Cuộc giải cứu 33 thủy thủ kẹt trong tàu ngầm Mỹ bị đắm năm 1939

Nhờ sự nhanh trí của hạm trưởng, hải quân Mỹ giải cứu thành công phần lớn thủy thủ trên tàu ngầm USS Squalus bị chìm dưới biển.

cuoc giai cuu 33 thuy thu ket trong tau ngam my bi dam nam 1939

Tàu ngầm USS Squalus trước khi gặp nạn. Ảnh: Wikipedia.

Sáng 23/5/1939, tàu ngầm USS Squalus lớp Sargo của hải quân Mỹ với 59 thủy thủ bắt đầu lặn thử nghiệm như thường lệ ở ngoài khơi Portsmouth, New Hampshine mà không hề biết rằng họ sắp gặp thảm họa, mở đầu cho cuộc giải cứu thành công đầu tiên dưới đáy biển trong lịch sử, theo Naval Technology.

USS Squalus là tàu ngầm mới và tốt nhất của hải quân Mỹ. Tàu được hạ thủy tháng 9/1937 và đã trải qua 18 lần lặn thử thành công. Không ai nghĩ nó sẽ gặp sự cố trong lần thử nghiệm thứ 19, bởi mọi hệ thống trên tàu vẫn hoạt động tốt.

Sau khi ra khơi, trung úy hạm trưởng Oliver Naquin, 35 tuổi, ra lệnh cho tàu lặn xuống lúc 8h40. Trước khi lặn, Naquin lệnh cho thủy thủ liên lạc vô tuyến thông báo vị trí lặn của tàu về sở chỉ huy, nhưng một sai sót kỹ thuật khiến người này thông báo nhầm tọa độ cách nơi tàu lặn xuống tới 8 km.

Mọi thứ diễn ra hoàn hảo cho đến khi đạt độ sâu 18 m và tàu Squalus bắt đầu chúi xuống. Thủy thủ Charles Kuney nghe điện thoại từ phòng máy gọi tới với giọng la hét tuyệt vọng yêu cầu cho tàu nổi lên.

Không một thủy thủ nào trên tàu phát hiện ra rằng Squalus lặn xuống khi van hút khí chính vẫn để mở, khiến hàng tấn nước biển tràn vào khoang động cơ ở phía đuôi tàu. Thủy thủ trên tàu bị sốc khi nghe tin và vội vã tìm cách cho tàu nổi lên. Họ đóng các khoang bị ngập và cố đóng van hút khí nhưng bất thành, trước khi đưa khí nén vào bể dằn để cho tàu nổi lên.

Tàu Squalus lúc này đã ổn định với phần mũi hướng lên trên. Tuy nhiên, khi thủy thủ cố gắng ngăn nước biển tràn vào qua đường ống thông hơi thì có một luồng áp lực gia tăng khủng khiếp. Dòng nước biển bất ngờ tràn vào các khoang phía trước và con tàu bắt đầu chìm xuống đáy đại dương do lượng nước biển ở đây quá lớn.

Trưởng kỹ sư điện Lawrence Gainor phát hiện nước biển đang tràn vào phòng chứa ắc quy phía đuôi tàu. Hơi nước phát ra từ các bình ắc quy cao 1,8 m và axít đang sôi. Gainor hiểu rằng các bình ắc quy đang hết điện và sớm phát nổ.

Anh bò qua một khe hẹp dẫn đến chỗ công tắc và ngắt các bình ắc quy kịp thời ngăn chúng phát nổ. Toàn bộ tàu ngầm lúc này bị mất điện.

Chỉ trong vòng vài phút, con tàu bị chìm xuống độ sâu 73 m. Sự cố khiến 26 thủy thủ ở phía đuôi tàu bị nước tràn vào thiệt mạng ngay lập tức, chỉ còn 33 thủy thủ còn lại ở phía trước tàu sống sót. Tàu Squalus chìm xuống đáy với phần mũi hướng lên trên một góc khoảng 11 độ, mất điện hoàn toàn, không thể liên lạc và đang ở vùng biển có nhiệt độ chỉ trên mức đóng băng một chút.

Lúc 9h40, chuẩn đô đốc Cyrus Cole, chỉ huy nhà máy đóng tàu, cảm thấy lo lắng khi tàu ngầm không báo cáo nổi lên theo kế hoạch. Sau đó ông gọi cho người trực ở ngọn hải đăng White Island nhưng nhận được thông báo không phát hiện dấu vết tàu ngầm.

Lúc 11h, Cole đến gặp Warren Wilkin, hạm trưởng tàu ngầm Sculpin cùng loại với tàu Squalus, đang chuẩn bị đến kênh đào Panama. "Tôi cần anh lên đường ngay lập tức. Dù không chắc chắn, tàu Squalus có thể đã gặp sự cố lớn", Cole nói với hạm trưởng tàu Sculpin.

