Theo Cục trưởng Đặng Hoa Nam, câu chuyện của cô giáo Nhung đang có sự không rạch ròi, minh bạch giữa việc cô là "thủ phạm" của hành vi trừng phạt học sinh quỳ gối và là "nạn nhân" của hành vi bị quỳ gối do phụ huynh ép làm.
Ông Đặng Hoa Nam. Ảnh: Zing.
Sự việc nữ giáo viên ở trường Tiểu học Bình Chánh (Long An) quỳ gối xin lỗi phụ huynh xôn xao dư luận những ngày qua cho thấy truyền thống "tôn sư trọng đạo" đang bị tổn hại nghiêm trọng.
Hình ảnh "cô giáo quỳ" trước mặt phụ huynh thật chua xót. Hình ảnh đó còn đâu sự tự trọng của "người chở đò", "người gieo chữ", còn đâu sự tôn nghiêm của “nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”.
Từ sự việc đáng tiếc trên, một lần nữa, vấn đề giáo viên có nên sử dụng hình thức roi vọt để giáo dục học sinh lại được đặt ra và "mổ xẻ".
Nhiều người cho rằng quan điểm “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Với không ít nhà giáo dục, việc răn dạy học sinh bằng roi vọt là một trong những hình thức phạt khá hữu hiệu.
Thế cho nên, có chuyện, trước đây, thế hệ ông bà, cha mẹ và các thầy cô đã ứng xử như thế với bản thân họ nên họ mới được nên người. Giờ đây, họ áp dụng các hình thức này với học sinh của mình để chúng tiến bộ, chẳng có gì sai trái cả.
Tuy nhiên, điều này liệu có đúng và phù hợp với nền giáo dục văn minh, nhân bản và thượng tôn pháp luật. Báo Lao Động đã trao đổi với ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao Động, Thương Binh và Xã hội) về vấn đề này.
Ông Nam cho rằng, quy chế nhà trường, Luật Trẻ em, Luật Dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật khác cấm tuyệt đối các biện pháp trừng phạt trẻ em bằng đòn roi, bắt học sinh quỳ gối, chạy vòng quanh sân trường, thậm chí liếm ghế. Đó là hành vi bạo lực, sỉ nhục người khác, bị xử phạt hình sự, hành chính hoặc các biện pháp kỷ luật của nhà trường.
Câu chuyện của cô giáo Nhung đang có sự không rạch ròi, minh bạch giữa việc cô là "thủ phạm" của hành vi trừng phạt học sinh quỳ gối và là "nạn nhân" của hành vi bị quỳ gối do phụ huynh ép làm. Hai hành vi trên đều vi phạm quy định nhà trường, Bộ Giáo dục - Đào tạo, và pháp luật.
Nữ giáo viên là nạn nhân của hành vi bắt quỳ gối xin lỗi của phụ huynh học sinh, cho nên người hạ nhục cô Nhung phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Song, không vì thế mà nữ giáo viên này không phải chịu trách nhiệm hành vi của mình. Hành vi ấy phải được điều chỉnh bằng vấn đề đạo đức, pháp luật, phải xử lý công khai, minh bạch và bình đẳng.
Ông Nam khẳng định, việc giáo viên sử dụng roi vọt hay hạ nhục học sinh tuyệt đối không được, chứ không phải nên hay không? Câu chuyện của cô giáo Nhung, là hệ quả của nạn bạo lực sinh ra bạo lực. Ai sai ai đúng đã có luật pháp can thiệp, không thể "ăn miếng trả miếng" như vậy được.
Theo Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em, phương pháp, kỹ năng, kỷ luật trẻ là không được bạo lực. Phương pháp này gọi là "kỷ luật tích cực".
"Tôi đề nghị các vị phụ huynh, giáo viên phải tìm hiểu, tham gia những khóa học hướng dẫn về các biện pháp "kỷ luật tích cực" để có những ứng xử văn minh ở mô phạm", cục trưởng nói.
Ảnh: Trẻ em vùng núi Quảng Bình chân trần kéo nhau lên rừng hái \'lộc trời\'
Hằng năm, cứ vào dịp đầu tháng Chạp cho đến hết Giêng, những trẻ em vùng núi huyện Minh Hoá (Quảng Bình) lại rủ nhau ... |
Người chú bị phạt cảnh cáo vì xích cổ cháu
Xác định hành vi xích cổ cháu do thiếu hiểu biết pháp luật, công an chỉ phạt cảnh cáo, không phạt tiền người chú. |