Cuộc chiến đẫm máu nhất New Zealand vì mẫu súng phương Tây thế kỷ 19

Sự xuất hiện của súng hỏa mai dẫn tới cuộc chiến kéo dài 38 năm, khiến gần 40% dân số thổ dân Maori chết hoặc trở thành nô lệ.

cuoc chien dam mau nhat new zealand vi mau sung phuong tay the ky 19

Chiến binh Maori được trang bị súng hỏa mai. Ảnh: Wikipedia.

Những cuộc xung đột trong giai đoạn 1807-1845 với gần 3.000 trận đánh lớn nhỏ giữa các bộ tộc Maori ở New Zealand đã khiến khoảng 20.000 người trong tổng số 100.000 thổ dân thiệt mạng, cùng 20.000 người khác bị bắt làm nô lệ. Đây được gọi là "Chiến tranh súng hỏa mai", cuộc chiến đẫm máu nhất lịch sử New Zealand, bắt nguồn từ việc thổ dân được tiếp cận với loại vũ khí hiện đại do phương Tây chế tạo, theo NZ History.

Trong thời kỳ này, New Zealand vẫn còn là vùng đất xa lạ với người phương Tây và là nơi chứng kiến các cuộc chiến tranh tranh giành lãnh thổ liên miên giữa các bộc tộc Maori bản địa. Những cuộc giao tranh chủ yếu được tiến hành bằng vũ khí thô sơ, không gây ra thương vong quá lớn cho các bên. Nhưng mọi thứ bắt đầu thay đổi khi súng hỏa mai được người phương Tây đưa vào vùng đất này.

Súng hỏa mai là súng cá nhân nòng trơn được phát minh khoảng giữa thế kỷ 14 và 15, trở thành vũ khí chủ yếu của quân đội phương Tây vào thế kỷ 18. Nó được chế tạo từ ống kim loại bịt chặt một đầu. Thuốc súng và đạn được nạp qua đầu nòng, thuốc súng được đốt qua một lỗ nhỏ khoét ở bên cạnh, sử dụng cơ cấu điểm hỏa bằng dây cháy chậm hoặc đá lửa.

Tù trưởng Hongi Hika của bộ tộc Ngapuhi được coi là người khởi đầu cuộc chiến súng hỏa mai, sau khi chịu thất bại trong trận đánh Moremonui trước bộ tộc Ngati Whatua vào giai đoạn 1807-1808. Dù một số chiến binh Ngapuhi đã được trang bị súng hỏa mai, tốc độ nạp đạn quá chậm khiến chúng không có hiệu quả trước những cuộc phục kích bất ngờ với vũ khí truyền thống như đao và chùy của đối phương.

Hongi sống sót nhờ nấp trong một đầm lầy, nhưng người chú và hai anh em của tù trưởng này thiệt mạng trong cuộc chiến, khiến Hongi nuôi ý định trả thù. Tới năm 1815, Hongi thâu tóm toàn bộ quyền lực trong bộ tộc và hiểu được sức mạnh vượt trội của súng hỏa mai khi được triển khai với số lượng lớn.

Ông tìm cách liên hệ với các nhà truyền giáo châu Âu, giúp họ xây dựng và bảo vệ các nhà thờ trên đất New Zealand, đồng thời đổi lương thực lấy vũ khí và công cụ hiện đại.

Năm 1821, Hongi tới Anh gặp vua George IV và được tặng nhiều món quà. Ông đổi phần lớn số quà này để mang về 300-500 khẩu súng hỏa mai, làm thay đổi hoàn toàn cán cân sức mạnh ở vùng phía bắc New Zealand và mở màn cuộc chạy đua vũ trang giữa các bộ tộc Maori trong hàng chục năm sau đó.

Trong giai đoạn 1821-1823, Hongi dẫn đầu hàng loạt cuộc tấn công bằng súng hỏa mai nhằm vào các bộ tộc người Maori khác, gây thiệt hại nặng nề cho đối phương và bắt nhiều người làm nô lệ. Năm 1825, Hongi giành chiến thắng quan trọng trước bộ tộc Ngati Whatua và truy đuổi những người sống sót để trả thù cho thất bại năm 1807.

cuoc chien dam mau nhat new zealand vi mau sung phuong tay the ky 19

Tù trưởng Hongi (giữa) gặp một nhà truyền giáo phương Tây. Ảnh: Wikipedia.

Sở hữu loại vũ khí hiện đại của phương Tây, bộ tộc Ngapuhi cũng mở rộng lãnh thổ xuống các vùng đất phía nam. Sức sát thương của súng hỏa mai khiến nhiều bộ tộc khác tìm cách sở hữu chúng để đối phó với người Ngapuhi. Ưu thế của bộ tộc này cũng suy giảm khi đối thủ xây dựng những thành lũy kiên cố, có khả năng chống đạn tốt hơn.

Khó khăn về hậu cần cho những cuộc chinh chiến liên miên khiến xung đột suy giảm vào nửa cuối thập niên 1820. Hongi bị thương nặng và liệt một phần cơ thể sau trận đánh năm 1827, trước khi chết vào tháng 3/1828. Sự kiện này chấm dứt những chiến dịch tấn công quy mô lớn, việc các bộ lạc được trang bị nhiều súng hỏa mai cũng khiến họ tìm kiếm giải pháp ngoại giao, thay vì sa lầy vào xung đột mà không thu được kết quả rõ rệt.

Các trận đánh đẫm máu và sức sát thương quá lớn của súng hỏa mai trong cuộc chiến đã làm suy giảm nghiêm trọng dân số của người Maori bản địa, đồng thời làm thay đổi ranh giới giữa các bộ tộc, tạo điều kiện cho chính quyền thực dân Anh áp đặt ách đô hộ tại New Zealand vào năm 1840. Các sử gia đều cho rằng cuộc chiến này là một ví dụ điển hình về hậu quả nguy hiểm khi thổ dân bản địa được tiếp cận với những vũ khí hiện đại của châu Âu vào thời kỳ đó.

cuoc chien dam mau nhat new zealand vi mau sung phuong tay the ky 19 Mỹ thiệt hại gần 8 tỷ USD vì cuộc chiến thương mại của ông Trump

Chiến tranh thương mại do Tổng thống Donald Trump phát động đã làm GDP của Mỹ năm 2018 mất 7,8 tỷ USD. Đây là kết ...

cuoc chien dam mau nhat new zealand vi mau sung phuong tay the ky 19 \'Gót chân Achilles\' khiến Mỹ thua thảm Nga, Trung trong cuộc chiến giả định

Sự phụ thuộc quá mức vào căn cứ và chiến hạm lớn khiến Mỹ dễ bị tổn thương trước tên lửa đối phương trong xung ...

/ https://vnexpress.net