Tàu Sculpin đến tọa độ của tàu Squalus trong lần liên lạc cuối cùng, nhưng không phát hiện dấu hiệu thảm họa như mảnh vỡ hoặc vệt dầu. Không ai trên tàu Sculpin biết rằng họ đang cách nơi chiếc tàu ngầm bị chìm tới 8 km.

Trong khi đó, những thủy thủ sống sót trên tàu Squalus tìm cách gửi tín hiệu cầu cứu. Hạm trưởng Naquin nhanh trí ra lệnh thả một phao nổi gắn cáp và để một chiếc điện thoại bên trong với dòng chữ "tàu ngầm bị chìm ở đây, bên trong có điện thoại liên lạc".

Thủy thủ đoàn cũng liên tục phóng đạn khói ra ngoài cũng như bơm dầu qua toilet để lực lượng cứu nạn có thể phát hiện vệt khói và dầu loang trên biển.

Một thủy thủ trên tàu Sculpin phát hiện vệt khói bốc lên trời và báo cáo thuyền trưởng. Tàu Sclupin đến nơi và phát hiện phao hiệu cùng chiếc điện thoại và liên lạc được với tàu Squalus. Lúc đó là 13h, thủy thủ đoàn tàu ngầm Squalus đã mắc kẹt trong "quan tài băng" hơn 4 tiếng.

Trong đêm đó, hải quân Mỹ triển khai nhiều tàu hạ neo quanh khu vực tìm kiếm và bật đèn pha trên mặt biển, trong khi thủy thủ trên tàu ngầm Sclupin tìm cách đến gần tàu Squalus.

cuoc giai cuu 33 thuy thu ket trong tau ngam my bi dam nam 1939

Tàu kéo đưa kén cứu hộ đến địa điểm giải cứu. Ảnh: History.

Trên tàu Sculpin, Charles "Swede" Momsen, chuyên gia cứu hộ tàu ngầm và là chỉ huy Đơn vị lặn Thử nghiệm của hải quân Mỹ, đánh giá tình hình một cách thận trọng. Ông hiểu rằng cần đẩy nhanh tiến độ giải cứu do thời gian không còn nhiều và nước biển có thể tràn vào khiến thủy thủ đuối nước hoặc chết vì thiếu dưỡng khí.

Momsen bác bỏ phương án trục vớt tàu ngầm Squalus vì việc này quá nguy hiểm và rủi ro. Họ chỉ còn hai lựa chọn là trang bị thiết bị lặn cho thủy thủ để họ nổi dần lên mặt nước và dùng kén cứu hộ từ bên trên nhưng thiết bị này chưa qua kiểm chứng. Phương án đầu bị hủy vì khi thủy thủ thoát ra khỏi tàu ngầm, họ rất dễ nhiễm lạnh và chịu áp suất lớn dưới biển.

Ngày tiếp theo, các thợ lặn hải quân Mỹ đã dùng kén cứu hộ giải cứu các thủy thủ tàu ngầm mắc kẹt. Họ thực hiện 4 đợt giải cứu với người cuối cùng lên mặt nước lúc nửa đêm 25/5.

Cuối cùng, các sĩ quan và thủy thủ tham gia chiến dịch và đội cứu hộ tàu ngầm Squalus được tặng thưởng các huy chương ghi nhận công lao. Chiến dịch giải cứu này đã mở ra một chương mới trong lịch sử cứu hộ dưới lòng đại dương.

cuoc giai cuu 33 thuy thu ket trong tau ngam my bi dam nam 1939 Nỗi khổ của lính tàu ngầm Mỹ trong Chiến tranh Thế giới thứ 2

Trên Mặt trận Thái Bình Dương khi được trang bị các tàu ngầm hiện đại hơn hẳn, vậy mà tàu ngầm Mỹ vẫn không thể ...

cuoc giai cuu 33 thuy thu ket trong tau ngam my bi dam nam 1939 Hệ thống giúp tàu ngầm Liên Xô bí mật phát hiện tàu ngầm Mỹ

Liên Xô sở hữu hệ thống giúp bí mật bám đuôi tàu ngầm Mỹ mà không cần hệ thống định vị thủy âm, vốn là ...

cuoc giai cuu 33 thuy thu ket trong tau ngam my bi dam nam 1939 Kỳ 1: Tàu sân bay Mỹ săn ‘tàu ngầm ma’ Nga

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới đang diễn ra, điển hình là việc tàu sân bay Mỹ George H.W. Bush săn đuổi “tàu ngầm ma” ...

Duy Sơn

/ https://vnexpress.net