một hình thức mượn tay của nhà trường núp dưới các câu từ mỹ miều. Ai dám chắc những công dân đó sau này thành công bộc không áp dụng những điều đã học: Mượn xã hội đen tác oai tác quái dân lành theo kiểu ném đá giấu tay, dùng người này để hạ bệ hoặc tiêu diệt người kia?
Tôi cố bình tĩnh để không quy chụp nhưng không thể nói khác. Đã từ rất lâu tôi không hưởng ứng các trò "sao đỏ sao đen", bắt học sinh ghi sổ đầu bài, nhờ học sinh quản lý lớp để giáo viên đi đâu đó, cho học sinh cấp 1 đi học cầm súng, khuyến khích dùng hòm thư tố giác tội phạm...
Trong vụ học sinh bị phạt tát 231 cái, tôi cứ tự hỏi sao các con không dám đứng lên nhất quyết không đánh bạn mình? Sau đó tôi liên hệ lại với các trò kể trên thì à lên một tiếng. Đau xót!
Cũng phải nói thêm năng lực nói lên suy nghĩ bản thân của học sinh Việt Nam còn hạn chế. Lối dạy một chiều và áp đặt đã thủ tiêu và dập tắt mọi phản ứng dù là tích cực của học trò. Cho dù có một số tiến bộ nhưng sự tôn trọng học sinh phần nhiều vẫn nằm trên giấy, bằng các biện pháp hành chính buộc giáo viên phải tuân thủ chứ trong thâm tâm nhiều giáo viên vẫn coi học trò là con nít, chúng nó phải nghe mình chứ mình không thèm nghe chúng nó.
Giáo viên được học trong trường sư phạm chả thiếu thứ gì, rất căn bản, tiên tiến, hội nhập…, nhưng nếu gõ vào Google từ khóa “những câu nói bất hủ của giáo viên” chúng ta sẽ thấy 2/3 trong số “tuyên ngôn” đó rất sai về phương pháp sư phạm.
231 cái tát là hiện thực hóa của lối tư duy về giáo dục của Việt Nam. Những nơi nào chưa tát, không tát, hoặc tát vài cái, chắc là đang cấn cá, băn khoăn giữa văn minh và hoang dã. Thôi! Như thế cũng còn may!
Sự lột xác dang dở của giáo dục ở Việt Nam sẽ còn đem tới nhiều hệ lụy đau xót. Trên mạng đang chửi bới cô giáo 231 cái tát kia thậm tệ. Không oan. Nhưng theo tôi cô cũng là một nạn nhân.
Nạn nhân từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, rồi lúc đào tạo thành giáo viên và đáng chú ý nhất là khi đứng trên bục giảng. Cả một hệ thống chằng chịt các tiêu chí thi đua đánh giá chằng chịt vào người giáo viên như mạng nhện. Nhà trường không chỉ chịu áp lực từ ngành dọc mà còn chịu sức ép từ chính quyền. Quan chức nào cũng muốn tiếng thơm cho nhiệm kỳ, thầy cô cũng muốn danh hiệu dạy tốt, lớp có tỷ lệ đỗ cao, đạt giáo viên dạy giỏi… để còn hút học sinh về nhà dạy thêm.
Nghe đâu cô giáo của 231 cái tát đã bị khởi tố. Cũng là một hình thức răn đe nghiêm khắc ít nhiều có tác dụng đánh động nhưng nếu xét về lâu dài thì cũng chỉ như xức dầu gió trị ung thư mà thôi.
Dưới góc nhìn tâm lý học, nhiều chuyên gia cho rằng, em học sinh bị cô giáo phạt 231 cái tát nên được hỗ trợ chuyển lớp, chuyển trường để ổn định tâm lý.
Nhiều ý kiến cho rằng 231 cái tát cô giáo ở Quảng Bình phạt học sinh chính là một cú tát lớn vào căn bệnh thành tích trầm kha trong ngành giáo dục.